Nỗi ám ảnh “Việt Nam vô địch”

BAN CẦM 03/12/2016 02:12 GMT+7

TTCT - Khẩu hiệu “Việt Nam vô địch!” luôn tạo sức ép rất kinh khủng lên các cầu thủ nhất là khi nghĩ đến viễn cảnh sẽ phải nhận búa rìu từ dư luận khi không đạt được thành tích tốt.

Niềm vui của các cầu thủ Việt Nam trong trận thắng chủ nhà Myanmar 2-1, trận mở màn AFF Suzuki Cup 2016-N.K.
Niềm vui của các cầu thủ Việt Nam trong trận thắng chủ nhà Myanmar 2-1, trận mở màn AFF Suzuki Cup 2016-N.K.

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, cựu tiền đạo Việt Thắng thổ lộ rằng anh sợ nhất là câu người hâm mộ Việt Nam thường hô trong các trận đấu: “Việt Nam vô địch!”, bởi theo anh, “điều này luôn tạo sức ép rất kinh khủng, nhất là khi nghĩ đến viễn cảnh sẽ phải nhận búa rìu từ dư luận nếu không thể đạt thành tích như kỳ vọng của mọi người”.

 Và điều đó cũng là tâm sự chung của nhiều cầu thủ khác chứ không riêng gì Thắng.

Tám năm trước, HLV Henrique Calisto từng phản ứng rất giận dữ và từ chối trả lời truyền thông sau khi bị chỉ trích dữ dội trước giải AFF Cup 2008. Khi ấy đội tuyển Việt Nam trải qua hơn chục trận không biết thắng trong giai đoạn chuẩn bị.

Thậm chí khi vào giải, thầy trò ông Calisto thua sấp mặt 0-2 trước Thái Lan ở trận mở màn vòng bảng, và thắng Malaysia ở những phút cuối nhờ một bàn khá may mắn của Nguyễn Vũ Phong. Không ai nhìn ra điểm tích cực nào từ chuỗi trận đó, cho đến khi “Việt Nam vô địch” trở thành sự thật.

Đó có lẽ là một quá trình vừa tiến vừa sửa sai tỉ mẩn mà tâm lý tuyệt đối hóa chiến thắng đã phủ nhận những tiến bộ thầm lặng. Công Vinh, trước khi tỏa sáng trong hai lượt đi và về chung kết trước Thái Lan năm 2008, đã tịt ngòi từ đầu giải. Anh và các đồng đội đã cùng ông Calisto vượt qua một giai đoạn đầy dông tố trước khi chứng minh rằng họ đúng.

Tâm lý ấy tồn tại ở mọi cấp độ của bóng đá Việt Nam. Trong lễ trao thưởng cho đội U-19 Việt Nam giành quyền dự World Cup U-20, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng tiết lộ rằng khi đội chỉ giành được vị trí thứ tư ở giải U-19 Đông Nam Á, ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi sa thải HLV Hoàng Anh Tuấn.

Để rồi sau khi U-19 giành vé dự World Cup, rất nhiều tờ báo đăng một ý kiến gây sốc trên mạng viết rằng Manchester United nên sa thải HLV Jose Mourinho để mời... ông Hoàng Anh Tuấn!

Người tiền nhiệm của ông Hữu Thắng là Toshiya Miura cũng từng phải nếm trải cảm giác cay đắng này: ông trở thành ngôi sao truyền thông sau khi đưa Việt Nam vào đến vòng 1/8 bóng đá nam tại ASIAD 17, nhưng bị chỉ trích kịch liệt sau AFF 2014 và SEA Games 28, hai giải đấu mà đội tuyển giành... huy chương đồng.

Sau chức vô địch Aya Bank Cup vào tháng 6, ông Hữu Thắng đã lên tiếng “xin” báo chí đừng vội tâng bốc đội tuyển Việt Nam, có lẽ vì nhìn nhận được rằng ngay cả khi khẩu hiệu “Việt Nam vô địch” trở thành sự thật thì không có nghĩa là các vấn đề của đội tuyển sẽ biến mất.

Nhưng, nói như thế thì phải chăng “tội” thuộc về truyền thông, người hâm mộ?

Không. Oan lắm cho truyền thông và người hâm mộ. Hay nói chính xác hơn, ai cũng có “tội” chứ chẳng phải chỉ truyền thông và người hâm mộ.

Phân tích về cái “bệnh” lúc nào cũng muốn thắng, cũng muốn vô địch nào chỉ có ở bóng đá. Nó là biểu hiện của căn bệnh hám thành tích có mặt khắp mọi nơi, thể hiện qua những bản báo cáo láo, những con số thống kê được làm đẹp... mà xã hội đã lên án một cách vô vọng bao năm nay.

Nhưng mà thôi, ở đây đang nói chuyện bóng đá thì khoanh nó lại trong phạm vi bóng đá thôi vậy. Nói đâu xa, vị chủ tịch VFF lên tiếng chê trách dư luận, nhưng có bao giờ ông nhìn lại chính mình, chính tổ chức mà mình đang là người đứng đầu?

Ví dụ, bao nhiêu năm nay, mọi người phát ớn với bản tổng kết mỗi mùa bóng đều có công thức: Điểm sáng nhiều + một vài điểm tối be bé = Giải thành công tốt đẹp! Trong khi đó, thực tế từ khán đài cho thấy người hâm mộ ngày càng quay lưng với bóng đá, thể hiện qua số lượng khán giả đến sân ngày một ít.

Hay nữa, khi lứa U-19 của Hoàng Anh Gia Lai đá bại U-19 Úc 5-1, ai là người ảo tưởng với chuyện lứa này sẽ đưa đội tuyển Việt Nam đến vòng chung kết World Cup 2018? Xin thưa, chính là lãnh đạo VFF vậy! Nhưng khi “các cháu” suýt rớt hạng ở V-League, thì cũng chẳng ai khác ngoài lãnh đạo VFF thể hiện sự ghẻ lạnh trước tiên.

“Việt Nam vô địch” ở mọi giải đấu là một ước mơ. Tuy không ai đánh thuế ước mơ, nhưng ước mơ sẽ trở nên kỳ dị, khi nó trở thành một sự đòi hỏi mà bất chấp thực tế. Muốn có những hành xử đúng mực, cần phải biết người biết ta. Và muốn biết người biết ta thì phải rèn, phải học vậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận