9x - Những đứa con thành thị

RIO LAM 24/11/2013 02:11 GMT+7

TTCT - LTS: Rio Lam, tác giả bài viết dưới đây, tên thật Lâm Vị Quân, sinh trưởng tại TP Đà Nẵng, hiện là sinh viên ngành truyền thông tại Mỹ.

Dõi theo Facebook Rio Lam và được sự đồng ý của tác giả, TTCT giới thiệu các bài viết của Quân để cung cấp thêm một góc nhìn của bạn trẻ 9x về sự trưởng thành. Và chúng tôi chờ đón câu chuyện của các bạn.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Tôi nghĩ gì về sự trưởng thành

Ngày 24 tháng 5 năm 2012

“Trưởng thành là ngày bạn trở về nhà lành lặn, không “rách rời chắp vá”, ngồi xuống uống hớp nước, ăn miếng bánh cùng ba mẹ và kể lại những gì mình đã thấy - những điều có thể ba mẹ chưa thấy nhưng nhờ công dưỡng dục của đấng sinh thành mấy chục năm trời, bạn mới có cơ may chứng kiến”

RIO LAM

Tôi thuộc lứa đầu tiên của thế hệ mà người ta gọi là 9x. Có một thời gian tôi đã chán ngán tự hỏi vì sao mình lại thuộc về thế hệ này?

Tôi nghe nhạc tiền chiến, đọc tiểu thuyết kinh điển, viết văn đúng chính tả và thích đọc thơ. Hẳn có một điều gì đó sai, rất sai, hoặc với tôi, hoặc với cả một tập hợp những kẻ sinh vào những năm 1990. Lúc đó nhìn ra xung quanh tôi không nghĩ 9x sẽ làm được gì, ngoài một hệ thống ngôn ngữ cải biên quái gở tật nguyền và những trò quá lố - vốn cũng do 8x “nhập khẩu” vào.

Thỉnh thoảng tôi cũng đọc những tin tức kiểu 9x phát minh bóng đèn biết phát sáng khi được bật công tắc, doanh nhân 9x, 9x đạt học bổng trường danh tiếng… Nhưng bỏ qua một bên những thành tích cá nhân nhất thời và phù phiếm đó, thế hệ của chúng tôi sẽ để lại gì ngoài một lớp tro bụi, gió thổi sẽ bay?

Từ những năm tuổi thơ khi đất nước bắt đầu có của ăn của để, những đứa con thành thị đã không còn chỗ để chơi với thiên nhiên. Chúng tôi không có những khoảng đất, những bờ ao hay ruộng lúa. Và chân thành mà nói, làm sao yêu thương một điều mà bạn không hề có? Tuổi thơ với đồng ruộng, cánh diều của các cô chú anh chị đi vào sách giáo khoa, vào tranh vẽ bằng những lời ca ngợi, rồi sau đó họ bắt 9x học thuộc lòng. Còn tuổi thơ điện tử truyện tranh của chúng tôi trôi dạt trên Facebook, trong những tấm hình “Ấu thơ trong tôi là…”.

Tôi luôn tự hỏi có cần thiết phải chơi với dế trên cánh đồng để được công nhận là trẻ em đích thực hay không? Chẳng phải Doraemon đã thắp lên những giấc mơ thần tiên trong chúng tôi không kém một ông Bụt nào, và cuốn băng 5 anh em siêu nhân hay Mario đi cứu công chúa cũng có gì thua kém một chàng dũng sĩ diệt rồng trong cổ tích đâu? Chúng tôi không cần bám lấy những gì xưa cũ để có một tuổi thơ được cấp giấy chứng nhận thơ mộng.

Chúng tôi lớn lên, và hãy nhìn xem chúng tôi đã đem lại cho chúng tôi điều gì: 8x sex trước hôn nhân và chúng tôi công khai điều đó; 8x chơi thuốc và chúng tôi là người đã đưa chủ đề này lên mặt báo thường xuyên; 8x lộ hàng và chúng tôi biến nó thành chuyện bình thường. 9x đã làm mọi thứ tệ hơn, hay đúng ra là chúng tôi đã phơi bày mọi thứ như nó vốn là? Bộ mặt hào nhoáng bóng lộn của món hàng “văn minh” đã được chúng tôi hồn nhiên phơi ra, dù cố ý hay vô tình, bằng tất cả tự trọng và liêm sỉ.

9x có lạc lối? Tôi còn nhớ những năm mình học cấp II, quan hệ trước hôn nhân là một điều gì đó rất ghê tởm, những thằng con trai làm điều đó là những thằng khốn nạn, và con gái - nếu không ngu thì cũng là đĩ điếm tạm thời. Lên cấp III, một buổi chiều bình yên, tôi đang online thì bà chị chạy vào hỏi: “Em nghĩ gì về con gái quan hệ trước hôn nhân?”. Tôi thắc mắc chị hỏi làm gì, chị trả lời: “Để làm khảo sát”. Nhưng tôi vẫn đoán được lý do thật sự.

Những ngày sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ. Người yêu của chị chắc chắn không phải một thằng khốn nạn, anh rất tốt và chị thì tuyệt đối không phải “hàng”. Lại có một điều gì đó rất sai ở đây, một bánh răng trong hệ nhận thức của tôi bị lệch. Chúng tôi phải định nghĩa lại những gì đã được nhồi nhét, vỡ mộng nhận ra sự trơ tráo giả dối. Chỉ có phủ nhận mà không biết cách khẳng định, chúng tôi phải tự tìm đường cho mình, đi lạc là chuyện tất nhiên.

Người ta bảo chúng tôi sướng vì gia đình đầy đủ, đất nước (có vẻ) thái bình. Quá sướng nên những nỗi đau của chúng tôi chưa bao giờ được ghi nhận. Giống như việc cả tuần bạn chỉ ăn đúng một món bánh hamburger thì bạn cũng không được than đói khổ vậy. Vì bạn đã ăn hamburger, là đồ Mỹ, là hàng McDonald, là tập hợp những thứ phù phiếm và rẻ tiền nhưng dựa vào đó người ta khẳng định là bạn no và không có tư cách than đói, vì đói là phải ăn khoai ăn sắn.

Tôi có cô bạn đói đến mức ngất xỉu trong nhà vệ sinh, lúc tỉnh dậy cũng chỉ đơn giản là bắt xe buýt về nhà một mình như chưa có gì xảy ra. Tôi có một người em tóc nhuộm nâu mặc váy voan, nửa đêm không có tiền nhà bị chủ đuổi, phải ngủ vạ vật ở bãi giữ xe WalMart.

Nhưng chúng tôi không có tư cách than vãn, đói đến xỉu nhưng trong ví vẫn có thẻ ngân hàng, ngủ ở WalMart là ngủ trong chiếc xe cũ nát, có thể bị bất kỳ gã nào đập vỡ cửa. 9x thành thị là như vậy đấy. Chúng tôi thiếu một khung cảnh lạc hậu cần đổi mới, một background nghèo khổ cùng cực, hay một cuộc chiến, một điều gì đó vĩ đại để nỗi đau của chúng tôi được công nhận hợp pháp.

Nói về bản sắc Việt, tôi thuộc về một thế hệ với phần đông những con người kêu gọi phản đối SOPA/PIPA (*) bằng tiếng Việt, kêu gọi Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam cũng bằng tiếng Việt, cho người Việt nghe, người Việt đọc, click một cái là ủng hộ cho ABC XYZ 5 xu, viết một comment dài lê thê một trăm lẻ hai chữ là bảo vệ chính kiến; một thế hệ tự tin và hoang mang, yên tâm và sợ hãi…

Nhưng tôi không buồn đâu bạn à. Chụp ảnh hở ngực hay quay clip sex, nhảy nhót điên cuồng trên bar hay ngồi cà phê nghe nhạc Trịnh, đợi Diablo III hay đi nhặt rác ngoài biển, chúng tôi - 9x - đều đang sống và cho người ta biết là chúng tôi sẽ sống…

Một lần cúi đầu

Ngày 5 tháng 10 năm 2013

Có một ngày rất bình thường, tôi nói chuyện với mẹ qua Internet và bỗng dưng nhận ra những định nghĩa trong đầu mình về 9x, 8x hay các thế hệ đi trước đều thật nông cạn.

Ngày hôm ấy tôi và mẹ chỉ nói những chuyện cỏn con không đâu vào đâu, chuyện nhà cửa bếp núc, chuyện người này người kia, giá xăng lên giá đô xuống, nhưng khi tắt màn hình chat đi tôi cứ vậy mà nghĩ hoài.

9x - tạm gọi như thế - là những con người đang ở độ tuổi vào đời. Có một lúc nào đó chúng tôi đã nghĩ không ai hiểu mình và khoảng cách giữa chúng tôi và các thế hệ đi trước lớn hơn rất nhiều so với khoảng cách giữa 8x và 7x, 7x và 6x. Nhưng hôm ấy tôi nhận ra mình sai.

Mỗi thế hệ có một hoàn cảnh riêng dẫn đến những đặc điểm riêng, nhưng tựu trung đều có những vấn đề cơ bản: tình yêu, tình bạn, học tập, làm việc, cơm áo gạo tiền, đam mê và khát vọng. Mỗi con người của từng thế hệ đều đi tìm những gì mình cần, tạo ra kết nối với người khác và cố gắng cân bằng giữa những mâu thuẫn của cuộc sống.

Thế hệ đi trước có một điều mà 9x chưa có: kinh nghiệm. 9x có một điều mà những người lớn đã để lại sau lưng: tuổi trẻ. Nhưng là một 9x, tôi cho rằng nhận thức về cái mình chưa có dĩ nhiên phải kém hơn nhận thức về cái mình từng có. Mình không thể hiểu rõ giá trị của kinh nghiệm bằng người lớn hiểu tính chất của tuổi trẻ.

Nói vậy không phải khuyến khích các bạn trẻ răm rắp nghe theo lời cha mẹ, đặt đâu ngồi đấy mà đánh mất đi bản thân mình. Nói vậy là để chia sẻ cùng các bạn suy nghĩ của tôi, rằng khi người lớn khuyên răn hay thậm chí cấm cản mình điều gì, dẫu mình không muốn nghe theo, cũng nên nhớ rằng trong lời dạy ấy có những điều mình chưa biết.

Dẫu không nghe cũng nên trân trọng, ghi chép vào cuốn sổ tinh thần của mình. Sau này khi “mở ra đọc lại” biết đâu nhận ra những điều mà ngày xưa trẻ quá mình chưa thấu được.

Bốn năm trời xa nhà giúp tôi học được một điều nhỏ như sau: lòng tin của ba mẹ là điều phải góp nhặt, phải tìm kiếm qua từng ngày chứ không tự nhiên mà có. Ngày xưa tôi được một tòa soạn báo mời ra Hà Nội nhận giải, tiền vé máy bay, khách sạn, ăn uống đều được chi trả; vậy mà ba mẹ vẫn không yên tâm cho đi. Các anh chị trong ban biên tập phải gọi điện đảm bảo đủ thứ thì ba mẹ mới miễn cưỡng cho phép.

Bây giờ tôi lái xe xuyên bang đi chơi với bạn bè, ba mẹ còn bảo chụp ảnh gửi về cho xem. Lòng tin của ba mẹ khi chưa có thì mình dễ nhầm tưởng đó là “khoảng cách thế hệ” và không thể xóa bỏ. Nói như vậy thì “oan” cho ba mẹ mất. Tình yêu trai gái phải bồi đắp dần dần, tình bạn phải có năm tháng, vậy sao lại “bắt” ba mẹ vô cớ tin mình khi mình chưa chứng tỏ được gì?!

Gần đây mọi người có xôn xao về chuyện Huyền Chip đi du lịch bụi. Khoan bàn đến việc quyển sách ấy đúng hay sai, sự thật nằm ở câu nào chữ nào mà hãy nghĩ đến hai chữ “trưởng thành”. Tôi nghĩ sau này mình sẽ dạy em và con của mình khác đi một chút.

“Trưởng thành” không chỉ là đi xa, khám phá thế giới, ném mình vào những cuộc phiêu lưu. Trưởng thành là ngày bạn trở về nhà lành lặn, không “rách rời chắp vá”, ngồi xuống uống hớp nước, ăn miếng bánh cùng ba mẹ và kể lại những gì mình đã thấy - những điều có thể ba mẹ chưa thấy nhưng nhờ công dưỡng dục của đấng sinh thành mấy chục năm trời, bạn mới có cơ may chứng kiến.

Có lẽ tôi hơi truyền thống và bảo thủ, nhưng đối với tôi, sự trưởng thành của mình nằm ở trong mắt ba mẹ. Còn khoảng cách thế hệ, ngày mà bạn thật sự trưởng thành, nó không còn là một rào cản hay thiếu sót của bên nào; nó sẽ trở thành một minh chứng cho thấy xã hội vận động.

(*): Các dự luật SOPA (Stop Online Piracy Act - Đình chỉ hoạt động vi phạm bản quyền trực tuyến) và PIPA (Preventing Real Online Threats to Economic Creativity and Theft of Intellectual Property Act of 2011 - Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) được bàn thảo tại Quốc hội Hoa Kỳ năm 2011 và 2012, đề xướng các biện pháp hạn chế truy cập Internet nhân danh mục đích bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại các dự luật này, nếu được thông qua, có thể sẽ đe dọa sự tồn tại của thế giới mạng, các trang như YouTube, Wikipedia...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận