Như một tấn tuồng

TRẦN HẢI 16/09/2016 21:09 GMT+7

TTCT - Khi “cướp diễn đàn” đấu tố Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), khởi đầu việc thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), cựu ông bầu Nguyễn Đức Kiên từng nói bóng đá là sân khấu 4 mặt: “Các anh (ám chỉ ban tổ chức giải và các đội bóng) diễn gì ở đấy, thiên hạ biết hết, chẳng qua là họ không thèm nói thôi”.

Rất khó cho Hải Phòng trong thế hai kẹp một. Trong ảnh: Hải Phòng (áo vàng) gặp XSKT Cần Thơ -Dương Thu
Rất khó cho Hải Phòng trong thế hai kẹp một. Trong ảnh: Hải Phòng (áo vàng) gặp XSKT Cần Thơ -Dương Thu

 

VPF ra đời đúng sau đó và được kỳ vọng là mô hình chuẩn để tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sau 5 mùa giải, giờ cái “sân khấu 4 mặt” bóng đá Việt Nam hiện ra sao?

Diễn hơi “sâu”...

Trên sân Thanh Hóa, cuộc đụng độ trực diện giữa hai ứng viên vô địch ở vòng 24, FLC Thanh Hóa và Than Quảng Ninh, có thể được liệt vào hàng kinh điển của V-League, của bóng đá Việt Nam.

Chủ nhà FLC Thanh Hóa sớm tạo lợi thế dẫn bàn trước giờ giải lao, nhưng hàng hậu vệ chơi như mơ ngủ sau đó, đồng thời có biểu hiện xin thẻ, trong một trận đấu mà họ cần giữ trọn 3 điểm ở lại để nuôi tham vọng đăng quang.

Kết quả: 2 thẻ đỏ được rút ra cho các hậu vệ là cựu tuyển thủ quốc gia Đào Văn Phong và Mai Tiến Thành bên phía FLC Thanh Hóa. Than Quảng Ninh nhanh chóng ghi 2 bàn để dẫn ngược đội bóng xứ Thanh, nhưng ngay thời điểm mà tất cả đều tin rằng đội bóng vùng mỏ sẽ rời sân với 3 điểm thì thủ môn, đội trưởng Huỳnh Tuấn Linh đã tự tay ném bóng vào chân tiền đạo Thanh Hóa Sunday Emmanuel, dẫn đến bàn thua.

Khó thể kết luận Thanh Hóa không muốn chiến thắng, bởi 3 điểm đồng nghĩa với vài trăm triệu tiền thưởng, nhưng các tình huống tố giác rằng Than Quảng Ninh đã cố tình buông những điểm số lẽ ra là quan trọng nhất mùa giải của họ, nhường đường cho Hà Nội T&T và Hải Phòng vươn lên, san bằng điểm số trên bảng xếp hạng.

Thời điểm đó, các trận đấu ở Hàng Đẫy và Lạch Tray đã kết thúc, với chiến thắng thuộc về hai ứng viên vô địch, cũng là những đội chủ nhà. Tình ngay lý gian, giải thích kiểu gì cũng khó, bởi trước khi Tuấn Linh tự tay đưa bóng vào chân Sunday, bỏ lại khung thành trống, các chân sút bên phía Than Quảng Ninh đã bỏ lỡ ít nhất 3 tình huống ghi bàn để có thể nhân đôi, thậm chí là nhân 3 lợi thế dẫn trước, qua đó sớm giải quyết trận đấu.

Sai lầm là một phần của bóng đá, nhưng sai lầm thô thiển liên tục như thế thì quả là dị thường. Tình huống phản công của Thanh Hóa bắt đầu từ pha phát bóng lên của thủ môn đội chủ nhà, sau khi Nghiêm Xuân Tú (Than Quảng Ninh) sút bóng như chuyền về cho đối phương.

Thủ thành Tuấn Linh bị chiếu bí, nhưng các mắt xích còn lại bên phía Than Quảng Ninh không thể không liên đới. V-League thời khắc chập choạng như trời hanh vật khô mà củi lửa lại... nhiều. Khó trách một mất mười ngờ.

...Nhưng không “câu” được khách

Than Quảng Ninh bị níu chân, Hà Nội T&T, Hải Phòng và SHB Đà Nẵng đồng loạt giành chiến thắng ở vòng 24, tạo nên một cuộc đua tứ mã khó lường, với khoảng cách giữa 3 đội đầu bảng và đội xếp thứ 4 chỉ là 1 điểm trước 2 lượt trận cuối.

Về lý thuyết, điều đó tạo nên sự kịch tính cho giải đấu, nhưng trên thực tế nếu xét các diễn biến từ vài lượt trận trước đó, có cảm giác như tính... kịch nhiều hơn chuyên môn.

Ở chặng nước rút, vẫn còn ít nhất 2 đội bóng có liên quan đến một ông chủ là ông bầu Đỗ Quang Hiển: Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng. Hai đội này tạo thế gọng kìm, khiến cả Than Quảng Ninh và Hải Phòng luôn khó thở.

Quảng Ninh coi như đã từ chối cơ hội xưng vương ở mặt trận V-League sau các diễn biến tại xứ Thanh, nhưng họ vẫn còn trận chung kết hai lượt ở Cúp quốc gia 2016 với đối thủ Hà Nội T&T để vớt vát. Nhưng với Hải Phòng, chính HLV Trương Việt Hoàng thừa nhận sau trận thua XSKT Cần Thơ ở vòng 23 rằng cơ hội vô địch mùa này của đội bóng đất cảng là cực thấp.

Không những thua về chỉ số phụ, về đối đầu trực tiếp với các ứng viên còn lại, Hải Phòng còn bất lợi vì quá... cô đơn. Cuộc đua ở V-League vốn vẫn được ví như một cuộc đua xe đạp, thiếu “đồng minh”, “đồng đội”, coi như đã nửa phần thất bại!

Hà Nội T&T và Than Quảng Ninh, trước khi nói chuyện phải quấy ở Cúp quốc gia sẽ tự loại nhau trên đường đua V-League 2016, vòng đấu thứ 25 (ngày 11-9).

Cả về lực lẫn về thế, hai đội bóng này có thể nói là một chín một mười, nhưng khác biệt ở việc xây mộng lớn. Đến lúc này, người ta bắt đầu nhắc đến một ứng viên tiềm tàng đứng sau lưng là SHB Đà Nẵng, đồng minh và là “chi nhánh bầu Hiển” của Hà Nội T&T.

“Bọ ngựa bắt ve, chim sẻ đứng rình sau lưng”, đấy là triết lý của kẻ mạnh, cái lợi của hai chọi một. Không phải vô cớ khi trong và sau khủng hoảng, Hà Nội T&T vẫn kiếm được 16/18 điểm tối đa, qua các cuộc đối đầu với các “đồng minh”, khi ít nhất 4 đội bóng có quan hệ lợi ích nhập nhèm thông qua ông chủ chung của họ.

Cuộc kèn cựa điểm số trên bảng xếp hạng, thực chất chỉ là tấm bình phong, không hút được khách, khi khán giả đã quay lưng.

Dù thế nào, tấm màn nhung sân khấu cũng phải khép lại cho đúng quy trình. Và cái sân khấu V-League 4 mặt ấy bao năm rồi vẫn thế. Trách những người đứng ra tổ chức cuộc chơi đã “thỏa hiệp” với tồn tại ngay tại vạch xuất phát là chưa đủ. Tiền lệ là do con người tạo ra, nhưng tệ hơn, không ai đủ can đảm để sửa đổi những điều bất hợp lý, thậm chí là nghịch lý. Thì đấy mới là bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận