Vậy thôi, cứ chạy đi

TRẦN NGUYÊN 16/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT- 4 giờ sáng chủ nhật, gần 5.000 người có mặt tại bờ biển Đà Nẵng. Ai cũng đầy hưng phấn: người thì hăng hái chạy tại chỗ, kẻ thì hít đất, vài nhóm bạn tụ tập co duỗi chân tay.

María Lorena Ramírez.-Ảnh: eurosport.ru
María Lorena Ramírez.-Ảnh: eurosport.ru

 Súng bắn cái đùng, mọi người vừa reo hò vừa xuất phát khi những hạt nắng đầu tiên bắt đầu rơi xuống mặt nước...

Giải marathon quốc tế Đà Nẵng năm nay có tổng cộng 3 cự ly chính thức: 10km, 21km và 42km. Cộng thêm cự ly phong trào 5km để làm từ thiện.

Trước khi diễn ra chính thức (hôm 6-8) khoảng 10 ngày, mọi suất chạy chính thức đều đã được “bán” sạch, danh sách chờ thì dài dằng dặc, tình hình “chuyển nhượng” suất chạy cũng diễn ra khá sôi nổi trên các diễn đàn về thể thao. Ai cũng muốn có mình trong bữa tiệc thể thao dễ chịu này.

Dễ chịu, vì ngoài việc xuất phát hơi sớm chút thì đường chạy rất đẹp, dọc bờ biển và mặt trời cứ lên dần, lên dần, trời mây biến đổi liên tục, đẹp tới mức quá chừng người chạy phải dừng lại để... chụp hình “tự sướng”.

Dễ chịu hơn là cự ly 10km không quá thách thức mà vẫn có một cái huy chương đem về... sống ảo, cũng là thứ hay ho để... dạy dỗ con cháu, nên nhiều người hăng hái rủ cả gia đình, công ty cùng nhau chạy.

Dễ chịu hơn nữa là cứ chạy một lúc lại có các tình nguyện viên xinh xắn của Đà Nẵng đứng reo hò cổ vũ. Còn gì nữa mà không chạy?

Bởi vậy, trên đường chạy gặp gỡ biết bao nhiêu là người quen. Đập tay một phát khi đi ngang qua nhau, hẹn hò một tiếng cà phê sáng khi hoàn tất đường đua.

Đây là ông Trịnh Chí Cường - tổng giám đốc công ty nhựa bay từ Sài Gòn ra, kia là ông Nguyễn An Nguyên - tiến sĩ từ Mỹ về, nọ là Bobby Liu - một trong những người đầu tiên xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Rồi luật sư Stanley của Hãng luật Frontier vừa từ Nhật sang tối qua, còn có bốn cha con nhà anh Nguyễn Hùng từ Úc cũng kịp dắt nhau về tham gia. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ gay, và phì phò sung sướng. Đang chạy giải marathon quốc tế cơ mà...

Tự dưng thấy giữa đường chạy rộn ràng có một ông Tây, tóc đã bạc trắng, đeo tai nghe, cần mẫn chạy những bước nhỏ và có chút khó nhọc, nhìn có chút cô đơn.

Lại nhớ chuyện ông tác giả Murakami viết trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ rằng ông chọn chạy bộ để đầu óc không phải nghĩ ngợi bất kỳ điều gì, cho nó trống không, một kiểu như thiền...

Không biết thực hư thế nào, nhưng ông viết cả một cuốn sách nằm trong dạng bán chạy nhất mà chỉ loanh quanh trải nghiệm trên đường chạy cũng thú vị vô cùng...

42km là cự ly không dành cho dân nghiệp dư. Vậy nên khi dân nghiệp dư đang chạy tà tà cười toe toét trước ống kính thì thỉnh thoảng có dân chuyên nghiệp chạy vọt qua với tốc độ tưởng chừng của... tên lửa.

Nhiều người có thêm cả săn sóc viên đạp xe đạp song song phía ngoài, nhiều người “vũ trang” tận răng: áo làm bằng chất gì đó để chống nóng, chống mất nước, túi đeo có vòi nước ẩn bên trong, quần chạy chuyên dụng và đôi giày siêu mắc tiền.

Lại kèm theo lỉnh kỉnh muối khoáng, thanh dinh dưỡng hay gì gì đó và một mớ đồ chơi công nghệ rất phức tạp. Đúng là chuyên nghiệp có khác, phải bay từ xa lắc tới, và hi vọng cải thiện thành tích của mình, có khi còn muốn phá kỷ lục nữa.

Mấy vị này ăn uống cũng cầu kỳ, lịch tập cũng khắc nghiệt, bởi vậy mới hi vọng thành tích cao được. Nghề chơi đúng là rất công phu. Thật phức tạp.

Mà nói tới phức tạp, lại nhớ chuyện một cô gái người dân tộc Tarahumara 22 tuổi vừa mới giành chức vô địch giải “siêu marathon” của Mexico trên chặng đường 50km với trang phục là chiếc váy và một đôi xăngđan cao su cắt ra từ lốp xe cũ.

Cô nàng tên là María Lorena Ramírez nổi tiếng thế giới với gương mặt hết sức căng thẳng, ôm khư khư tấm bảng giải thưởng trị giá 6.000 pesos (khoảng 320 đôla Mỹ) và đôi “dép râu” huyền thoại của mình.

Người ta kể rằng để tham gia cuộc thi, hai anh em cô phải đi bộ suốt hai ngày đường từ trên triền núi nơi họ sống, sau đó đi nhờ xe một vận động viên khác qua đoạn đường 500km rồi sáng sớm hôm sau đã ra đường chạy.

Cô chạy khoảng 7 tiếng đồng hồ, chỉ với chai nước nhỏ trên tay, chiếc váy tung bay, rồi vượt qua 500 vận động viên chuyên nghiệp đến từ mọi nơi trên thế giới.

Sau giải thưởng, cô gái lại về với dãy núi của mình, nơi hằng ngày cô phải đi khoảng 15km để lùa đàn dê ăn cỏ, rồi lại lùa chúng về, nơi có một mớ bò đang chờ cô mang cỏ về nuôi. Chức vô địch, với cô, đơn giản là một công việc “kiếm thêm thu nhập”.

Tò mò thêm chút về dân tộc của nhà vô địch kỳ lạ này, mới thấy họ chính là những người đã sống hàng trăm năm nay theo một lề lối cũ xưa: gắn kết chặt chẽ với tự nhiên. Nói như tựa của tập sách nổi tiếng của Christopher McDougall, họ là những người “sinh ra để chạy”.

Lục lọi thêm chút nữa, thấy Chris có một bài nói trên Ted về chuyện này, với thông điệp đơn giản lắm: “Chúng ta thực sự sinh ra để chạy, một cách tự nhiên, một cách hòa hợp, một cách không nghĩ suy. Vậy thôi, cứ chạy đi...”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận