.... Chính lúc này cô cảm nhận thấy Tâm đang kéo mình lên một cách kỳ lạ. Vòng tay anh siết chặt thân hình cô nhưng không phải đôi tay này nâng cô lên mà cô được kéo lên theo cách khinh khí cầu kéo một bao cát....

Minh họa: Bích KhoaBà Vân tới góc nhà, quay một tay quay nhỏ. Dây xích cuộn lại lách cách, lách cách. Ông Tâm từ từ hạ xuống. Ông túm lấy mép bàn, tay ghế và từ từ di chuyển tới chiếc ghế quen.

Tiếng khóa bấm cạch cạch thô gọn. Xung quanh thắt lưng ông Tâm có mấy dây xích nhỏ, xung quanh mặt ghế có gắn những đầu dây ngắn. Một hệ thống tương tự các đai, dây lưng của người nhảy dù với các khóa ráp nối nhanh chóng.

Thỉnh thoảng cũng phải điều chỉnh chút ít vị trí của các dây và khóa, để ông Tâm thực sự ngồi trên ghế, tức là mông của ông sát vào mặt ghế.

Chiếc ghế riêng của ông được bắt vít vào sàn.

Đó là một ngày nắng đầu xuân. Ánh sáng ùa vào qua cửa kính, xuyên qua chiếc rèm lụa tạo vô số hoa văn trên mặt bàn. Không khí lạnh và trong suốt.

Ông Tâm bắt đầu uống cà phê, lúc này bà Vân mới ăn sáng. Sáng bà đã mang cho ông suất bánh mì để ông ăn ngay trên trần nhà.

“Thằng lớn có tin gì không?” - ông lơ đãng hỏi.

“Nó vẫn tiếp tục làm cho dự án đô thị Tổ Chim. Nhưng nó yêu con khác rồi. Lần này là một con bé hơn nó 4 tuổi. Con này làm kế toán, tôi đã nói rồi, nghề nghiệp không hợp với nhau thì khó mà sống được với nhau nhưng nó bỏ ngoài tai. Con trước là họa sĩ có lẽ sẽ hợp với nó hơn?”.

“Con nào cũng hợp với nó hết”.

“Hừm...”.

Nhìn mái tóc điểm bạc nhưng vẫn bồng bềnh của ông, bà nhớ lại những phút giây lãng mạn tuổi trẻ. Cũng là một ngày đầu xuân như thế này, cách đây gần 30 năm, chàng trai ấy đã bắt quen cô nữ sinh cấp III trên đường.

Cô nữ sinh ngày ấy còn để tóc dài ngang lưng. Gió mùa xuân lượn trên tán lá xà cừ rồi bất ngờ lùa vào mái tóc, để lộ đôi má đỏ ửng, khuôn mặt bầu bĩnh vẫn còn nguyên những nét dậy thì nguyên sơ và ánh mắt e lệ nhìn xuống.

“Em tên gì mà xinh thế?” - kiểu tán tỉnh của trai Hà Nội ngày đó.

Liếc trộm. Mái tóc xanh bồng bềnh. Đôi mắt thông minh nhìn xoáy. Và lạ, một dáng người như bay lên khỏi chiếc xe cuốc. Mà không phải vì phóng xe nhanh.

Rõ ràng cô đi rất chậm - một dấu hiệu của sự ưng thuận - và anh chàng còn đang phải ghìm chiếc xe đua lại để đi bên cạnh.

Cô im lặng trong khi chàng trai cứ nói chuyện bình thản như hai người đã quen nhau từ lâu. Chỗ này có một điều gì nằm ở lằn ranh giữa hồn nhiên và vô duyên, ở chàng trai này sự thô tháp rất gần với lố bịch không hề mất đi nhưng điều chết người là lại có duyên.

Chàng trai này bỗng từ đâu xuất hiện và bỗng nhiên trở nên thân thuộc với cô. Như thể cảnh này đã được ấn định phải xảy ra từ rất lâu rồi. Và nhất định trên con phố này, ánh nắng và làn gió ấy, mùa xuân như mọi mùa xuân nhưng cũng là một mùa xuân thật đặc biệt, cô đi với người trai của mình, như từ xa xưa đã thế.

***

Rồi Vân vào đại học. Đó cũng là một tối mùa xuân và màn mưa bụi chỉ khiến họ tiến sâu hơn vào bóng tối công viên và càng lúc càng kề sát nhau hơn. Nụ hôn của Tâm hôm đó khiến cô mê mụ, chân rủn ra như không xương.

Chính lúc này cô cảm nhận thấy Tâm đang kéo mình lên một cách kỳ lạ. Vòng tay anh siết chặt thân hình cô nhưng không phải đôi tay này nâng cô lên mà cô được kéo lên theo cách khinh khí cầu kéo một bao cát. Cô đau nhói bên dưới, như vỡ ra và chính cảm giác này khiến cô tỉnh lại, thấy đất dưới chân mình.

Cô thấy người đàn ông mình tưởng là thân thuộc đang hừng hực với một sức mạnh lạ lẫm và cô hoảng sợ vì bỗng thấy người đàn ông của mình đang giằng giật truy tìm điều gì đó ngoài mình. Một thứ cô không nắm bắt được, chỉ thấy nó phi tình cảm và hết sức ích kỷ.

Sau này, khi đã từng trải hơn, Vân nhận ra dục vọng của đàn ông khác hẳn với điều tương tự ở đàn bà. Đàn ông, kể cả những người nhẹ nhàng nhất, khi làm tình họ thực chất đang cướp phá.

Phụ nữ đành phải chấp nhận một thực tế rằng một người đàn ông càng nhiều phẩm tính đàn ông thì càng có xu hướng xâm lăng và cướp phá nhiều hơn.

Sau này, khi họ đã bước vào hôn nhân và đã gần gũi đủ để không còn gì lạ lẫm, Vân nhận ra những cơn bay lên khi làm tình của chồng là có thật, theo nghĩa đen.

Thời gian này, Tâm đang “lộ diện một khuôn mặt thơ cách tân bạo liệt” - nói theo một nhà phê bình trẻ ưa sắp xếp định danh trường phái. Những cơn bay lên của Tâm ngày càng nhiều với lực nâng ngày càng mạnh và nhanh.

Vân dần nhận ra dấu hiệu của các cơn này: Chúng luôn bắt đầu từ lồng ngực của Tâm. Đây không phải là cách nói ẩn dụ liên quan đến trái tim như một biểu tượng cảm xúc. Đơn giản chỉ là ngực căng lên nhưng không giống với kiểu căng lên của việc hít thật mạnh rồi dồn khí lên ngực.

Sức căng ở đây hơi giống việc vận lực lên cơ. Sức căng từ ngực lan truyền ra toàn thân và Tâm mất dần trọng lực. Để đối phó với việc này, Vân sẽ nhanh chóng nằm đè lên người chồng.

Thoạt đầu, đây cũng là một tư thế ưa thích của hai người, nhưng dần dần nó chỉ còn là một biện pháp để mọi việc của vợ chồng họ không quá khác thường. Cũng có những lần Vân ngủ thiếp đi và hình ảnh người chồng lững lờ trôi bên trên lẫn lộn vào cả những giấc mơ của cô.

Giữa đêm có lúc cô choàng tỉnh, vội quờ tay sang bên cạnh và lập tức yên tâm khi thấy người đàn ông của mình sóng soài như một quả bóng bay đã hết hơi bên cạnh.

***

Đứa con trai đầu lòng ra đời, người cha khiến cả bệnh viện phụ sản náo động. Khi vừa đón nhận đứa bé vụng về ôm nó trên tay, bố trẻ - cũng là nhà thơ vừa xuất bản “tập thơ đương đại chứa đựng khát vọng thời đại bùng nổ chấn động” (ngôn từ báo chí) - bỗng cất mình lơ lửng bay lên suýt đụng trần.

Ông bà nội ngoại một phen xanh mắt, bà bác sĩ già trưởng khoa sản quát lạc giọng, yêu cầu ông bố dừng ngay trò đùa vô ý thức. Một cô hộ lý suýt ngất xỉu và hai sản phụ chuyển dạ khẩn cấp.

Cuộc sống gia đình luôn không bao giờ là mặt hồ mùa xuân. Cuộc sống với một người sống với chữ nghĩa, mà lại có tài, thì càng nhọc nhằn. Thế nhưng bà Vân lo toan, đắp đổi qua hết.

Đứa bé gái, con thứ hai ra đời. Ông Tâm vốn quảng giao, có nhiều bè bạn, nhưng phần lớn thuộc loại bạn chẳng giúp được nhau tài lợi. Cũng nghề chữ nghĩa, mà còn kém cạnh, nhiều người mở mày mở mặt, lên xe xuống ngựa vung vinh.

Ông Tâm thì vẫn chiếc xe đạp cuốc lúc này đã tróc sơn, hằng ngày kẽo kẹt qua tòa soạn báo. Nghề này không cần tài chữ, nhưng phải thức thời. Ông Tâm thì ngày càng lạc thời.

Các tập thơ của ông ra mắt công chúng, liên tiếp được các nhà phê bình uy tín ủng hộ; nhưng ông ngày càng xa rời thực tế, hoặc giả thực tế của ông khác hẳn cái thứ thực tế mà các nhà báo đang phản ánh?

Mỗi buổi sáng bà Vân xót xa nhìn chồng gò lưng đạp xe đến tòa soạn. Như có một sức nặng vô hình đang đè ông xuống.

Ông Tâm giờ đây cũng ít bay lên khi hai vợ chồng gần gũi. Ông chỉ lơ lửng trong nhà khi làm thơ. Một nỗi cay đắng vô hình bóp nhẹ trái tim bà Vân khi bà nhìn chồng dập dờn vô định trên trần nhà. Bà hiểu ông đang chìm vào thế giới của riêng ông, nơi đó bà không có mặt.

Bà chấp nhận người đàn ông của mình quên mình để đắm chìm trong những khám phá tinh thần mà nhiều khi bà nghĩ là vô bổ. Bà chấp nhận bản thể của mình trở thành một thứ trong suốt để không cản trở tầm nhìn của chồng. Mặc dù bà không hiểu vẻ đẹp mà ông theo đuổi.

***

Đầu một mùa xuân mới, bà ngạc nhiên khi thấy ông đạp xe trở về nhà huýt sáo vui vẻ. Bà bắt gặp lại dáng vẻ bay lên trên chiếc xe dù ông vẫn đạp xe chậm rãi trên phố. Bà dò hỏi về công việc của ông. Công việc của ông vẫn buồn chán không đổi khác.

Bà cố nghĩ rằng ông vui vì những cuộc tụ bạ với đám bạn thi sĩ, họa sĩ. Những cuộc tụ tập rượu bia bao la ngày càng kéo dài bất tận mà chính bà khuyến khích bằng cách thường xuyên dúi thêm tiền vào chiếc ví sờn rách của ông.

Công việc kinh doanh của bà ngày càng tấn tới. Chậm mà chắc. Bà không cần ông kiếm tiền. Bà sẵn sàng nuôi ông như nuôi thêm một đứa con.

Ông trở lại mạnh mẽ, khỏe khoắn như những ngày đầu khám phá nhau. Bà đã phải nhiều lần vất vả kéo chồng xuống, cảm giác như ông có thể bay vọt đi bất cứ lúc nào. Thoạt đầu bà hạnh phúc. Nhưng nỗi sợ hãi mơ hồ, linh giác đàn bà không cho bà ngủ yên theo đúng nghĩa đen.

Nhiều đêm tàn canh chập chờn tỉnh giấc, bà thấy ông không hề ngủ vùi như phải thế. Ông vẫn dập dờn bay lượn khắp nhà và mê mải với những xa xăm ảo mộng của ông.

Bà lục lọi giấy tờ bản thảo của ông - điều mà trước đây bà đã tự hứa với mình rằng sẽ không bao giờ làm.

Nỗi lo âu xa xôi của bà đã dần định hình, lộ diện một khuôn mặt đàn bà khác. Ông chưa bao giờ viết về bà như thế, dù rằng ngày mới yêu, chàng trai trẻ đã tặng cô nữ sinh cả cuốn sổ đầy ắp thơ tình.

Bà lẳng lặng cất đi một trang thơ trong đó đậm đặc hình bóng người đàn bà kia - đúng hơn, bà cảm thấy rõ ràng đó là một cô gái trẻ. Và gần tảng sáng, khi ông đang la đà giữa cơn mộng du trên trần nhà, bà bật dậy xòe bằng chứng trên tay, rít lên:

“Ông xuống ngay đây!”.

Như một con chim to lớn trúng đạn, ông rơi thẳng từ trần nhà xuống nền đá hoa lạnh lẽo. Cú rơi gọn, một tiếng động khô khan vang lên. Tiếp theo là tiếng kêu hoảng loạn, cố ghìm nén của bà.

***

Cú rơi thảm khốc hóa ra có mặt tích cực của nó. Ông Tâm lập tức ngất đi, còn bà Vân thì sợ hãi tột độ vì tưởng mình đã giết chồng. Nếu bà muốn trừng phạt chồng thì cú rơi đã làm nhiệm vụ đó một cách xuất sắc.

Phiên tòa, nếu có thể dùng từ đó, đã diễn ra vô cùng chớp nhoáng nhưng đầy đủ mọi thủ tục.

Điều tuyệt vời nhất là nó triệt tiêu phần lời lẽ dài dòng hoàn toàn có thể diễn ra như thường thấy trong một hoàn cảnh tương tự: Người vợ thì không thể kiềm chế cơn ghen tuông bốc lên nhanh một cách bệnh hoạn và ả sẽ mỉa mai, xúc phạm, nhục mạ, hạ bệ...

Người chồng thoạt đầu ăn năn, thương xót và cả sợ hãi,... nhưng gã nhanh chóng bị rơi vào trạng thái bẽ bàng, nhục nhã và bắt đầu nói năng, hành động ngu xuẩn. Bi hài kịch gia đình diễn ra để lại một vết bẩn không thể tẩy rửa.

Rõ ràng ông Tâm là kẻ tội đồ được hưởng ân huệ lớn lao, dù rằng cú ngã gây ra hậu quả nặng nề. Ông phải nằm viện ba tháng sau gần một tuần hôn mê. Cảm giác tội lỗi vì vậy chuyển sang bà Vân. Bà chăm sóc ông với một tinh thần xả thân vượt quá mức độ cần thiết nhiều lần.

Dù rằng, tính phô diễn không phải là bản chất của bà. Có chăng là một ám ảnh đua tranh về sự chăm sóc, nuôi dưỡng rất đàn bà của bà Vân dành cho tình địch vô hình. Trong suốt thời gian ông nằm viện, không hề thấy bất cứ một bóng hồng nào xuất hiện.

Một câu hỏi luôn ám ảnh bà: Cô gái trẻ kia có được biết về trạng thái thăng hoa bay vút lên của chồng bà? Lúc đó cô ta làm gì? Cô ta có nhanh chóng dùng thân xác trẻ trung của mình đè ông xuống?

Không hiểu sao điều này làm bà cảm thấy bị xúc phạm và mất mát cực độ. Dường như bà chấp nhận việc ông làm tình với cô gái ấy nhưng chỉ như một người đàn ông bình thường, xong việc thì ngủ vật ra chứ tuyệt đối đừng bay lượn.

***

Sau khi bình phục, ông Tâm xin nghỉ việc. Sức khỏe của ông được bệnh viện kết luận trở lại bình thường, nhưng bên trong ông có gì đó đã mãi mãi thay đổi.

Ông lặng lẽ và cô độc bên trong cái vỏ của mình. Cái vỏ đó, nếu được hiểu là thân thể ông, giờ đây trở nên nhẹ bỗng. Không cần phải khởi phát một xung lực để chiến thắng trọng lực trái đất để bay lên nữa, cả ngày ông Tâm bay bổng trong nhà.

Công việc của bà vẫn đều đều phát đạt, những đứa trẻ lớn lên, ngôi nhà trở nên chật chội. Bà Vân cùng đứa con trai lớn, lúc này đã trở thành sinh viên kiến trúc, tự tay thiết kế ngôi nhà mới.

Bà đã gọi nhiều kiến trúc sư danh tiếng đến, nhưng khi nghe yêu cầu của bà về việc phải kiến tạo không gian trong nhà phù hợp với việc bay lượn của một người đàn ông, họ đều bó tay.

Ngôi nhà do bà và con trai thiết kế trở nên nổi tiếng. Một thời gian ngắn sau khi khánh thành, ông bà đã phải kiên quyết ngăn cấm các phóng viên đủ mọi loại hình, các nhà nhiếp ảnh, quay phim và những kẻ hiếu kỳ.

Trong ngôi nhà đó, ông Tâm có thể dễ dàng di chuyển đến mọi góc không những ở trên trần mà cả bên dưới. Nên biết, đây là một ngôi nhà lớn ba tầng với nhiều phòng, nhưng có một khoảng thoáng rộng rãi suốt từ sàn trệt lên tới nóc.

Nhà rộng, nhưng bà Vân không đặt công ty ở nhà như nhiều người khác. Bà thuê một chỗ khác gần đó làm văn phòng, nhưng cũng rất ít khi đến đó mà chỉ điều hành qua điện thoại. Con gái trưởng thành, bà giao công ty cho con để toàn tâm toàn ý chăm sóc ông.

Sự cố kinh hoàng xảy đến vào một buổi sáng, khi bà Vân đi mua đồ ăn cho hai vợ chồng, ông Tâm bay đến gần ô kính lấy ánh sáng trên mái. Một cơn hứng khởi bất thường khi ông ngẫm ngợi về sự tĩnh lặng đã khiến ông va mạnh vào tấm kính lớn.

Đây là kính cường lực để chống trộm, có một hệ thống điều khiển từ bên dưới để có thể mở ra lấy gió. Bình thường, mở hết cỡ cũng không người nào chui lọt, kể cả đứa trẻ con. Nhưng hệ thống này, chịu mưa nắng một thời gian dài, tấm kính mở ra nhiều hơn, và ông Tâm, trong cơn mơ màng đột nhiên thấy mình bị hút ra ngoài.

Rất may, phần hông xoay ngang đã giữ ông lại. Ông ngó xuống và trong ánh nắng chan hòa của buổi sớm mai, xuyên qua mấy tán lá, ông thấy bà đang tất tả xách túi đồ ăn đi trên vỉa hè để về nhà. Ông không hề ý thức rằng mình đang ở trong hoàn cảnh nguy hiểm, lúc đó trong lòng ông đột ngột trào lên một nỗi xót xa cùng cực.

Sau sự cố, bà Vân cho căng một tấm lưới nhẹ nhưng rất dai để ông Tâm không thể va đập thẳng vào mái. Sức ông cũng yếu dần, bà lại phải thiết kế một hệ thống ròng rọc và các loại dây để đưa ông lên xuống.

***

Tự nhiên, trong buổi sáng hôm nay, cả một quãng đời dài tự nhiên hiện ra trong tâm trí bà Vân. Lướt rất nhanh nhưng vô cùng đầy đủ.

Ông vẫn trầm ngâm, lơ đãng.

Mùa xuân ngoài kia bỗng như hừng lên một ánh sáng kỳ lạ. Bà vươn người mở cửa sổ, cơn gió rười rượi.

Bà bỗng cảm thấy trong ngực khởi lên một xung năng kỳ lạ. Ngực bà căng lên, không phải kiểu căng của việc hít mạnh, không phải kiểu căng cơ. Một lực nâng khởi từ đây nhanh chóng lan ra toàn thân. Bà định nắm lấy tay ông nhưng không kịp nữa rồi. Cơn gió mạnh hơn khi ở trên cao. Bà nhìn xuống thấy ngôi nhà của mình bé tí.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận