Rùa đỏ - Cảm xúc như biển khơi

DU LÊ 18/03/2017 16:03 GMT+7

TTCT- Một câu chuyện tối giản, 80 phút không lời thoại, số nhân vật tối thiểu và những hình ảnh đẹp đến choáng ngợp, Rùa đỏ cố gắng truyền tải sự giao thoa đầy bí ẩn giữa con người với thiên nhiên, và còn gì nữa?

Red turtleBộ phim đánh dấu sự hợp tác lần đầu đầy ấn tượng giữa xưởng phim trứ danh Ghibli (Nhật Bản) và đạo diễn - họa sĩ hoạt hình người Hà Lan - Anh Michael Dudok de Wit, người từng giành Oscar năm 2000 với phim ngắn cũng không lời Cha và con gái.

Một người đàn ông bị đắm tàu dạt vào hoang đảo, cố gắng đóng một chiếc bè để ra khơi, nhưng cứ mỗi lần như thế một sinh vật bí ẩn lại phá tan chiếc bè của ông và không lâu sau, người xem sẽ được biết sinh vật đó chính là chú rùa đỏ trong tựa phim.

Sự chuyển biến với chú rùa là bất ngờ lớn nhất mà Dudok de Wit dành cho người xem trong phim, nhưng ngoài điều đó ra thì đấy là một cốt chuyện thẳng thớm, dung dị và không có gì kịch tính.

“Quen thuộc mà khác lạ” là mô tả hoàn hảo cho bộ phim này, ngay cả nếu bạn chưa bao giờ xem phim của Dudok de Wit hay chưa nhìn thấy logo của xưởng Ghibli.

Vẻ đẹp lộng lẫy mà dung dị của bộ phim là bởi sự kết hợp tài tình các kỹ thuật vẽ tay điêu luyện và máy móc hiện đại của Dudok de Wit.

Ảnh hưởng của hội họa ligne claire (clear line: đường nét đơn, rõ ràng) - với người tiên phong Hergé, tác giả huyền thoại của Tintin - trong những đôi mắt điểm mực và những chiếc mũi một nét cũng sâu sắc như kỹ thuật khắc gỗ Nhật Bản ukiyo-e (Phù Thế hội - tranh của thế giới nổi) trong sóng biển và rừng cây xanh bạt ngàn.

Kỹ thuật mô tả nước là một thành tựu lớn khác của hoạt hình thời kỹ thuật số và đặc biệt là của Rùa đỏ khi gần như mọi trạng thái, góc cạnh, màu sắc và thần thái của biển cả mà con người có thể cảm nhận được đều đã được bộc lộ trọn vẹn.

Những con sóng biển xô đẩy nhân vật chính không tên không chỉ khiến ta liên tưởng đến Sóng cồn ở Kanagawa (khoảng năm 1829-1833) - bức tranh ukiyo-e có lẽ là nổi tiếng nhất Nhật Bản của họa sư Hokusai, mà còn tới dòng nước luôn hiện diện trong những bộ phim của Dudok, từ Thầy tu và chú cá đến đại dương đầy rồi khô cạn của Cha và con gái.

Là bộ phim đầu tiên Ghibli - xưởng phim của Hayao Miyazaki - giao cho một đạo diễn nước ngoài, Rùa đỏ còn có giám đốc sản xuất phụ trách nghệ thuật Isao Takahata, đồng sáng lập xưởng phim.

 

 

Bộ phim giống với nhiều phim kinh điển của Ghibli, nhất là của Miyazaki, ở sự chú ý vào thế giới tự nhiên cũng tương đương hoặc thật ra là hơn hẳn, so với những sinh vật tầm thường sống trong đó - tức con người.

Nhưng trong khi câu chuyện này cũng mang màu sắc cổ tích, Rùa đỏ có góc nhìn người lớn hơn và cũng đượm buồn hơn những tác phẩm đi trước của Miyazaki, như Công chúa Mononoke chẳng hạn.

Rùa đỏ sẽ kết thúc với nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Đó là câu hỏi của Mamoru Oshii (Ghost in the Shell, Platlabor) về bầu trời như “một thế giới nhìn xuống con người [...] Tôi nghĩ chỉ có một giống loài khác may ra mới chịu đựng được bầu trời”, hay câu hỏi ám ảnh của James Cameron về đại dương sâu thẳm.

Đạo diễn của TitanicAvatar “tin rằng ở đáy đại dương là vương quốc của thần linh” - đằng sau những khối không khí cuồn cuộn sinh bão, những cột nước khổng lồ, vĩnh hằng trôi chảy và sinh ra sóng thần.

Rùa đỏ vẽ lại thế giới đó để các giác quan chật chội của con người có thể cảm nhận phần nào, nhưng liệu những công cụ, những nền văn minh của con người - đã phủ lên tấm chăn nhận thức chật chội - có bao giờ hiểu được hết?

Cả cuốn phim là sự thích nghi chậm rãi của người đàn ông vô danh đắm tàu, rồi sau này là cả gia đình ông, với nhịp điệu, hơi thở và sự sống của hòn đảo cũng như đại dương bao la: những con rùa con bò xuống biển mỗi tối sau khi đục vỏ trứng chui ra, những con còng chạy nhảy trên cát, trận mưa mờ mịt giữa màu xanh thẳm bát ngát của cánh rừng tre...

Dudok, theo đề nghị của Ghibli, bắt đầu sáng tác Rùa đỏ từ năm 2007. Mười năm cho một bộ phim hoạt hình 80 phút hóa ra là chẳng nhiều nhặn gì.

Nhà đạo diễn chuyên phim không lời này đã sống một thời gian trên những đảo Seychelles hay Madagascar để thai nghén bộ phim. Không thoại, không bối cảnh, không cả tên nhân vật, giữa ánh trăng tròn, kẻ đắm tàu mơ tưởng đến tình yêu, lắng nghe nhịp đập của thiên nhiên, để rồi lại tưởng tượng ra một kiệt tác của con người: tứ tấu trên bờ biển diễn khúc nhạc trích từ Những lá thư thân mật (1923) cho tứ tấu dây của Leoš Janáček.

Có gì nói hay hơn về sự hữu hạn bằng sự vô hạn, tốt hơn về đời người bằng sự vĩnh hằng của tự nhiên, chủ đề mà các tác phẩm trước đây như Thầy tu và chú cá (1999) hay Cha và con gái (2000, giải Oscar phim hoạt hình ngắn 2001) của Dudok đều có thể nhìn thấy rõ nét?

Có gì mong muốn san bằng khoảng cách ấy mạnh mẽ hơn hi vọng, xúc tác của trí tưởng tượng và lắm khi nguồn gốc cũng là hóa giải của khổ đau?

Như với các tác phẩm nghệ thuật nói riêng và cuộc sống nói chung, mỗi sự thể hiện, bằng phương tiện ngôn ngữ hay điện ảnh, bằng hội họa hay điêu khắc, đều là phóng chiếu cá nhân của tác giả về một điều mà dựa trên đó người xem có thể dùng ý thức và kinh nghiệm bản thân để truy cầu những ý nghĩa.

Cũng trong sự đối chọi với tự nhiên vĩnh hằng, con người trong Rùa đỏ giống như những con còng biển lăn cát miên mải, bằng năng lượng của ký ức bất diệt, của tình yêu không bao giờ chết và trí tưởng tượng có thể phá tan mọi ranh giới của họ.

Rùa đỏ, một lần nữa, lại là lời bảo chứng xác quyết cho xưởng Ghibli trứ danh, một bộ phim đáng dành chút thời gian ở thời buổi của những La La Land và khỉ đột quyết đấu thằn lằn!■

Xưởng phim Ghibli là một xưởng phim hoạt hình Nhật Bản ở Koganei, Tokyo. Xưởng được thành lập ngày 15-6-1985.

Trong 15 phim hoạt hình có doanh số cao nhất từng được sản xuất ở Nhật Bản thì Ghibli có 8 phim, với Spirited Away (2001) của Hayao Miyazaki có doanh số cao nhất: hơn 290 triệu USD trên toàn thế giới và đoạt Oscar phim hoạt hình năm 2002.

Bốn phim của xưởng cũng đã giành giải Phim hoạt hình hay nhất trong năm của Nhật Bản và 4 phim khác được đề cử Oscar: Howl's Moving Castle (2005), The Wind Rises (2013), The Tale of The Princess Kaguya (2014), When Marnie Was There (2015).

Những người đồng sáng lập của xưởng phim là Miyazaki, Toshio Suzuki, Yasuyoshi Tokuma và Isao Takahata. Những phim của Ghibli đã quen thuộc với khán giả Việt Nam là Laputa: Lâu đài trên không trung, Công chúa Mononoke, Spirited Away, Lâu đài bay của pháp sư Howl

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận