60 năm hiến máu và 2,4 triệu mạng sống trẻ em

LOAN PHƯƠNG 17/05/2018 19:05 GMT+7

Harrison đã hiến máu trong hơn 60 năm. Huyết tương của ông đã được sử dụng để tạo ra hàng triệu liều Anti-D, theo Hội Chữ thập đỏ Úc. Vì khoảng 17% các phụ nữ mang thai ở Úc cần được tiêm Anti-D, cơ quan phụ trách hiến máu của hội ước tính Harrison đã góp phần cứu chữa cho 2,4 triệu em nhỏ.

Ông James Harrison đã 1.173 lần hiến máu cứu hàng triệu em nhỏ. Ảnh: Hội chữ thập đỏ Úc
Ông James Harrison đã 1.173 lần hiến máu cứu hàng triệu em nhỏ. Ảnh: Hội chữ thập đỏ Úc

 

Năm 1951, một chú bé người Úc 14 tuổi tên là James Harrison tỉnh lại sau một cuộc phẫu thuật ngực lớn. Các bác sĩ đã cắt bỏ một lá phổi của cậu trong cuộc phẫu thuật kéo dài nhiều giờ và cậu phải nằm viện ba tháng trời.

Nhưng Harrison đã sống sót, chủ yếu nhờ vào lượng máu cực lớn mà cậu đã được truyền cho không nghỉ, cha cậu giải thích. “Ông ấy nói tôi đã nhận được 13 đơn vị máu (tương đương 3,25 lít) và được những người tôi không hề quen biết cứu sống” - Harrison kể với CNN nhiều năm sau này. Lúc bấy giờ, luật Úc quy định những người hiến máu phải đủ 18 tuổi. Phải 4 năm sau đó mới đủ tuổi, nhưng Harrison đã thề sẽ làm điều đó ngay khi luật pháp cho phép. Sau khi đủ 18 tuổi, Harrison đã giữ lời, hiến máu thường xuyên cho Hội Chữ thập đỏ Úc. Cậu không thích kim tiêm, nên thường hướng ánh mắt đi chỗ khác khi hiến máu.

Bệnh tán huyết trẻ sơ sinh

Cùng lúc đó, các bác sĩ ở Úc đau đầu tìm hiểu lý do khiến hàng nghìn thai phụ ở nước này bị sẩy thai, lưu thai hay các khuyết tật ở não bộ thai nhi. “Ở Úc, tới khoảng năm 1967 đã có hàng nghìn trẻ nhỏ thiệt mạng mỗi năm, các bác sĩ không biết tại sao, và điều đó thật tồi tệ - Jemma Falkenmire thuộc Hội Chữ thập đỏ Úc, nói với CNN - Phụ nữ bị sẩy thai rất nhiều, và các em nhỏ sinh ra bị khuyết tật về não”.

Hóa ra các em nhỏ mắc phải bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh (HDN). Bệnh này thường xuất hiện nhất khi một phụ nữ nhóm máu Rh-âm mang thai một bé có máu Rh-dương, và sự không tương thích khiến cơ thể người mẹ tìm cách thải loại những tế bào hồng cầu của bào thai. Tuy nhiên, các bác sĩ thấy rằng có thể ngăn ngừa HDN bằng cách tiêm cho thai phụ một loại huyết tương với kháng thể hiếm.

Những nhà nghiên cứu lùng khắp các ngân hàng máu để tìm loại máu chứa kháng thể đó và tìm được một người hiến máu ở New South Wales: James Harrison. Lúc bấy giờ, Harrison đã là một người hiến máu quen mặt của Hội Chữ thập đỏ Úc trong hơn một thập niên. Ông nói ông chẳng có gì phải suy nghĩ khi được các nhà khoa học liên lạc và hỏi xem ông có muốn tham gia Chương trình Anti-D của họ không. “Họ muốn tôi làm chuột bạch, và tôi đã đi hiến máu cho họ kể từ đó” - Harrison nói với Sydney Morning Herald.

Ông James Harrison trong lần hiến máu cuối cùng. -Ảnh: 9news.com.au
Ông James Harrison trong lần hiến máu cuối cùng. -Ảnh: 9news.com.au

 

Hàng triệu trẻ em được cứu

Không lâu sau đó, các nhà nghiên cứu đã phát triển được loại thuốc phòng ngừa Anti-D, sử dụng huyết tương từ máu hiến tặng của Harrison. Liều thuốc đầu tiên được bơm cho một thai phụ ở Bệnh viện Hoàng gia Công tước Alfred vào năm 1967, theo lời Robyn Barlow, người điều phối chương trình đã tìm ra Harrison. Harrison đã tiếp tục hiến máu trong hơn 60 năm kể từ đó, và huyết tương của ông đã được sử dụng để tạo ra hàng triệu liều Anti-D, theo Hội Chữ thập đỏ Úc. Vì khoảng 17% các phụ nữ mang thai ở Úc cần được tiêm Anti-D, cơ quan phụ trách hiến máu của hội ước tính Harrison đã góp phần cứu chữa cho 2,4 triệu em nhỏ trên cả nước. “Mỗi ống thuốc tiêm Anti-D đã được sản xuất ra ở Úc đều có một phần của James trong đó - Barlow nói với Sydney Morning Herald - Ông ấy đã cứu hàng triệu em nhỏ. Tôi đã khóc khi nghĩ về chuyện đó”.

Tới tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn còn chưa chắc tại sao cơ thể Harrison lại sản sinh ra loại kháng thể hiếm đó một cách tự nhiên, nhưng họ nghĩ rằng điều đó hẳn phải có liên quan tới lần truyền máu của ông khi ông còn nhỏ. Về phần Harrison, qua năm tháng, ông đã học được cách bỏ qua những lời khen thái quá mỗi khi ông tới trung tâm hiến máu từ nhà ông tại Umina Beach, bên bờ biển miền trung New South Wales. Ông khẳng định “chưa bao giờ nghĩ tới việc ngừng lại”, theo một bài báo trên Daily Mail năm 2010.

“Có lẽ đó là tài năng duy nhất của tôi” - Harrison hóm hỉnh với CNN, kênh truyền hình đã theo bước ông khi ông thực hiện lần hiến máu thứ 1.101 vào năm 2015. Mọi người ở nơi hiến máu đều biết ông, và ông chưa bao giờ nghĩ mình làm chuyện gì kỳ vĩ hay thậm chí là can đảm. Tuy nhiên, rất nhiều người khác không nghĩ vậy. Ông đã được đặt biệt danh “Người đàn ông với cánh tay vàng” và nhận đủ loại huân huy chương, từ Huân chương toàn Úc 1999 tới việc lên trang bìa cuốn Trang vàng địa phương năm 2013, hay vào Sách kỷ lục thế giới Guinness 2003.

Trong những cuộc phỏng vấn, Harrison nói điều khiến ông hài lòng nhất là những em bé mà ông đã giúp cứu sống - bao gồm cả các cháu ruột của ông. “Nói tôi tự hào bởi James (cha tôi) là chưa nói hết” - con gái Harrison, Tracey Mellowship, viết trên Facebook hồi tháng 4-2018. Chính cô đã phải tiêm Anti-D vào năm 1992 sau khi sinh con đầu lòng. “Nhờ cha, tôi đã sinh một cậu bé khỏe mạnh vào năm 1995”.

Hôm 11-5, Harrison đã có chuyến đi cuối cùng của ông tới trung tâm hiến máu. Giờ 81 tuổi, ông đã quá tuổi được phép hiến máu theo luật Úc và Hội Chữ thập đỏ đã quyết định đến lúc ông phải ngưng lại vì sức khỏe của chính ông, theo Sydney Morning Herald. Nhưng lần hiến máu cuối cùng trở thành một sự kiện dễ thương. Bốn bong bóng màu bạc hình các con số 1, 1, 7 và 3, chỉ 1.173 lần hiến máu trong cả đời ông, được treo trước trung tâm, và các bác sĩ cùng y tá đã chào đón ông bằng tràng pháo tay vang dội và những cái ôm thắm thiết.

“Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ thấy được một người như ông ấy - Barlow nói với Sydney Morning Herald - Ông ấy đã khỏe mạnh và mạch máu đủ mạnh mẽ để hiến máu hết lần này đến lần khác. Một trường hợp cực, cực hiếm có”. Nhưng Harrison không nghĩ thế. “Tôi hi vọng đó là một kỷ lục có người sẽ vượt qua” - ông nói về con số 1.173 của mình.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận