Đau với sông Hoài

HỒ SĨ BÌNH 20/09/2011 20:09 GMT+7

TTCT - 1. Cứ đến cuối thu khi những cơn mưa giao mùa đến, tôi thường về Hội An ngắm rêu.

Sau những ngày dài nắng nóng, rêu Hội An tàn lụi và biến mất. Thế nhưng chỉ vài đợt mưa đầu mùa, bằng sức sống trỗi dậy một cách kỳ lạ, rêu đã ra xanh khắp nơi: trên những mái ngói âm dương, trên những bức tường, trong ngõ nhỏ và ngay cả trong thành giếng, một màu non tơ óng mượt như những tấm thảm phủ lên không gian phố cổ.

Phóng to
Ảnh: Gia Tiến

Rồi sau đó là chùm hoa nhỏ li ti xuất hiện vàng rực xôn xao trên những mảng xanh giăng mắc. Đẹp một cách lạ lùng, đẹp đến ngẩn ngơ, bổi hổi lòng người. Bởi vậy có người mới gọi Hội An là Phố Rêu. Thế nhưng lần này, có lẽ tôi đến sớm chăng hay tại thời tiết thay đổi.

Đã gần cuối thu mà nắng vẫn còn đổ lửa lên những mái nhà mặt đường. Nước trên sông Hoài cạn xuống, tù đọng và bốc mùi hôi rất khó chịu. Nhìn kỹ mới thấy toàn bộ ống cống đều đổ ra dòng sông. Bên kia sông, khu phố mới mọc lên san sát những hàng quán, khách sạn, resort... cũng trổ cống xả nước thải xuống sông Hoài.

Đi bộ chen lẫn với khách lữ hành nước ngoài thấy nhiều người bịt mũi, mình đâm ra ngượng ngùng xấu hổ. Sông Hoài đang ô nhiễm trầm trọng, màu nước đã ngả sang vàng ủng. Còn đâu dòng sông hiền hòa thơ mộng gieo neo những tâm hồn lữ thứ “chưa đi đã nhớ”. Nỗi nhớ chất ngất và lắng đọng sâu thẳm để có ai đó chẳng ngại ngùng gọi tên Hội An là Phố Hoài.

2. Cách cầu Cẩm Nam về hướng biển khoảng 700m, một phụ nữ Nhật, chị Usuda Reiko, tổng thư ký Hội Việt Nam - Kawasaki, cất một căn nhà bên sông. Ngôi nhà được một kiến trúc sư Nhật thiết kế theo kiểu nhà ở làng quê Việt với vật liệu tại chỗ như gạch thô mộc, gỗ và tre.

Nói là nhà theo kiểu quê mang đậm văn hóa Việt nhưng lại theo xu hướng kiến trúc hiện đại - kiến trúc xanh, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với thiên nhiên... và đặc biệt là ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường. Nhà bên sông nhưng không bao giờ nước thải đổ ra sông, người ta thiết kế một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng phương pháp vi sinh để tái sử dụng.

Chị có một chiếc thuyền trên sông ở trước nhà. Chiếc thuyền được neo vào bờ bằng một sợi dây tăm tắp trên mặt nước nên rác rưởi lềnh bềnh trên sông Hoài ùn lại một góc. Cứ mỗi sáng, đều đặn chị ra sông gom hết để đem vào nhà xử lý. Thỉnh thoảng đi chơi thuyền chị cũng làm công việc như thế một cách thầm lặng và cần mẫn.

Thoạt nhìn người phụ nữ Nhật yếu đuối nhỏ nhoi vớt rác trên sông Hoài đôi khi thấy như hoài công, vô ích bởi trong khi quá nhiều ống cống xả nước thải và rác vô tội vạ xuống khúc sông bé nhỏ này. Nghĩ, rồi lại cảm thấy ngượng ngùng cho cái đầu óc quen so đo đong đếm của mình. Cách ứng xử với môi trường, với dòng sông của chị không bao giờ muộn màng vô ích, nhất là với những ai từng say đắm thương nhớ con sông huyền hoặc này.

Chị đang mang tâm trạng: đau với nỗi đau của sông Hoài. Nỗi đau ấy rất cần được chia sẻ và nhân rộng trong cộng đồng, vì đó là một nỗi đau nhân ái mang đầy đủ ý nghĩa của sự thức tỉnh.

3. Ngồi nhâm nhi cà phê, anh bạn kiến trúc sư trẻ chỉ về bãi cồn trước mặt: Người ta đang đóng cọc xây kè, rồi đây những cánh đồng, làng quê bình yên mộc mạc ấy sẽ không còn, thay vào đó là những dự án xây khách sạn nhà hàng, resort... Rồi ngậm ngùi. Biết làm sao được với quá trình đô thị hóa như là một điều tất yếu.

Nhớ lại một chuyện về vua Tự Đức sau khi cho xây dựng vườn ngự trên cồn Giã Viên trên sông Hương theo thuyết phong thủy “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, lấy cồn Giã Viên và cồn Hến chầu hai bên kinh thành Huế, vị quân vương đau đáu sợ người dân oán trách: Cái ta được là khu vườn này. Tuy đã đền đáp hậu hĩ và cũng đạt được nguyện vọng nhưng chẳng biết giá cả có thích đáng chưa, bọn dân kia sau khi chuyển cư cày bừa có yên không, đời sống như thế nào, có nói gì không, có biết gì không vì Dữ Dã của ta? Nói chung, mọi việc phải suy từ mình để xét người... (Dữ Dã ký).

Vua mà còn thế đấy, huống chi...

Trước mặt, dòng sông chảy lờ đờ như một người bệnh mới ốm dậy. Có lẽ sông cũng tiên cảm khúc đoạn trường sẽ trải qua trong một tương lai không xa lắm. Buổi sớm, chị Usuda Reiko vẫn lom khom vớt rác bên dòng sông đang nặng nỗi u hoài. Chỉ e là dòng sông chỉ còn lại nỗi nhớ chất ngất ấy trong tâm tưởng của những ai còn nặng lòng thương nhớ. Sông Hoài ơi... sông Hoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận