Chữ Phúc

CHÂU SA 08/10/2016 01:10 GMT+7

TTCT - Cuối hè năm ngoái, ở L’Espace Hà Nội có một buổi nói chuyện khá đặc biệt. Hai diễn giả là hai nhà toán học đoạt giải Fields: Ngô Bảo Châu và Cédric Villani.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

 

Có một khán giả hỏi hai nhà toán học một câu hỏi khá bình thường, nhưng dường như trong câu hỏi ấy có sự tự vấn. Khán giả ấy là một người đàn ông đứng tuổi. Anh cho biết mình vốn là dân chuyên toán. Khi trưởng thành và có gia đình, anh và các bạn đều nhận thấy dường như kiến thức toán mà mình học trong nhà trường gần như không được vận dụng mấy trong cuộc đời.

Anh và bạn bè bắt đầu trăn trở rằng mình có nên bắt con cái và bắt cả nền giáo dục hiện tại bỏ những môn học ít có ứng dụng trong cuộc sống thường ngày như môn toán, để học những môn mà cha mẹ thấy có ích hơn.

Anh Châu không trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Phần trả lời của anh có một ý: cha mẹ thường mong con cái phải hơn mình, học hành rộng hơn, hiểu biết hơn, đi đến những chân trời xa hơn trong cuộc sống; nhưng cũng chính cha mẹ ấy lại chỉ muốn ép con cái học hành theo ý mình.

Anh Cédric cũng gật gù với ý này, chia sẻ thêm chuyện học hành và lựa chọn lối đi của các con anh.

Ở một khía cạnh khác, về sở thích học tập của trẻ em, anh Châu cũng có lần nhận xét: nhiều cha mẹ cả đời không nghe nhạc nhưng cứ cố ép con phải học piano [dù bọn trẻ không thích học].

***

Tôi có một người anh ở Hà Nội, vợ chồng kinh doanh buôn bán, đầu tắt mặt tối quanh năm. Có lần anh bảo: “Nhiều nhà rất kỳ lạ, cha mẹ không bao giờ cầm cuốn sách mà cứ bắt con phải đọc sách. Vợ chồng anh có đọc sách đâu nhưng từ lúc muốn con đọc sách, tối nào anh cũng kiếm mấy cuốn sách liên quan đến việc kinh doanh của mình ra ngồi đọc nghiêm túc để thằng cu thấy bố nó đọc sách”.

***

Hồi trẻ tôi cũng có đi học. Có lần nhà trường mời giáo sư Dwight Perkins đến giảng về kinh tế Trung Quốc. Giáo sư Perkins giảng bài, thi thoảng viết lên bảng những chữ Trung Quốc có liên quan. Nhiều học viên rất ngạc nhiên khi ông giáo sư kinh tế Mỹ lại thạo chữ Hán như vậy.

Trong trường còn có một nghiên cứu viên người Mỹ cũng từng làm việc nhiều năm ở Trung Quốc. Hôm bế giảng, tôi có tặng anh một cái đựng bút làm bằng ống tre.

Ống đựng bút ấy có khắc bên hông một chữ Hán là chữ Phúc. Anh nghiên cứu viên người Mỹ nhìn chữ Phúc và nói bằng tiếng Anh: Chữ này là chữ Luck. Quả thật, bộ phim Phúc Lạc Hội có tên tiếng Anh là The Joy Luck Club.

***

Hồi lâu rồi tôi có đọc một bài báo về nước Nga, chắc vào quãng mới bắt đầu chuyển qua hậu Xô viết. Bài báo ấy nói về việc tháp truyền hình Matxcơva bị hỏng. Người dân Matxcơva bức bối vì món ăn tinh thần quen thuộc của họ suốt nhiều năm bỗng bị gián đoạn.

Nhưng thời gian bức bối rất ngắn, người dân nhanh chóng chuyển qua đọc sách, nghe nhạc, đi chơi. Và bỗng nhiên họ như tìm ra những chân trời mới. Mà thật ra là chân trời cũ, những chân trời bị công nghệ, hồi đó là truyền hình, làm cho biến mất.

***

Ở Việt Nam, suốt một thời gian dài nhiều người dân nhìn ra thế giới xung quanh bằng VTV. Lâu dần, VTV dường như trở thành chân trời của họ. Thế rồi một ngày Internet, rồi mạng xã hội, mang đến cho người dân những chân trời mới.

Nhưng tất cả những chân trời công nghệ ấy, dù rộng lớn đến mấy, cũng không vượt qua được giới hạn của chính người sử dụng. Đó là trình độ và ngôn ngữ.

Chân trời sẽ xa biết bao nếu bạn vào Internet mà đọc được tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung.

Và chân trời của đất nước này sẽ mở rộng thêm được nhiều biết bao, nếu như cứ các thế hệ sau có nhiều thêm những chuyên gia thông thạo tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Nga, những tiếng ở Trung Đông xa lạ, hay Mỹ Latin xa tít...

Thế hệ con hơn thế hệ cha thì nước nhà có phúc.

***

Tôi có nhiều người quen, mấy chục năm vừa qua làm ăn khấm khá. Việc kinh doanh của họ và gia đình ngày càng phát đạt. Con cái học hành giỏi giang, đỗ đạt. Rồi đến lúc những đứa trẻ ấy chuẩn bị đi du học. Họ bảo tôi: “Tao chọn cho nó trường tốt ở Mỹ rồi.

Tao cho nó học ngành này ngành kia. Học ngành đấy là để học xong nó về làm cho gia đình”. Những đứa trẻ giỏi giang, gia đình có điều kiện, đi sang Mỹ để du học, thế là chúng đã đi đến được những chân trời xa hơn thế hệ chúng tôi.

Nhưng mà tại sao con mình đã có khả năng đi xa được đến thế lại không cho chúng tự chọn những chân trời chúng thích và có khả năng?

Sao không khuyến khích chúng đi thêm nữa, đến những chân trời xa hơn nữa? Sao lại bắt chúng đi du học, mà vẫn phải học những ngành do cha mẹ chọn, chỉ cốt trở về làm cho gia đình? Tương lai và hạnh phúc của con mình quan trọng hơn hay tương lai doanh nghiệp của nhà mình quan trọng hơn?

Những người trẻ nhiều tài năng và đam mê, bị cha mẹ buộc phải quay về, sẽ lại sống trong những chân trời cũ rích mà cha mẹ mình đã sống phát chán ra rồi mà không biết.

Mà cứ như thế thì thế hệ con chẳng bao giờ hơn thế hệ cha được.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận