Bạn có sống trong "bội hiện thực"?

VỸ ANH 03/11/2013 01:11 GMT+7

TTCT - LTS: Phản hồi bài “Chạy khỏi Facebook” (xem TTCT số đề ra ngày 27-10) là ý kiến của hai độc giả giải thích vì sao họ từng tạm khóa và cái nhìn hiện nay của họ về mạng xã hội này.

Chạy khỏi Facebook

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Tôi bắt đầu tham gia Facebook từ khi đi du học xa nhà, theo lời giới thiệu của một cô bạn: “Vào đi, Facebook vui lắm”. Thời gian đầu tôi chẳng thấy cái gì vui trên Facebook cả. Tôi tạo tài khoản và để đấy cả tháng không đụng vào.

Đó là cách đây hơn năm năm, Facebook vẫn chưa hoàn toàn phổ biến tại Việt Nam. Bạn bè thân thiết của tôi cũng chẳng mấy ai trên Facebook, nên không có gì khiến tôi hứng thú. Sau đó, dần dần mọi người xung quanh tôi gia nhập Facebook. Những người bạn thân nhất, rồi gia đình tôi, friendlist của tôi đầy dần.

Cảm giác của tôi khi ấy rất hào hứng, tôi có cảm giác mình ở gần họ hơn rất nhiều, được chú ý, được quan tâm, được lắng nghe và công nhận. Tôi chăm chỉ vào Facebook mỗi ngày cập nhật tình hình, chờ đợi những cái “like” và phản hồi của những người tôi quan tâm. Vậy là đủ ấm.

Facebook ấm cúng, facebook khó ưa

Lần đầu tiên tôi deactivate Facebook là khi tôi... giận một người bạn. Tôi quyết định tắt Facebook một thời gian, tự hỏi: Mình deactivate thì ai sẽ phát hiện ra đầu tiên nhỉ? Tôi cho rằng người quan tâm đến tôi nhất là người dành nhiều thời gian dòm ngó trang Facebook của tôi nhất. Cũng theo kiểu tư duy này, đó cũng sẽ là người mong muốn tôi quay lại Facebook nhất.

Lần đó tôi deactivate không lâu lắm, nhưng từ sau đó tôi hay chọn deactivate làm giải pháp từ bỏ xã hội (và đương nhiên, chỉ mang tính tạm thời). Sau này nhìn lại tôi nhận ra mình hay deactivate vào khoảng tháng 2 mỗi năm. Lý do vì đó là thời điểm Tết âm lịch, bạn bè tôi hầu như ai cũng quây quần với gia đình, rồi chụp hình khoe cảnh sung túc đầy cả Facebook.

Cả trang home của tôi vào mùa tết nhìn như một cái lễ hội, hình hoa mai hoa đào, hình các món ăn ngon, bao lì xì, các gia đình sum họp cười toe toét. Còn khi đấy tôi vẫn đang ở xứ người, thui thủi một mình, vào Facebook chỉ khiến tôi thấy buồn và tủi thân thêm. Nên không hẹn mà cứ tới khoảng tháng 2 là tôi lại quyết định deactivate, như một giải pháp trốn tránh cả thế giới.

Tôi coi Facebook như là một phần xã hội của tôi, vì đó là nơi duy nhất tôi có thể trò chuyện và quan sát cuộc sống hằng ngày của những người bạn cách xa tôi cả nửa vòng Trái đất. Tôi là người ít nói, ở môi trường mới tôi khó kết bạn, nên Facebook cứ như một vòng tay ấm cúng tôi có thể yên ổn tựa vào, bày tỏ ý kiến về nhiều thứ và tin chắc là sẽ có một ai đó công nhận nó (thường là những người bạn thân của tôi).

Tôi check Facebook liên tục, cứ vài phút một lần, mỗi tin nhắn hoặc notification đều làm tôi sung sướng. Nhưng đó cũng là quy luật, khi quay về Việt Nam nghỉ hè, tôi bỏ Facebook ròng rã mấy tháng vì tôi không cô đơn.

Đó cũng là lúc tôi nhận ra vị trí thật sự của Facebook với tôi. Thời gian tôi dành cho Facebook gần như tỉ lệ thuận với cảm giác cô đơn của tôi. Tôi càng thấy cô độc thì tôi càng bám lấy Facebook, còn khi có bạn bè xung quanh thì tôi cũng không còn nhu cầu lên Facebook.

Ở một số thời điểm khi tôi đã không còn nhu cầu, tôi lại thấy Facebook rất khó ưa (vì thiên hạ quá xô bồ, suốt ngày dòm ngó thiên hạ khiến mình vừa mất thời gian vừa có cảm giác bản thân rất sân si), nên tôi lại quyết định deactivate cho yên tĩnh.

Công cụ hay bản ngã?

Lần gần đây nhất tôi mở Facebook sau một thời gian deactivate là vì phải chuyển trường. Khi đó Facebook là kênh liên lạc chính yếu của tôi với hội sinh viên ở trường mới, cũng là nơi giúp tôi kiếm chỗ ở mới và làm quen với những người bạn học chung trường, kể cả khi chưa gặp mặt nhau. Sau việc đó thì tôi không nghĩ tới chuyện deactivate Facebook nữa.

Tôi nghĩ điều khác biệt là tôi không còn đồng hóa bản ngã của mình với trang Facebook cá nhân nữa. Tôi không còn coi Facebook là một gương mặt của mình, mà chỉ còn là một phương tiện mà thôi. Mà phương tiện thì đơn giản là khi cần thì ta dùng, không cần thì ta không đụng đến, chứ khác với bản ngã, nếu không vừa ý thì ta buộc lòng phải giết chết nó (bằng cách deactivate).

Nhà xã hội học Jean Baudrillard từng bàn về khái niệm “hyperreality” (tạm dịch: bội hiện thực) trong các bài viết của ông. Khái niệm này nói về những điều kiện, khi mà cái thực và cái ảo hoàn toàn đan lẫn vào nhau, không còn một sự phân cách rõ ràng, và con người thấy mình hòa hợp với cái ảo và xa cách cái thực hơn.

Con người tìm thấy niềm vui bằng việc tiếp xúc với một nơi chốn giống với thực tế, mô phỏng thực tế (nhưng không phải là thực tế). Điều đáng nói là họ sẵn sàng đầu tư cho nơi “ảo mà thực” đó, khi mà đó là nơi thể hiện nhu cầu, khao khát và một số phẩm chất mà họ chưa đạt được.

Baudrillard cũng nhấn mạnh “hyperreality” không bị giới hạn về mặt thể chất: nó có thể diễn ra chính trong nội tâm, hoặc ở một thế giới ảo. Về điều này, bản thân Facebook là một “hyperreality” như thế, và cả người dùng Facebook cũng đã tạo ra một “hyperreality” cho riêng mình. Họ tạo ra một dạng nhân bản chính mình thông qua việc chọn hình đại diện, chọn lọc thông tin để giới thiệu bản thân, chọn lọc những ý nghĩ và nhu cầu chia sẻ cho trang cá nhân.

Bản ngã thứ hai đó sẽ được công nhận thông qua số lượt like, số lượng phản hồi, số lượng “bạn” trên trang cá nhân. Nhưng cũng thấy rõ là khác với bản ngã thực tế, bản ngã Facebook sống chủ yếu nhờ vào tương tác xã hội. Thiếu đi các tương tác này, cũng là sự công nhận chủ chốt, thì bản ngã này sẽ chết. Bản ngã này, vì vậy, dù hoa mỹ và hoàn thiện hơn bản ngã thực nhưng mỏng manh và dễ bị “hạ sát” hơn.

Thời điểm này, số người dùng Facebook đã là một con số khổng lồ, và mỗi thành viên bước vào Facebook với một mục đích và hoàn cảnh riêng. Tùy vào cách nhìn nhận Facebook (là công cụ hay là bản ngã ảo), có thể thấy với những ai đã xây dựng trang cá nhân như một thực tại thứ hai và quyết định giết chết nó, sự từ bỏ đó gần như là một sự trở về hiện thực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận