Cán sóng

NGUYỄN THÀNH CÔNG 29/08/2012 22:08 GMT+7

TTCT - Chẳng cần là tài công chuyên nghiệp, những ai từng sống miền sông nước đều quen với những từ như “cán sóng”, “chẻ sóng”.

Chèo thuyền hay chạy xuồng máy trên sông, bình thường thì cứ canh đường thẳng trống trải mà lướt tới. Nhưng khi từ đằng xa có tiếng nổ của ghe lớn, nhất là máy xe - một loại động cơ ôtô được cải tạo để sử dụng cho ghe tàu - thì lại khác. Máy ghe loại này khi chạy phát ra tiếng nổ rất “khủng”, người yếu bóng vía hay mới biết chèo chống trên sông dễ bị khớp, quýnh quáng.

Ghe bạn chạy ngược, nếu to lớn dềnh dàng hơn lại còn chạy tốc độ cao, ắt đổ một luồng sóng lớn ngay mặt. Xuồng nhỏ hơn mà lại khẳm, chỉ một đợt sóng như thế mà không vững tay ắt “lãnh đòn”.

Phóng to
Minh họa: lê thiết cương

Kinh nghiệm đi sông nước lâu đời của bà con đã dạy họ cách “ứng xử” với tình huống khó này. Người chèo bình tĩnh dừng chiếc xuồng nhỏ của mình lại, xoay chèo hướng mũi xuồng chênh chếch đón ngọn sóng đang sừng sững từ xa đến, mũi xuồng nhọn hoắt nhìn thẳng vào ngọn sóng trắng xóa. Đợt sóng sẽ nhẹ nhàng lướt qua chiếc xuồng, sức mạnh dữ dội của nó đập thẳng vào bờ, nước có khi tràn lên. Chiếc xuồng nhỏ bé chỉ dập dềnh chút xíu, không hề hấn gì. Một cái khó lớn đã được hóa giải nhẹ nhàng.

Trước đó khi mới biết chèo, tôi nhìn thấy sóng đổ tới mà lúng túng không thay đổi hướng mũi xuồng, vẫn để chiếc xuồng di chuyển song song với chiếc ghe lớn đang tiến đến. Hậu quả là chiếc xuồng nhỏ bị sóng đập thẳng vào, gần như hất tung lên, nước tràn vào gần chìm xuồng, tôi đứng cầm chèo mà mình mẩy ướt nhem. Kinh nghiệm này thật thấm thía: trước ngọn sóng lớn, hãy bình tĩnh nhìn thẳng vào nó, dùng mũi xuồng để chẻ sóng, khi đó diện tiếp xúc của xuồng với sóng còn lại rất nhỏ. Xử lý được như thế, ta chỉ còn chịu 1% sức mạnh con sóng, 99% còn lại sẽ đập vào bờ.

Chuyện “sóng to xuồng nhỏ” dưới sông nước cũng linh ứng cả ở trên bờ. Sống trong đời, lúc gặp điều thách thức, người chọn cách bỏ chạy và lãnh hậu quả nặng nề, người lại đối diện với khó khăn, bình tĩnh xử lý và vượt qua. Có kẻ hỏng thi, mất bình tĩnh, dại dột làm điều hại thân hoặc sa chân vào rượu chè, cờ bạc đặng quên sầu, không thì cũng đập phá, hằn học cuộc sống. Nhưng cũng nhiều người trẻ nén lại đau khổ, bền chí dùi mài kinh sử, ứng thí kỳ sau, kỳ sau nữa đến khi thành công mới thôi, cũng là cách hướng thẳng vào ngọn sóng lớn thay vì quay lưng để bị sóng dập cho tơi tả.

Cũng như đôi vợ chồng doanh nhân mà tôi biết, trắng tay trên thương trường một lần, nợ nần chồng chất, thay vì bán tháo những gì còn lại để biệt xứ trốn nợ, họ ở lại chấp nhận đối diện khó khăn. Trước cửa công ty ngày nào, họ nhẫn nại ngồi bán từng nhánh bông vạn thọ, layơn cùng vài món tạp hóa lặt vặt, chắt mót trả từng khoản nợ nho nhỏ cho bà con.

Anh không còn cà phê sáng, chị trĩu nặng muộn phiền. Nhưng người đời thấy mà hiểu, mà thương nên quán hàng dần trở nên đắt khách. “Bốn bề tứ phía đều là khó khăn, không có cửa tốt thì hãy chọn cửa khó khăn ít nhất”. Lời anh, với tôi, cũng lại là một điều được đúc rút chẳng khác gì chẻ sóng trên sông.

Xuồng có bị chìm hay không, tương lai học trò thi hỏng có đi xuống hay không, sự phá sản của thương nhân có khiến người ấy bị hủy diệt hay không... nằm ở chữ biết, và cách mà họ chọn lựa là quay mũi thuyền đón sóng, hóa giải ngặt nghèo hay né tránh nó. Sự biết giúp người ta bình tĩnh trước sóng dữ, chẳng những chẻ sóng vượt nguy mà còn có thể cán sóng để lướt tới ung dung, an lành...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận