A man called Ove: tiếng cười thâm thúy từ Bắc Âu

LÂM LÊ 17/05/2017 20:05 GMT+7

TTCT- Ove, một ông già 59 tuổi cô độc, cáu bẳn, luôn giận dữ, căm ghét hàng xóm, lên kế hoạch tự sát nhiều lần nhưng thất bại..., có thể tóm tắt ngắn gọn nội dung A man called Ove - cuốn tiểu thuyết đầu tay của Fredrik Backman, một nhà văn đến từ Thụy Điển.

A Man Called Ove được chuyển thể thành phim
A Man Called Ove được chuyển thể thành phim

 

Là quốc gia lớn thứ 3 trong Liên minh châu Âu và lớn nhất trong 4 nước Bắc Âu thuộc vùng Scandinavia, đã từ lâu Thụy Điển mang đến cho thế giới những tác phẩm nghệ thuật tràn ngập tiếng cười lạc quan, trào lộng hoặc những triết lý nhân sinh sâu sắc với những phong cách khó trộn lẫn.

Ban nhạc ABBA, nhà văn thiếu nhi nổi tiếng Astrid Lindgren (Pippi tất dài) hay đạo diễn huyền thoại Ingmar Bergman... là những cái tên quen thuộc với cả thế giới với những tác phẩm kinh điển trở thành tài sản chung của nhân loại.

Hiện tượng mới từ Thụy Điển 

Hơn 10 năm trước, nhà văn - nhà báo Stieg Larsson trở thành hiện tượng toàn cầu với bộ 3 tiểu thuyết “thiên niên kỷ” thuộc thể loại trinh thám, tội phạm ly kỳ:

Cô gái có hình xăm rồng (The girl with the dragon tattoo), Cô gái đùa với lửa (The girl who played with fire) và Cô gái chọc tổ ong bầu (The girl who kicked the hornet’s nest) bán được hàng chục triệu bản, được chuyển thể thành phim ăn khách nhất mọi thời ở Thụy Điển, được Hollywood mua bản quyền sản xuất...

Vài năm sau đó, một nhà văn nhà báo khác là Jonas Jonasson khiến độc giả Thụy Điển và sau đó khắp toàn cầu lên cơn sốt với cuốn tiểu thuyết Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (Hundred-year-old man who climbed out of the window).

Với chất hài hước trào lộng và câu chuyện phiêu lưu vô tiền khoáng hậu, tác phẩm này cũng trở thành “hiện tượng kép” ở cả văn chương lẫn điện ảnh. Jonas Jonasson sau đó trở thành một tác giả có sách best-seller toàn cầu.

Gần đây nhất là Fredrik Backman, cũng là một nhà báo - nhà văn, tạo ra hiện tượng mới cho văn chương Thụy Điển với cuốn tiểu thuyết A man called Ove, trở thành cơn sốt khắp toàn cầu với gần 3 triệu bản được bán ra, bán bản quyền dịch thuật cho 38 nước (trong đó có Việt Nam).

Phiên bản điện ảnh cũng thành công lớn, đứng thứ 3 về số lượng người xem tại Thụy Điển, và giành được 2 đề cử Oscar hồi đầu năm 2017, trong đó có Phim nước ngoài xuất sắc nhất.

Fredrik Backman, sinh năm 1981, vốn là một blogger, nhà báo tự do làm việc cho một tờ tạp chí có tên là Cafe. Anh phải tranh thủ làm việc vào ban đêm và cuối tuần để dành thời gian ban ngày cho cuốn tiểu thuyết về một ông già 59 tuổi vừa nghỉ hưu, cáu bẳn, lên kế hoạch tự sát để chết theo vợ - người đã qua đời trước đó 6 tháng vì ung thư.

Cuốn tiểu thuyết của Backman bị nhiều nhà xuất bản từ chối vì “không có triển vọng về thương mại, dù nó được viết bởi một giọng văn đầy lôi cuốn và một nhân vật đặc sắc”.

Backman dẹp cuốn tiểu thuyết sang một bên để bắt tay viết một cuốn hồi ký về nghệ thuật làm cha mẹ trong thời đại ngày nay. Một nhà xuất bản cuối cùng đã đồng ý in cả hai và ngay lập tức, A man called Ove trở thành hiện tượng.

Tại Thụy Điển, nó bán được gần 900.000 bản (dân số nước này khoảng 9,5 triệu người) và trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất tại nước này kể từ The girl with the dragon tattoo. Các bản dịch ra tiếng nước ngoài cũng nhanh chóng tạo cơn sốt.

Tại Hàn Quốc, thậm chí có một câu lạc bộ fan cuồng của ông Ove đông đảo khi cuốn sách này bán rất chạy tại đây. “Không ai hiểu điều gì đang xảy ra. Thậm chí nhà xuất bản ở Hàn Quốc cũng kinh ngạc không hiểu tại sao cuốn tiểu thuyết về một ông già ở Bắc Âu lại bán chạy như thế tại Hàn Quốc” - Backman chia sẻ.

Tại Mỹ, A man called Ove có bước khởi đầu khá chậm và rồi sau đó qua hiệu ứng truyền miệng, cuốn tiểu thuyết bắt đầu tăng tốc và nằm trong danh sách best-seller suốt 18 tháng liền và giữ vị trí cao trong suốt 42 tuần.

Nhà xuất bản Atria Books giữ bản quyền tại Mỹ đã tái bản cuốn sách 40 lần và hiện đã có hơn 1 triệu bản được bán ra. Peter Borland, người giữ bản quyền in ấn cuốn tiểu thuyết tại Mỹ, nói rằng ông hoàn toàn bị tác phẩm này chinh phục, bởi “sự cảm động và hài hước song hành”.

“Nó có một giọng điệu đầy lôi cuốn và khác biệt hoàn toàn với những gì tôi đã đọc. Nó không phải là hài đen kiểu Scandinavia, nó chính là Scandinavia” - Peter nói.

Tiếng cười và nước mắt từ ông Ove

Cuốn tiểu thuyết của Fredrik Backman hấp dẫn ngay từ những trang đầu tiên. Ove - ông già cáu bẳn, cô đơn và kỳ quặc ấy - lại có một cách hành xử hài hước.

Ông luôn mồm gọi hàng xóm là “bọn đần” vì thói đậu xe bừa bãi, lái xe trong khu dân cư và không tuân thủ luật lệ, ông ta đấm vỡ mũi một chú hề ảo thuật vì dám... lừa ông.

Ông ta tranh cãi với nhân viên siêu thị về việc không đồng giá khi đi mua hoa mang ra mộ vợ. Phía sau đời sống hung hăng ấy là một tâm hồn không còn chút thiết tha nào với cuộc sống.

Nhưng trong từng lát cắt của cuộc đời ông, luôn là sự đan xen thật nhuyễn của bi và hài: Ove năm lần bảy lượt lên kế hoạch tự sát để chết theo vợ nhưng luôn bị đám hàng xóm phá đám giữa chừng.

Một lần, ông treo mình trên dây thòng lọng suýt thành công thì sợi dây bị đứt giữa chừng, Ove lập tức mang dây đến cửa hàng để khiếu kiện về chất lượng kém... Cả cuốn sách là sự tiếp nối của những kỳ dị, cộc cằn và cuốn hút, hài hước ấy.

Nhưng nếu chỉ thế thì cuốn sách sẽ giống như muôn vàn cuốn sách làng nhàng dễ tiêu khác. Backman dần dần khai mở quá khứ của Ove để rồi ta hiểu vì sao có sự căm ghét ấy, thái độ cộc cằn ấy, kiểu sống quá nguyên tắc và than phiền về mọi chuyện như vậy.

Đó là khi những ký ức của Ove được tái hiện qua những lần ông tự tử suýt thành công, khi dần dần mất đi sự nhận thức về cuộc sống là lúc những hồi ức bắt đầu hiện ra: ký ức của một cậu bé cô độc từ bé vì mẹ chết sớm, cha bị tai nạn trong lúc đang làm việc rồi cũng qua đời, ký ức về ngôi nhà, chốn dung thân cuối cùng bị cháy buộc Ove phải sống trên tàu, nơi anh ta làm việc rồi gặp Sonja, người phụ nữ, người vợ yêu quý của ông.

Họ đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và tràn ngập sự lạc quan cho đến khi cả hai gặp tai nạn trong chuyến đi nghỉ dưỡng trước khi sinh khiến Sonja mất đứa con đầu lòng của họ và phải ngồi xe lăn suốt đời... Những ký ức sống động, buốt nhói, xây đắp từ từ trong người đọc một niềm cảm thông vô hạn.

Hơn tất cả, A man called Ove là cuốn tiểu thuyết đầy thấu hiểu về tuổi già, sự cô đơn và chỗ đứng của họ trong cuộc đời này lúc xế chiều. 

Ở những nước có nền kinh tế phát triển và dân số già như Thụy Điển hay nhiều nước phát triển khác, Ove là một hình mẫu, một nhân vật mà nhiều người đọc có thể soi chiếu vào cuộc đời của họ.

Trong một xã hội mà công nghệ phát triển như vũ bão và sự cách biệt thế hệ ngày càng rõ rệt, làm sao để những người già có thể sống và hòa nhập với một thế giới ngày càng trở nên xa lạ với họ, làm sao để thích ứng với những tiện nghi và xu hướng mới mà họ không hiểu hoặc không muốn chia sẻ?

Và làm sao để tồn tại khi mà những người thân yêu và thấu hiểu họ nhất đã ra đi?

Những câu hỏi đầy chiêm nghiệm về cuộc sống và nhân sinh đó khiến phần cuối của cuốn tiểu thuyết có sức lay động và tạo được sự đồng cảm lớn.

Một độc giả lớn tuổi kể ông đọc cuốn tiểu thuyết này cho vợ ông ta (đều 70 tuổi) trong lúc đang nấu ăn và họ thường cười sảng khoái vì chất trào lộng, hài hước của nó.

Nhưng càng về sau, họ phải dừng lại nhiều hơn ở từng đoạn vì quá xúc động. Bình luận trên trang www.goodreads.com, độc giả lớn tuổi này viết: “Có bao nhiêu cuốn sách mà bạn đọc ngày hôm nay có thể tạo ra cho bạn những phản ứng về thể chất và cảm xúc mạnh mẽ như vậy?”.

Bốn năm sau hiện tượng A man called Ove, Fredrik Backman có thêm tác phẩm bán chạy khác là My grandmother asked me to tell you she’s sorry, cuốn sách đã bán hơn 500.000 bản và nằm trong danh sách bán chạy suốt 26 tuần.

Hai cuốn tiểu thuyết khác là Britt-Marie Was Here And every morning the way home gets longer and longer với chất trào lộng và hài hước thâm thúy quen thuộc, cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, giúp Fredrik Backman trở thành cái tên được săn lùng ở các nhà sách khắp toàn cầu.

Thừa nhận mình viết khá nhanh và có lượng người hâm mộ khá lớn khắp toàn cầu nhưng Backman vẫn không quen được với cuộc sống của một tác giả nổi tiếng. “Mỗi khi viết, tôi vẫn nghĩ như đang viết cho 20 độc giả” - anh nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận