Đội tuyển VN và bài toán Công Phượng

PHẠM AN 24/11/2016 04:11 GMT+7

TTCT - HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bảo vệ Công Phượng sau màn trình diễn không quá ấn tượng trước đối thủ Nhật Bản Avispa Fukuoka và tuyên bố: “Công Phượng chơi bóng cá nhân là chuyện bình thường. Theo tôi, một tiền đạo được phép chơi như thế để tạo đột biến”.

Công Phượng luôn đi bóng và ít khi quan sát đồng đội -N.K.
Công Phượng luôn đi bóng và ít khi quan sát đồng đội -N.K.

Ông Thắng đã để Công Phượng chơi đủ 90 phút, bất chấp những chỉ trích rằng Phượng chơi bóng quá ích kỷ và không hợp lý.

Dù trận đấu với Avispa Fukuoka chỉ là giao hữu, nhưng điều đó cho thấy HLV Hữu Thắng vẫn tin vào một điều gì đó ở Công Phượng, ngay cả khi anh rất ít được ra sân ở Nhật Bản và hiện chưa hòa nhập với lối chơi ở đội tuyển.

Cầu thủ ít chất JMG nhất

Công Phượng có lối chơi và những phản xạ khác rất nhiều đồng đội cùng lò JMG, thậm chí từ trước đến giờ cách chơi của anh hoàn toàn ngược với triết lý chung của lò JMG. Nếu như Xuân Trường và Tuấn Anh thường xử lý chạm bóng bước một (first touch) rất thực dụng để mở ra các không gian chuyền bóng, Phượng lại luôn cố mở ra các không gian để đột phá.

Nếu như khi quyết định đột phá là Phượng sẽ cúi gằm mặt xuống đất và không cần biết đến ai, thì Tuấn Anh và Xuân Trường dù đang giữ bóng giữa vòng vây vẫn luôn ngẩng lên quan sát rất rộng.

Tất nhiên vị trí của họ khác nhau cũng là nguyên nhân tạo ra những thói quen khác nhau, nhưng ngay cả khi so sánh với một tiền đạo JMG khác là Văn Toàn thì cách xử lý của Công Phượng cũng thiếu độ tương tác chiến thuật cần thiết.

Anh hầu như không đưa ra những quyết định dựa trên quan sát chuyển động không bóng của đồng đội và tạo cảm giác rằng mình chỉ “miễn cưỡng” phối hợp trong những tình huống cơ bản: hoặc các pha đập nhả một - hai buộc phải làm để phá thế phòng ngự kín như bưng trước vòng cấm, hoặc Phượng đang bị vây bởi rất nhiều người phía sau và buộc phải nhả lại bóng cho đồng đội.

Trận hòa Avispa Fukuoka, Phượng có ít nhất ba tình huống để mất bóng khi cố chấp đột phá mà không chuyền cho đồng đội. Chính HLV Lê Thụy Hải trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí sau trận cho rằng Phượng đá quá “tối” và “cần phải thay đổi lối chơi”.

Bài toán rủi ro

Nhưng nếu xem lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Công Phượng từ trước đến giờ, đa số đều được thực hiện theo kiểu phá cách như thế: cú dắt bóng đâm thẳng vào một rừng áo vàng trận gặp Nhật Bản ở Giải vô địch U-19 Đông Nam Á mở rộng năm 2014; bàn thắng từ một pha dốc bóng liên tục 60m “không thèm” chuyền cho hai đồng đội đang chạy ở hai cánh trong trận giao hữu hòa U-23 Myanmar 2-2 năm ngoái và đáng nhớ nhất có lẽ là cú tăng tốc trong vòng vây 4-5 cầu thủ U-19 Úc trước khi sút tung lưới đối phương ở Giải U-19 Đông Nam Á mở rộng cách đây 2 năm.

Phượng có tố chất của một ngôi sao thật sự, từ trí tưởng tượng, độ táo bạo và cả khả năng thu hút đám đông (có lẽ trong lịch sử, ngoài Văn Quyến thì chỉ có Công Phượng khiến truyền thông nhắc nhiều đến thế khi chưa đầy 20 tuổi).

Chính “cha đẻ” của Học viện JMG, ông Jean-Marc Guillou trong một lần trả lời truyền thông VN đã đánh giá rằng về tố chất, trong ba người là Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường thì “chỉ Phượng đủ trình độ thi đấu cho các giải bóng đá châu Âu”.

HLV Hữu Thắng có lẽ hiểu rằng với thực lực hiện tại, nếu muốn tiến sâu tại AFF Cup thì đội tuyển VN có thể chỉ cần một hệ thống hợp lý, nhưng muốn vào chung kết và chinh phục đỉnh cao thì họ cần những cầu thủ tạo đột biến và những khoảnh khắc kỳ diệu, thậm chí thật nhiều may mắn.

Tại AFF Cup 2008, HLV Henrique Calisto đã tin dùng Công Vinh dù anh đã tịt ngòi từ vòng bảng đến bán kết và được đền đáp bằng bàn quyết định ở trận chung kết lượt về, với cú đánh đầu mà các cầu thủ VN trước đó chỉ dám làm trong... trí tưởng tượng.

Hi vọng 90 phút kiên nhẫn với Công Phượng trước Avispa Fukuoka là tiền đề để HLV Hữu Thắng nhìn ra tất cả những hạn chế của cầu thủ này và có thể tạo ra một hệ thống chiến thuật, giúp những mẫu cầu thủ như anh hòa nhập và tạo ra điểm nhấn trong lối chơi khi cần thiết.

Một cầu thủ phá cách có điểm nhấn sẽ không hủy hoại lối chơi của đồng đội và chắt lọc những khoảnh khắc để thăng hoa khi thế trận đóng băng. Bởi suy cho cùng, mọi sáng tạo đều phải bắt đầu từ kỷ luật và lao động.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận