Truyện ngắn: Đèo dốc quanh co

TRẦN CHIẾN 30/11/2016 02:11 GMT+7

TTCT: -Em xinh hơn trong ảnh nhiều.

Minh họa: Mặc Tuân
Minh họa: Mặc Tuân

Săn chắc, bò mài áo phông, giày lười không tất, khoác túi máy ảnh “như chuyên nghiệp”, Nhị khiến Hằng bay hẳn ấn tượng “cán bộ vùng cao”. Bèn dấm dẳn khen lại: “Anh sành điệu thật đấy, chỉ thiếu vài lỗ thủng ở quần và quả đầu trọc. Mà đi họp huyện cũng thế này á?”.

- Chết đứ ngay! Dân tộc tiến lên hiện đại đóng thùng cà vạt mới oách. Anh xuống bản mặc thùng thình để xếp bằng tròn “chiến đấu”... Không uống được rượu đừng hòng cao phiếu.

Những lời thành thật lại duyên. Chục năm không gặp, chả ngờ lại được một ông anh thân thiện, không thì mấy ngày ăn chơi phải giữ gìn khác gì tra tấn. “Chợt nhớ” đến Kha đang lẻ bóng bèn giới thiệu cũ với mới, chả biết mình có gây ra sự gì... Nhưng áy náy mệt xác. Mình xinh mờ!

Hằng về nước tháng nay, phát rồ vì những thăm hỏi “sao không thay điện thoại?”, “bao giờ cho ăn kẹo?”. “Gia đình có điều kiện” chẳng lo kiếm việc, cô làm mẹ phát phiền, bảo chồng: “Tìm chỗ cho nó đi chơi nhưng phải bổ ích an toàn với lại đừng quá mệt”. Có con gái rượu tinh quái, luôn muốn cảm thụ hết hương sắc cuộc đời, ông bố mãi mới thu xếp xong: “Còn nhớ anh Nhị nhà chú Ninh không, giờ ở huyện N, thạc sĩ nay mai tiến sĩ, cán bộ nguồn của tỉnh. Có chí lắm, học xong quay về xây dựng quê hương, năng động trẻ khỏe chưa vợ con còn phấn đấu...”.

- Bố muốn gắp cho mày đấy hí hí. Trẻ thì đã đảnh, mà tay không bắt giặc có khi...

Thằng anh bô bô phá ngang. Cô em toét miệng: “Để con đừng “cảm lạnh” anh ấy ngay thì đem cả Kha đi, anh Thắng nhỉ”. “Cái con quái này một vừa hai phải thôi!” - Thắng nghiêm giọng. Kha là bạn thân của cậu, đang chịu đựng những oái oăm bất thường của Hằng, si tình được đến đâu chả biết...

Vậy là lên đường, tài nhà xe nhà máy khỏe trần thoáng đi đường dài không sợ mất đoàn kết. Tới N, huyện cuối của tỉnh đầu vùng cao thêm Nhị, đội hình ra chiều có cạnh tranh. Ngồi cạnh Hằng mà Kha tự thấy mình cứ lép lại, gượng gạo. Hàng trên tinh tế, thông thạo quá. Đâm không khí giông giống mục “Cuộc sống động vật” trên truyền hình, đực đang hiền lành bên cái xù lên khi đực khác xuất hiện.

- Tớ phải đóng nhiều vai các bạn thông cảm, Nhị đáp khi Hằng bảo: “Tưởng anh như trai bản”. Mình làm cao học dưới Hà Nội ít nhiều nhiễm thói tỉnh, thành. Nhưng lên trên này phải theo tục. Mà có gì cần hỏi thì cứ tự nhiên nhá.

- Vâng, thưa hướng dẫn viên, chúng em sẽ hồn nhiên.

Chữ “chúng em” làm Kha dãn ra tẹo, xong lại căng. Gần hết đất N gặp dòng nước xô ra, Kha hỏi tên sông, lẩm bẩm: “A, Nậm Hạn, tivi mới đưa tàu khai thác vàng bừa bãi nghiêng cầu treo, trẻ con đi học phải bơi rất nguy hiểm. Tham lam thật, thảo nào nước đục”. Trời đất quyến rũ dường này nhắc tivi chả hóa ra cụ hưu ngồi rồi a. Hằng chợt “đề nghị” hai anh đổi chỗ, cô hay hỏi làm Nhị ngồi cạnh tài xế cứ phải quay lại.

***

Tỉnh bên rồi. Con Ford chạy thỏm giữa khung cảnh kỳ dị, khiến ồ à của cao nguyên. Núi dựng ngọn hùng vĩ không tưởng nổi. Mầm đá nhọn hoắt đâm phộc lên nền trời vòi vọi. Những ụ thân ngô đen thẫm đơn sơ mà bí ẩn đợi mõm bò mùa cỏ chết. Dưới vực sâu hun hút con sông xanh lè mắt mèo. Sự tương phản đi cùng hung hiểm khiến Hằng vừa phấn khích vừa hoảng hốt níu lấy Nhị. “Đừng sợ. Sắp đến một chỗ rất tuyệt”, bên tai cô có tiếng thì thầm. Quả là núi chạy ra xa ngay, tầm nhìn quang hẳn. Chân đồi thoải mọc những bụi cây thấp, bình dị, phía sau vụt lên vầng hồng hồng tim tím. Vô vàn bông hoa nhoi lên từ nách lá lắc lư, bị gió đè oằn xuống rồi dậy ràn rạt như sóng.

- Ối ối cho em xuống, cô gái cuống quýt.

“Thì anh dọn sẵn đồng hoa tam giác mạch này cho em mà”. Nhị tí tách máy ảnh, không phải chuyên dụng nhưng hơn đứt con di động của Kha. Sau vài pô, Hằng đã chỉ nghe lời anh, e ấp hoặc tí tởn trong vạt hoa. Khi phấn hứng làm đẹp đã tàn, cứ như có phép lạ, Nhị lôi ra túi quả. “Hồng Cam Sơn. Không phải gọt, cứ thế cắn. Mà em có gu đấy, không tạo dáng kỳ quặc hay nhí nhảnh chữ V kiểu học trò”. “Tiệc” giản dị nhưng lời khen sành sỏi, còn được “ăn” cả không gian kỳ vĩ nên mắt người đẹp cứ rờ rỡ, ối ối thế á luôn mồm. Bộ ảnh của Nhị làm Hằng thấy mình được nặn lại. Nhí nhảnh hay trầm mặc, thì vẻ xinh đã pha cái gì đó bí hiểm, chắc do tâm trạng thay đổi.

Xe chạy sát vực, sườn bên kia đàn bà Mông xới ngô, địu trên lưng xóc lên xóc xuống, đầu đứa trẻ thò ra làm người tỉnh thành thương xót. “Ầy, mình học xong quay lại đây cũng vì muốn chấm dứt cảnh này. Kiếm được hạt ngô ra miếng mèn mén khổ sở lắm, trời chả mưa cho là chết. Nhưng họ kém năng động lắm, chả biết lấy chồng sớm, đẻ khỏe chả giữ vệ sinh thì càng nghèo, mình phải đến từng bản nói cho họ biết, mới tiến kịp miền xuôi”. Hằng sửng sốt. Một ông cán bộ nói thế cô còn ngờ, nhưng đây là Nhị, người thuở tấm bé. Kha chọi lại: “Mình cứ nghĩ thế chứ chắc gì họ muốn như mình. “Tiến kịp” để sáng ra trèo lên xe giành nhau từng phân đường rồi sinh bẩn tính đi á”. Tranh cãi nổ ra rồi tạnh, chả đến đâu vì chả ai phân xử. Còn vài “phát” nữa, xung đột hai đực cứ âm ỉ, bùng lên bất chợt tùy vào cảnh vật bên đường và thái độ cái. Mà Hằng thì điềm nhiên như mua vé xem kịch. “Chiến tranh lạnh” tạm ngưng khi Nhị thất thanh: “Đám cưới bác tài ơi...”.

Bản Mông đang hồi nhộn nhịp. Váy nặng lượn tròn, hoa văn tung tíu. Anh trai, chắc đã nửa lít, ôm khèn lò cò nát bét cứt ngan. Chảo thắng cố sôi sục, tường chình, khuy bạc, vòng tay chói nắng, bà già lim dim sưởi nắng, trẻ ngoẹo đầu trên lưng mẹ trẻ... Nhị đúng là tay chơi, mê mải săn khoảnh khắc đẹp, trong khi Hằng chụp thi thoảng, còn Kha chỉ ngắm nghía.

- Đẹp không, mặt bà lão nhăn nheo như ruộng hạn - Nhị hào hứng - Cô dâu mắt có chút tư lự chứ chồng chíp hôi chắc còn đòi vợ cõng. May mình bắt chúng nó đứng chung rồi tia cận cảnh, để tự nhiên bố cục loãng lắm. Thu hoạch lớn, triển lãm ảnh khu vực được treo là cái chắc. Năm ngoái thi bốn tỉnh vùng cao anh giải nhì. Tiền thưởng không bao nhiêu lại phải khao giám khảo với bạn bè, còn lại cái danh, để chỗ này chỗ khác người ta mời. Như logo năm du lịch sử dụng ảnh của anh, văn hóa tỉnh phải trả. Nhưng mình cũng không ẵm cả, “lại quả” để lễ hội khác họ mua của mình.

- Ông già nãy nói gì mà anh có vẻ bực thế? - Hằng hỏi.

- Giời ạ, đòi tiền! Dân tộc giờ hư thế đấy. Khách vào là vui phải chào đón kết đoàn chứ tính toán kiểu tiền trao cháo múc nó mất cái chân chất đi.

“Tôi lại mừng một ít, coi như vì mình làm phiền họ” - Kha buông tự nhiên, nhưng Nhị gằn giọng: “Đấy, chính cái kiểu nghĩ sòng phẳng cho là tốt bụng của miền xuôi các vị làm họ biến chất. Tôi ở trên này tôi biết từ chỗ đòi hỏi tiền nong đến lưu manh hóa rất gần vị làm gì tiếp xúc thế nào phải hỏi tôi chứ”.

- Chuyện của tôi việc quái gì phải hỏi anh.

Cơn giận làm Nhị thoắt thành uy nghi, bức người. Có biết thế nào là cách thức cho họ tiến kịp miền xuôi không, ngoài giúp đỡ tài lực còn phải tuyên truyền, dậy họ nuôi con gì trồng cây gì tức là tặng cái cần chứ không cho con cá. Cái lối thương người nông nổi của kẻ qua đường xin lỗi chỉ làm họ ỷ lại, lười biếng thêm. Những lời, rõ là của người có quyền lực với kẻ dưới, làm Kha sùng lên. “Anh được giải thưởng, tính toán chi li để “nhân” nó lên sao chê họ không năng động? Họ biết đòi hỏi là tốt, chỉ cán bộ mới được khôn ngoan còn đồng bào cứ phải chân chất á”. Chả muốn căng, Hằng bèn lái chuyện: “Ban nãy anh Nhị hỏi về nước sống không, em chưa quyết định được. Chả biết xứ ta có nhiều người như anh không, nếu nhiều thì em sẽ về”.

“Về đi!”, Nhị nghiêm trang ngay. “Đất nước cần kiến thức của em. Ai cũng tính toán thì ai lo cho cái chung, những người lạc hậu và nghèo sẽ còn nghèo và lạc hậu mãi. Anh chả xui em lên đây leo núi vận động như anh, nhưng mình làm kiểu của mình góp gió thành bão, nhiều bàn tay nhỏ xây nhà lớn. Ầy, nói có vẻ giáo điều, nhưng anh thấy giờ nhiều người không nghĩ đến cái chung, quanh quẩn nhỏ nhen lắm”. Những lời rất dài Hằng chả lạ gì, nhưng từ miệng Nhị ra thì cũng lạ, cô lại thấy có lý, chân tình. Kha vẫn cãi lấy được: “Tôi thấy nhiều người bảo vì cái chung nhưng là muốn quyền lực”.

- Có quyền lực mới thực hiện được lý tưởng! - Nhị đáp nghiêm túc, đoạn thở dài: “Đáng thương lắm...”.

Cú đòn làm Kha choáng váng. Và Hằng, đột nhiên thấy bị va đập rất mạnh. Có cái gì đó thôi thúc cô phải thay đổi thật lớn, ngay lập tức. Những lời của Nhị hướng tới cao cả, kéo người khác đến tầm nghĩ ngợi, hành động vì cái lớn lao, điều cô chưa cảm thấy, tưởng đến bao giờ. Về nước, Hằng sẽ không làm cái gì đó “y như” Nhị, nhưng ảnh hưởng tinh thần của anh thể nào cũng có. Kha ơi, Kha đâu rồi? Cùng trạc mà Nhị thật từng trải, đáng tin cậy. Bên cô, tấm lưng thẳng thớm, vững chãi thoảng mùi mồ hôi đàn ông.

***

Ngày thứ nhì. Dù đường sá chả “lụa”, đội hình trục trặc ngay từ đầu, càng đi càng trầm trọng, cảnh vật như hoa gấm vẫn đè ép hết. Đang bên dốc bên vực dựng đứng chợt hiện ra khoảnh đất phẳng phiu như một “nhịp” nghỉ, chòi canh ngô tít xa sinh ra bao nhiêu cảm giác, những câu hỏi ngô nghê, để Nhị tuôn hiểu biết vô tận. “Hai ngày không điện thoại tivi phụ huynh không nhắc nhở loa phường tịt ôi sướng thế. Em cười không nhặt được mồm ăn nứt bụng lên cân tại anh” - Hằng “tổng kết”. “Hà Nội cũng báu đấy, nhưng anh xuống làm xong việc là lên ngay”, Nhị đang ngó cây mắc khén đế sang, vẻ kẻ cả.

- Anh đi lâu sợ có thằng chiếm ghế chắc?

Kha đã “cài số” cùn, nửa đùa nửa gây sự, Nhị chỉ cười khẩy. Muỗi! Nhưng Hằng rất giận. Vào tối già, xe đến trang trại của bạn Nhị, cũng cán bộ huyện bên này giờ đã chuyển lên. Nghề nào ăn nghề nấy, cán bộ cùng trang lứa thường trao đổi công tác, cho nhau mượn chỗ nghỉ là bình thường. Trại trồng chè bán búp thô xuất khẩu, xen vào những lát, dổi, sưa, sinh lợi không bao nhiêu nhưng tiềm năng cực lớn. “Vừa mua đã có lãi đấy. Chỗ này lạnh, gần đường nhưng kín đáo, dựng vài nhà sàn lên đuổi khách đi không kịp”, Nhị sành sỏi. “Chủ nhà đi vắng ta càng tự do, cần thì bảo người trông nom”. Đã nói đến thế mà Kha vẫn làu bàu: “Tôi thích ra khách sạn hơn chả phải nhờ ai”. Cái mồm chỉ chực gây sự chợt bị bịt lại. Tại đất trời. Đất trời vĩ đại.

Đồi chè thoải, trông sang dãy núi bên kia dòng Nậm Phài. Đang mùa lau trổ cờ, cả chục cây số dập dờn trắng trên nền rừng xanh thẫm, mạnh không thể tưởng tượng. Đẹp và lạ nhường này vào ảnh hay phim đều xoàng xĩnh, nên ai nấy há hốc mồm hưởng thụ. Ức triệu cờ lau thế đẻ ra cả trăm ông Đinh Bộ Lĩnh ấy chứ. Cứ ngây ra đến lúc trời sẫm lại, núi non với dải khăn vĩ đại nhòa hẳn, nhường chỗ cho bản dạ khúc của giun dế. Con chim gì cứ hai khúc ngắn điểm “chiếp” vào giữa. Rượu táo Mèo mềm môi, chưa dằn bụng đã ních cùng một trời tâm tình tâm trạng, Kha đổ uỳnh, nhọc công Nhị và anh lái dìu vào nhà. Tối già dậy được, cuối sân đã gầy ngọn lửa. Kha cầm xâu thịt nướng, bát nước ngô Hằng đưa sượng sùng nhai.

“Ăn thêm quả rừng này. “Mắc cum”, chả biết dưới xuôi gọi gì nhưng cứ đặt là “quả bất ngờ”. Bất ngờ thế nào khắc biết ngay!”. Đã được Nhị báo trước mà Kha vẫn hực lên như nuốt phải bọ nẹt, nọc buốt lên óc làm mắt trợn trừng, thở phì phì, một chốc thấy chút đắng ngọt dính lại trong họng. Đúng là “quả bất ngờ”, khó nói là ngon nhưng tỉnh hẳn.

“Anh kém thế. Xấu tính! Sao cứ phải châm chọc...”, Hằng bậm giọng lúc Nhị không có mặt. “Là anh ấy chả thèm đáp lại, toàn anh cáu nhằng cáu nhịt. Anh ấy tốt, em thấy vậy thôi chả liên quan gì đến yêu đương chọn lựa sâu xa cả. Chứ anh không hẹp hòi là gì em nói thật nhé tị vớ tị vẩn chán thật tự nhiên hỏng chuyến đi!”.

“Anh ghen đấy. Nói thẳng thế đi. Anh không có quyền nhưng không biết làm thế nào. Vâng tôi thua. Chả biết nó không tốt chỗ nào, chỉ là linh tính thôi”, Kha xổ ra cay đắng. Thế là hết. Đương tự nhiên rơi xuống một thằng nó chứng minh là mình kém nó bề bề, và đau hơn, từ nay trong mắt Hằng mình xấu xí. Ý nghĩ này bóp thắt trái tim Kha, giá có lỗ nẻ nào để trốn đến mà khóc... Nhưng Nhị đã quay lại, làm lơ trước vẻ căng thẳng.

Im lìm. Ai ngậm tâm trạng nấy, chỉ củi lửa lách tách. Chân đồi con “hai ngắn một chiếp” thất thanh. Xa nữa, ngàn lau rì rào sôi nổi, bài ca tự nghìn đời mà giờ ta mới được hưởng, thật chăm chú càng sướng. Thì điện thoại phá bĩnh. Nhị uể oải nghe rồi như bị nghẹn, lập tức hẹn gọi lại. “Bạn mình có chuyện...”, năm phút sau lập cập ra giữa luống chè. Gió đổi chiều thổi đến bếp lửa câu chập chờn. “Nói lại cho rõ đi... Tàu đãi vàng của ta ở Nậm Hạn bị bắt? Sao thế được đ.mẹ bọn tivi thối mồm để tao gọi lên tỉnh”... Một lúc, gió lại mách lẻo: “Alô anh Hướng ạ anh khỏe không đôi mật gấu dùng hết chưa để em đưa thêm với cả cao hổ vâng chị dùng hợp thì tốt quá... Anh ơi tàu đãi vàng ở Nậm Hạn là mấy thằng bọn em ở huyện chung vốn ạ... Nhưng bờ kia chỉ có một thôn đi lại mà mùa này không có lũ đám truyền hình làm lớn lên chứ bờ mố cầu treo có sạt là mấy vâng vâng vâng em nghe anh không làm lớn cho qua “chiến dịch” vâng nhưng anh nghĩ cách nào gỡ cho bọn em đời nào quên anh dạ dạ hẹn gặp anh kỳ họp hội đồng tới...”.

Ấm nước lục bục, trào ra làm khói xông lên mù mịt. Hai kẻ “nghe trộm”, nhờ nước mắt giàn giụa giấu được sững sờ. Không ngạc nhiên khi Nhị bảo phải về gấp, chuyện của ông bạn rất xấu, không sao gọi xe ôm ra K. bắt taxi dễ lắm.

***

Thư điện tử gửi Kha:

“Anh giận em đến chừng nào rồi chả biết. Có khi thế cũng tốt, vì em toàn làm khổ anh, giờ viết cũng lại vì tâm sự của mình. Em quay lại châu Âu bốn tháng rồi. “Nhà có điều kiện”, tất nhiên. Nhưng ở đây mọi thứ đơn giản, dễ nhận ra. Không có đêm ở trại chè thì làm sao biết Nhị là người thế nào, đâu là linh tính từng trải của anh. Sốc thật sự! “Thích nghi” là từ còn khó quá với em, chi bằng cứ sống tiếp ở nơi quen thuộc; điều mà nhiều người bảo là mất gốc, ích kỷ. Về hay không, về lấy chồng sinh con dựa hơi bố xin chân công chức hay thế nào, em chưa nghĩ.

Anh quên em đi. Yêu, dù với ai, cũng tuyệt vời. Không có người con gái duy nhất đâu. Em lặn đây. Hằng”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận