Ngôi nhà kỷ niệm

ĐỖ ĐỨC 27/07/2017 21:07 GMT+7

TTCT - Tôi rời nhà đi học rồi ra công tác, tính đến nay là 51 năm.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

51 năm, nửa thế kỷ đã trôi qua mà tôi vẫn nhớ đến cái cuốc dùng để xới cỏ vườn rau. Lúc ấy cái cuốc đã mòn vẹt, chỉ còn bằng cái bánh đa quế tròn xinh, giống đồ chơi hơn là một dụng cụ lao động. Nhưng với tôi lúc ấy nó là dụng cụ vừa với sức mình.

Người ta bảo khi ai hay ngoái lại quá khứ, thế là đã già. Điều đó là đúng, là đến cái độ hiểu và trân trọng quá khứ.

Khi vào cái tuổi sức khám phá chậm đi, cũng là lúc người ta nghiền ngẫm nhận chân quá khứ, đúc kết và đánh giá phân loại các giá trị, điều mà tuổi trẻ luôn hướng về phía trước, ít nghĩ tới, cũng chưa đủ chiêm nghiệm để nhận diện cuộc sống một cách kỹ lưỡng.

Nông thôn xưa nghèo, suốt đời người, dụng cụ lao động thường sắm một lần. Lứa con cái lớn lên dùng cái đang có, chỉ sau khi đồ không dùng được nữa mới sắm cái mới. Thế hệ người sống nối tiếp nhau và dụng cụ lao động cũng vậy, cứ gối nhau cho đến lúc không dùng được nữa.

Thành ra mỗi khi về hè hoặc hằng năm về phép thăm nhà lại bắt gặp những kỷ niệm một thời đầy ắp trong ngôi nhà xưa.

Thời ấy, đời một con người có thể thống kê bằng trí nhớ mà không sai là may bao nhiêu bộ quần áo, dùng hết mấy cái cuốc, xẻng, đổi bao nhiêu bộ thiếu cày, đóng mấy cái bừa, dùng hết bao nhiêu thúng mủng giần sàng, sắm mấy cái thớt con dao.

Đến số bát đĩa, nồi niêu xoong chảo dùng trong ăn uống hằng ngày cũng có thể đếm được, vì nó ít hỏng và vì thế cũng ít phải mua sắm. Giống như cái cuốc, cái xẻng, quần áo cũ... người ta cũng ít khi vứt bỏ. Áo rách không vá được nữa thì làm giẻ lau, dùng đến mủn đi thì mới bỏ.

Sau này có lần tôi hỏi mẹ, mới biết cái cuốc là từ đời ông nội để lại. Hiện giờ tôi còn giữ cái liễn da lươn màu gạch cua nền nã, không rõ gốm Hương Canh hay Bát Tràng, xương mỏng và nhẹ.

Nó cũng hơn trăm tuổi rồi, vì mẹ tôi dùng ỏm trám đen từ thuở chưa có tôi trên đời. Nếu trăm năm được coi là cổ vật thì cái liễn tôi sở hữu kia đã thành cổ vật. Trong nhà có vài đồ vật lâu năm làm cho người ta cảm thấy sống có lịch sử.

Đôi bát canh bạn tặng trong ngày cưới giờ còn một chiếc (một chiếc vỡ lúc nào không rõ) cũng gần tròn 50 năm. Mẫu bát ấy giờ cũng không còn nữa. Mỗi lần dùng đến lại tưởng ngày cưới mới hôm nào... Những món đồ cũ truyền đời ấy chồng chất lên trong ngôi nhà những kỷ niệm.

Dẫu đó toàn là những kỷ niệm thương khó thì nó vẫn làm lòng ta ấm áp, luôn có gì đó để tựa về. Không như ngôi nhà mới khang trang tiện nghi, đồ vật chưa ở với mình để thành kỷ niệm thì đã bị thải loại, thay bằng cái mới.

Cuộc sống thực dụng của thời đại mới, người ta nghĩ nhanh, làm nhanh, nhạy bén với mọi sự thay đổi... bắt đầu từ ấy, nên không còn nữa sự nhẩn nha sống chậm, lối tư duy ăn chắc mặc bền, cái đúc kết cẩn trọng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tâm lý dè sẻn kiểu “tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” (trữ lương thực phòng đói, cất giữ áo quần phòng rét)... thuở nào, có phần nào ngăn trở sự cố gắng thay đổi để tự giải thoát.

Cũng chẳng biết nên vui hay buồn, vì thời nào thì thế ấy. Chỉ thấy mình may khi vẫn còn ngôi nhà xưa để quay về, như một chốn được giá trị văn hóa bảo hành vĩnh viễn, để yêu cái ấm áp này của cuộc sống hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận