Lỗi tại ngài Proust (*)

L. MALERBA (PHÁP) 08/07/2016 01:07 GMT+7

TTCT - Bệnh nhân thường là những người khó chịu. Tôi nói điều này vì tôi là bác sĩ, và tôi muốn nhắm tới những bệnh nhân không muốn khỏi bệnh.

nop
nop


 Có thể mọi người thấy lạ lùng, nhưng thực tế số người này nhiều hơn mọi người nghĩ. Ai cũng biết, bệnh nhân nào cũng có những triệu chứng về tâm lý. Đối với chuyên khoa mà tôi đang đảm nhiệm, triệu chứng này có khi lại là yếu tố quyết định.

Tôi là bác sĩ chuyên về bệnh phổi, hen suyễn và dị ứng. Bệnh nhân bị dị ứng thường có xu hướng muốn giữ lại bệnh của mình. Yếu tố quyết định vì nó đang là mốt. Nếu như trước đây bệnh tâm thần từng được cho là mốt, thì nay tới bệnh dị ứng, mà không cần phải khó khăn mới thể hiện được cho nhiều người biết.

Bệnh nhân tâm thần, sớm muộn cũng phải chứng minh mình đã có lần muốn tự tử, mà không phải ai cũng muốn nhảy qua cửa sổ, nhất là những ai sống từ tầng 2 trở lên. Còn sử dụng khí gas hay vũ khí nóng thì họ biết là quá nguy hiểm(!).

Tóm lại là những bệnh nhân này chẳng ai muốn chết cả. Một đồng nghiệp chuyên khoa tâm thần tôi quen đã thử tạo ra tình huống khiến những người hay dọa tự tử được chết dễ dàng, nhưng cuối cùng thì tất cả bệnh nhân của ông đã chọn khám bệnh ở phòng mạch khác.

Dị ứng là một bệnh hoàn toàn khác. Tôi thường làm xét nghiệm rất kỹ lưỡng và kê toa cho bệnh nhân tiêm văcxin. Tôi cố ý chọn những người bị nặng nhất, cố gắng tránh cho họ không phải chịu những đau đớn kéo dài nếu điều trị bằng cách khác.

Tất nhiên là họ khỏi bệnh. Nhưng tiếp theo là gì? Một nữ bệnh nhân vốn trước đó dị ứng với mùi hoa oải hương, sau khi hết bệnh lại chuyển sang dị ứng với hoa bất tử. Theo đà này cô ấy sẽ dị ứng lần lượt với hoa cà chua, hoa cải, hoa bí... Một trường hợp khác, một bệnh nhân dị ứng với mùi hoa hướng dương, chỉ cần đứng cách 100m là người đó hắt xì hơi liên tục.

Nhưng một bữa nọ, đi tham quan bảo tàng, người này cũng hắt xì. Xem lại thì ra đang đứng trước bức tranh Hoa hướng dương.

Nếu bị dị ứng nặng sẽ chuyển sang hen suyễn. Và chứng bệnh này cũng có yếu tố tâm lý góp phần, nhưng tôi bắt buộc phải điều trị nghiêm túc. Nếu với bệnh tâm thần, bác sĩ phải điều tra tận gốc như một cảnh sát thì với bệnh hen suyễn cũng vậy.

Và tôi phát hiện ra những người hay bị mắc căn bệnh này là những trí thức, chủ yếu là các nhà thơ, nhà văn hoặc nhà văn không thành đạt. Tôi rất thắc mắc trước phát hiện này và cố công đi tìm lời giải. Cuối cùng thì tôi cũng tìm ra. Tất cả là do ngài Proust.

Ai cũng biết nhà văn nổi tiếng Proust, đã từng nhận nhiều giải thưởng lớn, sách in ra tái bản nhiều lần trước và sau khi qua đời, từng bị bệnh hen suyễn. Và tôi cho rằng, rất nhiều trong số các trí thức nửa vời bị hen suyễn đã tự cho mình là Proust.

Với những bệnh nhân kiểu này, tôi phải thận trọng nói chuyện vòng vo, gợi ý để họ thổ lộ tâm tình. Cuối cùng tôi đưa ra lời khuyên là nếu muốn khỏi bệnh, họ hãy quên Proust đi, hãy để cho ông ta được yên.

Nhưng tất cả những lời khuyên của tôi đều vô nghĩa, số bệnh nhân tăng đều với phong trào người người làm thơ, nhà nhà viết văn. Nếu ngài Proust thấy được chuyện này, hẳn ngài sẽ đội mồ ngồi dậy. Về sau, tôi viết kèm trong toa thuốc tên những cuốn sách khác, có xu hướng trái ngược với các tác phẩm của Proust với hi vọng khi không còn quá chú ý tới Proust, mọi người sẽ tỉnh táo hơn. Phương pháp này của tôi đã mang lại kết quả rất khả quan.

Nhưng cũng có những bệnh nhân đã quá si mê căn bệnh của mình mà cương quyết không chịu điều trị. Thực lòng tôi cũng ngưỡng mộ những người này vì lòng hi sinh tất cả cho nghệ thuật của họ. Một người trong số họ đã chết vì hen suyễn. Tôi đã bị sốc nặng khi nghe tin.

Tôi thấy mình bất lực trong nghề nghiệp, chỉ muốn bỏ nghề nhưng tôi lại không biết làm gì khác. Thậm chí tôi đã có ý định quyên sinh nhưng không được vì căn hộ của tôi nằm trên tầng 4 chung cư.

D.Lý (st)

(*) Proust: nhà văn nổi tiếng của Pháp (1871-1922).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận