TTCT - Đã có vaccine COVID nhưng cuộc chiến để thực sự đánh bại con virus và trở lại với đời sống thực sự bình thường xem ra còn quá xa vời... Năm 2020 - hay từ nay nhận cái tên lịch sử “Năm COVID 1” - còn chưa qua đợt lockdown đầu tiên, khi chưa chính phủ nước nào biết loại thuốc tiêm phòng COVID-19 nào công hiệu đến đâu và nên được cấp phép vào thời điểm nào, có một thủ tướng đã nhanh nhạy đàm phán ngay với Tập đoàn dược phẩm Pfizer để mua thuốc.Một trung tâm tiêm chủng chỉ thưa thớt người chờ ở Potsdam, Đức. Ảnh: DPALực lượng đối lập trong nghị viện phản đối rào rào vì giá cao ngất ngưởng và rủi ro thì chưa ai lường trước được. Song, hôm nay thương vụ nóng rẫy đó quyết định lô hàng sớm nhất giúp Israel sau đêm giao thừa trở thành quốc gia dẫn đầu tốc độ chích ngừa với 1 triệu người, tức hơn 10% dân số, được nhận thuốc sau hai tuần.Tính đến ngày 25-7, họ chích ngừa cho một nửa nước, và một phần ba được tiêm mũi thứ hai. Phần còn lại của thế giới có nên lấy đó làm gương?Dù tốt hay xấu, thế giới biết rõ năng khiếu đàm phán của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông thuyết phục được BioNTech và Pfizer rằng Israel, với dân số vỏn vẹn 9 triệu, tình nguyện làm môi trường thử nghiệm để xác định hiệu lực của thuốc. Canh bạc 5 ăn 5 thua đó không nằm trong toan tính chính trị của các nước châu Âu, nhất là Đức, hôm ấy còn là chủ tịch luân phiên Hội đồng EU. Một phần vì quy trình đưa ra quyết định ở Đức khá gập ghềnh, mặt khác các đảng cầm quyền bị chỉ trích là nghĩ đến tranh cử hơn là cứu nguy. Song không chỉ có thế.Tồn tại hay không tồn tại?Đó là câu hỏi ở thời điểm các nhà sản xuất thuốc tiêm chủng đầu tiên rình rập viết đơn xin được cấp phép. Trong nỗ lực cuối cùng trước khi bị đánh bật khỏi Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực cả chính trị lẫn tài chính để đặt trọn các lô thuốc đầu tiên cho Hoa Kỳ, bất kể nhà cung cấp tiềm năng là ai.Trung Quốc và Nga bị nghi là đốt cháy giai đoạn thử nghiệm lâm sàng để giành chiến thắng mang tính biểu tượng trong cuộc đua này. Canada đặt cọc cho lượng thuốc nhiều gấp đôi dân số. Trái đất đe dọa bị phân cực thành người giàu được tiêm và người nghèo phải đợi.Israel dự kiến sẽ tiêm chủng COVID-19 cho toàn dân. Ảnh: BBCThực ra không có gì khó hiểu: khi sắp chết đuối người ta vớ lấy mọi cọng rơm trong tầm tay. Mọi nỗ lực để tiếp tục tồn tại không nên bị chỉ trích, bởi vì đây là lúc bản năng trỗi dậy. Nhiều quốc gia vội vã công bố thứ tự ưu tiên tiêm phòng theo tiêu chí y tế hay chính trị. Ở Đức, dịch vụ tang lễ còn định đình công vì không được chen hàng. Ủy ban Thế vận hội quốc tế hối thúc các ủy ban quốc gia đấu tranh cho vận động viên nước mình được nhận thuốc sớm, đặng kịp dự Olympic Tokyo liên tục đe dọa bị hoãn.Năm nay Đức chờ đợi cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9, mọi động thái của chính phủ hay bên đối lập đều bị nghi là nhằm mục đích giành ghế. Báo Bild, với số ấn bản lớn nhất trong các báo tiếng Đức, đăng tin về “Cuộc nổi loạn công khai của các thủ hiến bang chống thủ tướng đương nhiệm” và tiên đoán Bộ trưởng Y tế Jens Spahn sắp mất chức, dù ông thuộc nhóm ứng viên kế nhiệm bà Angela Merkel. Tất cả chỉ vì sự lưỡng lự khi quyết định giảm nhẹ phong tỏa và cân nhắc giá mua thuốc tiêm phòng. Nhưng cái ghế có giá trị gì khi mạng sống của tất cả bị đe dọa?Tin hay không tinSau các tin nóng hổi đầy lạc quan từ Israel, dường như cũng ở đây có chuyển biến theo chiều ngược lại. Giãn cách xã hội lại được đôn đáo tái lập. Lễ Purim tưởng nhớ Thiên Chúa tránh cho dân Do Thái bị diệt chủng hôm 26-2 lắng xuống bởi lệnh thiết quân luật về đêm của chính quyền, do con số nhiễm mới trong vòng 24 giờ tăng đột biến và đạt đỉnh điểm kể từ tháng 10-2020.Từ đầu năm, giữa quảng trường Rabin ở Tel Aviv có một cái lều to như lều rạp xiếc. Băng ghi âm đều đặn phát lời kêu gọi dân chúng đi tiêm phòng. Trước đây mấy tuần còn thấy người đông đảo xếp hàng, nay chỉ chừng chục người chờ đến lượt, trong lều cũng lèo tèo. Theo kế hoạch của nhà chức trách, mỗi ngày ở Israel tiêm cho 200.000 người, nhưng con số của hai tuần đầu tháng 2 chưa đạt một nửa.Báo chí đăng tin có những hôm phải tiêu hủy thuốc vào cuối ngày vì không đủ người tiêm và thuốc đã hạ xuống nhiệt độ trong phòng là không được để lâu. Thật đáng buồn, nữ bác sĩ Yael Paran ở Bệnh viện Ichilov tâm sự: “Những người làm y tế chúng tôi biết rõ công hiệu của thuốc và hầu như bệnh viện không phải tiếp nhận bệnh nhân nào đã chích ngừa hai đợt. Vì vậy mỗi mũi tiêm mà chúng tôi có đều phải được tận dụng”.Song người Israel càng trẻ càng nghi ngại, trong khi tất cả trên 16 tuổi đều đã đến lượt. Một cuộc thăm dò dư luận của kênh truyền hình KAN cho thấy 1/3 người được hỏi không sẵn sàng, thậm chí trong nhóm rủi ro cao cũng ngày càng nhiều người tỏ ra ngờ vực.Tamila Nazarov, cô gái vô thần 24 tuổi, nói trên truyền hình: “Đây là một cuộc thí nghiệm chứ không phải là chích ngừa. Tôi sợ bị tiêm. Không ai biết tác dụng phụ về lâu dài là gì”.Nazarov hoạt động tích cực trong nhiều nhóm Facebook phản đối tiêm chủng. Ở đây, bên cạnh lý lẽ logic, cũng không hiếm tin đồn thất thiệt. Thậm chí một số nhóm xúi bẩy đặt online lịch hẹn tiêm chủng nhưng không xuất hiện, để thuốc thừa phải vứt đi. Chính quyền đã bắt đầu truy tố hành vi này, đồng thời ban hành một thẻ chứng nhận màu xanh lá cho những ai đã tiêm hai mũi hoặc đã khỏi bệnh đủ một tuần. Ai sở hữu thẻ đó sẽ được thoải mái đến nhà hàng, rạp hát..., trong khi những người còn lại bị cấm cửa. Một vài địa phương còn có ý định giảm vài loại thuế cho người có thẻ!Tiêm hay không tiêmNgười trẻ ở châu Âu còn lâu mới được tiêm phòng rộng rãi như ở Israel, song họ cũng thiếu tin tưởng như vậy. Ở phương Tây vẫn có một bộ phận rất đông dân chúng nghi ngờ, thậm chí chống đối việc tiêm vaccine. Ảnh: Getty ImagesỞ Đức, sau một hồi kêu ca là thiếu thuốc cũng như thủ tục nhiêu khê, nay sinh ra tình trạng non nửa người dân không muốn tiêm, báo đăng tin hàng triệu liều thuốc nằm ì trong tủ lạnh, ví dụ vì không ai chọn loại thuốc AstraZeneca được chính phủ khuyên không tiêm cho người già.Một phần họ cũng là nạn nhân của các thuyết âm mưu, cho rằng corona là một trong những vũ khí nhằm thống trị toàn cầu của Do Thái, Tập Cận Bình hay Bill Gates. Giáo sư Malte Thiessen, nhà nghiên cứu lịch sử y học, giải thích: Tiêm chủng không chỉ là niềm tin vào thành tựu y học, mà với người Đức còn là vấn đề nhân sinh quan, vì nó thể hiện mối liên quan giữa cơ thể mình với môi trường xã hội và nhà nước. Từ 200 năm nay người Đức luôn “dị ứng” với các biện pháp y tế ít nhiều mang tính cưỡng chế. Tổ chức chống tiêm chủng đầu tiên ở Đức tại Leipzig và Stuttgart ra đời năm 1896!Láng giềng Pháp cũng không khác mấy: thống kê cho thấy chỉ 50% dân số sẵn sàng chấp nhận chương trình phòng chống corona. Thái độ đó bắt nguồn từ sự bất tín nhiệm sâu sắc kéo dài hàng mấy chục năm nay của người Pháp với các định chế chính trị, đặc biệt là các biện pháp hành chính dưới thời Emmanuel Macron được coi là có màu sắc độc đoán và “coi dân như con nít”. Một quyết định hấp tấp và khá vô nghĩa mới đây - chọn ngẫu nhiên 35 công dân, lập thành hội đồng khuyến cáo chính phủ về chiến dịch tiêm chủng - bị coi như một trò đùa không làm ai cười.Nói một cách khách quan và không hề thù nghịch với khoa học, vì nghi ngại tiêm chủng (tuy không chỉ vì thế) thế giới còn xa thời điểm chiến thắng corona lắm, nhất là bởi con virus còn nguyên mọi tiềm năng biến chủng và trường tồn. Cuối năm 2020, Hoa Kỳ đếm được 35% dân chúng không tin thuốc phòng COVID miễn phí do Cục Thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấp phép. Điều tra online với hơn 7.000 dân châu Âu ở nhiều nước cũng cho thấy xu hướng từ chối tăng rõ rệt, dẫn đầu là Pháp và Ý. Trong khi theo giới chức y tế, miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi tỉ lệ tiêm chủng tối thiểu ở mức 71-74%!■Chống vaccine: không chỉ vì thiếu hiểu biếtSẽ quá nông cạn khi đơn giản tuyên án phong trào của những người chống tiêm chủng là kém hiểu biết hay phản tiến bộ. Lượng người có quan điểm xét lại tiêm chủng hôm nay chắc chắn không chỉ là thành phần chống vaccine cực đoan. Họ có những lý lẽ cần được lắng nghe và tranh luận.Những người chống vaccine thời COVID từ chối tiêm chủng vì họ không biết và không thể biết hết các tác dụng phụ của thuốc. Cho đến nay, mỗi loại thuốc tiêm chủng thường cần 10-15 năm phát triển và thử nghiệm, trong khi BioNTech, Johnson & Johnson hay Oxford chỉ cần vài tuần đến vài tháng. Các kết quả ban đầu của thuốc tuy có vẻ sáng sủa, chưa ai rõ công hiệu của thuốc kéo dài bao lâu, người đã miễn dịch có khả năng mang mầm bệnh nguy hiểm (cho người khác) hay không… Nếu đã tin vào khoa học thì khoa học còn đang nợ vài câu trả lời then chốt.Hiện trạng tù mù này còn có tính văn hóa khu vực. Khảo cứu mới nhất của Quỹ Bertelsmann (Đức) một mặt xác nhận xu hướng quay lưng với chích ngừa, mặt khác chỉ ra sự khác biệt văn hóa dẫn tới khác biệt ứng xử trong mọi chuyện liên quan tới đại dịch. Trong khi dân Đông Âu và đặc biệt dân châu Á khá dễ dàng chấp thuận chỉ thị phong tỏa, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ hiện hình là xã hội tiêu dùng và cá nhân với những người dân “khó bảo” - 45% phản đối quy định hạn chế tự do đi lại và khuyến cáo tiêm chủng. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Vaccine covid-19: cân đong nguy cơ Tiếp theo Tags: IsraelĐứcCOVID-19Vắc xinTiêm chủngVaccine COVID-19
Ai đang tiếp thị cho sàn thương mại không phép? KHÁNH HƯNG 01/11/2024 Câu chuyện đang được quan tâm trong nhóm 'sáng tạo nội dung số' là chính sách hoa hồng 'hấp dẫn chưa từng có' của sàn thương mại điện tử Temu (Trung Quốc).
Cô bé ngồi buồn bên cửa lớp và đề văn... đáng sợ nhất VŨ TUẤN 01/11/2024 Nguyễn Thị Quỳnh Nga mất cha, mẹ thì bỏ đi, năm nay Nga đã đậu Đại học Hà Nội. Bà nội nuôi cháu từ hồi cháu còn thèm sữa mẹ, quyết định rao bán thửa ruộng của mình. Giờ vẫn chưa bán được nên hai bà cháu đi vay tiền để kịp cho Nga nhập học.
Giá vàng thế giới rơi thẳng đứng như bị nhát ma ngày Halloween ÁNH HỒNG 31/10/2024 Sau nhiều ngày tăng như vũ bão, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm 54 USD/ounce vào tối nay, 31-10.
Nhiều khác biệt thế hệ, cử tri gốc Việt ở Mỹ sẽ chọn 'xanh' hay 'đỏ'? Vỹ An 01/11/2024 'Xanh' ở đây là bầu cho ứng viên đảng Dân chủ và 'đỏ' là ứng viên của đảng Cộng hòa.