Áp lực công nghệ từ thế hệ tiêu dùng mới

TRƯỜNG SƠN 09/03/2019 00:03 GMT+7

TTCT- Với lợi thế lớn lên cùng công nghệ và Internet, có thể tự tin nói rằng thế hệ thiên niên kỷ (millennial) sẽ muốn mọi hoạt động trong cuộc đời mình gắn liền với công nghệ.

minh họa
 

 Một thăm dò thậm chí còn chỉ ra rằng thế hệ này sẽ “giết chết” ngành đồ hộp bởi việc khui một lon cá mòi với họ là quá mất thời gian. Nhiều người còn không có sẵn đồ khui thức ăn đóng hộp trong nhà.

Những người thuộc thế hệ millennial phần lớn trải qua tuổi trẻ, và có thể là suốt cả giai đoạn trưởng thành, với việc kết nối gần như 24/24 giờ với thế giới Internet. Đây là lợi thế lớn khi họ chứng kiến giai đoạn giao thời khi nhân loại bước vào kỷ nguyên số. Người trẻ sẽ là trung tâm của kỷ nguyên số, khi họ nghĩ bằng công nghệ và nhờ công nghệ mới.

Thế hệ millennial chuộng hình thức làm việc qua mạng, mọi lúc mọi nơi, ít giao tiếp trong đời thực. Giao tiếp thường thấy ở họ sẽ là nói chuyện với trợ lý ảo, ra lệnh cho smartphone hay smartwatch. Họ sẽ dùng app để làm mọi thứ, sẽ “Grab” (gọi qua mạng) tất cả những gì mình cần - đồ ăn, thức uống, phương tiện đi lại.

Câu chuyện có hay không một thế hệ các công nghệ, dịch vụ, ngành nghề mất đi và được thay thế bằng những thứ “do millennial và vì millennial” thường được xem xét dưới góc độ: mọi thứ phải thay đổi như thế nào để phục vụ chủ nhân của thế hệ đương thời, khi người thuộc thế hệ millennial trẻ nhất năm nay cũng đã 22 tuổi, tức đã bước qua tuổi trưởng thành được những 4 năm.

Lớn lên cùng công nghệ

Trong tiếng Anh có từ digital native để chỉ một người “sinh ra hoặc lớn lên trong thời kỳ công nghệ số phổ biến, và vì thế quen thuộc với máy tính và Internet ngày từ tuổi nhỏ”. Digital native không dùng để chỉ một thế hệ, nhưng những người millennial (và thế hệ sau này, Generation Z), hẳn nhiên chính là những digital native thực thụ.

Thế hệ millennial lớn lên trong thời thông tin vô tận, họ không cần đến thư viện mới có thể tra cứu được thông tin để hoàn thành bài tập hay nghiên cứu. Họ sống trong công nghệ, gắn bó với mạng xã hội, nơi mỗi cá nhân xây dựng hình ảnh của mình và kết nối với bất kỳ ai, bất kỳ đâu.

“Những người trẻ sành công nghệ sẽ là nhân tố chính trong kỷ nguyên mới thuộc về thế hệ millennial, vốn lớn lên cùng công nghệ” - kinh tế gia hiện đang là giáo sư Đại học George Mason, nhận định.

Vì thế mà không nghi ngờ gì khi nói millennial đang làm chủ các nền tảng phổ biến nhất trong kỷ nguyên số - Internet, công nghệ di động, mạng xã hội - ở tầm mức mà các thế hệ trước đó không thể nào bắt kịp, theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ).

Nghiên cứu công bố cuối năm 2018 của Pew cho thấy số millennial có dùng Facebook nhiều gấp đôi số người dùng thuộc thế hệ Baby Boomer (sinh từ 1946 đến 1964), tức cha mẹ họ. Đứng nhì về lượng người dùng Facebook là anh chị của millennial, tức những người thuộc thế hệ X (sinh trong giai đoạn 1965-1980).

Một thăm dò từ năm 2014 cũng của Pew cho thấy gần 50% số người thuộc thế hệ millennial được hỏi cho biết không thể sống vài ngày mà không có smartphone. Số người cho rằng không thể thiếu smartphone trong vài giờ hoặc quá lắm là một ngày chiếm 30%.

Sự gia tăng của các app giao đồ ăn đã góp phần khiến số nhà hàng đóng cửa tăng theo. (Ảnh: Pinterest)

 

Thay đổi hay là... chết?

Vì thế hệ millennial gắn với Internet, di động và mạng xã hội nên các dịch vụ phải thay đổi để chiều chuộng thế hệ người dùng mới này.

Có thể tìm thấy ví dụ tại Anh. Tờ Telegraph hồi tháng 11-2018 dẫn một nghiên cứu cho biết số lượng nhà hàng ở Anh đóng cửa đã tăng 1/3, và “thủ phạm” chính là thế hệ millennial. Các thực khách millennial ngày nay chỉ thích đến những nơi trang trí đẹp để còn “lấy le” với người theo dõi và bạn bè trên Instagram bằng những tấm ảnh “check-in” ở nơi ăn uống. Các cơ sở không bắt kịp xu hướng này, cũng như không có trang Facebook hay Instagram để tương tác với người tiêu dùng, chắc chắn sẽ mất một lượng khách hàng lớn.

The Telegraph cũng dẫn thăm dò của YouGov cho thấy gần 1/3 người Anh đã đi ăn nhà hàng ít thường xuyên hơn năm 2017. Chuyện chắt chiu chi tiêu có thể là một nguyên nhân, nhưng còn lý do khác là sự phổ biến của các ứng dụng đặt thức ăn qua mạng. Millennial thích mọi thứ phải nhanh chóng tiện lợi, ngay cả chuyện ăn uống.

Trong một thăm dò với gần 500 thực khách thế hệ millennial, Hãng công nghệ Flyt đặt câu hỏi công nghệ nào có thể làm thay đổi trải nghiệm ăn uống của những người trẻ trong tương lai, và công nghệ được chọn nhiều nhất (40%) chính là đặt bàn qua app hoặc mạng xã hội.

Điều ngày nay không còn gì là đáng ngạc nhiên và có thể kiểm chứng được ngay với Việt Nam. Trong khi đó, hơn 25% cho biết thích được tự đặt món bằng thiết bị của mình, và đây thực ra là tính năng chính của các ứng dụng đặt món qua smartphone.

Tương tự việc gọi đồ về ăn qua app, thế hệ millennial cũng chuộng các hình thức chia sẻ mọi thứ. Những người thuộc thế hệ millennial có thể không sắm xe riêng mà di chuyển thông qua các app đặt xe. Sự phát triển của Uber và các ứng dụng tương tự cùng với xe tự hành, những công nghệ được millennial ưa chuộng, khiến người ta đặt ra câu hỏi ngành công nghiệp xe hơi rồi sẽ ra sao?

Trong một bài viết trên blog cá nhân, nhà phê bình văn hóa Bob Lefsetz cho rằng các hãng xe buộc phải thay đổi để sống sót trước thách thức này. Lefsetz cũng khen ngợi Hãng ôtô Mỹ GM vì đã “thấy được khủng hoảng sắp tới” và có các chuyển biến kịp thời để “sống sót”.

Lefsetz cho rằng nếu không chuyển hướng sang xe tự hành hay xe điện, “các hãng xe giống như đang cố bán CD trong thời buổi nghe nhạc trực tuyến”.

Ví von đó cũng nhằm nhắc nhở rằng ngành công nghiệp âm nhạc đã chịu thay đổi để đáp ứng nhu cầu của millennial. Qua rồi cái thời bỏ tiền ra mua cả album dù chỉ thích 2-3 bài trong đó, và các nghệ sĩ hốt bạc từ tiền bán băng đĩa. Streaming, nghe nhạc trực tuyến và các ứng dụng nghe nhạc dùng trí tuệ nhân tạo để “xem sở thích, lập playlist” giúp người dùng như Spotify và Apple Music là lựa chọn hàng đầu của thế hệ millennial.

Và nếu có một ví dụ nào thú vị nhất để hình dung về tương lai mà các ngành công nghiệp cùng thay đổi để chiều lòng thế hệ millennial, thì đó là viễn cảnh mà GM đang hướng đến.

Cruise Automation, bộ phận nghiên cứu công nghệ xe không người lái của hãng xe hàng đầu nước Mỹ, hồi tháng 1-2019 công bố hợp tác với công ty giao đồ ăn DoorDash để thử nghiệm chương trình giao hàng bằng xe không người lái.

Thử tưởng tượng một chiếc Chevrolet Bolt chạy điện đậu trước nhà bạn lúc nửa đêm, mang theo suất ăn nóng hổi mà không có người giao hàng nào xuất hiện.■

Thích mạng xã hội, thích các trò chơi trên di động. Những đặc tính này đã được Ngân hàng United Overseas Bank (UOB, Singapore) tận dụng để tạo ra ứng dụng khuyến khích người trẻ gửi tiền tiết kiệm và kiểm soát chi tiêu theo cách hoàn toàn mới.

Ứng dụng TMRW của UOB được thiết kế như trò chơi xây dựng thành phố ảo, mà người chơi càng gửi nhiều tiền tiết kiệm thật thì càng nhận được nhiều “ưu đãi ảo” trong trò chơi để thỏa thích sáng tạo.

Trưởng bộ phận bán lẻ số của UOB, Dennis Khoo, cho biết ứng dụng được tạo ra để nhắm vào khách hàng millennial, một thế hệ ưa chuộng sự khác biệt, muốn làm việc và chơi theo cách khác với thế hệ trước. “Và vì thế chuyện họ đi nhà băng cũng phải khác biệt” - Khoo nói.

Phát triển ứng dụng, dù là ngành nghề lĩnh vực gì đi nữa, luôn cần phải đánh thẳng vào sở thích của millennial như vậy. Bởi như Khoo nhận định, đây chính là thế hệ mà 10-15 nữa sẽ là nhóm khách hàng chính không chỉ của giới ngân hàng mà còn là mọi lĩnh vực khác.

Nghiên cứu hồi tháng 6-2018 của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) dự báo đến năm 2030, thức ăn đặt qua mạng giao tận nhà có thể tăng trưởng gấp 10 lần, đạt trị giá 365 tỉ USD so với chỉ 35 tỉ USD ngày nay.

Báo cáo có tên “Có phải nhà bếp đã chết?” của UBS cho rằng millennial ít nấu nướng hơn vì các nền tảng gọi thức ăn về nhà qua di động như Uber Eats là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, khiến việc “ngồi nhà ăn hết thế gian dễ hơn bao giờ hết”.

Millennial ở Việt Nam cũng đã bắt kịp xu hướng này với bức ảnh biếm đầy tính thời sự hồi dịp tết: Mẹ hỏi con gái sao chưa bày mâm cúng tết thì con trả lời “để con order (đặt món) qua app”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận