23/05/2023 14:00 GMT+7

Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 4: Người làm Cửu vị thần công

Du khách đến tham quan hoàng cung Huế, vừa vượt qua một trong hai cổng cạnh Kỳ đài để vào kinh thành thì bắt gặp ngay những cỗ đại pháo cổ thuộc hàng tuyệt tác.

Bảo vật quốc gia Cửu vị thần công đang trưng bày trước hoàng thành Huế -  Ảnh: THÁI LỘC

Bảo vật quốc gia Cửu vị thần công đang trưng bày trước hoàng thành Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Bộ bảo vật quốc gia được vua phong Thần uy vô địch thượng tướng quân do quan tham tri Phan Tấn Cẩn, nhà ở sau kinh thành Huế, góp phần thiết kế và làm đẹp.

Tui đại diện cho con cháu mong Huế có đường mang tên ngài, có thể là con đường nhỏ ven hói Hàng Tổng, cũng là cách ghi nhận công lao ngài làm nên bảo vật và làm công trình giúp dân lợi nước.

Ông PHAN TẤN HOÀNG (hậu duệ đời thứ 5 của Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn)

Biểu tượng vương quyền

Sau khi giành được vương quyền và lên ngôi vua vào năm 1802, đầu năm 1803, đức Thế tổ Cao hoàng đế (Gia Long) đã cho thu khí giới bằng đồng của nhà Tây Sơn để đúc chín khẩu đại bác này.

Sách Đại Nam thực lục đệ nhất kỷ ghi: "Đúc chín khẩu súng lớn bằng đồng. Lấy bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông - bốn khẩu nay đặt cạnh cửa Thể Nhơn) và năm hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - năm khẩu nay đặt cạnh cửa Quảng Đức - PV) mà đặt tên... Năm Gia Long thứ 15 (1816) đặt tên súng là Thần uy vô địch thượng tướng quân".

"Tuyên ngôn" về hiện vật chính là bài văn theo lối triện thư đắp nổi trên lưng súng có nội dung giống nhau (chỉ khác số thứ tự), tóm tắt cuộc chiến đấu giành lại vương quyền. Theo bản dịch của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế:

"Năm Giáp Ngọ (1774) đông tuần. Năm Mậu Thân (1788) đem quân sang đánh Gia Định. Tháng 5 năm Tân Dậu (1801) lấy lại kinh đô cũ. Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) theo quân ra Bắc, tháng 7 báo tin thắng trận. Năm ấy rút quân, cáo miếu, làm lễ hiến phù.

Giặc trong nước đã dẹp yên. Mùa xuân năm Quý Hợi (1803) vua lệnh nấu đồng các loại thâu được để đúc chín khẩu súng lớn. Đây là khẩu thứ nhất (hai, ba... chín). Tháng chạp công việc hoàn tất, lệnh làm bài minh để ghi. Gia Long năm thứ 3 (1803), tháng 3".

Việc đúc súng và cách định danh kể trên xem ra là sự kiện trọng đại, làm hiện vật đặc biệt, biểu tượng vương quyền của nhà Nguyễn.

Trong tập san B.A.V.H năm 1914, tác giả Henri Le Brits cho rằng: "Để đại diện cụ thể cho tứ thời và ngũ hành được nhân hóa bằng chức tước thống lĩnh quân đội, uy dũng ngang hàng với thần linh, vô địch tướng quân và có tính chất linh thiêng với các tên súng thần công".

Tương tự, sách Đồ đồng thời Nguyễn của Đặng Văn Thắng - Phạm Hữu Công nhận xét: "Ngay từ buổi khởi đầu triều đại, được ưu tiên thực hiện và là vũ khí lớn nhất đúc nên từ những chiến lợi phẩm tịch thu, chín khẩu thần công đã thể hiện ý chí về sự thống trị tuyệt đối của nhà Nguyễn với sự nấu chảy đồ dùng của địch quân đúc thành vũ khí mới của triều đại rồi đặt tên cho súng là bốn mùa... và ngũ hành... Gia Long đã chứng tỏ cả thời gian (bốn mùa) và cả không gian (ngũ hành) đã thuộc về nhà Nguyễn"...

Nơi thờ tự ngài Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn ở làng Đốc Sơ, Phường An Hòa, TP Huế  - Ảnh: THÁI LỘC

Nơi thờ tự ngài Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn ở làng Đốc Sơ, Phường An Hòa, TP Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Văn vật tuyệt tác

Tác giả Henri Le Brits xác định ngày khởi đúc là 31-1-1803 và hoàn thành khoảng cuối tháng 1-1804. Sử liệu nhà Nguyễn cũng ghi rõ trọng lượng của từng khẩu, nặng nhất là khẩu Thu với 18.400 cân ta (hơn 11,1 tấn) và nhẹ nhất là khẩu Mộc với 17.100 cân ta (hơn 10,3 tấn).

Cả chín khẩu có cùng hình dạng, kích cỡ: dài 5,1m, đường kính nòng 43cm, lớn dần về phía thân và phần đuôi hình cầu sau cùng đường kính khoảng 30cm...

Tước hiệu Thần uy vô địch thượng tướng quân, thời gian phong tước, tên mỗi khẩu được đắp nổi ở đai cuối thân và đuôi súng. Ngoài ra, trên trục quay mỗi khẩu còn khắc chìm cách dùng súng... Ở đai nổi gần quai thì khắc chìm tên, chức tước những người tham gia chế tạo súng.

Theo bản dịch của Đặng Văn Thắng - Phạm Hữu Công: "Phụng mệnh làm giám đốc, thần là Nguyễn Văn Khiêm, tước Khiêm Hòa hầu, chức đô thống chế dinh thị trung vệ túc trực quân thần sách. Thần là Hoàng Văn Cẩn, tước Cẩn Thuận hầu, chức khâm sai thuộc nội cai cơ chính quản đồ gia.

Thần là Cái Văn Hiếu, tước Hiếu Thuận hầu, chức khâm sai thuộc nội cai cơ phó quản đồ gia. Phụng mệnh đốc trách việc cẩn khắc văn, thần là Phan Tấn Cẩn, tước Cẩn Tín hầu, chức tham tri Bộ Công kiêm quản lý đồ gia".

Tư liệu này xác định người phụ trách chung việc đúc súng là Nguyễn Văn Khiêm cùng hai phụ tá Hoàng Văn Cẩn và Cái Văn Hiếu. Còn Phan Tấn Cẩn chính là người khắc đắp minh văn và các hoa văn tuyệt tác cho hiện vật.

Như vậy, Phan Tấn Cẩn chính là người tạo nên phần hồn của chín vị thần công này với hệ thống hoa văn tuyệt tác và minh văn đắp, khắc trên thân súng. Dạng "kỷ hà" với lối hoa văn dây "rồng hóa" và đồ án vương miện kiểu phương Tây hài hòa, tuyệt mỹ...

Vị quan lại giỏi

Chúng tôi tìm về quê của ngài Phan Tấn Cẩn ở làng Đốc Sơ ngay sau mặt bắc của kinh thành Huế, nay thuộc phường An Hòa (TP Huế).

Tại nhà thờ nhánh họ Phan Tấn, vừa là nơi thờ tự vừa là nơi ở của hậu duệ Phan Tấn Hoàng, sau khi thắp hương lên bàn thờ ngài, ông Hoàng đưa bản "Gia phả Phan phái, nhánh thứ tư" cho chúng tôi xem.

Trong đó thể hiện ông Phan Tấn Cẩn còn có tên là Hoát, sinh năm 1752 và mất năm 1816. Ông thuộc đời thứ 3 của dòng họ ở đây; ông nội là Phan Tấn Sĩ, tổ khai canh làng Đốc Sơ này.

Gia phả ghi rõ hành trạng và cuộc đời làm quan của Phan Tấn Cẩn. Theo đó, năm 1779 ông cùng hai người em vợ theo thuyền buôn vào Nam phò chúa Nguyễn Phúc Ánh rồi làm quan phụ trách kho, mua sắm quân nhu, phụ trách đúc binh khí cho nhà chúa ở thành Gia Định và lập được nhiều công trạng.

Khi vương triều Nguyễn thành lập, ông tiếp tục làm quan, lên chức hữu tham tri Bộ Công kiêm quản đồ gia và được ban tước hầu. Sử Nguyễn ghi Cẩn Tín hầu khi làm quan từng phạm lỗi lầm bị vua giáng chức.

Gia phả ghi rõ lỗi lầm này trước năm 1812: "Ngài quản đốc quản đúc dinh đúc ngói gạch, ngài có lầm lỗi vì gạch sống, bị vua Gia Long giáng cai bộ trật chánh tam phẩm, nhưng còn kiêm quản đồ gia sự vụ". Tuy nhiên, sử Nguyễn cũng chép về ông "có tiếng là quan lại giỏi".

Ở làng Đốc Sơ, Phan Tấn Cẩn được ghi nhận có công lớn, từng xây dựng nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng và phục vụ dân sinh giúp dân làng. Tài năng và mưu lược của ông còn được truyền kể qua các câu chuyện dân gian trong vùng, đặc biệt là trong dòng tộc.

Ông Phan Tấn Hoàng cho biết cụ tổ chính là người cho đào hói Hàng Tổng để tưới tiêu cho ruộng đồng làng Đốc Sơ và một số làng lân cận.

Nhờ vậy, làng đã trích năm sào ruộng lấy hoa lợi hương khói cho ông, tên của ông được đưa vào văn tế của làng, đến ngày giỗ ông hội đồng làng luôn sắm dâng mâm lễ vật trịnh trọng đến dâng...


"Phan Tấn Cẩn người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, có tiếng là quan lại giỏi, lúc đầu vào Gia Định bổ là câu kê ty Nội sứ ở chính doanh.

Năm Bính Thìn theo chức cũ sung làm ứng hậu ở Hậu điện, rồi thăng làm cai bạ coi việc đồ gia, coi các thợ đúc đồ binh khí, rồi thăng tham trị Bộ Công kiêm lý đồ gia, có tội phải thiên xuống làm cai bạ, vẫn kiêm lý đồ gia.

Năm thứ 12, được khôi phục làm tham tri Bộ Công, vẫn kiêm coi việc đồ gia như cũ. Mùa đông năm thứ 14, vì ốm xin về hưu, được vào chầu hầu, rồi chết, con là Tấn Kế" - sách Đại Nam liệt truyện.

***********

Bảo vật bộ ba thần công Bảo quốc An dân đại tướng quân của Bảo tàng Hà Tĩnh gắn liền với nhiều câu chuyện rất đặc biệt, kể cả chuyện liên quan đến "tác giả" làm nên nó...

Kỳ tới: Tìm người đúc súng Bảo quốc An dân đại tướng quân

Bí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 1: Vị "công công" làm hai bảo vậtBí ẩn người làm bảo vật quốc gia - Kỳ 1: Vị 'công công' làm hai bảo vật

Nhiều bảo vật quốc gia có tuổi đời hàng thế kỷ, tưởng chừng tác giả là những nghệ nhân tài hoa "vô danh" hòa chung vào dòng chảy văn hóa Việt ngàn năm. Nào ngờ, nhiều hiện vật trong số ấy có cả tên tuổi người làm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên