Mật nắng biên thùy

NGHIÊM QUỐC THANH 11/07/2017 03:07 GMT+7

TTCT- Chú nói dáng nó buồn, giống người phụ nữ đang đứng xõa tóc rối giữa đồng bao la nắng. Tôi nói nó cứ xôn xao giống một người đang đứng vẫy tay hân hoan chào.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Vì tâm trạng của chú và tôi lúc ấy quá khác nhau. Cây thốt nốt vẫn không gì thay đổi, vẫn rộ bông nhất vào mỗi mùa xuân và vẫn nhỏ từng giọt thơm dâng mật cho đời.

Năm tháng xa nhà, tôi nhớ vị ngọt dịu từ ly thốt nốt uống kèm với đá. Thạch thốt nốt trắng ngần, mát dẻo hơn thạch dừa. Trái thốt nốt nâu đen, quan sát kỹ mới nhận ra ba dấu nhấn chia làm ba múi. Bổ sao cho không phạm vào thịt, lấy nguyên vỏ múi màu ngà... đòi hỏi cần phải quen tay.

Say vị ngọt đã đành, tôi còn lỡ say men chua thốt nốt vì có lần được nếm thử. Rượu thốt nốt nhẹ, nhấp nửa ly mà cảm nhận tâm hồn mình chất chứa đến độ mốc meo. Cũng như vang nho, thốt nốt ủ men dịu dàng và quyến rũ, khiến tôi say lúc nào không hay.

Tuổi thơ tôi quẩn quanh dưới vòm lưa thưa rừng thốt nốt. Cha tận dụng vài ba thân cây đực bắc cầu qua con suối nhỏ. Đâu đó, người ta còn cất nhà bằng cột thốt nốt vững không kém bạch đàn, lào táo, lim, sao...

Buổi trưa, thèm một cái bánh gói lá thốt nốt, đợi hoài không đón mua được, đành ăn cơm nguội độn đường phèn thốt nốt mà no căng trong dạ.

Đến ngày tôi chuẩn bị xuống tỉnh nhập học, mẹ nấu chè đậu xanh bằng đường thốt nốt đãi anh em tôi và cả xóm giềng. Sống xa nhà, tôi nhớ mẻ cá kho thắng đường vàng rượm màu cánh gián.

Cái vòi bông tưởng chừng như khô khốc ấy trải bao cơn nắng càng dồi dào dịch nước. Những buổi chiều về ngang cánh đồng, tôi lại thấy những người đàn ông trai tráng đeo bung-tưk-nop(*) cần mẫn lùi lũi bước nhanh mà hoàng hôn cứ lặng lẽ buông dần bên kia dải núi.

Để tiết ra dịch nước, bông bị người ta cắt vòi, làm sạch cuống rồi dùng thanh tre kẹp lại. Dòng nước từ vết cắt rịn ra từng giọt, từng giọt miệt mài. Mỗi ngày hai lần như thế, người ta thăm bông, mang dịch nước về cô đặc thành đường.

Những lò đường chụm lửa tàu thốt nốt hoặc ngày hoặc đêm, vẫn cho ra từng thỏi đường đậm tình xứ sở. Bây giờ đường thốt nốt được đổ vào khuôn, chứ trước kia cái khuôn sơ khai rất ư giản dị vốn là nửa cái sọ dừa nhẵn bóng mà bà tôi thường dùng.

Đường thốt nốt không chỉ góp vào hằng hà các thứ gia vị, mà còn là vị thuốc thần kỳ giải cứu người dân quê tôi bị ngộ độc mã tiền. Các em tôi ngày còn nhỏ đứa nào cũng nhờ cuống của bông hay rễ được cắt ra miếng mỏng đun sôi mà khỏi sốt.

Vậy đó, từ rễ đến từng cái bông cái lá... sự sống của thốt nốt len vào cuộc sống của người dân miền biên ải Tây Nam tự bao giờ. Riêng tôi, không cần cắn một miếng bánh, ngửi được mùi thơm của lá ôm trọn nếp và đậu trắng thôi cũng đã thấy thèm.

Lá thốt nốt gói trọn từng thỏi đường tròn như đáy chén, lá thốt nốt hãy còn được các mẹ các chị đan thành những chiếc quạt tay êm ả giữa giấc trưa nồng...

Màu trắng ngà như màu giọt sữa mẹ, cánh lá thân thương thay lời muốn nói gửi những người bạn phương xa. Tinh túy và bao dung như thế. Lá thốt nốt thay thế bao nilông, thay thế vài thứ linh tinh gia dụng... Tại sao không?

Thốt nốt không phải vật vô tri đâu, vì nó khiến con người gần hơn từng khoảng cách. Chú hỏi tôi sao không còn thấy mấy cái hàng rào kết bằng bẹ thốt nốt ở hai bên đường. Tôi chỉ tay sang một góc nhà, bẹ lá không dùng chụm lò đường thì cũng bị đập sợi biến thành chổi quét sân.

Nhưng không chỉ được trồng chủ yếu để khai thác vật liệu và sản xuất các loại thực phẩm, cây thốt nốt còn góp phần làm nên sự đa dạng của nét văn hóa vùng miền.

Bữa đi hội chợ, chú dừng lại thật lâu trước một gian hàng quà lưu niệm với những vật dụng đơn sơ được hình thành từ đôi tay khéo léo của những nghệ nhân thổi hồn vào gỗ thốt nốt.

Dân thành thị với thị hiếu cây cảnh theo lối thôn dã, về quê núi tìm mua cây thốt nốt làm đẹp cho sân vườn biệt thự, nhà hàng. Đã có người tự tay đào bứng gốc bán đi cây thốt nốt chỉ để đổi lấy một khoản tiền nho nhỏ.

Chú càng thương cho cây thốt nốt, nên càng thấy dáng vẻ của nó buồn hơn. Nhưng với tôi, mỗi khi ra đồng nhìn chúng từ xa lại thấy đều có chung một dáng đứng phi thường...

Dường như không cây nào chịu nằm trong góc khuất. Một hạt mầm được vùi sâu chừng một tấc xuống lòng đất, phải mấy mươi năm cụm hoa của cây mới bắt đầu xuất hiện. Hành trình thăm thẳm ấy chỉ để chắt lọc biết bao tinh túy giữa khắc nghiệt đất trời...■

(*): Tiếng Khmer: ống tre đựng nước thốt nốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận