​Brazil một năm sau World Cup: Các sân vận động khốn đốn

LÊ TẤN 29/07/2015 00:07 GMT+7

Theo hứa hẹn của FIFA, những khoản tiền “khủng” mà Brazil đã chi tiêu cho việc tổ chức World Cup bóng đá 2014 sẽ được sinh lãi bằng các hoạt động thương mại của các sân vận động (SVĐ). Nhưng thực tế có như mong đợi?

Sân Fonte Nova gắn một thương hiệu bia lên biểu tượng của sân với giá 100 triệu reais, nhưng chẳng ai sử dụng tên gọi mới - Ảnh: primiciadeportiva.com

Khi xìcăngđan tham nhũng ở FIFA làm lung lay chóp bu quyền lực của tổ chức điều hành bóng đá thế giới hồi đầu tháng 6, mọi chuyện chưa phải đã kết thúc. Việc cánh tay phải của ông Sepp Blatter là Jérôme Valcke bị Bộ Tư pháp Mỹ sờ gáy hẳn có một dư vị đặc biệt đối với người Brazil.

“Mô hình FIFA” sụp đổ               

Trong giai đoạn chuẩn bị cho World Cup 2014, ông Valcke đã kêu gọi Chính phủ Brazil hãy hăng hái áp dụng “padrão FIFA” (tức mô hình FIFA) cho các công trường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu, thậm chí còn đe dọa “đá vào mông” khi thấy tiến độ xây dựng quá chậm chạp. Nhưng nay thì ai cũng thấy mô hình FIFA được dựa trên những cấu trúc bị băng hoại ra sao và đã để lại những di chứng đáng buồn như thế nào.

Một năm sau World Cup, quốc gia của quả bóng tròn đang sở hữu những SVĐ vắng bóng người từng được xây dựng với chi phí cao đến chóng mặt và đầy nợ nần, trong lúc FIFA thu về từ ngày hội hành tinh này 4,6 tỉ euro doanh thu. Liệu kết quả này có gây ngạc nhiên?

Dựa trên những báo cáo tài chính của các công ty được chuyển giao xây dựng SVĐ, cuộc điều tra của tờ Veja ở Sao Paulo cho thấy các công trường của 12 SVĐ có chi phí tổng cộng 8,4 tỉ reais (2,4 tỉ euro), tức cao hơn số tiền dự trù trong ngân sách đến 42%. Vấn đề là không một SVĐ nào trong số này tìm được nhà tài trợ, các hợp đồng thương mại hoặc tiền bán vé cần thiết để có thể sinh lãi.

Vực thẳm tài chính

Kết quả là thâm hụt ngân sách lên đến 700 triệu reais (200 triệu euro), trong đó chỉ riêng sáu SVĐ ở Rio sẽ tổ chức Olympic 2016 sắp tới đã chiếm đến 600 triệu reais. Việc sân Arena Amazônia ở Manaus bị thâm hụt là điều đã dự báo trước. Thế còn các sân Maracana (ở Rio), Minerao (ở Minais Gerais) thì sao? Các nhóm thầu quản lý hai SVĐ này từng đặt cược vào hiệu ứng World Cup theo mô hình FIFA: các khán đài sẽ tiếp tục đông nghẹt cổ động viên bị lôi cuốn bởi cơ sở vật chất cực kỳ hiện đại và các cầu thủ ngôi sao tranh tài trên sân. Nhưng rồi tỉ số 7-1 của trận Đức - Brazil ở bán kết đã là một cú tát trời giáng. Cổ động viên không thèm đến sân, các ngôi sao ra đi và mọi người đón nhận một thực tế phũ phàng.

Ở sân Maracana, Công ty xây dựng Oderbrecht đứng đầu một tập đoàn điều hành SVĐ từ hai năm nay liên tục bị lỗ đến 150 triệu reais (43 triệu euro). Khi họ khai thác SVĐ nổi tiếng này, một nghiên cứu cho biết khu vực hoạt động thể thao chỉ sinh lãi từ 30.000 khán giả trung bình cho mỗi trận đấu. Năm nay, con số đó chỉ đạt 21.000 khán giả. Trong khi đó, dự án xây một trung tâm thương mại bên vòng ngoài của sân được cho là giúp tăng doanh thu vẫn còn nằm trên giấy.

Đứng trước vực thẳm tài chính này, từ đầu năm 2015 Công ty Oderbrecht dọa hủy bỏ hợp đồng giữa họ với chính quyền bang Rio. Đây là điều khiến Ủy ban Olympic quốc tế (CIO) sẽ nhức đầu vì lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2016 sẽ diễn ra trên sân Maracana. Cuối cùng, Oderbrecht được thống đốc bang Luiz Fernando Pezao hứa xem lại bản hợp đồng ban đầu, theo đó công ty sẽ phải đầu tư 594 triệu reais (171 triệu euro) trong 35 năm tới và nay điều chỉnh giảm còn 20% số tiền dự kiến. Oderbrecht có ý đồ duy trì áp lực để được lợi nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, mọi thương lượng chỉ dự kiến kết thúc sau Olympic 2016.

Sau lễ khai mạc World Cup 2014 hoành tráng, giờ đây các SVĐ không tìm được nhà tài trợ - Ảnh: bayviewnow.com

Trong khi đó, vẫn có khả năng khai thác hiệu quả các SVĐ như ở châu Âu chẳng hạn. CLB Real Madrid mỗi năm thu về hơn 400 triệu euro từ hoạt động của sân Bernabeu, trong khi CLB Barcelona thu được kém hơn một chút.

Ngoài việc thu hút khán giả đến sân thường xuyên hơn nhờ sự xuất hiện đều đặn của các ngôi sao bóng đá và các giải vô địch được tổ chức tốt, doanh thu còn đến từ các nhà tài trợ, việc bán các lô ghế danh dự và tổ chức các hoạt động thương mại. Tại Brazil, chuyện diễn ra ngược lại: tiền bán vé là không thể trông mong được gì, thu nhập bổ sung thật sự hiếm. Thêm vào bối cảnh kinh doanh đáng buồn này là tình trạng bạo lực của các nhóm cổ động viên. “Rất nhiều yếu tố góp phần làm khán giả ngày càng xa rời SVĐ: giá vé cao, lịch thi đấu và chất lượng các trận đấu. Nhưng điều tệ hại nhất là tình trạng bạo lực” - chuyên gia tiếp thị và quản lý thể thao Amir Somoggi khẳng định.

Để hỗ trợ doanh số, các SVĐ phải bán được quyền đặt tên (naming rights), tức một dạng thỏa thuận tài chính hoặc hợp đồng quảng cáo cho phép một đơn vị mua quyền đặt tên cho một cơ sở hạ tầng hoặc một sự kiện theo thời hạn xác định (chẳng hạn sân nhà của CLB Arsenal còn được gọi là Emirates Stadium). Tuy nhiên, các nhà quảng cáo Brazil không hào hứng lắm với cách làm này. Chỉ có hai sân Arena Pernambuco (bang Pernambouc) và Fonte Nova ở thành phố Salvador (bang Bahia) chấp nhận gắn một thương hiệu bia lên biểu tượng của sân với giá 100 triệu reais (29 triệu euro) theo hợp đồng có thời hạn 10 năm. Nhưng vấn đề là chẳng ai sử dụng tên gọi mới này. Thậm chí kênh truyền hình Rede Globo, đơn vị chủ yếu nắm giữ bản quyền truyền hình các trận đấu, từ chối kiểu quảng cáo cho không này.

Tuy nhiên ông Paulo Remy, phó chủ tịch Công ty xây dựng WTorre, có cái nhìn lạc quan hơn: “Những hợp đồng đặt tên này rồi sẽ có chỗ đứng ở Brazil. Cần phải nhìn thấy ở đó chuyện đầu tư dài hạn”. WTorre là công ty đã trúng được hợp đồng đặt tên lớn nhất ở Brazil trị giá 300 triệu reais (86 triệu euro) cho một hãng bảo hiểm với thời hạn 20 năm trên SVĐ mới của CLB Palmeiras ở Sao Paulo.

Xìcăngđan dồn dập

Việc bán tên sân Itaquerao ở Sao Paulo cũng là dự án được truyền thông ầm ĩ với số tiền thông báo lên đến 400 triệu reais nhằm giải quyết những khó khăn tài chính. Đây là sân được chú ý nhiều nhờ có tỉ lệ khán giả đông nhất Brazil (64%). Nhưng việc bán các lô ghế danh dự quá đắt tiền nên không hấp dẫn nhiều người, và chuyện bán quyền đặt tên cũng chưa được cụ thể hóa, chủ yếu là vì qua thời gian cái tên Itaquerao đã ăn sâu vào tâm trí mọi người đến mức khó phai nhạt. Kết quả là ngân khố của sân không đủ trả số tiền nợ xây sân lên đến 395 triệu reais (114 triệu euro).

Tình hình đã khó khăn sẽ càng khó vượt qua. Về phía lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF), cựu chủ tịch José Maria Marin đang ngồi tù ở Zurich (Thụy Sĩ) và bị phía Mỹ đòi dẫn độ để phục vụ điều tra tham nhũng. Người kế vị ông là Marco Polo Del Nero cũng trong vòng nguy hiểm do phía Mỹ mở rộng điều tra. Hơn nữa, cảnh sát liên bang Brazil đã khui ra một hồ sơ nằm ngủ trong ngăn kéo liên quan đến người tiền nhiệm của họ là ông Ricardo Texeira trong kỳ bầu cử ở CBF với các tội danh rửa tiền, chuyển ngân lậu, tiếm quyền và giả mạo hồ sơ. Các hãng thầu đang ngồi trên lửa do chiến dịch Lava-Jato (cuộc điều tra ở Brazil về xìcăngđan tham nhũng) thì đang gây sức ép để cắt lỗ. Về phía các CLB, tốt hơn là không nói đến. Theo cách nói của một bình luận viên thể thao thì Brazil thật sự không ở trong giai đoạn tốt nhất của mình. 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận