Zac Herman  - Người hát đồng dao và kẻ đốt thuyền 

VĨNH QUYỀN 03/09/2017 16:09 GMT+7

TTCT - Tác phẩm văn học song ngữ là phân khúc khiêm tốn nhất trong thị trường sách Việt Nam.

Zac Herman
Zac Herman

 Dù văn nhân Việt trong quá khứ có truyền thống sử dụng đồng thời hai văn tự Hán, Nôm, và thêm văn tự thứ ba “quốc ngữ Latin” từ cuối thế kỷ 18, nhưng hiện nay sáng tác song ngữ là công việc không tưởng ở Việt Nam, có chăng chỉ là hiện tượng lẻ loi.

Trường hợp song ngữ Zac Herman

Từ lâu trên thế giới đã vang dội những cái tên sáng tác bằng ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ như Vladimir Nabokov (Nga), Joseph Conrad (Ba Lan), André Brink (Nam Phi), Elif Safak (Thổ), Jack Kerouac (Pháp - Canada), Samuel Beckett (Ireland), Agota Kristof (Hungary), Rolando Hinojosa-Smith (Mỹ), Anna-Kazumi Stahl (Mỹ - Nhật)...

Ngôn ngữ thứ hai họ sử dụng là những ngôn ngữ phổ biến nhất trên Trái đất: Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

Trong bối cảnh như vậy càng thấy rõ Zac Herman là trường hợp khác, cá biệt, thậm chí chưa từng có: một nhà văn người Mỹ viết truyện, làm thơ song ngữ, mà ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, đăng trên báo Việt Nam (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động), xuất bản tại các nhà xuất bản Việt Nam.

Trước Zac, tôi từng biết hai người nước ngoài giỏi tiếng Việt như tiến sĩ ngôn ngữ học Ivo Vasiljev (Tiệp Khắc), dịch giả Việt - Tiệp, và Joe Ruelle (Canada).

Với bút danh “Dâu” hoặc “Dâu Tây”, Joe thường xuất hiện trên các báo Việt với những bài viết tiếng Việt thông minh, dí dỏm và đã xuất bản hai đầu sách: Tớ là Dâu (2007) và Ngược chiều vun vút (2012), thiên về văn truyền thông, tiểu phẩm.

Trong khi đó Zac hướng đến tiếng Việt trong môi trường văn chương.

Nhìn vào mối quan tâm và hoạt động của anh đối với tiếng Việt, chắc nhiều người Việt sẽ thấy quý mến anh và không khỏi băn khoăn về bản thân: dành ba năm đọc và dịch bộ truyện cổ Việt Nam sang tiếng Anh (NXB Thế Giới, tập 1, 2017), dành gần bốn năm đọc và dịch Thi nhân Việt Nam - công trình nghiên cứu - phê bình xuất sắc của Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản năm 1942; dịch 10/16 truyện ngắn trong tập The Dusk Wolf / Sói Hoàng Hôn của Vĩnh Quyền (NXB Hội Nhà Văn, 2015); sáng tác tập truyện song ngữ Who Can Fly? / Ai biết bay? (NXB Hội Nhà Văn, 2016), sáng tác tập thơ song ngữ Dragon Beach / Bãi biển rồng (NXB Hội Nhà Văn, 2017) và đang nghĩ đến việc đọc tiếng Việt cổ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và dịch sang tiếng Anh...

Đôi khi tôi không biết rồi Zac sẽ chuyên tâm dịch văn học Việt - Anh hay sáng tác song ngữ Anh - Việt, hoặc song song. Nhưng tôi biết chắc một điều: những gì Zac dành cho tiếng Việt khởi từ tình yêu và niềm vui sáng tạo.

Tập thơ song ngữ của Zac Herman phát hành cuối năm 2017.

Người hát đồng dao cuối cùng và kẻ đốt thuyền trong mơ

Thơ giới thiệu trong tập Bãi biển rồng được sáng tác những năm gần đây, là những năm Zac Herman chọn Việt Nam làm nơi sống và yêu thương. Chúng đứng cạnh nhau mà khác đến mức đối lập về cấu tứ cũng như hình thức thơ.

Đôi khi giản dị như ghi chép một mẩu chuyện ngày thường gặp tình cờ trên đường phố.

Người bán vé số, bố trẻ

Có con gái nhỏ hơn tuổi

Bố đưa xấp vé số 

Thả bé yêu như cún 

Vào quán cà phê ngoài trời....

Bé ngây thơ đến bên khách

Lẽ tự nhiên, khách mua vé 

(Người bán vé số)


Đôi khi như tường thuật một chuyến đi đáng nhớ với những con người cụ thể trong không gian thời gian cụ thể.

Bắt xe đi Ninh Bình; bầu trời mù xám 

Thuyền chèo lắc lư, trôi vào động Tam Cốc

Chùa Bái Đính khôi nguyên, Hoa Lư đổ nát 

Cúc Phương lặng xanh. Quay về phố lạnh 

Ăn tôm và dứa, uống trà gừng nóng 

Cà phê ngoài trời. Cô chủ lúc đầu e dè 

Mở lòng ra khi tôi nói tiếng Việt 

(Một chuyến đi, một bạn cũ)

Và nếu ta chưa biết nhà thơ người Mỹ đã và đang dành nhiều thời gian đọc Thơ mới Việt Nam (1932 - 1945) hẳn sẽ ngỡ ngàng khi gặp dòng ghi chú phong cách cổ điển ngay dưới tựa đề bài thơ trên: Cảm hứng bài Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ.

Thậm chí trong Bãi biển rồng ta còn gặp Zac Herman như một trong những kẻ hát đồng dao cuối cùng với cái nhìn trẻ thơ trong veo và nhân ái trước thế giới xung quanh.

Voi sở thú 

Già cằn cỗi

Da khô nẻ

Bụi phủ đầy

 Gầy trơ xương 

(Voi sở thú).

Thật ra cái mà ta thoáng tưởng gần gũi, thậm chí cổ điển kia là một trong hình thức mở của thơ hiện đại, hướng đến nghệ thuật tối giản. Cảm giác đó càng rõ khi đọc những bài thơ không có câu chuyện nào của Zac.

Một giọng nói 

Đầy căn phòng 

Không biết chắc 

Có hay không 

(Giọng nói).

Không bất kỳ không gian, thời gian.

Một nơi nào không tên 

Không thể gọi tên, tồn tại 

Trong đầu 

(Trong đầu)

Nhân vật ngôi thứ nhất cũng không hẳn là cái tôi tác giả.

Một giọng nói 

Đầy căn phòng 

Tôi biến mất 

Có đôi lần 

Tôi là tường 

Có đôi lần 

Tôi khoảng không 

(Giọng nói)

Thơ Zac thuần túy sinh ra từ suy tư hay cảm giác.

Ngón tay vô dụng 

Cảm giác 

Không còn liên lạc 

Bàn tay bẻ vụn 

Những thỏi đất 

(Quay về).

Từ cơn mê sảng. 

Mê sảng trên sàn tôi tự hỏi 

Cơ may nào tôi hiện hữu lúc này 

(Bóng ma).

Và cả từ nỗi ám ảnh cái chết. 

Người ta sẽ đến mang ghế đi 

Buông rèm, lần nữa phòng lại tối 

Mấy trang ghi chép, xâu chìa khóa 

Ví da đã cũ để trên bàn

Chỉ có thế còn lại của tôi

(Còn lại).

Có thể nhận ra thơ Zac hầu hết là kết quả của quá trình khép kín giữa quan sát suy ngẫm - thăng hoa cảm xúc, và hội nhập chủ thể với khách thể.

Nhà thơ được đánh thức bởi khoảnh khắc diệu kỳ, hoặc đắm chìm vào chi tiết nhỏ nhặt, quen thuộc đến mức ta thường trượt qua trong đời sống.

Chẳng hạn, ba ô cửa sổ trên bờ tường một ngôi nhà cao tầng:

Ba ô cửa trên góc tường 

Vài chậu kiểng héo tô điểm 

Bồ câu trắng, hồng bay đến 

Tìm chỗ trú vào ban mai.

Rồi đến một lúc chính người quan sát - nhà thơ biến thành ô cửa thứ tư trong toàn cảnh:

Ba ô cửa trên góc tường 

Từ ô cửa nhà tôi ngắm 

(Ba ô cửa).

Thơ Zac lắm khi như lạc vào cõi giới tịch mịch Đông phương, cả tứ lẫn lời, nhưng cuối cùng vẫn là một căn cước thơ hiện đại Mỹ, khác chăng là một người Mỹ tha hương, rong ruổi khám phá cái tôi trong một nền văn hóa dị biệt.

Và ta lạnh người khi nhà thơ dự cảm nơi ban đầu chọn làm điểm dừng sẽ là miền an nghỉ vĩnh cửu: Trên bãi biển rồng, tôi cắm trại 

Tự nhủ ‘từ hôm nay 

Mình sống giữa các con rồng’...

Lặng yên, trong những hàm rồng, lìa đời 

(Bãi biển rồng)

Lựa chọn này không là thoáng chốc mà được nuôi dưỡng, lớn dần một quyết định, bình thản và giản dị, dẫu vẫn có nước mắt trong lòng kẻ đốt thuyền, ở lại.

Giản dị. Như tôi đã muốn 

Phải nhắc mình khi đứng dậy bước đi 

Rằng tôi chẳng thể rời xa bãi biển 

Là điều tôi biết 

 Từ khi đốt thuyền 

 Và khóc thầm lặng

(Giản dị)

Với một lựa chọn vừa hạnh phúc vừa mất mát hệ quả như vậy, hẳn lời nói ngày thường sẽ không diễn đủ, nên phải nương đến đôi cánh của thơ. Nhưng nếu thơ cũng bất lực, thì sao hở Zac?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận