Bàn về con người xã hội Việt Nam

LÊ THANH HẢI 01/01/2014 06:12 GMT+7

TTCT - Cuối năm 2013 giới khoa học tiễn biệt một cây đại thụ trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn - giáo sư Phạm Đức Dương. Với nhiều công trình nghiên cứu lý thuyết và tích cực tiếp xúc dẫn dắt thế hệ trẻ, thầy Dương trăn trở nhiều về vấn đề con người, đặc biệt là con người Việt Nam.

Một xã hội lành mạnh sẽ giúp phần “người” trong con người áp đảo cái ác. Trong ảnh: các bạn trẻ Pleiku về làng cắt tóc cho trẻ em người Ba Na - Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một cơ thể

Đúng như cái chữ đã dùng, mỗi chúng ta trong cuộc đời mình luôn phấn đấu để thành nhân, cố gắng để làm người. Nhưng trong mỗi chúng ta luôn có phần con - bản năng thú vật - tồn tại mà từng phút từng giây trí tuệ và tư duy phải biết chế ngự. 

Chỉ cần một phút quên tu dưỡng là cả một đám đông sẵn sàng lăn xả vào cướp hàng trăm triệu tiền bia của người tài xế tội nghiệp bị tai nạn. Chỉ cần một giây thiếu kiềm chế là người được trao nhiệm vụ giữ trật tự siết cổ nạn nhân đến bất tỉnh. Nhưng cũng may là chưa đến độ say máu giết chết người như kẻ trộm chó xấu số. 

Với tốc độ lan tỏa nhanh chóng của Facebook trong năm qua, một mạng xã hội mới nhanh chóng được thiết lập trong cộng đồng người Việt, xuyên vùng miền, vượt biên giới quốc gia, liên kết mọi thế hệ và người Việt khác giới và chính kiến cũng như quan điểm sống. Nhờ có mạng lưới đó mà mỗi chúng ta có cảm nhận rõ nét hơn về xã hội Việt Nam, như một cơ thể sống có nhiều thành phần.

Khi bắt đầu xây dựng ngành xã hội học, nhiều trường phái thích sử dụng hệ thống khái niệm của ngành sinh học để mô tả xã hội con người như một thể hữu cơ đang sinh tồn, và thông qua đấu tranh chọn lọc giữa các mặt mâu thuẫn mà tiến hóa, tức là phát triển. 

Karl Marx cũng từng nói rằng lao động làm ra con người, đưa loài động vật bậc cao trở thành loài người với bề dày lịch sử cơ cấu tổ chức, đạo đức và thẩm mỹ. Thời nay, tác giả của quyển sách best seller David Brooks cũng có cái nhìn tương tự, rằng con người là loài động vật có nhu cầu liên kết xã hội - social animal. 

Sử dụng góc nhìn này để phân tích xã hội Việt Nam thông qua những bức ảnh chụp được chia sẻ và “status” trên trang nhà các “Facebooker” ta sẽ thấy rất rõ các mặt đối lập trong xã hội đã đấu tranh với nhau như thế nào trong năm qua. Có những điều khiến người ta sửng sốt, như hàng dài người kiên nhẫn chờ đến giờ vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thắp nhang cúi lạy. 

Giống như tướng Trần Hưng Đạo từng hiển thánh, tín ngưỡng dân gian Việt Nam đã phong thánh cho cụ Giáp và người dân đổ về để cầu mong một điều gì đó, cho bản thân và cho xã hội. GS Trần Đức Dương đã giải thích đó là cách để người ta gửi gắm lòng tin, mà nói theo góc nhìn của sinh học xã hội, thì đó là cách để cơ thể con người xã hội bày tỏ khát vọng sống, thể hiện quyết tâm chiến thắng bệnh tật để lột xác. 

Đó có lẽ chính là biểu hiện rõ nhất của con người xã hội Việt Nam trong năm 2013.

Chữa thương

Giống như cơ thể người, khi vết thương đến giai đoạn kịch tính thì dù não bộ ở trung ương vì sợ đau đớn mà không dám đụng chạm cứ cố gắng che giấu, nhưng bản năng sinh tồn vẫn khiến tay chân phải gãi trong lúc ngủ, làm chỗ lở loét toác miệng ra, trút hết mủ dơ ra ngoài, chờ được làm sạch và khép miệng. 

Cũng như các tế bào còn lành lặn, những con người còn lương tri trong xã hội tự lên tiếng phản kháng, treo biểu ngữ xin lỗi, và tích cực hơn là có hành động can thiệp để lên án cái xấu, hay lập đội hiệp sĩ đi bắt cướp. Nếu sức đề kháng của cơ thể còn mạnh, niềm khao khát sự sống còn mạnh, thì cơ thể sẽ mau chóng lành lặn trở lại. 

Nếu sự phản kháng của những con người có lương tri đủ mạnh và không bị kẻ xấu dập tắt nhanh chóng thì xã hội sẽ có hi vọng sớm quay trở lại cuộc sống lành mạnh. 

Giống như bạch cầu di chuyển trong máu tập trung về ổ dịch để kháng cự, những tiếng nói lương tri được mạng xã hội chuyển tải từ nơi này đến nơi khác trong con người xã hội Việt Nam. Những tiếng nói đó có lúc còn được những nhà báo có lương tri giúp khuếch đại trên các cơ quan truyền thông, góp phần diệt trừ những ổ bệnh cục bộ, và răn đe những người đang có ý định làm điều xấu. 

Và năm 2013 còn ghi nhận sự xuất hiện của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm chính về những căn bệnh của xã hội Việt Nam. Với trên 600 chuyên gia từ bậc tiến sĩ trở lên ở 31 cơ quan nghiên cứu trực thuộc, họ sẽ là những người đưa ra phác đồ điều trị từ ở mức địa phương cục bộ cho đến tầm trung ương cả nước.

Cái cần nhất là não bộ ở trung ương hiểu rằng cần phải điều trị và quyết tâm chữa bệnh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận