3 thế kỷ một đời người

QUỐC VIỆT 18/01/2004 18:01 GMT+7

TTCN - “Đời người như con đường. Khi bé thơ, ta chập chững tập đi. Thời thanh niên, ta chạy. Rồi lại tập đi khi đến hồi thất thập. Nhưng nếu sống qua được tuổi 100 thì ta không tập, không đi, cũng không chạy nữa, mà chỉ ngồi bên đường, mỉm cười ngó người ngược xuôi”. Có một đời người trải dài ba thế kỷ đã chiêm nghiệm ra điều ấy.

Cụ Bi - Ảnh: Quốc Việt

Cội đa già ở góc vườn rụng lá lác đác trên sân vắng. Cánh cửa chỉ khép hờ để nắng chiều rọi xiên xiên lên những câu liễn xưa. Cụ bỏ quyển sách đang đọc dở khi thấy có khách lạ vào nhà. Tôi rụt rè cúi chào. Cụ móm mém: “Bây được chừng tuổi rồi?”. Nghe tôi trả lời tuổi 28, cụ chỉ cười: “Cỡ sắp chít của ta thôi”.

Đời chỉ như ngọn cỏ”

Cụ tên Ngô Văn Bi. Ở đất Gò Công, Tiền Giang hình như ai cũng biết và kính mến cụ. Sinh năm 1896, cụ là nhân chứng hiếm hoi vắt dài qua ba thế kỷ của miền đất lắm thăng trầm này. Răng không còn chiếc nào, cụ phào phào tiếng gió kể cho tôi nghe về cuộc đời mà cụ nói rằng: “Bây thích thì ta kể nghe chơi chứ đời ta có đỗi gì lạ đâu. Nó giản đơn, quê mùa hệt  như ngọn cỏ đã sinh ra trong đất thì phải xanh, hết xanh đến già, rồi tới ngày cũng phải chết để đất cho cây khác nảy mầm…”. 

Bận xưa tía má cụ là người mần ruộng. Cụ ré tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời cũng trên cánh đồng xanh mượt màu lúa. Tía cụ nghèo, không đầy bồ kinh thư trong bụng nhưng rất kính người học chữ. Ngay lúc tóc cụ còn lởm chởm ba vá miếng dừa, tía đã gửi cụ cho ông thầy đồ ở đầu làng. 

Thời giặc giã. Trò đói, thầy rách. Việc rèn chữ, rèn người được đổi bằng mấy giạ lúa cuối năm. Những chiều nắng ráo, thầy trò trải chiếu ngoài sân cùng đọc sách thánh hiền. Ngày mưa dầm, khói phân trâu hun muỗi, ánh lửa lá dừa lập lòe thay bấc dầu để học chữ trong lều tranh.  

Một câu liễn Nho cụ viết

Lên lứa thanh niên cụ lại học thêm tiếng Tây từ mấy cậu nhà giàu đi học Sài Gòn về. Nhưng đây cũng là giai đoạn cụ phải đi mần để phụ tía má. Ruộng nhỏ không vắt hết sức trai, những ngày nông nhàn cụ theo cánh thợ mộc, thợ chạm trổ, vẽ tranh đi làm nhà cho người ta. Dân quê nghèo ít học vừa thương cụ như em út vừa quý cụ như ông thầy. Họ tận tâm truyền nghề cho cụ. 

Lúc rảnh rỗi cụ lại dạy chữ cho họ. Ấy thế mà cụ nên nghề. Cái khiếu của cụ không chỉ làm cho tía má, cánh thợ xóm làng ngạc nhiên mà nhiều địa chủ, phủ quan, chùa chiền ở xa nghe đồn cũng đến tận nơi mời về làm cho mình. Cụ đi xa suốt, lúc thì ở Sài Gòn, khi thì miệt Cần Thơ, Bạc Liêu, thậm chí cả Nam Vang. 

Cụ vẽ tranh thủy mặc, khắc câu liễn Nho, nhưng “ngón ruột” của cụ là tạc tượng. Những pho tượng không đa dạng, cầu kỳ như bây giờ mà chỉ là Phật bà, ông Tiên, con công, con hổ … đặt ở gian thờ cúng hay trước sân nhà, ngoài mồ mả tổ tiên. 

“Đám bạn bận xưa cũng hay hỏi ta mần sao mà nhiều người mê tài nghệ vậy. Ta nói thiệt bụng có gì đâu. Ta chỉ ráng quậy quọ vẽ bụi tre ra bụi tre, con gà ra con gà thôi…”. Nhưng thời ấy nước khổ, dân nghèo, tay nghề của cụ cũng chả tung tác được bao nhiêu. Về sau, cụ còn học thêm nghề lái xe từ ông Ba Nghệ ở Sài Gòn để được rong ruổi khắp nơi. 

“Chữ nghĩa giúp ta biết kiềm chế, giữ mình. Còn ông Ba Nghệ lại giúp ta biết cuộc sống thực với cả người hiền lẫn người lưu manh. Nếu không có ổng, có lẽ ta không thể sống nổi đến ngày hôm nay”.

Những món đồ nghệ thuật do chính tay cụ làm

Cuộc đời lang thang giúp cụ thấy và nghe được bao nỗi niềm của thiên hạ. Những mảnh đời nghèo đói, khổ đau lay lắt khắp xóm làng thành thị lúc bấy giờ khiến cụ nhiều đêm mất ngủ. Số phận và hoàn cảnh riêng không đưa đẩy cụ vào con đường như một số chí sĩ có hoài bão lớn cùng thời. Nhưng nó cũng thôi thúc cụ rẽ thêm vào một nghề như hầu hết các bậc nho sĩ xưa hay làm là học thuốc cứu người. 

Cụ học làm thuốc bắc, thuốc nam. Cụ biết chữa nhiều bệnh, và cụ rành nhất là các bài thuốc chữa ung nhọt, khối u. Hầu hết những người tìm đến cụ đã lành bệnh, mặc dù cụ chỉ nhận mình là người học lóm, “bà con qua được là nhờ may thầy may thuốc mà thôi”.

Tiếng đồn xa. Người bệnh quê mùa tứ xứ đến cầu cứu cụ... Nghề thuốc tay trái gặp cơ duyên trở thành tay phải. Mặc dù 10 người cụ chữa thì đến 7-8 người được miễn phí hoàn toàn. Bây giờ mắt cụ mờ, tay chân cụ run rẩy lắm rồi mà vẫn còn nhiều người tìm đến.

Về già, cụ sống bình lặng tại căn nhà của tía má để lại ở thị xã Gò Công. Nhà ba gian, mái ngói, rộng khoảng 60m2, đầy những bảng chữ Nho, tranh, tượng, lọ bình cũ kỹ. Muốn vào nhà cụ phải đi qua một con đường rợp tán dừa giữa đồng lúa xanh. Ngoài làm thuốc, cụ có hai thú vui điền viên là chăm sóc vườn cây kiểng và kể chuyện xưa cho mọi người nghe. 

Đó là những câu chuyện về Tần Thủy Hoàng bạo chúa, Nguyễn Huệ anh hùng, Napoleon chinh phạt châu Âu... Những câu chuyện thường được mở đầu  và kết thúc bằng hai câu thơ: “Làm vua chẳng biết thương dân. Phải mang nặng tiếng, dầm xương ngoài đồng”…

Di chúc cuối cùng

“Vậy là bây cũng lại hỏi ta cái câu mà bao nhiêu người xưa nay đã từng hỏi ta…”. Cụ phào phào trả lời câu hỏi “sống thọ quá bách niên như vậy, thiệt lòng cụ có sợ chết không?”. Cụ kể rằng cụ lấy vợ năm 30 tuổi và ngay cuối năm ấy cụ đã đóng cho vợ chồng hai cái quan tài để ở chái nhà sau. Không phải cụ sợ chết ngay lúc ấy mà chỉ vì nhà có gỗ sẵn, khỏi để con cháu tốn kém. “Một cái thì bà lão nhà ta đã mang đi cách đây 22 năm. Còn một cái vẫn đang chờ ta …”.

Cụ bảo thường ở đời, khi đến tuổi 60-70 người ta hay sợ chết! Lên tuổi 80-90, người ta lại canh cánh chờ đợi cái chết đến. Nhưng nếu qua được tuổi 100, chẳng mấy ai còn nặng lòng cả sự sống và cái chết. “Nó đến ngay cũng được. Mà nó chưa thèm đến cũng được. Chả sao cả!”.

Ở tuổi 108, cụ vẫn chăm sóc cây kiểng mỗi ngày...

Cụ kể những năm gần đến tuổi 100 cụ cũng có cảm giác cô đơn, nhưng sau đó nó lại nhẹ nhàng qua đi tự nhiên. Cụ có hai con gái, một người 84 tuổi, một người 82 tuổi, chắt, chít đầy nhà. Đời cụ nhìn lại lúc nhỏ thì cố học, lúc trẻ thì cố làm, về già lại muốn có một cái gì đó để lại. “Nhưng rồi cuối cùng ta cũng chả để lại được cái gì đâu!”.

Lần đầu, trong di chúc của mình cụ để lại cho cháu con tài sản dành dụm cả đời. Lần hai, khi tuổi đã quá già, cụ để lại những lẽ sống ở đời: cách đối xử với vợ con, anh em, hàng xóm, với quê hương, sông núi. “Tài sản của ta có là cái gì với sắp nhỏ bây giờ. Chúng có nhà gạch, xe máy, truyền hình, tủ lớn, tủ nhỏ… Vậy là ta nghĩ mình chỉ còn kinh nghiệm sống để lại cho chúng. Hi vọng mai này chúng hành xử cho đúng với đạo đời !”. 

Cụ kể tích xưa, chuyện nay. Cụ viết thành sách, khắc liễn, làm câu đối “tình phu thê”, “nghĩa huynh đệ”, “ơn sinh thành” … treo ngay cửa ra vào như  những bức gương cho con cháu soi mình! 

“Những năm gần đây ta như người ngồi bên đường, nhìn ngắm thiên hạ ngược xuôi, tự dưng cứ trăn trở mãi một điều”. Cuối cùng cụ gạt tất cả, chỉ để lại duy nhất một chữ “THƯƠNG” trong di chúc cuối cùng. Cái chữ mà cụ đã sống với nó qua ba thế kỷ mới “ngộ” ra. Người ta chỉ cần có một chữ “thương” trong lòng là đã đủ để đứng thẳng mà làm người...

“Mấy ông bác sĩ cứ đến hỏi ta có bí quyết gì mà  sống thọ dữ vậy? Rồi họ săm soi mãi cái chuyện ta  ăn gì, uống gì, ngủ nghỉ ra sao. Ta nói rằng ta cũng như mọi người bình thường thôi. Đói thì ăn, khát thì uống. Phận người dài bao nhiêu mà thèm khát nhiều hay kiêng cữ làm chi cho mắc khổ. Chỉ có điều ta chọn chữ thương, không hay ghét giận nên lòng ta nhẹ, ít nặng bệnh như người đời”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận