"Vua" miền Tây xài di động

MINH TÂM 04/12/2004 23:12 GMT+7

TTCN - Việc xây trên 70 cây cầu giăng ở đồng bằng sông Cửu Long đã đưa anh nông dân sản xuất giỏi Sáu Quý (ngụ ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) lên ngôi “vua cầu treo”. Năm 2002, sau khi xây xong cây cầu treo cho một xã ở Đồng Tháp, ông “vua” được tặng một điện thoại di động (ĐTDĐ) hiệu Motorola làm kỷ niệm trong ngày khánh thành.

Phóng to
“Vua bạch đàn” Trần Văn Sỹ và điện thoại không dây
TTCN - Việc xây trên 70 cây cầu giăng ở đồng bằng sông Cửu Long đã đưa anh nông dân sản xuất giỏi Sáu Quý (ngụ ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) lên ngôi “vua cầu treo”. Năm 2002, sau khi xây xong cây cầu treo cho một xã ở Đồng Tháp, ông “vua” được tặng một điện thoại di động (ĐTDĐ) hiệu Motorola làm kỷ niệm trong ngày khánh thành.

Dù được tặng máy đã hơn hai năm nhưng đến nay anh mới biết cách sử dụng... tin nhắn do hồi nào tới giờ chỉ sử dụng chức năng alô. Sáu Quý tâm sự: “Nhờ có nó mà khi xa nhà tôi có thể thường xuyên liên lạc với gia đình”.

“Vua nhân giống cây bạch đàn” Trần Văn Sỹ (ấp Xuân Thọ, xã Vĩnh Tường, tỉnh Hậu Giang) thì cho biết cây giống của ông có mặt khắp các lâm trường, nông trường ĐBSCL. Để có thể liên lạc “mọi lúc mọi nơi”, ông phải sắm ngay cái Nokia 2100 với giá 1,9 triệu đồng.

Các “vua” này xài ĐTDĐ chủ yếu là để alô và nhắn tin. Đồng tiền tiêu cho việc mua card được tính toán khít với nhu cầu sử dụng. Nhằm tiết kiệm tối đa tiền card, Sáu Quý canh lúc nào có nhu cầu xây cầu thì ra bưu điện mua thẻ 100.000đ nạp vào. Thỉnh thoảng bấm 900 để kiểm ra tài khoản còn bao nhiêu. Tương tự, ông Sỹ chỉ mua loại thẻ mệnh giá 200.000đ. Ông Sỹ không dùng điện thoại bàn là vì trại nhân giống của ông luôn dời đổi. Lúc thì ông mướn đất ở Cần Thơ, khi thì ở Hậu Giang. Thôi thì chơi “cái không dây”, trại giống đi đến đâu nó “chạy” theo đến đó.

Sử dụng ĐTDĐ nhiều nhất trong nông dân chính là những “vua” nhà vườn sản xuất và kinh doanh cây giống hoặc nhân giống tôm cá. 10 người thì đã có đến tám giắt ĐTDĐ bên mình. Để phát huy cái điện thoại, họ in cả xấp danh thiếp trao cho khách hàng, nhất là trong các kỳ hội chợ. Đó là một hình thức quảng cáo thương hiệu hữu hiệu và rất rẻ tiền. “Vua hươu nai” Năm Vệ ở núi Cấm (An Giang) nói: “Nó như cánh tay trái của tôi. Từ khi sắm cái Motorola này, lượng khách hàng của tôi tăng lên. Làm ăn chân chính là một chuyện, nhưng trong thời buổi cạnh tranh, mất một cú điện thoại có khi mất toi một hợp đồng”.

Một số nông dân tỏ ra rất kỹ trong việc chọn nút cho chiếc ĐTDĐ của mình. Đủ thứ quan niệm được thể hiện trên chiếc alô. Thường nút càng cao càng tốt và số 9 là sự lựa chọn “số một”. Cũng cùng một số nhưng mỗi người lại có cách “mê tín” khác nhau, chẳng hạn như con số 8, người thì cho nó “giống chiếc còng” nên tẩy chay, nhưng có người nghĩ số này “phần trên nhỏ phần dưới lớn” là biểu hiện cho công việc làm ăn ngày càng phình ra nên họ “duyệt”. Với những nông dân nào là tín đồ của môn túc cầu giáo thì rất khoái con 10 và 9, vì theo họ những cầu thủ huyền thoại trên sân cỏ thường mang số này trên lưng áo! Họ kỵ nhất là các con số “3 chìm, 7 nổi, 9 lênh đênh”.

Việc nông dân xài alô không dây cũng “đẻ” ra nhiều chuyện cười như chuyện của anh B. (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) chỉ có năm công đất, không có nhu cầu nhưng thấy nhà hàng xóm sắm cái Siemens S65 cáu cạnh với giá trên 7 triệu đồng có thể chụp hình như một máy ảnh… nên anh cũng ráng vay mượn tiền tậu một cái “điện thoại sida” kiêm “đồ đập nước đá” giá 400.000đ. “Nội tạng” bên trong đã nát bét, khi có ai điện tới nó rít lên như người nghiến răng. Âm thanh thì như truyền âm nhập mật, tiếng được tiếng không. Nhưng kệ, dù gì cũng có cái bỏ túi với người ta. Và cứ vài tháng anh xin vợ (làm thợ may) 100.000đ để mua card chỉ để nhắn tin rủ bạn nhậu!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận