Định mệnh bị trù dập

TRẦN QUỐC TÂN 24/05/2016 19:05 GMT+7

TTCT - Liên hoan phim Cannes năm nay mở màn bằng Café society, đây là lần thứ ba Woody Allen có vinh dự này.

Một cảnh trong Café society
Một cảnh trong Café society


Nếu như Midnight in Paris, mở màn cho Cannes 2011, mô tả nét đẹp dung dị của một thành phố về đêm u ảo buồn và hoài niệm về “hội hè miên man” đầy sức sống qua cuộc bách bộ của một người du hành thơ thẩn, Café society đem đến cho người xem gợi ý, rằng thứ gọi là sức sống có một cách lưu chuyển bắc cầu, qua giấc mơ và hiện thực, qua các hiện thực khác nhau và cả những giấc mơ khác nhau.

Phim Woody Allen, mặc dù càng ngày càng khiến người ta cảm thấy là lặp đi lặp lại một kiểu: triết lý hiện sinh, phong lưu của người New York, thoại nhiều và nhanh... nhưng gần đây phim ông gợi cho người xem một niềm hứng thú mới, hứng thú hạnh ngộ với những nhân vật nữ tài năng khả ái: Vicky Cristina Barcelona (với Penélope Cruz và Scarlett Johansson), Midnight in Paris (Carla Bruni, Rachel McAdams và Marion Cotillard), Irrational man (Emma Stone) và đến Café society ta có Kristen Stewart và Blake Lively. Bởi thế, ngay từ credit đầu phim, xuất hiện đầu tiên chính là êkip làm casting, yếu tố then chốt quyết định phong vị phim của Woody Allen.

Café society vẽ ra hai thế giới: Hollywood và New York. Nhân vật chính Bobby (Jesse Eisenberg đóng) là con trai trong một gia đình gốc Do Thái ở New York, chán cảnh phụ việc trong tiệm kim hoàn của bố nên khăn gói đến Hollywood tìm gặp người cậu, một nhà điều hành có tiếng trong làng điện ảnh thập niên 1930, có nhiều mối quan hệ rất tốt để nâng đỡ.

Hai thế giới ở hai bờ nước Mỹ, qua ống kính của nhà quay phim lão luyện Vittorio Storaro (từng quay Last tango in Paris Apocalypse now) hiện ra đối lập và đẹp đẽ bằng một nhạy cảm màu sắc tinh tế.

Khi Bobby đến Hollywood, phim thiên về tông màu vàng, mọi vật đều được tôn cao sắc độ qua sự xuyên thấu căng tràn của ánh sáng và ánh nắng. Tự nhiên và mê ly nhưng không bị quá tay như phim Mommy của Xavier Dolan. Vittorio Storaro tạo ra liên tưởng đến nghệ thuật hậu - biểu hiện kiểu Đức như tranh của George Grosz, Otto Dix, thịnh hành ở Mỹ những năm 1930.

Khi Bobby quay về New York với gia đình, hình ảnh phim rung đầm và chuyển sang sắc tối như màu của mùa đông, của quá khứ. Màu sắc ở đây, gần như cách làm của Sokurov trong Faust (2011), đóng vai trò chuyển dịch năng lượng. Khi Bobby về New York, anh mang theo sinh khí của Cali, khi đến Cali, anh mang theo ý vị New York.

“Vị” là một thứ rất khó để cảm nhận, nhưng Jesse Eisenberg đã đóng tròn vai trò định “vị” của Woody Allen trước kia khi ông tự xuất hiện trong phim mình. Sự đổi vai hiện rõ kể từ To Rome with love (2012). Eisenberg có gương mặt của mọt sách, một típ người mơ mộng, ngơ ngẩn, chất chứa đầy năng lượng nhưng là một thứ năng lượng “bồn chồn”.

Cách nói liến thoắng, tâm lý nôn nao, các động tác của anh giống như Woody Allen trước đây, lúc nào cũng đầy bồn chồn. Ở một cảnh, Bobby gọi một cô gái làng chơi đến vào buổi tối, anh lần đầu và cô ta cũng lần đầu. Khi biết cô gái cũng là gốc Do Thái, anh nôn nao đến độ đuổi cô về thẳng thừng và quên luôn mục đích ban đầu.

Eisenberg đóng đạt bao nhiêu thì Kristen Stewart lại gượng gạo và “lạc quẻ” bấy nhiêu. Khi Bobby đến Hollywood, người cậu giới thiệu anh cho cô thư ký Vonnie (Stewart đóng). Hai thanh niên kết thân và ve vãn nhau.

Nhưng Vonnie có bạn trai là người đã có vợ. Khi ông ta cự tuyệt Vonnie, mọi điểm yếu diễn xuất của Kristen Stewart lại hiện ra rõ mồn một: cô mang một nét xinh xắn hoang dại, rất hợp để đóng On the road, nhưng với một vai diễn sâu, cô luôn nhạt nhòa và nhạt nhòa cùng một kiểu, với một nụ cười độc điệu, nhất là những cảnh cô phản ứng khi bị người yêu ruồng rẫy (ta đã chứng kiến trong Twilight).

Phim năm nay của Woody Allen vẫn đẹp và thoại sâu như vốn dĩ, nhưng nặng chất liệu Do Thái. Vừa qua, ở Liên hoan phim Berlin, hạng mục Panorama trình chiếu Indignation, phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Philip Roth, cũng bàn về sự xê dịch của các giá trị tôn giáo truyền thống.

Phim kể về một anh chàng Do Thái (Logan Lerman đóng) chán cảnh phụ việc ở tiệm thịt kosher của bố, chuyển lên học đại học ở nơi đô hội nhiều cạm bẫy và quen với một cô bạn học lẳng lơ. Mẹ cậu cấm cậu quen cô gái, còn cậu không bằng lòng để mẹ ly dị bố, một người tai quái gàn dở mà cậu xung khắc.

Sự xê dịch và các mối va chạm mang tính lưỡng nan ở cả hai phim xuất hiện như một định mệnh trù dập những ai sinh ra mang căn cước Do Thái.

Café society, khi Bobby chán ngán Hollywood và về New York phụ anh trai điều hành quán bar hạng sang, anh dần tiến thân và trở thành người thành đạt, lấy vợ đẹp đã qua một đời chồng (Blake Lively) nhưng không nguôi ý muốn sở hữu lại Vonnie năm nào. Chồng hiện tại của Vonnie là ai? Nguyên nhân và hệ quả lẫn lộn vào nhau (tính bồn chồn sinh ra định mệnh trớ trêu hay ngược lại?) khiến cho mọi xét đoán logic đều không có chỗ dựa.

Mang ý nghĩa duy nhất là logic của Chúa trời và Bobby, qua khắc họa mỉa mai của Woody Allen, không thoát khỏi một định mệnh bị trù dập.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận