“Mảnh vỡ” nơi tâm điểm giao lộ văn hóa

ZAC HERMAN (*) 03/11/2016 22:11 GMT+7

TTCT - Debris of Debris, tiểu thuyết của Vĩnh Quyền viết bằng Anh ngữ tại Việt Nam, xuất bản tại Mỹ (ĐH Saint Benedict, Minnesota, 2009), tại Anh (Austin Macauley, London, 2014) là một cách làm mới đời sống văn học Việt Nam.

Debris of Debris
Debris of Debris

 

Người tiên phong thường gặp trở ngại: Debris of Debris không được thông quan trên đường về nhà. Sau đó, bản thảo tiếng Việt của nó, Mảnh vỡ của mảnh vỡ, đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi tiểu thuyết (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam, được NXB Hội Nhà Văn xuất bản tháng 1-2016. Tháng 9 cùng năm, cũng với NXB trên, Debris of Debris ra mắt bạn đọc trong nước. “Mảnh vỡ” đã về nhà trên đường cái quan.

Niệm khúc tuổi trẻ thế hệ mất mát

Tôi không thuộc thế hệ trưởng thành trong chiến tranh. Tôi chẳng đọc tiểu thuyết chiến tranh hoặc xem phim chiến tranh - thật ra, nói vậy không hẳn đúng hoàn toàn.

Tác phẩm sờn gáy của Tim O'Brien như Going After CacciatoThe Things They Carried lẩn giữa mớ giáo khoa trong hầu hết tủ cá nhân học sinh trung học Mỹ, còn Apocalypse Now Full Metal Jacket không thể thiếu trong những bộ sưu tập DVD của sinh viên năm nhất, cùng với The Godfather và xêri Rocky của Stallone.

Đấy là những tác phẩm kinh điển của văn hóa đại chúng Mỹ, cũng như tiểu thuyết 1984 của Orwell, Brave New World của Huxley hoặc A Clockwork Orange của Burgess là những cái tên quen thuộc trong tủ sách gia đình.

Có hàng trăm nếu không nói là hàng ngàn sách hư cấu và phi hư cấu giá trị về chiến tranh Việt - Mỹ, những “best seller” của New York Times như Matterhorn của Marlantes, Vietnam: A History của Karnow và Dispatches của Herr, chỉ là nêu vài cái tên tiêu biểu. Một số khác, nhất là viết về cựu binh Mỹ, dẫn câu chuyện đến hiện tại hoặc quá khứ gần như The Time In Between của Bergen.

Tuy nhiên, ít tác phẩm khai thác thời kỳ ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, ở Mỹ cũng như Việt Nam.

Khi NXB Austin Macauley so sánh Debris of Debris với The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh và khi nhà phê bình Thùy Linh gọi nó là “một chuyện kể chiến tranh giọng nam xuất sắc”, hay khi tôi viết “đó là câu chuyện về thời hậu chiến gian khó” (Two Years With “Debris” - 2013), ngẫm lại, tôi e rằng chúng tôi đã phần nào lạc hướng.

Khi biên tập cho lần tái bản năm 2016, tôi nhận ra Debris of Debris tinh tế và khái quát hơn so với tiểu thuyết chiến tranh hoặc hậu chiến, nó mô tả chuyển biến rất chậm và khó nhận ra của quá trình phai bạc tuổi thanh xuân trong sáng đầy lý tưởng.

Các nhân vật chính là những sinh viên miền Nam Việt Nam thuộc thế hệ mất mát trong chiến tranh, nhặt lấy những “mảnh vỡ” đời mình và cố gắng bắt đầu lại ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Với góc nhìn này, Debris of Debris khiến ta liên tưởng đến The Great Gatsby của Fitzgerald hay On the Road của Keruoac.

Kết hợp tài tình bối cảnh lịch sử vừa cụ thể vừa khác thường, cũng là chất xúc tác các sự kiện, cùng những chủ đề muôn thuở và xuyên thế hệ, các tác phẩm này là hiện thân tinh thần của cả một thế hệ đương thời lẫn mỗi đời người.

Bối cảnh và chất xúc tác của Debris of Debris là sự kết thúc cuộc chiến dài 20 năm. Chủ đề tiểu thuyết, như nhân vật chính Kha phát biểu: “Sống sót trong chiến tranh là một chuyện, sống hạnh phúc thời hậu chiến là chuyện khác”.

Tuy nhiên, sao không diễn đạt khái quát hơn: “Sống sót là một chuyện, sống hạnh phúc là chuyện khác”? Việc Debris of Debris đồng thời đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn hơn này chính là điều đã tạo nên đường mạch vừa xuyên văn hóa, vừa xuyên thế hệ mà có thể tìm được trong bất kỳ tác phẩm văn học dài hơi nào.

Debris of Debris còn chứa đựng nhiều thông tin đặc thù văn hóa và lịch sử, thứ cần thiết đối với bạn đọc phương Tây, những người hiểu biết hạn chế hoặc không biết gì về văn hóa Việt Nam ngoài chiến tranh.

Sinh ra ở Huế nhưng phần lớn thời gian sống ở Đà Nẵng, tác giả gợi lên một bảng pha trộn cảnh sắc, nhân vật và giai thoại, cung cấp cho bạn đọc cái nhìn sâu vào xã hội đô thị cũng như những truyền thống phong kiến.

Từ vết đạn trổ vào kính chiếc jeep lính Mỹ trông giống chòm sao và những cây đèn dầu bằng thủy tinh màu sáng tù mù trên bàn thờ gia đình Kha, đến những nhân vật độc đáo như Bình - một tiến sĩ lâm học có gương mặt bỏng bom napalm, như Giang - cô gái mồ côi phảng phất mùi bùn sông Hương, cho đến các vấn đề xã hội sâu sắc hơn như nghèo đói và nạn mại dâm, tác giả kéo người đọc vào một thế giới của màu sắc, mùi vị, cảm giác và tình dục, làm sống dậy những bức ảnh đen trắng về một thời đã xa.

Các miêu tả thường rất sinh động, tôi không thể không nghĩ rằng những phần ấy của cuốn sách là tự truyện và những nhân vật ấy có mối quan hệ với tác giả. Những câu chuyện chi tiết đến không thể là hoàn toàn hư cấu.

Về Văn học song ngữ Việt Nam

Debris of Debris có lẽ là tiểu thuyết Anh ngữ đầu tiên được viết bởi một nhà văn Việt Nam sống trong nước - Vĩnh Quyền. Vốn tiếng Anh của Vĩnh Quyền cho phép ông trực tiếp lựa chọn ngôn từ và cách diễn đạt, không phải thông qua một dịch giả.

Hơn bất kỳ ngoại ngữ nào, tiếng Anh được thế hệ trẻ Việt Nam sử dụng để tìm hiểu, giao tiếp và khám phá thế giới. Tiến vào thế kỷ 21, Chính phủ Việt Nam đã nhìn nhận tầm quan trọng của việc làm chủ tiếng Anh và mạnh mẽ khuyến khích các nhà trường xem nó như một ngôn ngữ thứ hai.

Tôi hoàn toàn đồng tình quyết định này và cũng đặt câu hỏi liệu Việt Nam có hướng đến chính sách ngôn ngữ rất thành công của Singapore như là mô hình cho giáo dục và xã hội, kể cả văn học?

Sách song ngữ cần thiết cho mục tiêu này, vì chúng có thể đóng vai trò cầu nối văn hóa và ngôn ngữ tại thời điểm Việt Nam cũng là “cầu nối” cho các ngôn ngữ.

Là một tác giả sách song ngữ, tôi hi vọng các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân sẽ nhận ra tầm quan trọng của văn học song ngữ để hỗ trợ tinh thần, cung cấp đào tạo và tài chính cho những dự án tương tự và rộng lớn hơn như hợp tác làm sách song ngữ với các nhà văn và dịch giả nước ngoài, đồng thời tổ chức dịch văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại.

Với sự giúp đỡ của trí thức nước ngoài, các tác giả Việt Nam có thể khởi đầu việc đưa tác phẩm của họ ra khỏi biên giới qua một ngôn ngữ quốc tế.

Quá trình sáng tác và xuất bản Debris of Debris có thể dẫn chứng cho sự hợp tác như vậy. Đến nay, công việc này vẫn là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam, khác với các nước châu Á khác.

Tác phẩm kinh điển của tác giả Trung Quốc như Lỗ Tấn và tác giả Nhật Bản như Natsume Soseki có thể tìm thấy trong những bộ sưu tập song ngữ trực tuyến, cũng như tại các hiệu sách và thư viện đại học phương Tây. Đấy là chưa kể vô số bản dịch tác phẩm văn học châu Á đoạt giải thưởng hiện đại sang nhiều ngôn ngữ khác (như tiểu thuyết của Mạc Ngôn, Haruki Murakami...).

Tại thời điểm này, văn học Việt Nam đang thiếu những lựa chọn như vậy cho người đọc nói tiếng Anh. Đối với người Mỹ, đặc biệt thế hệ tôi, để hiểu hơn về một Việt Nam thế kỷ 20 vô cùng phong phú và năng động thì văn học dịch và song ngữ là công cụ quan trọng trong trao đổi văn hóa và nhận thức. Trong ý nghĩa này, Debris of Debris của Vĩnh Quyền đã mọc lên giữa giao lộ văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ.■

Đông An dịch

(*): Zac Herman, dịch giả người Mỹ, tác giả tập đoản văn song ngữ Ai biết bay - Who can fly? (NXB Hội Nhà Văn, tháng 3-2016).

“Quang, người vui nhộn nhất bọn, trong một lần trở lại chiến trường xưa đã có tâm trạng: Giữa mùa khô con suối vẫn róc rách chảy qua các bậc đá, ru Quang vào hồi ức buồn rồi cũng chính nó gọi anh trở lại.

Nghiêng người nhìn bóng mình dưới lòng suối, như trong thời đóng quân ở đây vẫn thường, nhưng lúc này một gương mặt khác hiện ra khiến anh giật mình: gương mặt một gã trung niên mệt mỏi, cau có.

Châm điếu thuốc, Quang nằm dài trên bờ đất dẽ cứng, gối đầu vào rễ gốc lim già, chân phải buông thõng vào dòng nước mát, nhìn khói thuốc bay lên tán lá. Một ngày năm bảy tư, anh cũng nằm đúng chỗ này với vết thương chí tử.

Mảnh pháo nóng hổi chém sả vào bắp chân phải khi anh vượt suối. Trườn được nửa người lên bờ nhưng không thể rút cái chân bị thương khỏi mặt nước. Máu chảy nhanh hơn trong nước chảy và nhuộm hồng một đoạn suối.

Anh cảm nhận sức sống đang thoát khỏi cơ thể qua vết thương, rồi lịm dần vào vũng tối, cho đến khi được cứu. Còn bây giờ, anh có cảm giác tuổi trẻ và niềm vui sống rò rỉ qua vết sẹo ở chân phải nhúng xuống suối. Rút chân khỏi dòng nước, anh đứng lên, theo lối mòn quanh co trở ra bìa rừng.

Cuộc sống ngoài trời vẫn lôi cuốn, nhưng khác thời trai trẻ, như lúc này anh chìm đắm trong ánh hoàng hôn núi rừng. Cuộc chuyển giao âm và dương, ánh sáng và bóng tối mang lại cho anh chút thanh thản. Vào thời khắc ấy anh tự hỏi ngươi là ai, sao ở chốn này. Câu hỏi không hề có trước đây”. (trích Debris of Debris)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận