Giải đấu “chuột bạch”

HUY ĐĂNG 22/06/2017 22:06 GMT+7

TTCT - Vốn dĩ là một giải đấu trẻ và không nhận được quan tâm mấy bởi cộng đồng bóng đá thế giới, World Cup U-20 2017 vẫn có nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh hàng loạt luật lệ mới được FIFA thử nghiệm.

Tổ trọng tài video làm việc ở World Cup U-20 2017 -GETTY IMAGES
Tổ trọng tài video làm việc ở World Cup U-20 2017 -GETTY IMAGES

 

Tổng cộng có ba thay đổi đáng kể trong luật thi đấu được FIFA áp dụng cho giải đấu diễn ra trên đất Hàn Quốc, bao gồm công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR), luật cho phép thay người thứ 4 trong hiệp phụ và luật đá luân lưu “ABBA”.

Vừa đá vừa... thấp thỏm với VAR

World Cup U-20 2017 không phải là giải đấu đầu tiên VAR được áp dụng. Trước đó, VAR đã xuất hiện ở Giải vô địch Úc và trận chung kết World Cup FIFA Club 2016 diễn ra tại Nhật Bản.

Xa hơn nữa, việc sử dụng công nghệ từng xuất hiện ở Euro 2016 với công nghệ Goal-line hỗ trợ xác định các tình huống tranh cãi bóng có lăn qua vạch vôi hay chưa. Nhưng nếu Goal-line nhận được sự ủng hộ tuyệt đối, VAR trái lại gây ra rất nhiều tranh cãi.

Tầm phổ quát của VAR lớn hơn rất nhiều so với Goal-line, bao gồm các loại tình huống liên quan đến việc xác định bàn thắng có được công nhận hay không, quyết định thổi phạt đền, rút thẻ đỏ và những lỗi hành vi khác.

Chính vì vậy ngay khi vừa được áp dụng, VAR hầu như can thiệp mọi trận đấu. Nếu không có sự xuất hiện của công nghệ này, rất nhiều trận đấu ở World Cup U-20 2017 sẽ có kết quả đảo lộn.

Người đầu tiên được “nếm mùi” VAR là Lautaro Martinez của Argentina trong trận thua Anh 0-3 - cũng là trận đấu đầu tiên của giải. Sau khi xem lại băng ghi hình, trọng tài đã xác nhận hành vi đánh nguội của Martinez với đối thủ và rút thẻ đỏ dành cho anh. Bắt đầu từ đó, VAR trở thành nỗi ám ảnh với tất cả cầu thủ.

“Các cầu thủ không nên vội vã ăn mừng sau khi ghi bàn thắng, được hưởng phạt đền hoặc thậm chí thoát một lỗi phạt, kể cả khi trọng tài trên sân đã công nhận tình huống đó, vì mọi chuyện có thể đảo ngược hoàn toàn” - phóng viên Flavien Tresarrieu của báo L’Equipe đùa vui.

Nhưng đó là sự thật. Trong trận Hàn Quốc thắng Guinea 3-0, các cầu thủ chủ nhà đã một phen “hố nặng” khi vội vã ăn mừng bàn thắng của Choi Young Wook sau khi trọng tài biên không có dấu hiệu gì phủ nhận.

Nhưng rồi trọng tài chính Julio Bascunan quyết định nhờ cậy tới VAR và bàn thắng đã không được công nhận vì đi hết đường biên ngang.

Nhiều kết quả có lẽ sẽ bị đảo ngược hoàn toàn nếu không có VAR. Trong trận Bồ Đào Nha - Iran ở lượt đấu cuối bảng C, Bồ Đào Nha khi đó mới chỉ có 1 điểm và cần một trận thắng trước Iran (3 điểm) để đi tiếp.

Khi tỉ số đang là 1-1 giữa hiệp 2, trọng tài cho Iran một quả phạt đền và đó gần như là dấu chấm hết cho Bồ Đào Nha. Nhưng VAR một lần nữa can thiệp, quả phạt đền bị tước bỏ để rồi cuối cùng Bồ Đào Nha lật ngược thế cờ giành chiến thắng đi tiếp, còn Iran bị loại trong cay đắng.

Nhưng gây sốc nhất là tình huống thổi phạt đền cho Uruguay trong trận thắng Ý 1-0 ở vòng bảng của trọng tài Walter Lopez. Phút 40, hậu vệ Ý níu áo tiền đạo Uruguay trong vòng cấm địa, nhưng trọng tài ban đầu không thổi phạt và chỉ đưa ra quyết định sau khi có sự hỗ trợ của VAR.

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng tranh cãi nếu thời điểm trọng tài ra quyết định đã là phút 42 và suốt thời gian đó trận đấu vẫn diễn ra. Thậm chí các cầu thủ Ý còn đang triển khai tấn công.

“VAR không phải lúc nào cũng tốt, mà tình huống này là một minh chứng. Hãy nhìn xem, trọng tài mất quá lâu để đưa ra quyết định và trận đấu vẫn đang diễn ra” - cây viết Benjamin Newman của trang 101greatgoals chỉ trích.

Newman có lý bởi đặt trường hợp: nếu Ý ghi bàn trong khoảng thời gian 2 phút này thì liệu bàn thắng có được tính? Đó thực sự là một vấn đề gây tranh cãi.

Dễ hiểu khi giới cầu thủ, HLV rất nhiều người phản ứng tiêu cực với công nghệ này. Zinedine Zidane còn gọi VAR là “nguồn gốc của sự nhầm lẫn”, còn Luka Modric khẳng định anh không thích.

Trọng tài đã rút nhiều thẻ đỏ ở World Cup U-20 2017 sau khi nhận sự hỗ trợ từ VAR -GETTY IMAGES
Trọng tài đã rút nhiều thẻ đỏ ở World Cup U-20 2017 sau khi nhận sự hỗ trợ từ VAR -GETTY IMAGES

 

Luật thay người và đá luân lưu được đón nhận

Trong khi đó, hai sự thay đổi quan trọng còn lại là luật cho phép thay người thứ tư và luật đá phạt đền “ABBA” đều nhận được những phản hồi rất tích cực.

Với luật thay người thứ tư, các đội bóng có thể thay thêm một người sau khi đã sử dụng hết ba quyền thay người nếu trận đấu bước vào hiệp phụ.

Đây đơn giản là một sự thay đổi cho các đội bóng nhiều lựa chọn hơn, trận đấu càng hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn trong hiệp phụ khi có thêm một cầu thủ khỏe mạnh được tung vào sân.

Minh chứng là World Cup U-20 2017 đang chứng kiến những trận cầu cực kỳ bùng nổ trong hiệp phụ.

Khoảng thời gian 30 phút thêm vào của các trận đấu loại trực tiếp trước nay vẫn thường khá thừa thãi, bởi hai đội thường đã thấm mệt sau 90 phút thi đấu chính thức và có rất ít bàn thắng được ghi.

Nhưng trong tổng số 5 trận đấu phải bước vào hiệp phụ của vòng 16 đội và vòng tứ kết World Cup U-20 2017, người ta đã được chứng kiến 6 bàn thắng được ghi trong các trận Venezuela thắng Nhật (1 bàn), Zambia thắng Đức (1 bàn), Venezuela thắng Mỹ (3 bàn) và Ý thắng Zambia (1 bàn).

Trên trang blog thebluetestament.com, cây viết Chad Smith tỏ ra cực kỳ tức tối với HLV Tab Ramos của Mỹ, khi ông này không sử dụng quyền thay người thứ 4 hợp lý.

“Ông ấy cho Auston Trusty vào sân ở phút 120 chẳng để làm gì cả. Các cầu thủ đã kiệt sức trong hiệp phụ và tại sao ông ấy không sử dụng quyền thay người thứ 4 sớm hơn” - Smith viết.

Trong khi đó, luật đá luân lưu “ABBA” cũng để lại những dấu ấn tích cực. Luật đá này áp dụng theo cách đánh tie-break trong quần vợt, tức đội A sẽ đá quả đầu tiên, sau đó đội B sẽ đá liền 2 quả tiếp theo, rồi đội A lại đá tiếp 2 quả...

Từ trước đến nay, loạt sút luân lưu đều diễn ra luân phiên và việc đội nào đá trước sẽ được quyết định bằng cách bốc thăm. Tức diễn biến lượt đá sẽ là “ABAB”, còn đá kiểu mới là “ABBA”.

Từ lâu, giới chuyên môn đã đưa ra nhận định với cách đá này, đội được đá trước sẽ luôn có lợi thế nhất định vì gây được sức ép lên đối thủ, đặc biệt khi loạt sút bước sang lượt thứ 6 - đá từng quả một.

Với kiểu đá “ABBA”, hai đội sẽ luân phiên được đá trước theo từng lượt khác nhau, kể cả khi bước qua loạt sút thứ 5. Cách đá này rõ ràng công bằng hơn. Ở World Cup U-20 2017, trận đấu đầu tiên đi đến loạt đấu luân lưu là trận Uruguay thắng Bồ Đào Nha ở tứ kết (hòa nhau 2-2 trước khi Uruguay thắng 5-4). Bồ Đào Nha là đội đá đầu tiên, nhưng rồi thất trận sau khi loạt sút phải đi đến lượt thứ 7 mới phân thắng bại.■

VAR cũng chỉ là người

Nói một cách chính xác, VAR là một tổ trọng tài có nhiệm vụ ngồi xem trận đấu qua màn hình tivi. Khi phát hiện tình huống gây tranh cãi, họ sẽ thông báo qua tín hiệu với trọng tài chính để xem lại tình huống qua video chiếu lại. Quyết định ban đầu từ đó có thể được thay đổi. Mặt hạn chế của VAR là hoàn toàn phụ thuộc vào tổ trọng tài video, cầu thủ và ban huấn luyện được phép tác động lên tổ trọng tài này.

Nói cách khác, VAR thực ra cũng chỉ được vận hành bởi con người. Những tình huống gây tranh cãi vẫn có thể bị bỏ qua nếu tổ trọng tài video sơ ý. Và những nghi ngờ về sự tiêu cực là vẫn có. HLV Hoàng Anh Tuấn của U-20 VN từng than vãn về việc ông từng hỏi trọng tài liệu có thể sử dụng công nghệ video xem lại tình huống VN bị thổi phạt đền trong trận thua Pháp hay không, nhưng đã không nhận được câu trả lời nào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận