Chuyện trồng cây

 LẠI NGUYÊN ÂN 11/01/2014 21:01 GMT+7

TTCT - Đang mùa cây khô lá héo, tết trồng cây chưa tới, bàn chuyện trồng cây có hơi sớm. Nhưng thời bây giờ, người ta bứng trồng cây cối quanh năm. Nếu có gì khác thường thì lại là chuyện trồng cây già.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Hồi những năm 1960, cái sự trồng cây thường là với những cây giống non nớt, cao chừng non mét, mỗi gốc cây dù có thêm cả bầu đất thì trẻ em mươi tuổi vẫn có thể bưng một tay, tay kia vác xẻng hay cuốc, cùng nhau đi tới nơi trồng. Hình ảnh ấy nay không ai thấy lại nữa trên thực tế.

Các vườn ươm cây giống ngày nay, do những tính toán “chắc ăn” nào đó, chỉ xuất ra những cây giống cao 2-3m, thậm chí 5-7m, đường kính gốc nhỏ thì 4-5cm, có khi tới 10-15cm. Thợ trồng “chính quy” đào gốc, đóng bầu cẩn thận, đặt lên xe tải có thể chở đi khá xa, tỉnh nọ qua tỉnh kia. Nên dọc đường hiện ra một cảnh quan loại mới: những hàng cây vừa được trồng thường là một dãy liên tiếp những thân cây trụi lấc, với những cành trụi gầy guộc chĩa lên trời!

Chả biết có phải lũ cây giống tại vườn ươm bị để già lỡ lứa, rồi để chậm lứa nọ qua lứa kia, dăm bảy năm, đã mấy kỳ ra hoa đậu trái tại vườn, đến lượt “xuất giá” thì đã gần thành “cổ thụ”, chủ vườn phải tân trang “cô dâu” bằng cắt bớt cành nhánh, có khi cắt bớt cả một phần thân chính...?

Thân phận loại cây giống vườn ươm này cũng từa tựa thân phận các loại cây quý bị săm soi săn đuổi từ những cánh rừng già dạo không lâu, được giới đầu cơ mua về “tập kết” tại những vườn tạm, chờ bán cho những chủ nhân ưa thích. Có khác thì ở chỗ những loại cây quý này bị cưa bớt cành nhánh ở mức ít hơn, vì giá tiền mỗi cây cũng cao hơn.

Năm nọ, một cây đa già, đường kính gốc đến vài mét, ở sát chợ 19-12, còn gọi là chợ âm phủ (Hà Nội), bị bứng đi để lấy chỗ xây siêu thị. Báo giới đưa tin rầm rộ, lo cổ thụ bị biến thành củi khô, may làm sao về sau đa già bỗng được “lên đời” nhờ nơi trồng mới là cái công viên gần cầu Thăng Long!

Ít nổi tiếng hơn nhưng lý lịch cây bồ đề được trồng ở công viên mới của quận Long Biên (Hà Nội) còn oanh liệt hơn. Người ta bảo nó vốn là cổ thụ, đại thụ ở một nơi giáp biên giới với Campuchia ở tỉnh Tây Ninh, vòm lá tỏa bóng cả mẫu đất. Người ta mua rồi thuê thợ bứng lên, chở đi qua hàng ngàn cây số, qua đất cũ Thăng Long, vượt sông Hồng, về ngự trên lô đất cạnh hồ Kim Quan, làm điểm nhấn cho cái công viên đang thành hình của quận mới Long Biên.

Chiều nọ, một ông già cỡ tuổi tôi dẫn đứa cháu đạp xe vòng quanh gốc cây, bảo với cháu: Cây này đưa từ vài nghìn cây số về đây, là cây tiền tỉ, tiền chục tỉ đấy cháu ạ!

Nhưng khổ, cây bồ đề tiền chục tỉ ấy chỉ còn gây được ấn tượng ở cái gốc vĩ đại. Phía trên cái gốc cao chừng 5-6m đó chẳng còn cành nào đáng gọi là cành, chỉ có những nhánh nhỏ cỡ ngón tay, có thể mới mọc ra, trông rất giống những bụi cây ký sinh trên gốc cây chủ.

Ngắm cái gốc khổng lồ, người ta bần thần mà tiếc nhớ một loài cổ thụ bóng tỏa sum sê mà cái gốc này chỉ là di tích. Chẳng biết từ cái gốc này đến bao giờ mới có thể nảy nở một vòm lá vừa đủ che rợp phần gốc, đừng nói chuyện dám ước ao một khoảng xanh trùm rợp khoảnh đất rộng như một quảng trường mà người ta đã bố trí sẵn để đón đợi vòm cây tương lai?

Bây giờ thì nhìn khắp cả nước, thị hiếu “trồng cây già” thành phổ biến trên nhiều con đường mới, tại nhiều khu đô thị mới. Những bằng lăng, long não, sao đen, phượng vàng... có tuổi 9-10 năm đều bị cắt cụt ngọn và cành lá, cái thân cây trơ trụi cao chừng 5-6m, đường kính thân trên dưới 10cm, có khi tới 20cm đứng ngơ ngác giữa phố lạ lẫm.

Không ít cây đã chết, chỉ còn là những chiếc cọc gỗ; những cây sống được nhận diện bằng những chùm lá nhỏ mọc ra rụt rè, chắc chẳng bao giờ tỏa nổi một vòm lá lớn một lần nữa trong đời cây. Đấy là chưa kể cây ở giữa phố mà vẫn lo gió bão quật đổ, bởi cách đánh gốc giữ bầu chỉ đủ để đảm bảo cây sống được, nhưng các rễ chính vươn dài đều đã bị cắt, rễ mới mọc thêm khá muộn.

Người ta muốn sao cho ngay trên những đại lộ mới mở phải có thật sớm, thậm chí có ngay những hàng cây cao vươn mình rủ bóng. Cái ý chí ấy có thể khiến cho trên các đại lộ xuất hiện ngay lập tức những thân cây to cao. Nhưng vòm lá xanh rợp bóng vững bền thì dù gì cũng buộc phải chờ đợi. Trồng cây không phải là chuyện “chí ta ta quyết”, muốn gì có nấy được đâu!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận