“Tôi không biết sợ trong thi đấu”

TẤN PHÚC 30/05/2017 19:05 GMT+7

TTCT - Thiếu sự hậu thuẫn tài chính từ gia đình, thậm chí không có được HLV giỏi chỉ dạy chứ chưa nói đến những chuyến tập huấn nước ngoài, nhưng cô gái Huế Võ Thị Kim Phụng đã xuất sắc mang về chiếc HCV châu Á thứ hai trong lịch sử cờ vua nữ VN.

 

Võ Thị Kim Phụng

 

Kim Phụng đang nổi như cồn trong làng cờ Việt bởi trước khi lên ngôi vô địch châu Á, cô đã vô địch bảng nữ Giải cờ vua khu vực 3.3 năm 2017 ở Philippines để giành chiếc vé duy nhất tham dự Giải vô địch cờ vua nữ thế giới 2018. Vừa trở về VN, kỳ thủ 24 tuổi Kim Phụng đã có cuộc trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần về chuyện đời, chuyện nghề cũng như dự định tương lai.

Trở lại chút xíu với giải vô địch châu Á, kỷ niệm nào khiến Kim Phụng nhớ nhất?

- Dĩ nhiên đó là thời khắc tôi đăng quang. Tôi vào giải với không nhiều kỳ vọng vô địch mà chỉ đặt mục tiêu tích lũy thêm Elo (hệ số tính toán trình độ của người chơi cờ vua của Liên đoàn Cờ vua thế giới) càng nhiều càng tốt.

Đến khi vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng sau ván 6, tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ cố hết sức trong từng ván.

17 năm trước (năm 2000), chị Hoàng Thanh Trang đã mang về chức vô địch châu Á đầu tiên cho cờ vua nữ VN. Tôi luôn tin rằng không sớm thì muộn sẽ có người thứ hai làm được việc này nhưng không ngờ đó là chính mình.

Công bằng mà nói, tôi có được thành tích này một phần nhờ chị Bảo Trâm, Thảo Nguyên... đã “đánh chặn” các đối thủ phía dưới. Tôi đã mừng đến không nói thành lời. Cha mẹ tôi phát khóc khi biết tin.

Tôi đã trải qua nhiều thời điểm rất khó khăn, nhất là ở ván thứ ba với kỳ thủ Kazakhstan Nakhbayeva Guliskhan. Tôi bị sót nước ngay từ đầu và theo phân tích của máy tính thì tôi đã cầm chắc thất bại.

Thế nhưng tôi cứ cố gắng, cố gắng trong từng nước cờ để tìm hi vọng. Và tôi đã giành lại được 0,5 điểm sau hơn 6 giờ đấu trí căng thẳng.

HLV tuyển cờ vua VN Lâm Minh Châu từng nhận xét một trong những ưu điểm của Phụng là “không biết sợ” trước mọi đối thủ. Đó là bản tính vốn có hay kết quả mà Phụng tập luyện?

- Ngoài đời, tôi vui tính nhưng không phải không biết sợ. Đến chạy xe chỗ đông người ở TP.HCM mà tôi còn “nhát”. Nhưng đúng là tôi không biết sợ trong thi đấu cờ vua.

Thực tế là phần đông nữ kỳ thủ trên thế giới và kể cả VN luôn bị rơi vào khủng hoảng sau mỗi ván thua đáng tiếc hay để tuột mất chiến thắng. Họ quay cuồng trong sự tiếc nuối, thành nỗi ám ảnh nên không còn tâm trí cho những ván tiếp theo.

Tôi cũng từng bị điều đó. Để khắc phục, tôi chơi đủ trò giải trí sau mỗi thất bại để nỗi buồn qua thật nhanh. Sau đó, tôi lại tập, chuẩn bị cho đối thủ kế tiếp.

Tôi luôn nghiên cứu trước về đối thủ. Vào trận, tôi chọn lối đánh thiên về tấn công với tâm niệm đó là cách phòng thủ tốt nhất và cố gắng đến nước cờ cuối cùng.

Muốn thành công trong nghiệp đấu cờ chuyên nghiệp, ngoài đam mê và khổ luyện, luôn đòi hỏi khả năng đầu tư tài chính lớn mà thành công của Lê Quang Liêm với sự hậu thuẫn của gia đình, ngành thể thao TP.HCM, Liên đoàn Cờ VN... là một minh chứng. Phụng đã được đầu tư như thế nào đến ngày hôm nay?

- Bất lợi lớn nhất của tôi là khó khăn về tài chính. Học cờ chuyên nghiệp cần rất nhiều tiền. Ví dụ, nếu “thọ giáo” các đại kiện tướng thế giới (kể cả các kỳ thủ nam có đẳng cấp của VN) thì học phí trên dưới 50 USD (hơn 1,1 triệu đồng)/giờ; nếu là kỳ thủ có hệ số Elo từ 2600 đến trên 2700 thì học phí có khi hơn 200 USD (hơn 4,5 triệu đồng)/giờ.

Ba mẹ tôi buôn bán tạp hóa nhỏ ở TP Huế, chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống nên không giúp được tôi nhiều. Tôi được hỗ trợ từ đơn vị chủ quản Bắc Giang nhưng cũng không kham nổi chi phí này.

Kỳ thủ nữ luôn thiệt thòi trong tiền thưởng bởi các giải đấu nằm trong hệ thống quốc gia, châu lục thì rất ít, hoặc không có tiền thưởng. Nếu dự giải mở rộng (tiền thưởng nhiều) thì đấu chung với các kỳ thủ nam rất khó có thành tích. Khi giành được tiền thưởng thì tôi gửi một ít về cho gia đình.

Phần còn lại dùng trang trải cuộc sống, vừa ăn, học ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM, rồi đầu tư lại cho cờ và gói ghém cho tương lai.

Vậy Phụng tập luyện như thế nào để nâng cao sức cờ?

- Tôi phải chọn cách ít tốn kém nhất, lấy đam mê và sự cầu tiến làm “chủ công” (cười...). Tôi là nữ kỳ thủ duy nhất của tuyển VN chưa từng được đi tập huấn nước ngoài.

Chủ yếu tôi tự tập luyện với các phần mềm đánh cờ trên máy tính và học qua mạng. Để học qua mạng, tôi đăng ký một tài khoản trên website chess.com để đấu cờ miễn phí. Thông qua trang web này, tôi được đấu với nhiều kỳ thủ khắp thế giới (đôi khi tôi biết đối thủ nhưng đa số là không biết họ là ai vì rất nhiều người dùng nick ảo để tập luyện).

Từ những ván cờ đó, tôi lại nghiền ngẫm, phân tích thêm để rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Mỗi ngày tôi luyện cờ không dưới 4 tiếng đồng hồ như thế.

Về lâu dài, không ai có thể tự tập luyện để vươn đến đỉnh cao nhất sự nghiệp. Kim Phụng đã tìm ra hướng đi nào cho sự nghiệp của mình chưa?

- Sự nghiệp cờ của tôi đang có tiến bộ nên tôi phải thừa thắng xông lên. Sau khi đạt chuẩn đại kiện tướng nữ thế giới, tôi đặt chỉ tiêu phải vươn tầm Elo 2400 và đạt chuẩn đại kiện tướng nam.

Nhưng đến tầm nào đó, tôi chắc chắn sẽ rất cần người hướng dẫn để có đột phá vượt qua giới hạn bản thân. Tôi biết mình không thể tự học mà phát triển hoài được.

Khó khăn đó cũng là động lực cho tôi cố gắng hơn. Tôi đã 24 tuổi và không nuôi hi vọng học cao như anh Lê Quang Liêm. Dự kiến vào tháng 6 tôi thi tốt nghiệp ngành giáo dục thể chất của Trường đại học TDTT TP.HCM.

Sau đó tôi sẽ tập trung cho cờ và cố gắng giành nhiều thành tích càng tốt. Có thành tích, tôi hi vọng mình sẽ có nhà tài trợ như vài VĐV của TP.HCM để thuê HLV giỏi và tạo sức bật về cờ hơn nữa. Tôi tự đánh giá mình vẫn còn non kinh nghiệm và cơ hội phát triển vẫn còn.

Rất cảm ơn Phụng. ■

“Vài ba năm nữa tôi sẽ lập gia đình nhưng tôi sẽ không nghĩ đến chuyện giải nghệ trước tuổi 30. Và chắc chắn sau khi giải nghệ, tôi cũng sẽ làm công việc liên quan đến cờ. Tôi ước mơ sẽ mở CLB cờ bằng chính số tiền mình dành dụm được để dạy cờ cho trẻ em.

Khi có con, nếu con tôi thích học cờ thì tôi sẽ dạy nhưng sẽ không cho con theo chuyên nghiệp. Là VĐV, tôi hiểu được khó khăn của thể thao VN khi tiến lên chuyên nghiệp. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đeo nghiệp VĐV cờ, vì đó là đam mê và cờ cũng cho tôi nhiều thứ, nhưng tôi hiểu làm VĐV chuyên nghiệp quá vất vả, như tôi phải sống xa nhà từ nhỏ, hồi cấp III tôi suýt lưu ban dù học lực khá do đi thi đấu quá nhiều, khó khăn về tài chính... Tôi thật sự mong con mình không có đam mê cờ như mình”.

Võ Thị Kim Phụng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận