"Barem"

THỤC ANH 18/11/2012 23:11 GMT+7

TTCT - Sự đời thiếu thứ gì thì ước mơ thứ đó. Như ông Hai đầu xóm, vợ chết sớm nên toàn mơ mình trở thành... giám khảo các cuộc thi hoa hậu. Bà Tám giữa xóm nợ tứ bề suốt ngày lại ôm mộng làm chủ hụi. Anh Chín cuối xóm bị tật cà lăm luôn ao ước mình trở thành ca sĩ...

Phóng to

Tôi vốn bị bệnh “viêm màng túi” mãn tính, từ hồi còn độc thân cho đến lúc thằng con trai độc nhất tốt nghiệp đại học. Cũng như mọi người, vì luôn thiếu tiền nên mơ ước của tôi là con mình được vào làm việc ở... nhà băng. Cho đến lúc thằng Tèo tốt nghiệp đại học ngành ngân hàng thì mọi chuyện có vẻ như rất ổn.

Ngày con trai đem tấm bằng về khoe, tôi hí hửng:

- Vậy là mong ước của ba sắp thành hiện thực.

Thằng Tèo ít vui hơn:

- Còn phải xin việc nữa ba à, con nghe nói ngành này khó kiếm việc lắm...

Ba tháng sau đó, con trai tôi tuyên bố đầu hàng. Tôi vỗ vai nó, trấn an:

- Đến phiên ba lo, con yên tâm đi...

Sở dĩ tôi mạnh miệng vì có quen một anh bạn nhậu vốn làm nghề “cò” đủ kiểu với tuyên bố chắc nịch: “Tất cả đều có barem, tiền nào của đó!”. Tiền của tôi để dành chạy việc cho con không nhiều nên khi gặp anh bạn cò ở quán nhậu, tôi gãi đầu:

- Tôi có nhiêu đây, ông nhắm chạy giùm cho thằng Tèo có việc làm đúng ngành nghề đã học.

Bạn nhậu của tôi nhìn mớ tiền, trề môi:

- Ông nghĩ sao vậy? Nhiêu đây còn không đủ trả tiền... cò, quên đi!

Rồi anh ta giảng giải cho tôi một hồi về “barem” của một chỗ đứng trong nhà băng. Theo đó, cần gấp năm lần số tiền tôi có để thằng Tèo có chỗ làm ở một chi nhánh nhỏ nhất và xa nhất.

Tôi nốc cạn ly bia để tạm quên đi giấc mơ nhà băng rồi nhìn anh bạn cò khẩn khoản:

- Tôi chỉ có nhiêu đó tiền, anh coi có việc gì khác xin cho cháu làm, miễn là công việc ổn định.

Anh ta nhíu mày, suy nghĩ chút xíu rồi nhỏ giọng:

- Theo bảng barem tôi đang có, nhiêu đó tiền chỉ xin được làm ở công ty... vệ sinh!

Tôi trợn mắt:

- Ông nói sao, con tôi là cử nhân, giờ kêu nó đi quét rác à?

Bạn nhậu của tôi tỉnh bơ nhếch mép:

- Bộ ông tưởng dễ quét rác hả? Nhiêu đó tiền chỉ được đi... móc cống thôi, giá một chân quét rác còn cao hơn!

Thật quá đáng, tôi vùng đứng dậy hét to:

- Vậy thì tôi kêu nó chạy xe ôm còn hơn.

Tôi đùng đùng bỏ về, chạy thẳng đến một anh bạn nhậu khác làm nghề xe ôm ở bến xe. Nghe nguyện vọng của tôi, anh này gãi đầu:

- Xe ôm ở đây cũng có... barem đó!

Barem ở đây, theo lời anh ta, có mức khác nhau: có đồng phục hay không đồng phục, đứng đón khách trong bến xe hay ngay cổng bến xe hoặc cách đó 100 mét.

Thật ngao ngán! Đã vậy, tôi sẽ đi vay cho đủ tiền để nhờ anh bạn cò xin cho thằng Tèo cái chỗ chi nhánh nhà băng “vừa nhỏ vừa xa” kia để nó được làm đúng nghề.

Nghĩ là làm, tôi ghé ngay nhà bà Bảy mập chuyên cho vay nặng lãi để trình bày nguyện vọng. Bà Bảy nghe tôi nói xong, nhíu mày:

- Nói thiệt, chỗ hàng xóm láng giềng tui cũng thấy thương tình, nhưng cho anh vay khả năng thu hồi vốn là rất thấp. Hay là thế này...

Bà Bảy ngưng nói, tôi lo lắng:

- Nếu chị đòi thế chấp thì nói thiệt nhà tui không có thứ gì để thế đâu chị Bảy à.

Bà Bảy lắc đầu:

- Không, “ngân hàng” của tui hồi nào giờ không cần thế chấp. Ý tui là tui đang cần một người chuyên đi... đòi nợ, hay ấy anh kêu thằng Tèo làm cho tui.

Tôi trợn mặt, hét vào mặt bà Bảy:

- Con tôi là cử nhân mà. Bộ bà tưởng nó là... xã hội đen hả?

Tôi quay lưng bước đi không thèm chào bà mập đáng ghét. Bà Bảy cười khẩy, nói với theo:

- Xì... Nghèo mà chảnh! Tui nói cho mà biết, tốn tiền xin vô trỏng làm giỏi lắm cũng đi... đòi nợ là cùng. Người ta đã cho làm miễn phí, lại trúng... ngành nghề còn bày đặt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận