Bắn phá thiên thạch sau Chebarkul

TTCT - Các nhà khoa học Nga và thế giới đã lại thêm bận rộn sau khi thiên thạch rơi xuống vùng Ural (Nga). Ở Nga là câu chuyện tìm kiếm mảnh vỡ và đặt tên cho thiên thạch, còn trên thế giới là chuyện tấn công hoặc làm chệch đường đi của thiên thạch.

Phóng to
Các nhân chứng của thiên thạch rơi xuống Cheliabil hôm 15-2 là những người câu cá. Chính họ đã thông báo về những mảnh thiên thạch rơi gần hồ Chebarkul cho cảnh sát và Cục Tình trạng khẩn cấp - Ảnh: Itar Tass

Thiên thạch Chebarkul?

Tuần trước, các thành viên đoàn khảo sát của Đại học liên bang Ural đã tìm được 53 mảnh thiên thạch ở gần hồ nước thành phố Chebarkul. Theo lời ông Viktor Grokhovski, người đứng đầu đoàn khảo sát, đồng thời là thành viên Ủy ban thiên thạch thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (RAN), các mảnh thiên thạch này thuộc lớp chondrite bình thường, có chứa gần 10% sắt và các khoáng chất tiêu biểu khác như chì, sulphit, tất cả đều là thiên thạch có lớp vỏ bị nóng chảy. Các phân tích hóa học đã được thực hiện tại phòng thí nghiệm Trung tâm đào tạo khoa học “Nanotech” thuộc trường ĐH.

Các nhà khoa học Nga đề xuất đặt tên thiên thạch là “Chebarkul” (theo tên ngôi làng Chebarkul, vì theo quy định thiên thạch được đặt tên theo điểm dân cư gần nhất). Theo quy trình, để đặt tên cho thiên thạch, đầu tiên các dữ liệu của thiên thạch phải được công bố trên bản tin của Hội Thiên thạch quốc tế. Cần có báo cáo phân tích chuyên sâu đến tận thành phần chất đồng vị, và khi chúng được công bố thì tên gọi chính thức mới được công nhận.

Theo đánh giá của RAN, kích thước vật thể lên tới vài mét, khối lượng khoảng 10 tấn, năng lượng vài kiloton. Vật thể bay vào bầu khí quyển với vận tốc 15-20 km/giây, bị phá hủy ở độ cao 30-50km, từ lúc thiên thạch rơi vào bầu khí quyển đến khi chạm đất là 32,5 giây.

Để tìm kiếm những mảnh vỡ thiên thạch và khảo sát khu vực chúng có thể rơi, Nga huy động không chỉ các nhà khoa học mà cả các nhân viên cứu hộ của Cục Tình huống khẩn cấp. Bên cạnh việc tìm kiếm trên mặt đất, tám máy bay quân sự đã bay khảo sát 22.590km2 trên địa phận vùng Kuran, Sverlov và Cheliabil.

Và phi thuyền “cảm tử” tấn công thiên thạch Didymos

Theo The Guardian, hiện Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) và các đồng sự tại Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc Trường đại học Johns Hopkins đang nghiên cứu sứ mệnh “cú huých tức thời”. Sứ mệnh mang tên Tác động và làm chệch hướng thiên thạch (AIDA). Ý tưởng rất đơn giản. Phóng hai phi thuyền lên không gian nhưng chỉ một chiếc “sống sót”. Phi thuyền “cảm tử” sẽ lao vào thiên thạch. Phi thuyền còn lại sẽ đóng vai trò quan sát.

AIDA được cho là sẽ nhắm vào bộ đôi thiên thạch Didymos. Bộ đôi này bao gồm hai thiên thạch với đường kính 800m và 150m quay quanh nhau. Chỉ cần một phi thuyền lao thẳng vào thiên thạch nhỏ thì nó sẽ làm thay đổi quỹ đạo của thiên thạch còn lại.

Theo Space Daily, sứ mệnh này sẽ ngăn chặn Didymos vào năm 2022 khi chúng bay gần Trái đất nhất, khoảng 11 triệu km. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một thiên thạch bị đánh văng ra khỏi quỹ đạo nhờ vào sự tác động của con người.

Cùng lúc đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và ESA đang tài trợ cho một hệ thống mới giúp phát hiện các thiên thạch có đường kính khoảng 50m. Hiện NASA cũng đang có một dự án mang tên Atlas. Dự án này không tác động vào thiên thạch nhỏ để làm chệch hướng chúng mà giúp nhân loại có đủ thời gian trong vài ngày hoặc vài tuần để sơ tán kịp thời.

Được biết trên lý thuyết, theo nhà nghiên cứu Alan Fitzsimmons của Trường đại học Belfast tham gia dự án NEOShield của EU, có ba cách để làm chệch hướng một thiên thạch nguy hiểm. Ba cách đó là: kéo nhẹ nhàng, cú huých tức thời và dùng hạt nhân.

Phương pháp nào ưu việt nhất còn phụ thuộc vào kích thước, cấu tạo, quỹ đạo của thiên thạch và quan trọng hơn cả là chúng ta có thời gian bao lâu để chuẩn bị. Thông thường, thời gian cảnh báo trước thường là một thập kỷ.

Trong trường hợp có đủ thời gian chuẩn bị, chỉ cần dùng phương án “kéo nhẹ nhàng” là được: phóng một phi thuyền nặng nhất có thể vào không gian và lướt bên cạnh thiên thạch nguy hiểm. Lực hấp dẫn nhỏ mà phi thuyền tạo ra tác động lên thiên thạch sau nhiều năm sẽ đẩy “hung thần không gian” này chệch hướng và tránh đâm vào Trái đất.

“Cú huých tức thời” lại cần đến một vụ va chạm: phóng một phi thuyền hạng nặng lên không gian và cho lao thẳng vào thiên thạch nhằm thay đổi quỹ đạo của nó. Thời gian cảnh báo càng sớm thì “cú huých” dùng đến càng nhỏ.

Và giải pháp cuối cùng là dùng đến hạt nhân khi cả hai phương án kể trên không hữu hiệu. Một vụ nổ hạt nhân gần thiên thạch sẽ làm bề mặt của nó bốc hơi. Khi đó, thiên thạch có thể sẽ bị đẩy đi theo hướng ngược lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận