Mùi cha

TRẦN CHIẾN 22/06/2017 23:06 GMT+7

TTCT- Với tôi, ông gần như không còn là cha, mà là một nhân vật phong phú, đa diện đáng ngắm nghía.

Gia đình “nhỏ” dưới chân Tam Đảo, năm 1951. Từ phải sang: bà Nguyễn Thị Hy (Sửu) bế con trai Trần Chiến, một người thân, con trai Phạm Dũng, con gái Trần Nguyệt Quang -Ảnh do gia đình cung cấp
Gia đình “nhỏ” dưới chân Tam Đảo, năm 1951. Từ phải sang: bà Nguyễn Thị Hy (Sửu) bế con trai Trần Chiến, một người thân, con trai Phạm Dũng, con gái Trần Nguyệt Quang -Ảnh do gia đình cung cấp

Tôi tin rằng mỗi người đều có ấn tượng về mùi vị của người thân, nhất là từ tấm bé. Như mẹ thường ngầy ngậy, chị thơm thơm, em có hơi sữa, anh dễ là chua chua...

Tôi không giữ lại gì về mùi của cha mình, chả sướng khi được giới thiệu cái “chức danh” là con của ông; hình như cũng là một thứ tâm lý “con vợ lẽ”. Có lần nghe ông giảng giải “Con với anh Diễm anh Công chị Hồng chị Vân là cùng cha khác mẹ, với anh Vinh anh Dũng là cùng mẹ khác cha, với chị Quang là cùng mẹ cùng cha”, tôi chóng hết cả mặt.

Tôi cùng anh Vinh, anh Dũng, chị Quang ở với mẹ, dĩ nhiên mùi mẹ sâu đậm. Cha thường về hằng tuần, hỏi han chốc nhát rồi đi.

Thỉnh thoảng ông đi công tác xa, cho tôi theo. Lần lên Thái Nguyên, nửa đêm mót tiểu, trời tối đen không tìm được cửa, tôi “đánh tháo” luôn xuống nền đất, may sáng ra không bị phát hiện. Giờ đã lên “chức” ông ngoại, đêm thường dậy giữa chừng, tôi lại nghĩ sao lúc đó mình không gọi cha nhỉ, mà mẹ đã khác...

Cha tôi mất đột ngột năm 1969, ít lâu sau báo tử của chồng chị Hồng từ chiến trường. Đám tang nặng nề, trưởng ban tổ chức lễ tang từ chối đọc điếu văn, các chú trong cơ quan lo lắng giải quyết quan hệ giữa hai bà vợ cho suôn sẻ.

Mười tám tuổi chỉ “trực cảm”, tôi thấy sự mất mát cha không lớn bằng nỗi ấm ức cho mẹ. Rồi có những câu nói, những động thái li ti đánh thức tôi, từng chút một, muốn tìm hiểu cha. Đầu tiên là việc biết theo một chỉ thị mồm, toàn bộ lai cảo, bản thảo, thư từ, nhật ký... của ông bị đem đi, hai năm sau trả lại, anh Diễm đưa sang Viện Sử học. Vì cái gì thế nhỉ?

Năm 1977, nhờ công sức ông Văn Tân, tập Thơ Trần Huy Liệu ra mắt, chính ông đứng ra chia nhuận bút, tôi có chiếc xe đạp đi về.

Giữa những câu thơ khá cổ kính hoặc gân guốc, tôi buồn cười bắt gặp cha mình thật lãng mạn, đang đóng thằng tù cứ tơ tưởng cô Thái này cô Mường nọ. “À, cha cũng ướt át tệ”, nghĩ thế và không thể ngờ ông đầm đìa đến mức nào.

Những thôi thúc tìm hiểu ngày càng nhiều, thành nhu cầu “không tránh được”. Tôi đến Viện Sử xin đọc hồ sơ, xếp riêng trong một tủ. Thủ thư ưu ái cho mang về nhà mỗi lần vài quyển.

Nhiều thứ quá, chỉ đủ tiền photocopy một phần của hơn hai chục quyển nhật ký, chủ yếu trong kháng chiến, và dự thảo bản tổng kiểm thảo trong đợt chỉnh huấn năm 1952. Cuộc chỉnh huấn khắc nghiệt này là thời điểm quan trọng để cha tôi giảm những công việc “hư quyền”, chuyển sang làm khoa học với sự kiện thành lập Ban Nghiên cứu sử - địa - văn năm 1953.

Năm 1991, Hồi ký Trần Huy Liệu ra đời, in kèm thư mục, có công rất lớn của anh Phạm Như Thơm. Tôi lại mò lên Đà Lạt, lộn về Sài Gòn tìm bằng được bà Phạm Thị Bách, tức Thu Tâm nữ sĩ, nàng thơ một thời của cha, được bà cho xem bản thảo cuốn Những ngày xa xưa ấy sau này ra mắt bên Mỹ với bao nhiêu say đắm, hờn giận cùng ông.

Rồi đến những cộng sự, người thân khác của cha, ghi chép đúng kỹ năng sưu tầm tư liệu, hỏi cả những hạn chế cùng cá tính, nét sinh hoạt của ông.

Càng tìm hiểu, tiếp xúc, tôi càng thấy ngổn ngang, thú vị đến say mê. Với tôi, một người làm báo, viết văn, đây gần như không còn là cha, mà là một nhân vật phong phú, đa diện đáng ngắm nghía.

Về phương diện nhà thơ, ông là người sung mãn tình cảm, “chỉ hộc ra thơ” hay vẫn chỉ là anh nói chí? Về phương diện chính trị, ông bồng bột nông cạn hay là nhìn thấy nhiều vấn đề quá sớm? Về sử học, ông có đóng góp gì về phương pháp, nhận định hay chỉ là người tập hợp tư liệu đơn thuần?

Về phương diện người tình, ông có là một kẻ phiêu lưu “đi không đến nơi về không đến chốn”, chẳng thể đem lại hạnh phúc cho người mình yêu không?

Tất cả những câu hỏi đó khó bề giải quyết cặn kẽ, nếu không thấy cái ý nghĩa chủ yếu, nét trội bật nhất trong con người Trần Huy Liệu, rằng đó là một con - người - tìm kiếm.

Quả là cha tôi luôn phải đi tìm một cái gì đó trong cuộc sống 68 năm căng thẳng của mình. Những cuộc tìm đó, khi thì do bản năng ưa thích, nhạy bén với cái mới, khó thỏa mãn để chấp nhận thực tại của mình; khi lại bất đắc dĩ, bị hoàn cảnh bó buộc, đã đem lại sự thăng trầm, khổ đau và hạnh phúc cho ông.

Từ một cậu bé ở quê Vụ Bản khổ luyện chữ Nho, ông lớn vụt lên, trở thành nhà báo có cỡ ở đất Nam kỳ thuộc Pháp.

Từ ông bộ trưởng nổi tiếng của chính phủ lâm thời, ông mất dần quyền chức, để đến cuối cuộc kháng chiến 9 năm bắt đầu lại, gây dựng nền sử học mới.

Đời ông gắn bó với những sự kiện, nhân vật, phong trào chính yếu nhất của khoảng 50 năm dân Việt nhận đường: Nho tàn, Tây học, lập Đảng Thanh niên, gia nhập Quốc Dân đảng rồi thành người cộng sản.

Ông đã lên đỉnh danh vọng (chứ không phải quyền lực) trong nhóm lãnh đạo Việt Minh năm 1945-1946. Cha cứ “tằng tằng” thế thì số phận con đã khác, được “tập ấm” chẳng hạn, nếu không có đoạn cuối...

“Nói chung lập trường dân tộc chống đế quốc chủ nghĩa rất vững, rất đắc lực trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nhưng tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thì thấy mệt mỏi, phải cố gắng nhiều.

Đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nói chung rất say mê, ham thích. Đối với quy luật lịch sử nắm vững và tin tưởng, nhưng lập trường giai cấp biểu hiện ra ý thức và hành động thì thấy khó khăn...

Đối với Đảng theo nghĩa trừu tượng thì tình cảm sôi nổi, nhưng nhìn vào từng người thì kém nồng nhiệt”.

Đó là những lời tự kiểm thảo trong chỉnh huấn năm 1959, khi ông đã được chuyên chú làm anh trí thức, đỡ phụ thuộc hơn nhưng không thể độc lập hẳn.

Tôi cũng không thể ngờ giữa thời “đỉnh cao” và đoạn làm khoa học, có thời điểm ông muốn tự sát. Rồi thôi, “phần vì sợ chết phần thương vợ con”. Ông là người quá mẫn cảm, kém thích nghi, khó yên bề nên tâm không thể an.

Cha tôi có thể chất rất khỏe, những cơn xuất huyết não cuối đời rồi cái chết, tôi nghĩ là một kết cục không thể khác.

Tôi tạm đóng lại cuộc tìm hiểu cha bằng một bài viết cho mình, đặt tạm là “Cảm tính bổ sung”. Để đấy thôi, nhưng những chiêm nghiệm, mổ xẻ, phân tích tiếp tục diễn ra.

Nhờ ông, tôi hiểu và yêu thích lịch sử hơn, biết thế nào là hạn điền hạn nô của Hồ Quý Ly, bi kịch Nguyễn Trãi, cuối đời Phan Bội Châu đã loạng choạng khi “muốn” ngả vào chủ nghĩa Mác ra sao...

Tôi cũng học được “quan điểm” nhìn ai phải đặt mình vào bối cảnh sống của người ấy, rằng một sự kiện nổi bật không hiện ra nếu chả có quá trình vận động chậm chạp, lặng lẽ không hề có tên trước đó. Tôi cũng không ngờ rằng mình rồi sẽ viết về cha với một “độ lùi” đáng kể, không như một người con bình thường.

Mũi kim chọc vào cái “bọc” nhận biết, cảm thức của tôi về cha, không ngờ lại từ nơi làm sách cho trẻ em. Cuốn Đường về nghiệp sử in năm 2001, Nhà xuất bản Kim Đồng đặt viết trong loạt sách về 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20, dễ đọc, con tôi nhận xét “giọng nhí nhảnh”.

Ít lâu sau, anh Trần Đình Nam, biên tập viên ở đây, bàn: “Còn nhiều chuyện, ông viết tiếp đi”. Tôi nhăn nhó: “Ông Liệu xương xẩu bỏ mẹ, viết cho trẻ thế nào”, thì Nam “hạ” chắc nịch: “Ông quên chuyện viết cho trẻ đi”.

Thế là “thả phanh” nhưng không phải không có chừng mực, xác định tư liệu đóng vai trò quan trọng hơn chủ quan người viết, nhất là giai đoạn sát sạt gần đây thì chỉ nói có sách mách có chứng chứ không xông vào phân tích mổ xẻ.

Cuốn Cõi người ra đời ở Kim Đồng năm 2009, biên tập rất ít, nhà xuất bản coi là một thành công, rồi tái bản ở Nhà xuất bản Văn Học, Trẻ. Nhiều trang mạng trong, ngoài nước đưa lại ghi chép của cha tôi về cải cách ruộng đất trong sách.

Tôi thấy mình làm được một việc lớn, an tâm và có chút tự hào nhưng cũng tiêng tiếc, rằng người ta chú ý đến sự kiện hơn là phần chìm bên dưới. Nhưng cuốn sách nào cũng có số phận riêng, phụ thuộc vào tâm lý xã hội, tâm thế người đọc, chứ người viết không làm chủ được.

Tôi đã hoàn thành cái nhu cầu viết về cha, cũng là nhu cầu “tổng kết” những ngắm nghía của một tác giả với đối tượng của mình.

Mùi cha đến chậm chậm nhưng lại có khí vị riêng thật.■

Kỳ tới: Tác giả của Bỉ vỏ qua câu chuyện của con gái: "Nguyên Hồng: mê viết và mê con"

Trần Huy Liệu, năm 1923, trước ngày rời quê vào Sài Gòn-Ảnh do gia đình cung cấp
Trần Huy Liệu, năm 1923, trước ngày rời quê vào Sài Gòn-Ảnh do gia đình cung cấp

 

Cha: Trần Huy Liệu (1901-1969), quê Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định. Nghề nghiệp: nghiên cứu lịch sử, từng làm việc tại Viện Sử học. Tác phẩm chính: Anh hùng khứ quốc - Ông Nạp Nhĩ Tốn (Nelson), Một bầu tâm sự, Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, Nguyễn Trãi.

Từ lúc còn rất trẻ, bức bối với chế độ thuộc địa, Trần Huy Liệu đã muốn tạo ra thay đổi. Dấn thân vào nghiệp làm báo ở Nam kỳ, ông tham gia Việt Nam Quốc Dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo.

Trần Huy Liệu bị đi đày ở Côn Đảo, tại đây ông tìm đến tư tưởng cộng sản. Ông tham dự vào tiến trình kiến tạo nền đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành người soạn Quân lệnh số 1 phát lệnh Tổng khởi nghĩa 1945, trưởng phái đoàn Chính phủ lâm thời tiếp nhận ấn kiếm của Bảo Đại, bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền nước Việt Nam độc lập, để rồi thành người phụ trách ngành sử học nước nhà.

Cuộc đời ít yên ả của ông đã được người con út - nhà văn Trần Chiến - tái hiện trong cuốn sách chân dung Trần Huy Liệu - Cõi người (Nxb Trẻ, 2016).

Con: Trần Chiến. Tên thật Trần Trường Chiến. Sinh năm 1951. Nghề nghiệp: biên tập sách, phóng viên. Từng làm việc tại báo Hà Nội Mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận