Bán rau, xây niềm tin

MAI VINH 13/02/2018 16:02 GMT+7

TTCT - Những người nông dân chuyên nghiệp làm rau sạch thiệt, nhưng không bán được. Thế là có những công dân chuyên nghiệp chìa một cánh tay nối dài từ vườn rau đến bàn ăn. Họ vừa bán rau vừa xây niềm tin.

Vườn rau cải canh tác theo quy trình nông nghiệp hữu cơ của người dân Chu Ru (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: MAI VINH
Vườn rau cải canh tác theo quy trình nông nghiệp hữu cơ của người dân Chu Ru (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: MAI VINH

 

Đưa cọng rau sạch lên bàn ăn, chuyện tưởng chừng đơn giản như chính chức phận của cây rau, nhưng không hẳn. Đó là cả một hành trình dài không mỏi mệt với nông dân của nhóm Công dân chuyên nghiệp trên từng luống đất.

Để những bó rau sạch hữu cơ từ những mảnh vườn xa xôi hẻo lánh đến được với người dùng nơi phố thị, nhóm bạn trẻ này phải xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp như cái tên của nhóm dưới sự hỗ trợ của những chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và cả nhà tâm lý.

Đi nhanh, kiểm tra thật... chậm

Thứ ba và thứ sáu hằng tuần, nông sản hữu cơ của nông dân ở Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ..., được đưa về một căn phòng nhỏ vừa là văn phòng của nhóm Công dân chuyên nghiệp vừa là nơi kiểm tra rau trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình, TP.HCM).

Từ đây, rau được đội vận chuyển đưa đến những khách hàng đã đặt trước theo đúng lịch hẹn. Những ngày còn lại trong tuần mới là thử thách độ “lì” của nhóm. Họ tỏa đi khắp các tỉnh để cùng nông dân trồng rau hữu cơ theo đúng tiêu chuẩn. Một số khác gặp nông dân và dùng hết khả năng thuyết phục để có thêm những người mới cùng sản xuất nông sản hữu cơ. Khi rau đến lứa, họ đưa về Sài Gòn bán thay cho nông dân. Toàn bộ tiền bán rau quay ngược trở lại với nông dân.

Các bạn trẻ làm công việc này một cách thầm lặng, không vụ lợi với một niềm tin: giúp bà con trồng rau sạch sống được và sống tốt trên mảnh đất đầy mồ hôi nhưng không hóa chất của mình.

Hỏi đường không dưới 10 lần kết hợp thêm bản đồ điện tử chỉ đường, chị Trịnh Thị Bình, thành viên nhóm, mới tìm được đến vườn của chị Nguyễn Thị Kim Thoa, một nông dân trẻ ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa trồng hoa súng hưu cơ. Chị tạo một mương nước giữa vườn rau và thả hoa súng để hoa không bị tác động bởi nguồn nước chung có thể bị ô nhiễm bởi phân hoá học. Ảnh: MAI VINH

 

Đó là khu vườn nhỏ trồng rau cải, rau muống ở một mảnh đất trống mà muốn đến tận nơi phải băng qua nhiều con lạch lớn nhỏ. Xe máy phải bỏ lại ngoài đường đất cách đó chừng 2km. Bao quanh khu vườn là một con mương, chị Thoa đóng nước hai đầu rồi trồng bông súng. Giữa khu vườn, cỏ mọc xen rau, những cây cỏ lớn mới bị chị Thoa dùng phảng cắt ngã la liệt. Chị Thoa bảo mình là dân học triết nhưng mê vườn nên không muốn rời khu vườn của gia đình.

“Hồi mới về lại quê, bà con phun thuốc loạn xạ, vỏ chai quăng đầy khiến mình sợ nổi da gà. Nhiều khi thấy cá chết nổi dọc bờ mương. Con cá nổi lềnh bềnh trên mương cạnh chai thuốc hóa học kia có hình ảnh của mình và nhiều người thân nếu vẫn tiếp tục trồng rau dựa vào phân, thuốc” - chị Thoa nói lý do khiến chị chuyển sang trồng rau hữu cơ. Nhưng phân chuồng, giống cải đã chuẩn bị xong, chị mới sực nhớ không biết bán số rau đi đâu, bán ra chợ thì chỉ có nước lỗ mất vốn nên tìm đến nhờ chị Bình hướng dẫn.

Chị Bình cùng đồng nghiệp ghi lại lý lịch khu đất chị Thoa đang định xuống giống, lấy mẫu rau trên một thửa trồng thử nghiệm cùng mẫu đất, mẫu nước. Giữa trưa, chị Bình hướng dẫn chị Thoa thật kỹ chuyện phải trồng thêm cây chắn gió để tránh phân thuốc hóa học từ chỗ khác theo gió bay tới. Xong câu chuyện, cả nhóm kiếm xe ôm ra bến xe đi Vĩnh Long.

“Chiều ở Vĩnh Long có vườn chị Hoa thu hoạch rau lứa đầu, mình lên hướng dẫn họ sơ chế rồi còn coi đường gửi xe lên Sài Gòn nữa” - chị Bình lý giải sự vội vã của mình.

Ở Vĩnh Long, khi chị Bình còn đang say sưa hướng dẫn nông dân ủ phân bằng vi sinh, dùng giỏ đựng rau chuyên dụng thay bao nilông thì chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (30 tuổi), một thành viên khác của nhóm, đi ra bến xe khảo sát đường chuyển rau về Sài Gòn. “Không khéo tiền vận chuyển “ăn” hết tiền rau nên phải thay bà con dò cho kỹ” - chị Tuyền nói vội giữa cái ồn ào ở bến xe TP Vĩnh Long.

Hiện nay đã có 1 cộng đồng 1.200 cá nhân và gia đình, 6 đơn vị kinh doanh, 3 doanh nghiệp và 1 nhà thờ đang đồng hành và làm đầu ra cho bà con nông dân. Năm 2018, dự án đặt mục tiêu sẽ tạo ra 1 cộng đồng 5.000 hộ gia đình, 30 đơn vị kinh doanh và doanh nghiệp sẽ cùng nhau làm đầu ra thật tốt cho các cụm nông dân mà dự án cùng cộng đồng đang hỗ trợ xây dựng và phát triển.

Dò xong đường chuyển rau về Sài Gòn thì cũng là lúc trời sập tối. Chị Tuyền mua vé xe đi Bến Tre cho cả nhóm. Chị nói vội vã nhưng hăm hở: “Mới chiều nay chú Tư Trơn ở Bình Đại gọi báo chú mới rủ thêm được mấy người bạn có đất vừa khai hoang trồng rau hữu cơ. Tối mình phải xuống liền để nói thêm với chú rồi sáng mai đi kiểm tra đất luôn”.

Chị Tuyền bảo lúc nào nhóm cũng vội vã đi tìm nông dân chịu trồng rau hữu cơ vì không nhiều người chịu bắt tay làm nông theo lối vất vả, họ mà đã chịu, mình phải tới liền, để khỏi lo lỡ bà con đổi ý. Vội vã trong bước đi nhưng khi kiểm tra vườn, đôi mắt của chị Tuyền, chị Bình và những bạn trẻ khác trong nhóm lại thận trọng, chậm rãi quét kỹ từng góc vườn, thửa đất.

Một dấu hiệu nhỏ bất ổn nằm trong những điều cấm kỵ đối với canh tác hữu cơ xuất hiện bởi lỗi người trồng rau, mối hợp tác buộc phải dừng lại dù nhóm rất cần rau cung ứng cho lượng khách hàng thường xuyên đang ngày càng nhiều lên.

Chăm chút từng cọng rau. Ảnh: Mai Vinh
Chăm chút từng cọng rau. Ảnh: Mai Vinh

 

Xây mạng lưới bằng niềm tin

Sau gần một năm tìm và hỗ trợ người trồng rau hữu cơ, đồng thời kết nối nông dân với những người tiêu dùng, nhóm Công dân chuyên nghiệp đã tạo ra được một mạng lưới kết nối sản xuất - tiêu dùng hơn 500kg rau sạch/tuần với khoảng 20 loại rau khác nhau. Đó là sản lượng rau quá nhỏ so với con số hàng nghìn tấn rau thuộc nhiều nhóm chất lượng được tung ra thị trường ở khắp các vùng nông sản.

Ông Nguyễn Hoàng Hải - trưởng dự án Công dân chuyên nghiệp, không nóng ruột. Ông nói: “Không thể nhanh hơn và nhiều hơn được vì người chịu trồng rau hữu cơ ít, rau hữu cơ trồng lâu và người chịu mua rau hữu cơ cũng không nhiều dù nhu cầu rất nhiều”.

Ông Hải không nói về một kế hoạch xán lạn và hoành tráng, chỉ kể câu chuyện ở Tu Tra (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), nơi khởi đầu cho một phép tính tạo được sự cân bằng khi xây dựng mạng lưới rau sạch.

Nhóm nảy ra ý tưởng lập một mạng lưới kết nối sản xuất và tiêu dùng rau sạch phi lợi nhuận khi họ cùng thấy một thực tế: Nhiều người cần rau hữu cơ nhưng không mua được, nhiều người muốn trồng rau hữu cơ nhưng không biết cách, người trồng được rau hữu cơ thì không có nơi bán hoặc bán với giá “hàng chợ” khiến không đủ sống và sớm từ bỏ nông nghiệp hữu cơ.

Ngay khi khởi sự, ông Hải và những thành viên của nhóm đến vùng người Chu Ru thuần hậu đang sống. Họ kể ông nghe cả chục dự án rau sạch tìm đến họ và những lời hứa. Sau vài chuyến rau, những người mang dự án lớn và những lời hứa không quay lại. Chỉ còn lại những vườn rau lớn lên chậm chạp bằng phân chuồng và được bảo vệ khỏi sâu bọ bằng thứ nước cay nồng từ ớt tỏi, lá rừng nhưng người dân không thể nào mang ra chợ bán vì cây rau gầy guộc so với rau cùng loại nhưng trồng theo kiểu khác. Những lời hứa đã khiến người dân không còn tin về tương lai của những dự án rau hữu cơ.

Ông Hải hỏi ông P’rong Sơn (nông dân người Chu Ru ở Tu Tra) rằng anh muốn khu vườn của anh mỗi tuần “đẻ” ra bao nhiêu tiền. Ông Sơn trả lời không ngần ngại: “1 triệu”. Ông Hải mang câu hỏi đấy đến với người nông dân vùng sâu huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), Bình Phước, Cần Thơ và ông nhận được câu trả lời tương tự.

Cả nhóm ngồi tính, mỗi gia đình ở Sài Gòn dùng hết 5kg rau/tuần. Chỉ cần tìm được 8 gia đình thì 1 hộ nông dân có được 1 triệu đồng để sống. Sau phép tính được khái quát thành tỉ lệ 8-1, cả nhóm lại tỏa ra đi tìm khách hàng.

Tìm được 8 người hứa mua rau hữu cơ, nhóm hợp tác với 1 nông dân trồng rau. “16 gia đình là chúng ta có 2 hộ, 160 gia đình ăn rau sạch là chúng ta có 20 hộ...”, bằng công thức giản đơn ấy, ông Hải mường tượng được bước chân của những bạn trẻ là kỹ sư nông nghiệp trong dự án cùng sống, cùng trồng rau với những người nông dân ở những vùng xa xôi, nơi đất chưa kịp nhiễm tạp chất như những vùng nông nghiệp có lối canh tác công nghiệp.

“Sự cân bằng giữa nhu cầu của người dùng rau và người trồng rau là mấu chốt của mạng lưới kết nối chúng tôi xây dựng, có người mua thì có người trồng, nếu làm ngược lại sẽ mất cân bằng hoặc nông dân sẽ ở thế bấp bênh” - ông Hải lý giải về điểm cốt tử của mạng lưới. Đến thời điểm này, mạng lưới do ông Hải và các đồng sự xây dựng có 30 nông dân tham gia nhưng có hơn 1.200 gia đình, 9 cơ sở kinh doanh và công ty đăng ký làm đầu ra cho nông dân. Do đó, nhóm không lo rau hữu cơ về Sài Gòn bị “ế”.

Nhiều nông dân sống xung quanh những khu vực trồng rau hữu cơ đã đánh tiếng xin tham gia mạng lưới. Ông P’rong Sơn nói: “Những đợt đầu gửi rau lên Sài Gòn, rau bị trả về. Chúng tôi buồn, thậm chí chán nản và tự ái. Nhưng chỉ vài ngày sau nhóm đến gặp chúng tôi lý giải chuyện trả rau, chỉ ra những chỗ không được, họ ở lại trong làng cùng bắt đầu một vụ rau mới.

Khi cây rau đủ sức tự lớn mà không cần nhiều sức người họ mới đi và hẹn ngày cùng đến cắt rau với chúng tôi. Chỉ một mùa rau, cả làng quen với kiểu trồng rau không dùng phân thuốc hóa học. Giờ cứ vậy mà làm”.

Ông P’rong Sơn khoe trồng rau hữu cơ chỉ là việc phụ của người dân trong làng, cạnh việc đi rẫy trồng cà phê nhưng mỗi nhà kiếm được gần 1 triệu đồng/tuần. Người dân trong làng đang chờ nhóm hỗ trợ mở rộng diện tích trồng để năm tới họ có nhiều rau gửi về Sài Gòn.■

Chị Lê Thị Thái Hoà (xã Tân Hoà, TP. Vĩnh Long) hái bầu trồng theo quy trình nông nghiệp hữu cơ để chuyển lên TP.HCM bán. Giàn bầu chị trồng  ngay mép hồ cá nên không lo tưới nước, gốc bầu được đắp bùn từ hồ cá để tạo ẩm và thay cho bón phân. Ảnh: MAI VINH
Chị Lê Thị Thái Hoà (xã Tân Hoà, TP. Vĩnh Long) hái bầu trồng theo quy trình nông nghiệp hữu cơ để chuyển lên TP.HCM bán. Giàn bầu chị trồng ngay mép hồ cá nên không lo tưới nước, gốc bầu được đắp bùn từ hồ cá để tạo ẩm và thay cho bón phân. Ảnh: MAI VINH

 

Nông dân tại Măng Đen (tỉnh Kon Tum) cải tạo đất bằng phân bò và làm sạch vi khuẩn trong đất bằng vôi bột để chuẩn bị trồng rau theo quy trình hữu cơ. Ảnh: MAI VINH
Nông dân tại Măng Đen (tỉnh Kon Tum) cải tạo đất bằng phân bò và làm sạch vi khuẩn trong đất bằng vôi bột để chuẩn bị trồng rau theo quy trình hữu cơ. Ảnh: MAI VINH

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hoạt động sản xuất nông sản hữu cơ tại Tu Tra đã thành hình mẫu cho việc tổ chức sản xuất theo cụm dân cư. Mô hình này đang được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành khác với sản phẩm là những nông sản thế mạnh của địa phương, phù hợp với thổ nhưỡng, có thể phát triển tốt mà không can thiệp nhiều từ con người. Theo tiến độ, năm 2018 mạng lưới sẽ có 5.000 người tiêu dùng nông sản hữu cơ và người sản xuất tham gia.

Hiện người dân tham gia nhóm đã sản xuất đúng tiêu chuẩn nông sản hữu cơ nhưng để được xuất hiện ở những kênh phân phối tốt hơn thì cần được chứng nhận tiêu chuẩn.

Dự án đã kết nối với PGS (Participatory Guarantee System) Việt Nam để và đưa mô hình, phương pháp, tiêu chuẩn và giấy chứng nhận PGS vào với bà con phía Nam. PGS đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, New Zealand, Argentina, Peru..., dựa vào sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ, khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng vào quá trình cấp chứng nhận.

Vườn rau cải trồng theo quy trình nông nghiệp hữu cơ của chị Lê Thị Thái Hoà (xã Tân Hoà, TP. Vĩnh Long) phải phủ lưới chắn sâu bọ để không phải dùng thuốc trừ sâu. Ảnh: MAI VINH

 

Có phải chỉ là vấn đề “ăn rau an toàn”?

“Tôi mua một bó rau hữu cơ giá đắt hơn một tí, mình thấy giống như mua để cứu gia đình mình thôi, mua để cho ba mẹ mình khỏi ung thư thôi, để con mình được an toàn thôi”, nhưng thực sự nó mang đến sự thay đổi ở cấp vĩ mô.

Vì mọi người đều có một nỗ lực để mua, ủng hộ nông dân lương thiện thì số nông dân lương thiện muốn lương thiện càng ngày càng đông hơn, vì họ đang được xã hội ủng hộ. Hành vi nào được ủng hộ thì nó sẽ được lặp lại, càng ngày càng đông nhóm nông dân lương thiện hơn thì nhóm còn lại sẽ ngày càng ít đi.

Và cái quan trọng mà chúng ta mong muốn là khi có nhiều người trồng với lương tâm trong sạch, rõ ràng xã hội sẽ thay đổi ở giá trị đạo đức lớn hơn cho nên chúng ta gọi là thay đổi ở cấp vĩ mô.

Không phải chỉ là sức khỏe của đồng bào cả nước được cứu, của toàn dân Việt Nam được cứu mà là người ta được ủng hộ chỉ khi người ta sống lương thiện, khi người ta chọn nghĩ đến người khác, khi người ta chọn không chỉ ích kỷ nghĩ đến túi tiền của mình, khi người ta biết tôn trọng sự sống, khi người ta biết liên đới với cộng đồng lớn hơn.

Rõ ràng nếu càng ngày càng sống cho các giá trị đó chỉ bằng cách mua một bó rau của một người nông dân lương thiện trồng thôi, chúng ta đã góp một phần rất lớn trong việc tái thiết lại hệ thống giá trị rất cao quý đang bị đánh mất trong những chuyện mà mình tưởng là rất nho nhỏ này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận