25/11/2022 10:29 GMT+7

Bà Merkel tiết lộ về cuộc gặp ông Putin trước chiến sự Ukraine

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận đã cố gắng thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2021, nhưng không thể thay đổi cục diện Ukraine vì bà không còn tầm ảnh hưởng.

Bà Merkel tiết lộ về cuộc gặp ông Putin trước chiến sự Ukraine - Ảnh 1.

Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin tháng 8-2021 - Ảnh: REUTERS

Chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tạp chí Spiegel đăng ngày 24-11, bà Merkel cho biết không ngạc nhiên về tình hình Ukraine, nhưng cũng bất lực vì không còn tại nhiệm.

Bà nói mùa hè năm 2021 bà đã tìm cách liên lạc với Tổng thống Nga Putin. Cựu thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ấy muốn thiết lập một hình thức đàm phán mới ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo bà Merkel, nỗ lực ấy không đi đến đâu vì tới tháng 9-2021 bà đã phải rời nhiệm sở, kết thúc 16 năm cầm quyền. Đến tháng 2-2022, Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

"Nhưng tôi không còn sức mạnh để thúc đẩy các cuộc thảo luận ấy, bởi sau tất cả, ai cũng biết rằng tôi sẽ ra đi vào mùa thu", cựu thủ tướng Đức chia sẻ.

Nhớ lại chuyến đi Matxcơva vào tháng 8-2021, bà nói: "Cảm giác lúc ấy rất rõ ràng thế này: 'Về mặt chính trị, bạn coi như đã kết thúc'. Đối với ông Putin, chỉ quyền lực mới là quan trọng".

Trong dàn chính khách quốc tế đương đại, bà Merkel được xem là một trong những nhân vật đặc biệt nhất khi nhắc tới ông Putin và nước Nga.

Nữ thủ tướng Đức nói tiếng Nga trôi chảy, còn ông Putin cũng từng hoạt động tại Đức thời trẻ. Giữa hai chính trị gia này có mối quan hệ đan xen đối đầu và tôn trọng.

Thực tế, quan hệ giữa Nga và phương Tây từng có cơ hội hàn gắn với ý tưởng về Thỏa thuận Minsk năm 2014. Dù vậy trong bài phỏng vấn, bà Merkel cho rằng một cách thức đàm phán mới nên được áp dụng vì thỏa thuận này không hề hiệu quả trong việc giải quyết bất đồng giữa Matxcơva và Kiev.

"Thỏa thuận Minsk trở nên trống rỗng. Vào mùa hè năm 2021, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Putin gặp nhau, tôi đã muốn thiết lập một khuôn khổ thảo luận độc lập của châu Âu với ông Putin", bà kể.

Cựu thủ tướng Đức cũng thừa nhận đây là lúc cần cách tiếp cận mới, vì chính sách đối ngoại của thời bà đã không đạt được nhiều tiến triển khả quan không chỉ với Ukraine, mà còn là các cuộc xung đột ở Moldova, Georgia, Syria, và Libya.

Đức tiến vào thời đại Đức tiến vào thời đại 'hậu Merkel'

TTO - Nhìn lại 16 năm qua, dưới sự 'chèo lái' của bà Merkel, 'con thuyền' nước Đức đã vượt qua nhiều sóng gió để gặt hái nhiều thành công và được thế giới kính nể.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên