11/01/2023 13:21 GMT+7

Báo Tuổi Trẻ đề xuất giảm hoặc miễn thuế các nguồn thu hoạt động báo chí

Giảm hoặc miễn thuế đối với nguồn thu từ các hoạt động của cơ quan báo chí là một trong những đề xuất được báo Tuổi Trẻ nêu ra khi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sáng 11-1.

Báo Tuổi Trẻ đề xuất giảm hoặc miễn thuế các nguồn thu hoạt động báo chí - Ảnh 1.

Đoàn do Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí tại báo Tuổi Trẻ, sáng 11-1 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nêu vấn đề nhức nhối hiện nay là việc vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí. Theo ông Chữ, hiện báo Tuổi Trẻ chưa thống kê thiệt hại của việc vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, với việc mỗi tin, bài được đầu tư nhiều công sức, tiền của nhưng chỉ trong "một nốt nhạc" đã bị "cướp công" gây thiệt hại rất lớn cho báo. Chưa kể, việc các báo, trang thông tin, mạng xã hội lấy nội dung rồi sửa tít làm ảnh hưởng đến uy tín của báo.

Quy định chế tài cụ thể với việc vi phạm bản quyền

Báo Tuổi Trẻ đề xuất giảm hoặc miễn thuế các nguồn thu hoạt động báo chí - Ảnh 2.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ báo cáo tại buổi giám sát - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Từ đó, ông Chữ kiến nghị có khung pháp lý cụ thể, rõ ràng hơn về chế tài đối với việc vi phạm bản quyền, cũng như mạnh mẽ triển khai các quy định để tạo sân chơi bình đẳng cho các báo.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cũng đề nghị thành lập một cơ quan chức năng chuyên tiếp nhận các đơn khiếu nại về vi phạm bản quyền của cơ quan báo chí, thay cho Thanh tra bộ và Sở Thông tin - Truyền thông hiện quá tải.

Cùng với đó, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, trong đó buộc những nền tảng xuyên biên giới phải tôn trọng bản quyền và trả tiền bản quyền nội dung cho các cơ quan báo chí trong nước.

Trao đổi thêm việc này, ông Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết hiện cả nước có khoảng 780 cơ quan báo chí, trong khi có gần 2.000 trang thông tin điện tử, tổng hợp và 1.000 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Ngoài ra, còn có các trang tên miền nước ngoài hoặc không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyên cho biết khi có yêu cầu từ báo Tuổi Trẻ, các cơ quan báo chí vi phạm bản quyền thường gỡ ngay thông tin. Tuy nhiên, nhiều trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội lại cố tình vi phạm, không hợp tác. Cơ quan báo chí không đủ khả năng để bảo vệ bản quyền trên mạng xã hội.

Theo ông Nguyên, hiện có hai đơn vị là Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam (thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông) và Trung tâm Bảo vệ bản quyền số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam). Nhưng các đơn vị này chỉ rà soát, cảnh báo vi phạm, chứ không phải là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, tác phẩm.

Do vậy, ông đề xuất thành lập đơn vị trọng tài (hoạt động phi lợi nhuận) có thể đại diện cơ quan báo chí khi bị vi phạm bản quyền. Mặt khác, cần quy định cụ thể quyền tác giả, tác phẩm trong Luật báo chí.

Báo Tuổi Trẻ đề xuất giảm hoặc miễn thuế các nguồn thu hoạt động báo chí - Ảnh 3.

Toàn cảnh buổi giám sát - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giảm hoặc miễn thuế các nguồn thu hoạt động báo chí

Trao đổi về hoạt động kinh doanh báo chí, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Đinh Minh Trung cho hay hiện mức thu thuế đối với nguồn thu từ phát hành, quảng cáo báo chí được ưu đãi giảm xuống 10%. Các nguồn thu từ hoạt động khác (tài chính, cho thuê tòa nhà...) vẫn chịu mức thuế 20%.

Tuy nhiên, theo ông Trung, hiện nay nguồn thu từ phát hành, quảng cáo của các báo đang sụt giảm, trong khi các nguồn thu khác lại tăng nên việc ưu đãi không đem lợi ích nhiều cho cơ quan báo chí.

Mặt khác, nguồn thu thuế từ hoạt động báo chí cũng chiếm tỉ trọng không lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách. Do vậy, ông đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế toàn bộ nguồn thu của hoạt động báo chí xuống 10%, hoặc tốt nhất là miễn toàn bộ thuế.

Cũng theo ông Trung, Luật báo chí hiện quy định trong các nguồn thu của cơ quan báo chí có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí. Nhưng quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập lại quy định nguồn thu phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công.

Việc này khiến cơ quan báo chí lo ngại khi mở rộng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngoài chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, ông đề xuất điều chỉnh quy định này theo hướng cho phép cơ quan báo chí mở rộng các nguồn thu ngoài chức năng, nhiệm vụ.

Trao đổi tại buổi giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ đánh giá cao những thành quả đạt được của đội ngũ báo Tuổi Trẻ. Ông Hạ cho biết sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ kiến nghị của báo Tuổi Trẻ để xem xét, cân nhắc đưa những nội dung phù hợp vào dự án sửa đổi Luật báo chí sắp tới.

Xây dựng tiêu chí quy hoạch báo chí sau năm 2025

Ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đề nghị Quốc hội trực tiếp quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc, trong đó có xây dựng tiêu chí cụ thể cho việc quy hoạch báo chí dài hơn, sau năm 2025. Đồng thời, giám sát việc thực hiện quy hoạch báo chí.

Theo ông Trung, việc quy hoạch báo chí nên đặt mục tiêu điều chỉnh các cơ quan không tự chủ được về tài chính và hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đich. Còn những cơ quan đã tự chủ và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích thì nên để ổn định phát triển.

Về quảng cáo báo chí, ông Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nêu dù hiện nay nghị định 70 có quy định về điều kiện hoạt động của các tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới, nhưng việc thực hiện bất cập.

Ví dụ, báo Tuổi Trẻ muốn đăng thông tin quảng cáo của doanh nghiệp phải xác minh nhiều bước về giấy phép, hoạt động doanh nghiệp, dự án... Còn các nền tảng xuyên biên giới lại không cần kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Mặt khác, bằng những thuật toán riêng, các nền tảng xuyên biên giới đã sử dụng nội dung báo chí hay nhất nhưng không có sự chia sẻ doanh thu công bằng, ảnh hưởng đến doanh thu báo chí trong nước. Ông Toàn đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có sự giám sát vấn đề này.


Năm 2022, nhiều cơ quan báo chí đã tiếp cận công nghệ làm báo hiện đạiNăm 2022, nhiều cơ quan báo chí đã tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại

Năm 2022, nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, từ đó thực hiện chuyển đổi số báo chí, đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau nhằm tăng khả năng tiếp cận cho người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên