Giấc mơ bóng đá “đại đồng” ở premier league

TUấN NGọC 08/04/2017 22:04 GMT+7

TTCT - Ban đầu, Rahic dự định mua lại CLB Scotland Glasgow Rangers song thất bại. Ông chuyển sang nghiên cứu 72 CLB Anh ở các hạng đấu dưới Giải ngoại hạng.

Edin Rahic đã có đủ tiền, ông muốn điều tốt đẹp cho nhiều người hơn trong bóng đá-thetimes.co.uk
Edin Rahic đã có đủ tiền, ông muốn điều tốt đẹp cho nhiều người hơn trong bóng đá-thetimes.co.uk


 Phân tích kỹ các yếu tố từ cơ sở hạ tầng giao thông, đến đội hình cầu thủ, tuổi đời trung bình, số lượng CĐV và tất nhiên là cả giá vé, cuối cùng Bradford City ở giải League One (hạng ba nếu tính Premier League là hạng nhất) là đội được ông lựa chọn.

Trước khi trở thành một nhà đầu tư độc lập, Rahic từng làm giám đốc tài chính của Bosch, tập đoàn cơ khí và điện tử đa quốc gia hàng đầu thế giới, vì vậy ông rất rành chuyện tiền bạc lời lỗ.

Tuy nhiên, phi vụ mua lại Bradford với ông không hẳn là một khoản đầu tư để sinh lời, mà trước hết xuất phát từ niềm đam mê cháy bỏng với trái bóng tròn.

Sinh ra trong một gia đình nhập cư ở Đức, Rahic từng là thành viên tuyển U-16 Nam Tư cũ, trước khi phải sớm từ bỏ nghiệp bóng đá do một chấn thương nặng.

Tình yêu bóng đá của ông không vì thế mà bị dập tắt. Sau này, dù bận rộn với công việc, Rahic vẫn tự học và thi lấy các chứng chỉ HLV và trọng tài. Ông còn tham gia hội đồng quản trị CLB Stuttgarter Kickers, đội đang đá ở giải vùng tây nam của Đức.

Xong xuôi thủ tục mua bán và trở thành đồng chủ tịch Bradford, Rahic ngay lập tức chuyển toàn bộ gia đình tới Anh sinh sống, như bằng chứng thể hiện sự cam kết lâu dài của ông với mục tiêu đưa mô hình “bóng đá cộng đồng” của Đức tới Anh.

Ngoài những cân nhắc chiến lược, Rahic mua lại Bradford bởi lẽ ngay từ đầu, đội này cũng đã theo đuổi chính sách giá vé hợp lý cho người hâm mộ, điều rất hiếm thấy ở Anh - đất nước của Adam Smith - nơi gần như mọi CLB đều tìm cách tối đa hóa lợi nhuận dựa trên các nguyên lý thị trường tự do.

Bước đầu tiên của cuộc cách mạng mà Rahic tiến hành tại Bradford là giảm giá vé cả mùa xuống còn 149 bảng (186 USD), thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 283 bảng của các CLB hạng ba, và không thấm vào đâu so với trung bình tới 480 bảng của các đội Premier League.

“Tại Đức, bạn có thể mua được những chiếc vé giá cực rẻ, bởi họ có khu vực khán đài đứng. Một chiếc vé cả mùa như vậy chỉ có giá khoảng 110 bảng, thậm chí là tại Bayern hay Dortmund (tức những đội phải sánh với Chelsea hay Manchester United ở Anh)” - Rahic chia sẻ.

Là một chuyên gia tài chính, Rahic không đơn giản chỉ làm từ thiện. Hướng đi của ông có thể rất thông minh cả trong chuyện tiềm năng.

Với việc định giá vé rẻ hơn, Bradford hi vọng sẽ bán được 20.000 vé cả mùa giá 149 bảng, mang lại nguồn thu tương đương 15.000 vé ở mức đắt hơn là 199 bảng. Con số tăng thêm 5.000 khán giả mỗi trận cũng sẽ dẫn tới nguồn thu tăng thêm từ các dịch vụ phụ trợ trong sân như ăn uống, quà lưu niệm...

Ngoài giá vé cả mùa, giá vé lẻ mỗi trận cũng được Rahic hạ xuống còn 6,5 bảng, động thái nhận được nhiều lời khen ngợi từ cả CĐV các đội đối thủ của Bradford!

“Kể cả với vé cả mùa ở mức 149 bảng, chúng tôi vẫn có thể xây dựng một đội bóng tốt, đủ sức cạnh tranh, nếu bán được từ 18.000 vé cả mùa trở lên - Rahic tự tin - Nhiều người tới sân cũng đồng nghĩa với bầu không khí sôi động hơn, sức ép lên đội khách từ khán đài vì thế mà cũng lớn hơn”.

Chiến lược giá vé mới của Rahic bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ở mùa giải đang diễn ra, Bradford bán được tới 12.000 chiếc áo đấu, con số trong mơ với một CLB hạng ba đại diện cho một đô thị tập trung nhiều dân lao động với chỉ hơn 500.000 dân cả thảy.

“Bradford là thành phố của người lao động, chúng tôi là một đội bóng của tầng lớp công nhân và chúng tôi muốn khuyến khích người hâm mộ thuộc tầng lớp đó cổ vũ CLB hết mình - Rahic chia sẻ quan điểm bóng đá “đại đồng” mà ông mang sang từ Đức - Chúng tôi là một đội cửa dưới, muốn đánh bại những ông lớn.

Đó là thương hiệu của chúng tôi vậy. Để đạt được mục tiêu, chúng tôi cần sự ủng hộ của 18.000 - 20.000 CĐV mỗi trận”.

Mục tiêu tối thượng mà Rahic đặt ra cho Bradford trong tương lai gần là giành quyền lên chơi ở Premier League. Hiện xếp thứ 5 ở hạng ba, đội bóng của Rahic có nhiều hi vọng chơi tại Championship (hạng nhì) mùa tới. Premier League khi đó sẽ gần lại rất nhiều.

Nhìn xa thấy rộng và rất tự tin, Rahic bắt đầu nói về sân chơi cao nhất: “Giá vé quá cao tại Premier League, khi mà những đội cuối bảng cũng nhận được tới 100 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình mỗi mùa, là một điều rất đáng tiếc.

Giấc mơ của chúng tôi là chơi ở Premier League và nếu điều đó thành hiện thực, giá vé của Bradford sẽ là 1 bảng mỗi trận, bởi chúng tôi đã có ít nhất 100 triệu bảng từ bản quyền truyền hình rồi. Cớ gì bạn không đáp lại một chút tình cảm người hâm mộ đã dành cho đội bóng!”.

Khi đó, thế giới kim tiền của Giải ngoại hạng sẽ có một kẻ lập dị biến mơ ước về một xã hội bóng đá utopia trở thành hiện thực.■

Một năm trước, Edin Rahic đi vào lịch sử với tư cách người Đức đầu tiên sở hữu một CLB đang thi đấu trong hệ thống các giải đấu của Liên đoàn Bóng đá Anh, và giờ đội bóng của ông đang hướng tới việc giành quyền thăng hạng Premier League. Nhưng điều đặc biệt ở đội Bradford City không chỉ có thế: họ có thể trở thành đội bóng “phúc lợi” cho tất cả (inclusive) đầu tiên ở Anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận