Trẻ con và công nghệ: Tập cho giới trẻ biết cách từ chối...

TTCT - Vì sao trẻ yêu net điên cuồng? Nhiều bậc cha mẹ đã vò đầu bứt tai hỏi các chuyên gia tư vấn. Thật ra câu trả lời rất đơn giản: thế giới online vô vàn hấp dẫn.




Minh họa: Vũ Đình Giang


Game online, các website và mạng xã hội đánh rất đúng tâm lý giới trẻ, chúng luôn luôn đổi mới và có những hoạt động thú vị nhằm thu hút các độc giả truy cập thường xuyên nhất có thể. Chúng ta đã chứng kiến hàng trăm phần mềm hỗ trợ học tập "chết non" vì chưa đủ sức làm cho giới trẻ có thể thật sự rung động, nhưng nếu một lần chơi game online bạn sẽ hiểu những người thiết kế chúng đã "tâm lý" thế nào.

* Tâm lý lứa tuổi

Lứa tuổi mới lớn thích được tôn trọng. Bạn trai chúng ta sẽ là một tay cao thủ đánh đông dẹp bắc trong game. Bạn gái chúng ta sẽ là một "hot girl" chỉ với tấm hình "mát mẻ" hút hàng nghìn cái nhìn và lượt bấm "like" trong mạng xã hội. Đó là những danh vọng ảo mà ngoài đời thực không thể nào tìm được.

Lứa tuổi mới lớn thích khám phá. Ở thế giới 1.000.001 "hang cùng ngõ hẻm" của Internet mà mỗi "hẻm" lại có một "bí kíp" thích cái tai lạ con mắt, chúng ta không chỉ khám phá mãi không hết mà còn tự quyền làm gì tùy thích. Những video clip lung linh, những bộ truyện tranh thú vị, những tin tức cập nhật nóng hổi về giới trẻ... Thế giới Internet mở ra trước bạn trẻ một chân trời bao la với những điều chưa bao giờ thấy.

Lứa tuổi mới lớn tự kiềm chế kém. Tính tự chế ngự kém, nhiều bạn trẻ sẽ không nhận ra (hoặc cố ý không nhận ra) rằng mình ngày càng bị hút vào cái mạng nhện khổng lồ (nhưng thú vị). Đến khi nhận ra thì nó đã dán chặt vào tâm trí bằng một loại keo cực bền và trở thành một nhu cầu thiết yếu không thể tách rời khỏi cuộc sống hằng ngày.

* Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái lạnh lẽo

Các phụ huynh ngày càng ít thời gian hơn và mỗi khi phụ huynh quay lưng làm việc thì thế giới online lại dang tay mỉm cười chào đón đứa trẻ 24/24 giờ. Khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng lỏng lẻo bao nhiêu thì sự "đậm đà" giữa chúng và thế giới online càng "tình sâu nghĩa nặng" bấy nhiêu. Chính vì vậy mà con cái chúng ta ngày nay rất dễ thỏa mãn nhu cầu tinh thần bằng cái click chuột vào các trang mạng xã hội hay game online.

Phát hiện dấu hiệu phụ thuộc

Phụ huynh có thể kiểm tra những dấu hiệu phụ thuộc ban đầu của con cái vào Internet qua một vài biểu hiện cơ bản như:

* Bạn trẻ lên mạng tổng cộng bao nhiêu giờ mỗi ngày?

a. Dưới 1 giờ. 

b. Dưới 2 giờ. 

c. Từ 2-3 giờ. 

d. 4 giờ trở lên.

* Nếu bị làm phiền (nhờ làm việc nhà) lúc đang lên mạng, bạn trẻ sẽ?

a. Bình thường. 

b. Hơi khó chịu. 

c. Cáu gắt. 

d. Thoái thác, không làm.

* Khi yêu cầu tắt Internet, bạn trẻ sẽ thực hiện như thế nào?

a. Rất dễ dàng. 

b. Phân vân đôi chút. 

c. Chống chế "vài phút" nữa nhưng ở lại rất lâu. 

d. Không dứt được cho đến khi bị buộc phải dứt.

* Bạn trẻ có biểu hiện tương quan với các hoạt động sống khác ở mức độ nào?

a. Vẫn tự giác học bài làm bài bình thường. 

b. Thỉnh thoảng bố mẹ phải nhắc nhở trẻ tham gia các hoạt động sống khác. 

c. Chủ động nói dối bố mẹ để được lên mạng. 

d. Không quan tâm đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân.

Nếu câu trả lời chủ yếu là c hay d, cần cảnh giác với dấu hiệu ban đầu của nguy cơ trẻ đang dần bị phụ thuộc Internet.

Ban đầu đối với bạn trẻ, Internet chỉ là một thế giới ảo nhiều màu sắc. Nhưng nếu thiếu kiểm soát, một ngày nọ việc không lên mạng khiến họ có cảm giác như điều gì đó thiết yếu đang mất đi và cứ mỗi lần bật Internet là bạn trẻ bắt đầu "cắm rễ" cho đến khi bị buộc phải rời khỏi máy

Cai net tại nhà

Chuyên gia chỉ tiếp xúc với trẻ một thời gian ngắn, việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà tư vấn với trẻ không quan trọng bằng việc kết nối giữa cha mẹ và con cái. Vì vậy, bên cạnh sự cố vấn của chuyên gia thì cha mẹ chính là "thầy thuốc" tốt nhất để chữa trị "căn bệnh" này.

Bước 1: Chuẩn bị tinh thần

Sắp xếp với con một cuộc nói chuyện thân tình. Nội dung cuộc trò chuyện không nên "đả động" ngay đến vấn đề Internet mà hãy bắt đầu bằng vài câu chuyện phiếm rồi đi vào những nội dung thân mật. Từ đó, chúng ta có đà để trao đổi với con một chút về việc lên mạng quá nhiều và hỏi ý con nghĩ gì về chuyện đó. Phụ huynh cần đưa ra các dẫn chứng của những trường hợp nghiện Internet và tác hại của nó nếu không tự kiểm soát được mình.

Cuối buổi trò chuyện, hãy đề nghị con tổ chức một buổi ăn nhẹ cuối tuần và gợi ý con hãy rủ bạn bè về nhà. Việc làm trên không chỉ tiến hành một lần mà hãy thường xuyên "hẹn hò" với con, ít nhất là trong khoảng một tuần trước khi chuyển qua bước kế tiếp. Mục đích của việc làm này là cho con chúng ta nhận thức rõ ràng và chắc chắn rằng bố mẹ đang rất yêu thương và quan tâm đến chúng.

Bước 2: "Cắt cơn"

Biện pháp 1: Cai nghiện "cứng" bằng kỷ luật.

Hãy tìm các biện pháp khéo léo để cách ly trẻ và Internet. Ví dụ một trong các cách sau đây (vài ngày đầu):

- Đặt máy tính ở nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy. Đứa trẻ sẽ tự biết "mọi người có thể thấy tất cả những gì mình làm trên máy".

- Hạn định thời gian sử dụng Internet mỗi ngày (dưới 30 phút) và cứng rắn đảm bảo "luật pháp" được tôn trọng, kèm theo các biện pháp trừng phạt nếu vi phạm(sau vài ngày đầu).

- Tạm ngưng thuê bao dịch vụ nối mạng (với lý do hư modem - nếu cần thiết).

- Cho trẻ về quê, đi du lịch hoặc tham gia các lớp năng khiếu, các lớp thể thao dành cho học sinh hay hoạt động nào khác khiến trẻ phải "ly thân" với Internet một thời gian ít nhất bảy ngày để đủ thời gian "phá" đi một thói quen cũ.

Biện pháp 2: Cai nghiện "mềm" bằng tâm lý.

Đây là biện pháp bắt buộc phải tiến hành song song nhằm khỏa lấp những khoảng trống mà biện pháp cai nghiện "cứng" để lại. Sự cấm đoán không đi kèm với vỗ về ắt tạo nên sự nổi loạn của con trẻ. Nhưng nếu nội quy đi kèm với tình thương sẽ cho kết quả bằng sự hưởng ứng.Biện pháp này gồm các cách thực hiện như sau:

- Một là, khỏa lấp sự hụt hẫng trong nhu cầu của con bằng cách hướng con vào hoạt động sống. Hãy chịu khó động não và liệt kê ít nhất 10 loại hình giải trí bổ ích hoặc những hoạt động khám phá thú vị mà con chúng ta có thể tham gia tại nhà hay ngoài trời như picnic, trang trí tường - nhà, câu cá, trồng cây trang trí sân, xem kịch, thể thao, một lớp học võ thuật hoặc lớp dạy nấu ăn, lớp dạy viết văn hay thiết kế phần mềm...

Hãy hỏi ý chúng rồi sắp xếp vào thời khóa biểu còn trống của con các hoạt động để giúp con khôi phục những trải nghiệm hấp dẫn của cuộc sống thực, phát triển năng khiếu và thỏa đam mê khám phá cũng như nhu cầu tự khẳng định mình.

- Hai là, nối kết giữa cha mẹ với con. Nếu cần thiết, hãy làm một cuộc "cách mạng" trong gia đình để cải tạo mối quan hệ giữa chúng ta với con cái, không chỉ giúp con thoát khỏi chứng nghiện net mà còn đưa tình cảm gia đình lên một cấp độ mới. Hãy tổ chức hoạt động cho gia đình, dành thời gian cho con cả về chất lẫn lượng. Làm sao để những phút giây gia đình hấp dẫn hơn thế giới online.

Bước 3: Hình thành thói quen mới

Khi bạn trẻ đã bắt đầu hòa nhập vào các hoạt động mới, hãy chọn ra một vài hoạt động "đỉnh" nhất mà chúng hứng thú để biến thành những thói quen có ích, thay thế thói quen online cũ. Song song đó, để giúp con cai nghiện mãi mãi và cũng là biện pháp phòng ngừa tái nghiện, hãy giúp con đặt mục tiêu cho cuộc sống. Hãy tìm xem ước mơ của con chúng ta là gì, nếu không, hãy giúp chúng vẽ nên ước mơ của chính chúng, lập kế hoạch thực hiện và bắt tay khởi động.

Không có lối tắt để đến nơi cần đến. Không có viên thuốc thần kỳ nào khiến con chúng ta trở về trạng thái cũ ngay lập tức. Cũng chắc chắn không có lớp cai nghiện nào có thể đảm bảo con chúng ta không tái nghiện về sau. Chúng ta đã trao con cho Internet bao nhiêu lâu thì cũng phải mất ngần ấy thời gian để mang con trở về. Đừng xem đó là nghĩa vụ nặng nề mà hãy nhớ rằng đầu tư cho con cái là một khoản đầu tư không bao giờ lỗ.

Phòng còn hơn trị

Để ngăn ngừa con không rơi vào nghiện net, bố mẹ cần lưu ý những biện pháp sau đây:

- Cần đặt máy tính ở những nơi dễ nhìn thấy.

- Quy ước trước với con về thời lượng online mỗi ngày.

- Sử dụng một đồng hồ báo thức để nhắc nhở đã đến giờ tắt máy vi tính hoặc dùng phần mềm quản lý tự ngắt.

- Hướng con vào một số hoạt động sở thích khác ngoài đời sống thực (thể thao, năng khiếu, lớp kỹ năng sống...).

- Thường xuyên tổ chức những hoạt động chung cho gia đình để lôi kéo đứa trẻ tham gia.

- Dành thời gian giao tiếp với con, định hướng cho chúng một cuộc sống có ý nghĩa, sống có ước mơ để theo đuổi.

- Kiên quyết khi phát hiện trẻ chớm có dấu hiệu phụ thuộc Internet.

Về lâu về dài, bạn không thể quản lý con sát sao 24/24 giờ. Nên rèn cho trẻ tính tự kiềm chế qua cuộc sống hằng ngày. Ví dụ tập cho trẻ kiềm chế trước việc mua đồ chơi trong cửa hàng, tập cho trẻ tự kiềm chế trước bánh kẹo và đồ ngọt, tập cho trẻ biết tự tắt tivi khi đã xem quá lâu, cần biết từ chối hợp lý trước những đòi hỏi của trẻ từ khi còn nhỏ. Dần dà sẽ tập cho trẻ biết kiểm soát các ước muốn của mình.

Giúp trẻ tránh nghiện Internet không khó. Chỉ khó ở chỗ cha mẹ phải tránh chuyện "nghiện việc" mà bỏ rơi con mình cho thế giới online!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận