Định luật PARKINSON hay mô hình kim tự tháp

SIRIL PARKINSON (ANH) 06/09/2016 01:09 GMT+7

TTCT - Công việc sẽ luôn lấp đầy khoảng thời gian mà người ta dành cho nó. Sự thật này còn được biết qua một nghịch lý phổ biến: “Người bận rộn nhất là người có thể tìm thấy thời gian rảnh rỗi”.

n
n

 

Như chúng ta đều biết, công việc (đặc biệt là công việc của công chức nhà nước) đều luôn luôn đầy ắp, đòi hỏi phải hoàn thành trong khoảng thời gian quy định.

Rõ ràng có tồn tại hoặc không tồn tại - một sự lệ thuộc giữa khối lượng công việc và số lượng công chức để hoàn thành công việc đó. Sự thật là ngồi không thì không đồng nghĩa với rảnh rỗi. Người không làm gì không có nghĩa là họ rảnh rỗi.

Tầm quan trọng và sự phức tạp của công việc phải hoàn thành sẽ giúp làm tăng tỉ lệ thời gian để đạt kết quả và mục đích. Một nhà quản lý nhà nước và một công dân nào đó cho rằng số lượng công chức càng lớn càng thể hiện tầm quan trọng vĩ mô của công việc.

Nhưng người theo chủ nghĩa hoài nghi thì cho rằng số lượng công chức cao sẽ khiến có người ngồi không, hoặc mỗi người sẽ làm ít việc hơn. Cả hai phe đều không thể đi tới thống nhất.

Thực tế là lượng công chức và công việc chẳng có gì liên quan với nhau. Theo định luật Parkinson thì dù số lượng công chức có tăng bao nhiêu cũng chẳng ảnh hưởng gì tới khối lượng công việc. Có thể công việc vẫn vậy, có thể ít hơn hay thậm chí chẳng có việc gì.

Định luật này được phát minh nhờ các con số thống kê hằng năm. Bỏ qua những chi tiết kỹ thuật thuần túy, có thể hiểu định luật này qua hai công thức dưới đây:

1 - Công chức nhà nước luôn muốn tăng số lượng cấp dưới chứ không phải đối thủ.

2 - Công chức nhà nước làm việc theo kiểu dây chuyền.

Với công thức số 1, ta hãy hình dung một quan chức tạm gọi là A tự cho rằng mình đang bị quá tải vì công việc. Suy nghĩ này có đúng thực tế hay không đều không quan trọng, dù ta có thể thấy nguyên nhân của việc quá tải này có khi do tuổi tác, sức khỏe.

Nhưng xuất phát từ nhận định chủ quan của A sẽ dẫn đến ba tình huống sau: 1- Ông ta có thể xin nghỉ việc. 2- Chia sẻ công việc với một đồng nghiệp, tạm gọi là B. 3- Xin thêm hai nhân viên mới, tạm gọi là C và D. Nhưng trong lịch sử nền hành chính chưa ghi nhận tình huống 1 và 2.

Ở tình huống 1 thì A sẽ bị mất lương hưu, còn tình huống thứ hai dễ dẫn tới việc B sẽ dần nắm được công việc và trở thành đối thủ của A. Đó là lý do vì sao A chọn tình huống 3 là nhận thêm C và D. Họ sẽ là những nhân viên trẻ, năng động nhưng dưới quyền, đồng thời họ làm tăng tầm quan trọng của A.

Công việc sẽ chia theo mức độ cho C và D, còn A sẽ là người duy nhất hiểu rõ mục đích công việc. Tình trạng này khiến C và D không thể tách rời. Vì thế cũng không thể cất nhắc cho một trong hai người được. Nếu C than thở bị quá tải, A sẽ tìm cho anh ta cũng hai nhân viên mới, tới lượt D cũng vậy. Và cứ thế tiếp theo là công chức E, F, G, H... Danh sách càng dài thì vị thế của A càng được nâng cao.

Bây giờ công việc vốn của một người được chia cho bảy người. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới công thức thứ hai. Bởi vì bảy người này luôn giao công việc cho nhau nên lúc nào họ cũng bận rộn. Và dĩ nhiên A là người bận rộn nhất. Mỗi khi nhận một công văn nào đó, A ký nháy rồi lập tức chuyển cho C. C ghi chép vài câu vào bản nháp rồi chuyển cho D. Tiếp theo là E, F rồi tới G và H.

Trong trường hợp H đang nghỉ phép thì công văn sẽ được chuyển cho thư ký. Thư ký sẽ đánh máy nội dung bản nháp này. Vậy sau đó A sẽ làm gì? Ông ta sẽ ung dung ký tên vào dưới công văn, coi như đã duyệt mà không cần phải suy nghĩ.

Vì đầu óc ông còn đang bận rộn cân nhắc xem sang năm khi tới hạn nghỉ hưu, ai sẽ là người kế nhiệm. Theo ông, những nhân viên trẻ này đều có ít nhiều khuyết điểm. Người thì hay nóng giận, kẻ thì có mối quan hệ tình ái không rõ ràng, kẻ nữa luôn viết sai chính tả.

Nhưng thật may mắn cho A, ngoài sáu cấp dưới kia ông còn có vài ứng cử khác được xếp vào mục “gà nhà”. Nếu có người nào đó tỏ ra “biết điều”, ông sẽ mạnh dạn đề cử.

Và như vậy nhà quản lý hành chính A luôn rời công sở sau cùng khi trời đã tối, đầu óc nặng trĩu, thân thể mỏi mệt. Ông nghĩ mình luôn là cái đầu tàu hết lòng hết sức kéo những toa đầy ắp công việc quan trọng của nền hành chính nhà nước.■

Song Diệp (st)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận