Kiệt tác cổ thua cuộc

ED YONG 03/06/2017 22:06 GMT+7

TTCT - Một cuộc thí nghiệm có một không hai, so sánh âm thanh giữa đàn cổ Stradivari thế kỷ 17- 18 với những cây đàn mới, hiện đại...

Một cây đàn dòng Strad sản xuất năm 1687 được trưng bày tại Smithsonian Institution
Một cây đàn dòng Strad sản xuất năm 1687 được trưng bày tại Smithsonian Institution

 Năm 2012, cô Claudia Fritz ở Đại học Sorbonne tổ chức một buổi hòa nhạc nhỏ gần thủ đô Paris, với sự tham gia của 55 tình nguyện viên từ thế giới vĩ cầm, gồm các nhạc sĩ, nhà sản xuất vĩ cầm, nhà phê bình âm nhạc, nhà soạn nhạc...

Tại buổi hòa nhạc, cô đã đề nghị bảy nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng thế giới chơi sáu cây vĩ cầm. Ba trong số đó là đàn mới. Số còn lại là những cây vĩ cầm dòng Stradivarius cổ, do nghệ nhân người Ý Antonio Stradivari chế tác từ thế kỷ 17 và 18.

Không thể phân biệt

Nghệ nhân Stradivari đã làm khoảng 1.100 cây vĩ cầm và viola. Gần một nửa số đàn này cùng sự cảm nhận về chất lượng đặc biệt của chúng vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Chúng được những nghệ sĩ hàng đầu thế giới ưa chuộng và giá của những cây đàn này lên tới hàng triệu USD khi đưa ra đấu giá - không chỉ bởi chúng cổ và do nghệ nhân tài năng làm ra, mà còn vì (chất lượng) âm thanh. Âm thanh phát ra từ những cây vĩ cầm Stradivarius vẫn được cho là tốt hơn những cây đàn hiện đại.

Nhưng hãy thử kể điều đó với các thính giả đến dự buổi hòa nhạc của Fritz. Không được biết trước loại nhạc cụ nào là mới hay cũ, họ không phân biệt được sự khác nhau giữa những cây đàn dòng Strad và những cây vĩ cầm mới.

Hơn thế nữa, họ còn cảm thấy những cây vĩ cầm mới chơi hay hơn. Và khi Fritz lặp lại thử nghiệm với 82 thính giả tại một địa điểm khác ở New York, họ có kết luận tương tự.

Theo Martin Swan - một nhà kinh doanh vĩ cầm chuyên mua bán các nhạc cụ cổ và hiếm, một trong những thính giả của buổi hòa nhạc do Fritz tổ chức: “Đây là một thử nghiệm được thực hiện kỹ lưỡng, không có chỗ cho sự gian lận hoặc thay đổi kết quả. Nhưng tôi chắc rằng kết quả này bị những người cổ hủ nghi ngờ”.

Kết quả của thử nghiệm mới nhất này được công bố vào ngày 8-5-2017, đánh dấu lần thứ ba Fritz và các đồng nghiệp xem xét bí ẩn trong âm thanh của những cây vĩ cầm dòng Stradivarius và nhận ra rằng chẳng có bí mật nào cả.

Đó là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo với âm thanh tuyệt vời, nhưng cả nghệ sĩ vĩ cầm và thính giả đều không thể phân biệt âm thanh huyền thoại của chúng với âm thanh từ những cây đàn mới.

Fritz cho biết: “Nếu người nghệ sĩ cảm thấy tuyệt vời hơn vì đang chơi một cây Strad và điều đó khiến họ thích thú, điều đó tốt thôi. Nhưng tôi muốn giới trẻ, những người chưa có tiền biết rằng họ vẫn có thể chơi tốt trên cây đàn khác. Họ nên nghĩ thoáng và cảm nhận thoáng”.

Fritz không phải là một nghệ sĩ vĩ cầm, cô là một nhà khoa học biết chơi sáo. Nhưng cô tham gia cuộc tranh luận về những cây vĩ cầm dòng Strad sau khi gặp Joseph Curtin, một thợ làm đàn từng nhận giải thưởng Thiên tài Macathur.

Họ cùng nhau thuyết phục chủ sở hữu những cây đàn dòng Strad cho mượn những nhạc cụ quý giá và đắt tiền này để những người lạ mặt bịt mắt có thể chơi chúng.

Nghiên cứu đầu tiên của họ diễn ra trong Cuộc thi vĩ cầm quốc tế Indianapolis lần thứ 8, nơi hai người dẫn 21 thí sinh và giám khảo vào một căn phòng khách sạn ánh sáng mờ, đưa họ kính thợ hàn để họ không trông thấy gì, sau đó yêu cầu họ chơi sáu cây vĩ cầm, ba cũ, ba mới. Những cây đàn cũ có tổng giá trị lên tới 10 triệu USD, gấp 100 lần so với những cây vĩ cầm hiện đại.

Nhưng trong khi chơi đàn, các nghệ sĩ vĩ cầm lại thường chọn những cây đàn mới thay vì đàn Strad. Khi được hỏi muốn mang cây đàn nào về nhà nhất, 62% chọn đàn mới.

Trên thực tế, cây Strad nổi tiếng thuộc về một tổ chức chỉ cho phép những nghệ sĩ tài năng nhất sử dụng, lại là cây đàn bị từ chối nhiều nhất.

Tôi đã hi vọng có thể nói lên sự khác biệt, nhưng không thể” - nghệ sĩ vĩ cầm John Soloninka nói với tôi lúc đó. “Sau này, cô Fritz có gửi cho tôi những nhận xét tôi đã đưa ra trong khi chơi đàn, và thật buồn cười vì những cảm nhận của tôi tại thời điểm đó hầu như là sai cả!”.

Fritz và Curtin xuất bản kết quả nghiên cứu đầu tiên gây nhiều tranh cãi này vào năm 2012. Các nhà phê bình lập luận rằng chỉ với 20 phút thì chưa thể nào đánh giá toàn diện một cây vĩ cầm Strad, đặc biệt là trong không gian của một phòng khách sạn.

Một nhà phê bình ví von: “Ta không thể thử một chiếc Ferrari ở bãi đậu xe được”. Còn nghệ sĩ vĩ cầm Earl Carlyss cho biết: “Điều làm cho những cây đàn cổ trở nên vĩ đại chính là sức mạnh của chúng được thể hiện trong phòng hòa nhạc”.

Chính vì thế, Fritz và Curtin đã đi đến một phòng hòa nhạc trong nghiên cứu thứ hai của mình.

"...Các nhà sản xuất vĩ cầm nói với tôi điều này thay đổi cuộc sống của họ và họ cảm thấy được tự do. Họ muốn sao chép những tinh hoa thủ công của Strad, nhưng họ biết rằng họ có thể làm tốt hơn về mặt âm nhạc..."

 Cuộc thử nghiệm

Với sự trợ giúp của Hugues Borsarello, nghệ sĩ độc tấu người Pháp, người từng hoài nghi kết quả của nghiên cứu thứ nhất, nhóm đã tới phòng hòa nhạc 300 chỗ ngồi tại Paris cùng 10 nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng thế giới.

Trong điều kiện bị bịt mắt, các nghệ sĩ độc tấu có 50 phút để thử nghiệm 12 cây vĩ cầm - sáu cũ và sáu mới - rồi lựa ra bốn cây hay nhất. Các cây vĩ cầm được 4 điểm cho mỗi lần được chọn xếp đầu bảng, 3 điểm cho vị trí thứ hai và tiếp tục như vậy.

Và kết quả đã rõ: Những cây vĩ cầm mới được tổng cộng 35 điểm, trong khi những cây cũ chỉ ghi được 4 điểm.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu các nghệ sĩ độc tấu xếp hạng ba cây đàn gồm nhạc cụ của riêng họ, cây đàn họ chọn là hay nhất và cây đàn được xếp hạng hay nhất trong nhóm còn lại.

Về chất lượng tổng thể, các nghệ sĩ đánh giá các cây vĩ cầm cả cũ và mới ở mức độ tương đương nhau. Tuy nhiên, xét về các yếu tố còn lại - khớp nối, âm sắc, khả năng biểu diễn, âm độ, âm lượng - những cây đàn mới được xếp loại cao hơn.

Khảo nghiệm lần này sẽ lại gây ra những chỉ trích cho rằng đây không phải là một thử nghiệm hoàn hảo” - John Soloninka, nghệ sĩ vĩ cầm tham gia cuộc thử nghiệm đầu tiên lúc đó, đã nói với tôi.

Giới phê bình có thể chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến âm thanh của đàn như tối ưu hóa vĩ kéo, chỉnh dây, dành thời gian (làm quen) với đàn, “nhưng tất cả những yếu tố này chẳng thể khiến những cây đàn mới có lợi thế hơn những cây vĩ cầm cổ” - ông nói.

Nghiên cứu thứ ba và gần đây nhất đã diễn ra ngay sau nghiên cứu lần hai cũng tại phòng hòa nhạc ở Paris và một lần nữa ở New York. Lần này, do đã khảo sát quan điểm của các nghệ sĩ vĩ cầm, nhóm nghiên cứu tập trung vào thính giả.

Bảy nghệ sĩ độc tấu từng tham gia ở thử nghiệm lần hai đã chơi các trích đoạn tác phẩm của Tchaikovsky, Brahms và Sibelius trên nhiều loại vĩ cầm khác nhau trong khi so sánh cây đàn cổ với cây đàn mới.

Nhạc trưởng Frank Almond từng nói: “Một khía cạnh kỳ lạ và tuyệt vời của các nhạc cụ cổ Ý là âm thanh rộng mở và đạt đến độ phức tạp từ một khoảng cách xa, đặc biệt là trong một khán phòng hòa nhạc”.

Nhưng khán giả ở Paris dường như luôn cảm nhận những cây vĩ cầm mới thể hiện hay hơn so với các cây đàn cổ, dù chúng được chơi riêng hay chơi cùng một dàn nhạc. Và khi được yêu cầu đoán xem từng cây vĩ cầm là cổ hay mới, theo thống kê, khán giả không thực hiện tốt hơn việc chọn ngẫu nhiên.

Nhà báo Peter Somerford, một trong những thính giả, đã viết: “Thật là thách thức để bỏ qua một số đặc trưng khi quyết định xem đó là đàn cổ hay đàn mới. Thông thường, một cây vĩ cầm được cho là u uẩn, mạnh mẽ với dòng âm thanh Guarneri tầm trung đáng yêu trên thực tế lại là một cây đàn mới”.

Ông Swan, nhà kinh doanh đàn vĩ cầm, nói: “Ngày này thực sự là ngày của sự khám phá. Dường như chúng ta đã giải đáp được câu hỏi về khả năng trình diễn, giờ đây rõ ràng khán giả của buổi hòa nhạc sẽ là người lắng nghe người nghệ sĩ độc tấu và cây đàn hay mà không cần để ý đến tuổi tác hay tuổi đàn”.

Một năm sau, nhóm nghiên cứu lặp lại khảo nghiệm thứ ba. Họ đã sử dụng một khán phòng lớn hơn ở New York, mời thêm nhiều thính giả hơn và nhận được những kết quả tương tự.

Lần này, họ yêu cầu thính giả đã bịt mắt đánh giá từng cặp vĩ cầm, sau đó chỉ rõ xem mình thích cái nào hơn. Những cây vĩ cầm hiện đại một lần nữa lại chiến thắng.

 
 

 Tất cả còn lại trong tâm hồn

Fritz cho biết: “Chúng tôi không thể suy diễn những kết quả này cho tất cả những cây đàn Strad và tất cả những cây vĩ cầm mới”. Nhưng cô cho biết thế giới vĩ cầm đã bắt đầu để ý đến kết quả. 

Các nhà sản xuất vĩ cầm nói với tôi điều này thay đổi cuộc sống của họ và họ cảm thấy được tự do. Họ muốn sao chép những tinh hoa thủ công của Strad, nhưng họ biết rằng họ có thể làm tốt hơn về mặt âm nhạc. Họ cũng nhận thấy những thay đổi từ khách hàng của mình, những người đang thử những cây đàn mới vì họ đã nghe về những nghiên cứu này”.

Tuy nhiên, tại các cuộc thi vĩ cầm, các nghệ sĩ vẫn được hỏi ai đã chế tạo cây đàn của họ. Theo Fritz, nên chấm dứt những tập quán như vậy.

Như tôi đã viết trước đó, những cây vĩ cầm dòng Stradivarius là một ví dụ điển hình về cách chúng ta thường tự huyễn hoặc bản thân.

Cũng giống như việc các loại rượu đắt tiền chẳng có chút hương vị nào khá hơn so với các loại rượu rẻ tiền trong điều kiện khảo nghiệm bịt mắt, những nhạc cụ cổ này cũng không cho âm thanh tốt hơn so với những chiếc đàn hiện đại.

Nhưng khi mọi người không bị bịt mắt, sự mong đợi của họ có thể ảnh hưởng đến thực tế. Fritz cho biết: “Những gì bạn nghe được là một phần kết quả của những kỳ vọng của bạn chứ không phải là những âm thanh rót vào tai của bạn. 

Khi người ta nói những cây đàn Strad có âm thanh tốt hơn, điều này thực sự đúng với họ. Đó là bởi họ biết đó là một cây đàn Strad, chứ không phải vì thứ âm nhạc họ nghe”.

Nghiên cứu này liệu có ảnh hưởng đến thị trường vĩ cầm cổ của Ý? Tôi không nghĩ thế - Swan nói - Chúng đắt tiền vì chúng rất hiếm cũng như là của dòng nguyên bản, và đây chính là những phẩm chất không thể bị phủ nhận hoặc xói mòn".

 
 The Titanic violin

 Nghệ sĩ vĩ cầm Laurie Niles, người tham gia cuộc khảo nghiệm đầu tiên ở Indianapolis, viết: “Chúng tôi là nghệ sĩ, lịch sử và trí tưởng tượng là một phần của nó”.

Khi cầm trên tay một cây Stradivarius, cô vẫn nhớ mình đã tự hỏi làm thế nào mà cây đàn vẫn có thể giữ được vẻ nguyên sơ đến vậy sau nhiều năm. “Thứ gỗ làm nên cây đàn đã ở trong rừng 200 năm trước khi nó được tạo hình. 

Nhưng còn một yếu tố thêm vào: Đây là cây vĩ cầm do Vieuxtemps từng chơi và sau đó đến lượt nhiều nghệ sĩ khác - thứ âm nhạc mà nó đã tạo ra thật tuyệt vời! Kiệt tác này hàng thế kỷ qua đã không chỉ tồn tại dưới dạng hình hài, nó còn tồn tại trong tâm hồn”.■

Zac Herman (lược dịch từ The Atlantic)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận