Tự sự của ký giả hồi hưu

MONI PAPO (ISRAEL) 30/09/2016 01:09 GMT+7

TTCT - Sau đợt sửa chữa lớn, tòa soạn của chúng tôi xem ra sáng sủa hẳn. Người ta trổ nhiều ô cửa sổ trông ra quảng trường Mosacho hùng vĩ; còn ngay trước lối vào là hai bệ đá hoa cương, với những chậu hoa đại đóa điểm xuyết bên trên.

n
 


 Ngay cuối đường hành lang treo trang trọng tấm chân dung vị tổng thống đương nhiệm. Cách bài trí phòng làm việc nên thơ đến nỗi một khi đã yên vị sau bàn rồi chẳng ai muốn rời chỗ nữa...

Tổng biên tập vốn là một nhân vật dễ thương, ngặt nỗi ông ấy hay dùng từ ứng xử đậm nét cẩu thả đầy ẩn dụ. Ví như cái câu: “Này nhóc!”, luôn dành để ám chỉ riêng tôi, khiến tôi rất phiền lòng.

Có lần ông ta bảo tôi viết loạt ký sự cho chuyên đề tuần tới về việc cấy ghép các bộ phận trong cơ thể con người. Đầu tiên là ghép tim, tiếp nối là ghép thận, gan... Bản thân tôi lại trông chờ một nhiệm vụ “trọng đại” hơn...

- Tôi chẳng rành lắm về mớ từ ngữ chuyên môn y học... - tôi đánh bạo thử lên tiếng.

- Viết đi, này nhóc! - ông tái ra lệnh giọng giận dữ.

Nét mặt đỏ gay của sếp cứ ám ảnh tôi mãi trên đường về nhà. Tôi tự nhủ, thôi thì cố làm cho sếp vui lên vậy. Tôi lao vào tìm tư liệu trong các thư viện y khoa hàng đầu thế giới trên mạng Internet... Đến gần sáng thì tôi hoàn tất bài đầu tiên về ghép tim cho đàn ông, cùng số ảnh minh họa phong phú thật hấp dẫn.

Tôi hớn hở khoe sếp ngay đầu giờ. Ông giật lấy mớ bản thảo rồi lui về phòng mình. Tôi thấp thỏm chờ đợi... Chừng 15 phút sau sếp như nhảy bổ từ trong ra:

- Này nhóc, mông lung quá! - ông quát lên đầy hăm dọa - Tớ bảo cậu viết về nền y học bản địa của dân tộc mình. Cậu là người Israel, ắt phải hiểu ngay điều ấy! Chứ đâu cần mô tả cái ca ghép tim nhân tạo đầu tiên tận bên xứ Phù Tang cách trở kia. Thứ ấy thì có mà... đầy rẫy trong các giáo trình y tế “rập khuôn” rồi!

Lẽ đương nhiên mảng chuyên đề tuần kèm mức nhuận bút “ưu đãi” đã vuột khỏi tay tôi. Sau sự kiện này, mối quan hệ giữa chúng tôi có vẻ lạnh nhạt hẳn đi.

Tới đầu tuần sau sếp đột nhiên kêu tôi vào phòng ông. Chưa kịp ấm chỗ, ông ta đã bắt đầu liệt kê vô vàn những khiếm khuyết của tôi trong quá khứ.

Nào là cố tình châm chọc người đồng nghiệp cao niên nhất trong tòa soạn qua những câu chuyện tiếu lâm “tràng giang đại hải” vô bổ. Nào là cố ý tổ chức kỳ thi nhảy dù nghiệp dư có thưởng cho đám người cư ngụ trong nhà dưỡng lão, khiến 10% số họ gặp trục trặc với hệ xương...

Tôi tò mò ngồi nghe, đồng thời sốt ruột xem hình phạt “tương xứng” sắp đến của mình là gì. Tôi thừa hiểu, rằng tổng biên tập vốn thương người nên không bao giờ phạt đồng nghiệp trong vấn đề kinh tế... Được thế là may lắm rồi.

Và “sự chuộc tội” của tôi đây: mỗi tối thứ sáu, trong khoảng thời gian diễn ra lễ cầu nguyện đêm chuyển qua thứ bảy, khi mọi người thắp nến và đọc kinh, tôi phải tự thân thổi kèn harmonica trước đám con chiên đông đảo thuộc khu trại tế bần ở quận Ramat Aviv.

Thời hạn “thử thách” đúng ba tháng. Giai điệu đầu luôn phải thật du dương, càng về gần sáng càng phải réo rắt hơn... Riêng vị giáo sĩ cao niên chủ trì địa phận với đôi mắt thâm quầng do thiếu ngủ triền miên, lại phán một câu “xanh rờn”:

- Ê, này nhóc! Cậu muốn thổi thế nào thì... tùy! Nhưng nên nhớ mỗi nốt kèn hành lễ “lạc điệu” luôn đồng nghĩa với sự gia tăng gấp đôi thời hạn bị phạt đấy!

Vốn chẳng được học nhạc ngay từ bé, nên viên linh mục nghiêm khắc đã “ghi sổ” phạt thêm tôi tới... 144 lần cả thảy.

Nhân với thời hạn ba tháng thành 36 năm tròn trịa. Lại vừa đúng ở độ tuổi 65, tôi nghiễm nhiên “lọt” vào bảng danh sách “các biên tập viên cần nghỉ hưu nhường chỗ cho lớp trẻ”. Còn đường đường chính chính ra thì vị sếp dễ thương đâu có sa thải tôi. Là nhà quản lý giàu kinh nghiệm luôn tuân thủ nguyên tắc đề ra, ông chỉ chịu “tha” khi tôi đã chấp hành xong hình phạt.

Giờ thì số phận của tôi đã an bài. Tôi giã từ nghề báo với mức lương “trần” tột đỉnh sau chừng ấy năm cống hiến cho một tòa soạn duy nhất. Số phận muôn năm! Tòa soạn muôn năm!■

BẾN HẢI (st)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận