Trong muốn ra ngoài muốn vào

TTCT - Thời ấy, trong khu tập thể có một mối tình. Nói cho chính xác thì đấy là một vụ thêm nếm ngoài luồng. Chàng trên bốn mươi một tí, nàng dưới bốn mươi một tí.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang


Tức là chàng và nàng đều đang sống gấp, đều đang phải tăng tốc maratông trước khi chấm đến vạch mãn kinh mãn dục. Nhưng nếu chỉ bằng ấy thông số thì người ta đã quên chuyện chàng nàng từ lâu. Làm nên chuyện là ở chỗ cái nhà xí công cộng.

Nhà chàng ở gần dãy nhà xí công cộng.

Cả khu nhà cấp bốn mấy dãy nhà một tầng mái ngói chỉ có một cái nhà xí dùng chung. Một dãy bảy cái ô đại tiện, mỗi ô có một cánh cửa sơn màu xanh lá cây, ban đầu là cánh cửa, nhưng dần dần không còn ra hình dạng cánh cửa nữa.

Vào giờ cao điểm, có khi phải xếp hàng như đi mua gạo. Trong hàng ấy, người ta có thể đánh lạc hướng nỗi buồn bằng cách chuyện trò. Đại loại hôm qua tôi đã nghe bài hát cô mới thu thanh trên đài, hình như ở điệp khúc cô hát hơi cao lên một quãng tám.

Đại loại anh quả là thính tai, chỗ ấy em đề nghị nâng cao độ để biểu hiện cho được cảm giác cao vút của núi rừng.

Đấy là một đoạn đối thoại của nàng.

Còn chàng, đối thoại cũng có khi mang tính nghề nghiệp theo kiểu họa sĩ thì cũng phải kiếm sống, bác đừng ngại, cái biển hiệu bác sĩ da liễu chuyên trị mẩn ngứa hắc lào tổ đỉa của bác em kẻ vẽ sắp xong, chiều bác sang lấy nhé.

Nhưng nhìn chung chàng ít phải hội thoại trước dãy nhà xí công cộng. Nhà chàng cách đấy có chục mét, chỉ cần quan sát khi nào vắng người là chớp thời cơ chạy ù sang. Thứ nhất cự li, thứ nhì tốc độ.

Chẳng biết họ bập vào nhau từ lúc nào. Chỉ biết là từ ấy chàng chuyên ngồi kẻ vẽ bên cửa sổ, cái cửa sổ nhìn ra lối đi chung dẫn đến dãy nhà vệ sinh chung. Ngồi ở đấy thì đếm được ai mỗi ngày đi ị hai lần, đi tiểu năm lần.

Ngồi ở đấy thì có cơ được chào hỏi theo lối bác đi đâu đấy. Trong đầu người kia bật lên câu biết rồi còn hỏi. Bác đi đâu đấy, đó chẳng qua chỉ là một câu chào theo kiểu Việt, chẳng phải tò mò xỏ xiên gì.

Người người lớp lớp. Cứ thế lũ lượt kéo nhau qua cửa sổ nhà chàng suốt ngày. Đi nhanh về chậm. Chưa vào được thì cuống cuồng ôm bụng vặn người rên rỉ giục giã. Vào được rồi thì bịt mũi mong ra cho nhanh. Người người lớp lớp. Đấy chỉ là một tập hợp những vai quần chúng kéo qua sân khấu.

Rồi tất cả mờ nhòa đi khi nhân vật chính xuất hiện. Nàng. Nàng kia. Dáng đi cố giữ vẻ yêu kiều không vội vã. Ai lúc ấy cũng đi nhanh về chậm, nhưng nàng đang đi khoan thai qua cửa sổ nhà chàng. Trong lòng đang đầy thôi thúc, nhưng bước chân không rối không nhanh.

Một ánh mắt tình tứ phóng chiếu như tia chớp. Một tiếng nổ không âm thanh nhưng vang dội trong đầu hai con người. Thế. Rồi nàng đi qua.

Thế. Cứ thế. Một ngày dăm bảy lần.

Đồn rằng hai người này còn hẹn hò ngay trong nhà vệ sinh. Lại còn có thơ: Làm sao định nghĩa được tình yêu, ôi có gì đâu một buổi chiều, hai đứa gặp nhau trong chuồng xí, nhường nhau chỗ ị thế là yêu. Đấy là thơ ác ý. Đấy là tin đồn thiếu thiện chí. Thiếu gì chỗ, công viên bờ sông cánh đồng ngoại thành. Thời bao cấp không ai đưa nhau vào khách sạn nhà khách nhà nghỉ.

Sự việc đi đến chỗ có tin đồn tức là nhiều người biết. Vợ chàng biết. Vợ chàng đuổi chàng ra khỏi cửa sổ, họa sĩ phải vào ngồi sơn vẽ kẻ biển trong góc nhà. Vợ chàng độc chiếm cái cửa sổ, rình đủ một ngày bảy lần cô nàng ca sĩ đi qua con đường thiên lý đến nhà vệ sinh. Réo tên nàng mà chửi.

Con diều tha quạ mổ bốc mộ không xương kia, con trốn chúa lộn chồng ăn hồng cả hạt ăn bát không thìa kia, mày cứ giở bài ị non đái ép mày đi qua mày đong đưa mày cướp chồng bà.

Nàng cứ đi qua tỉnh bơ như là một giám khảo thời nay chấm phần thanh nhạc của “vi en gót te lân”. Thầm nhận định giọng có cường độ nhưng chưa biết cách lấy hơi nhả chữ, chữ còn nhòe và nhiều chỗ hụt hơi.

Chửi một mình mới chỉ là đơn ca. Vợ chàng kéo thêm con gái vào dàn dựng tiết mục song ca. Một hai ba. Con diều tha quạ mổ bốc mộ không xương kia. Bè hai im thin thít. Tao bảo mày chửi cơ mà, một hai ba. Vẫn im.

Im là có lý do. Nàng đã kịp gây cảm tình với con bé bằng con búp bê cái bánh cái kẹo. Nàng cũng đã kịp dạy nó hát. Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền.

Cái chính là đứa con gái cũng đã kịp nhìn mẹ bằng cặp mắt của bố nó. Mẹ ở gần, mẹ chăm sóc giấc ngủ bữa ăn, nhưng mẹ xấu. Cô ấy không ở trong nhà, nhưng cô ấy đẹp. Cô ấy dịu dàng. Dịu dàng đến mức một đứa trẻ không nỡ phản bội.

Rồi cứ thế mà nàng ca sĩ và chàng họa sĩ đưa mối tình của mình vắt qua thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường. Dấu hiệu đầu tiên của thời thị trường là người ta đánh sập dãy nhà xí công cộng, từ nay đám thanh niên ngoại thành chưa đầy hai sọt mất nguồn ăn cắp phân. Các gia đình tự xây lấy bồn xí bệt trong nhà mình. Không còn cái cảnh trời mưa trời nắng kéo nhau ra đứng xếp hàng. Không còn cái cảnh nồm trời ẩm ướt khí quẩn, mọi thứ cứ cuốn theo chiều gió mà thấm đẫm khắp nhà chàng.

Dấu hiệu thứ hai của thời đổi mới là đủ loại nhà hàng cà phê xanh nhà nghỉ mọc lên. Chàng nàng từ ấy lặn đi đâu mất, chàng không còn ngồi ngóng bên cửa sổ, thế là khổ công vợ chàng bám theo rình rập vồ mồi.

Bám theo mãi được không?

Dấu hiệu thứ ba của thời đổi mới: du lịch. Du lịch trong nước và nước ngoài. Để cắt đuôi và xóa dấu lông ngỗng, đi du lịch sang hẳn bên kia biên giới.

Sang đến bên ấy rồi, chỉ còn du khách và hướng dẫn viên du lịch là người Việt, còn lái xe là người nước bạn, cái xe cũng là của người ta. Giữa cõi người ta, chàng với nàng bây giờ mới được tự do như cậu với mợ.

Trên xe đút cho nhau miếng lê miếng táo, ghé môi nhau rau thơm hút hít. Xuống xe ríu rít dắt tay nhau ngắm cảnh hoặc vào trung tâm mua sắm. Người không biết thì xuýt xoa vợ chồng ngần ấy tuổi còn như cặp uyên ương quý hóa quá. Người tinh thì bảo thoáng nhìn là biết, từng ấy tuổi còn quyến luyến như thế thì chỉ là chả với nem.

Chuyến ấy thắng cảnh nước bạn thì có nhiều, nhưng rồi ai cũng chỉ nhớ có một sự cố. Hướng dẫn viên đứng lên phía đầu xe cầm micrô giới thiệu về đặc sản địa phương. Dạ thưa các cô các chú các anh các chị và các em, vùng này có rất nhiều gà vịt. Gà lạc và vịt lạc.

Buổi tối trong khách sạn, gà sẽ đến gõ cửa phòng các chú các anh, nếu có nhu cầu thì mở cửa cho vào, không có nhu cầu thì ngồi yên trong phòng, gõ chán rồi nó đi. Cũng như thế, đám vịt sẽ đến gõ cửa phòng các cô các chị. Đám vịt này thường là đàn ông cao to đẹp trai, đặc điểm dễ nhận là chúng đi giày màu trắng.

Đúng lúc ấy, người đàn ông trạc ngũ tuần ngồi ngay đằng trước chàng nàng giơ tay phải lên. Vâng, có gì bác cứ hỏi. Tôi không hỏi mà đề nghị chỗ nào có toa lét thì cho xe dừng lại. Hướng dẫn viên quay sang lái xe xi xảo xủng xoảng mấy câu, rồi tuyên bố sẽ dừng ở chỗ gần nhất có thể.

Anh ta chuyển sang kể câu chuyện ly kỳ về tượng Phật trong ngôi chùa trên ngọn núi trước mặt. Tượng Phật bằng đồng nặng bảy tấn thế mà có lần biến mất, cũng phải biến gần trăm năm, sau đó tự dưng Phật quay lại ngồi đúng chỗ cũ.

Ông ngũ tuần vẫn ghé môi rau thơm cô ngồi cạnh. Bọn tinh mắt lại bảo đấy không phải vợ chồng. Ông ngũ tuần rau thơm chán lại giơ tay đề nghị xe dừng. Lái xe lại xi xảo xủng xoảng. Dừng làm sao được. Đây đang là đường cao tốc hơn trăm kilômét giờ.

Hướng dẫn viên chuyển sang bày trò chơi theo kiểu học sinh phổ thông. Cháu hô chim bay thì mọi người hô theo và giơ hai tay quá đầu vẫy vẫy như chim bay. Cháu hô tên một con gì không bay được mà mọi người vẫn hô theo và vẫy cánh là coi như phạm quy. Nào, một hai ba.

Chim bay. Gà bay. Chích chòe bay. Bồ nông bay. Thiên nga bay.

Rồi đột nhiên. Chó bay. Đang đà hô theo và vẫy cánh, có mấy người cứ thế mà hô và vẫy cánh. Chó bay. Hô và vẫy cánh.

Tất cả cười bò ra.

Nhưng rồi lặng phắc. Không cười được nữa. Xộc lên một cái mùi không thể tả. Đúng in cái ngày người ta đánh sập dãy nhà xí công cộng. Trong phút chốc, cái xe du lịch sang trọng biến thành toa lét công cộng.

Ông năm mươi mải cười với chuyện chó bay và vẫy cánh, đôi cánh tay như đôi cánh bay lên thì bao nhiêu ấm ức trong lòng chỉ chớp mắt xả ra bằng hết. Xả.

Xe buộc phải rẽ khỏi đường cao tốc, dừng lại ở con đường nhánh gần nhất. Mọi người bịt mũi xô nhau chạy ra khỏi xe. Ông năm mươi gạt tay cô bồ ra, lặc lè đi xuống chui vào một bụi cây. Ông ngồi mà bụi cây chỉ cao đến cằm.

Trong cơn bấn loạn, nàng ca sĩ chứng tỏ trình độ tổ chức. Nàng kêu gọi mỗi người ủng hộ một chai nước. Nàng dịu dàng bảo bồ của ông năm mươi lục túi lấy quần cho ông thay. Mọi chuyện nhờ có nàng mà trở nên gọn gàng êm xuôi.

Trở lại xe, nàng còn nhắc hướng dẫn viên thiếu kinh nghiệm rằng từ nay nên phổ biến cho du khách đi trên xe không nên ăn quá no, không nên uống nhiều nước. Chàng nghe thế mà càng thêm cảm phục, một con người khôn ngoan cẩn thận chu đáo biết lo toan.

Nàng còn trách nhẹ ông năm mươi bác mà sớm thông báo tình hình nguy cấp, em còn cho bác mượn cái nồi cơm điện mới mua trong trung tâm mua sắm. Có cái nồi ấy thì xe cứ chạy, tha hồ cho đường cao tốc, tha hồ cho xe rung lắc, sự cố không bao giờ xảy ra. Chỉ cần vào nồi cơm điện rồi đậy nắp lại. Chàng nghe thế chỉ còn biết tấm tắc trong lòng, một con người thông minh đầy sáng kiến.

Phần hậu của chuyến xe đậm đà hương vị là lái xe xi xảo xủng xoảng nguyền rủa một lúc rồi đưa xe đi rửa. Xúi quẩy. Rửa xe một hồi lâu, rồi anh ta lại đánh xe vào phố hàng mã. Mua một tờ bùa to cỡ trang giấy công văn a bốn. Dán lên chỗ cái ghế ông năm mươi đã ngồi, bây giờ để trống. Yểm bùa. Xua rủi đón may.

Chàng họa sĩ về sau thỉnh thoảng mỗi khi ngồi buồn tay vẫn vẽ lại cái chữ tượng hình của tờ bùa kia, vẽ theo kiểu thư pháp khiến nó giống như một bức tranh.

Chuyến đi càng gắn kết chàng với nàng. Chàng càng yêu mến tin phục nàng. Ấy thế nhưng cô nàng chu đáo cẩn thận rốt cuộc cũng để cho mình đẻ tuột ra một đứa. Bên này chưa bỏ được chồng, bên ấy chưa bỏ được vợ. Thế là đứa con được ngụy trang theo kiểu tu hú đẻ nhờ. Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu.

Rồi cũng như mọi đứa trẻ, đứa con ấy từ chỗ bé con con đã trở thành người lớn. Lạ một điều là con nhà ca sĩ nhưng nó lại có năng khiếu vẽ. Nó không theo nghề vẽ, mà làm một cái nghề gần giống vẽ, ấy là trang trí nội thất.

Anh chàng kiến trúc sư nội thất thường nhận được những cái hợp đồng trang trí toa lét trong khách sạn nhà hàng. Người đặt hàng yêu cầu không được đụng hàng, không được giống mẫu mã ở những khách sạn nhà hàng khác. Toa lét nam và nữ, bên nam viết chữ NAM theo kiểu gô tích, bên nữ viết chữ NỮ theo kiểu gô tích.

Bên nam viết chữ QUÝ ÔNG, bên nữ viết chữ QUÝ BÀ. Nhưng người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải dùng tiếng Anh: Gents - Ladies. Nhưng người nước ngoài không biết tiếng Việt thì phải dùng biểu tượng. Mở ngoặc nói thêm: người Việt cũng có người không biết chữ, phải dùng biểu tượng.

Bên nam vẽ một người mặc quần âu. Bên nữ vẽ một người mặc váy.

Bên nam vẽ một cái mũ phớt. Bên nữ vẽ một cái nơ cài tóc.

Bên nam vẽ một cái ria mép. Bên nữ vẽ một cái môi son.

Bên nam: một cái ba toong. Bên nữ: một cái ví đầm.

Bên nam: một chiếc giày da. Bên nữ: một chiếc guốc cao gót.

Bên nam: một bộ ngực phẳng nhìn nghiêng. Bên nữ: một bộ ngực tròn căng mâm cao cỗ đầy.

Ở trước cửa toa lét cần phân biệt giới tính thì người ta vẽ những biểu tượng giới tính. Tất nhiên anh chàng kiến trúc sư cũng biết rất nhiều khi là ngược lại. Ví dụ, nam sẽ là môi son, nữ sẽ là ria mép.

Nhưng đấy là ngoại lệ. Anh chàng kia thành công trong việc vẽ vời đến mức có ông quản lý ở hội nghề nghiệp cứ tấm tắc mà bảo anh làm đơn gia nhập hội đi, ông sẽ ủng hộ hết lòng để anh thành hội viên. Anh ta ngước cặp mắt tròn lên bảo cháu nghe nói rằng đấy chẳng qua cũng là cái chỗ trong muốn ra ngoài muốn vào.

Chuyện chính là ở chỗ từ khi được đặt hàng quá nhiều biểu tượng trang trí toa lét, anh chàng kia thỉnh thoảng lại có những giấc mơ mà anh ta coi là kinh khủng nhất đời. Anh ta thấy mình đi vào một cái nhà xí công cộng. Cái xí xổm chênh vênh bập bềnh như lúc nào cũng sẵn sàng sập xuống. Cứ thế mà anh ta chìm ngập trong đậm đặc sặc sụa, cứ ngoi ngóp trong ấy mà không sao thoát ra được.

Đúng ra giấc mơ này phải là của những người từng một thời sống trong khu tập thể nhà cấp bốn như chàng với nàng. Nhưng nghe nói rằng không chỉ năng khiếu mới di truyền đâu. Cả những giấc mơ cũng di truyền. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận