Bandipur, chợt nghe...

TRẦN THÁI HOÃN 15/04/2017 00:04 GMT+7

TTC T- Đến Bandipur chợt nghe mùa đông bay trên trời không...

Bình minh Bandipur - nhiều khi sương mây và núi tuyết Himalaya cứ lẫn vào nhau

Mượn lời nhạc sĩ Trường Sa, những ngày tôi lang thang Nepal vào mùa đông nên phải thay đổi chút. Mà cũng chỉ khác nhau tên gọi của mùa, còn những ngày đông Bandipur đó hay ngày thu của người nhạc sĩ mang tên vùng biển đảo thân thương của người Việt đều cao xanh vời vợi, đẹp nao lòng. Làm kẻ lãng du nhiều khi cứ mộng tưởng đã lạc đến miền Lưu Nguyễn xưa.

Miền vàng son xưa giờ quên lãng

Bandipur từng lấp lánh vàng son, rực rỡ hoa lệ. Ngôi làng quê miền núi vắng vẻ bắt đầu phát triển khi vị quốc vương tài giỏi, thiện nghệ Prithvi Narayan Shah thống nhất và hùng cứ vương triều Nepal rộng lớn sang đến cả vài miền đất thuộc Tây Tạng và Ấn Độ bây giờ.

Những thương gia chọn trục giao thương tấp nập Ấn Độ - Nepal - Tây Tạng, đi men theo thung lũng ngang Bandipur đã chọn vùng đất này làm điểm dừng chân. Khách thương đông đúc, văn nhân thi sĩ dập dìu. Dinh thự, đền đài cùng hàng quán chen nhau khoe sắc.

Văn hóa, kiến trúc đặc sắc của nhiều vùng miền mang về được tô sắc, tôn vinh thêm hơn bởi những người Newari nổi tiếng tài hoa càng lung linh, rực rỡ.

Nhưng từ cuối những năm 1960, quốc lộ Prithvi hình thành rút rất ngắn khoảng cách cũng như giảm đi hiểm nguy của con đường cheo leo trúc trắc cũ.

Hoàng hôn vàng nắng yên bình nơi xóm quê Bandipur
Hoàng hôn vàng nắng yên bình nơi xóm quê Bandipur

 

Thủ phủ tỉnh lỵ dời xa. Phố chợ gần nhất là Dumre nằm trên con lộ mới chỉ cách Bandipur 8km bằng con đường đồi núi cheo leo vẫn phải thường xuyên đóng cửa khi mưa mùa nhiệt đới trút xuống. Phù thịnh mấy ai phù suy.

Thương nhân ra phố mới bán buôn, thi hào văn sĩ cũng bỏ đi... Trả lại cho đồi núi sự vắng vẻ, yên ả nhưng vẫn để lại những điều hay nét đẹp văn hóa, kiến trúc, giáo dục, tôn giáo ngày vàng son.

Phố thị tưng bừng ngày nào giờ như một làng sơn cước nhỏ. Mưa mùa nhiệt đới lẫn gió núi Himalaya không xa thường xuyên thay nhau ghé viếng làm phố thị nhanh phai màu, giờ lại là điểm dừng chân khá thú vị cho những khách du vừa để lại sau lưng thủ đô Kathmandu nổi tiếng bụi bặm nhiều, ồn ào cũng chẳng ít.

Một kiến trúc xưa vẫn sắc nét tinh xảo Bandipur

Nét u nhã của “Nữ hoàng đồi núi”

Phố xưa Bandipur bàng bạc hương thời gian, không phải màu úa tàn, nên càng đẹp khi lọt thỏm giữa miền xanh thiên nhiên căng tràn sức sống.

Vắt vẻo trên rẻo đèo yên ngựa của dãy Mahabharat, Bandipur uốn mềm nối hai đỉnh núi nhìn xuống triền xanh màu mỡ của thung lũng được tưới tiêu bởi dòng Marsyangdi lóng lánh uốn khúc, treo mình lưng chừng núi.

Gần gần là những miền xanh ngằn ngặt triền thấp núi đồi, xa xa những đỉnh băng tuyết vĩnh cửu mênh mang trắng Himalaya miên man, trong đó có những ngọn nổi tiếng như Annapurna, Ganesh, Langtang...

Ở độ cao cũng không nhiều, chỉ 1.030m nhưng nhờ Himalaya vây quanh nên Bandipur vừa nhận ơn mưa móc từ những cơn mưa mùa nhiệt đới, vừa luôn mát mẻ quanh năm và nhiều khi khá lạnh lúc đêm về.

Nhưng nếu chỉ có thiên nhiên ưu đãi, chưa chắc Bandipur có được hương danh “Nữ hoàng đồi núi”. Miền đất này không chỉ là bảo tàng sống những công trình tài hoa của người Newari, mà còn nhiều kiến trúc đẹp khác.

Con đường duy nhất xuyên phố, cũng được xem như quảng trường, được lát đá đã mòn nhẵn dấu thời gian chạy qua thư viện cổ xưa nhất nhì đất Nepal có từ thế kỷ 19 Padma Library, mấy tòa dinh thự kiến trúc tân cổ điển, những căn nhà gạch đỏ không vữa rất hợp với các đà giằng cửa chính cửa sổ gỗ lim chạm trổ tinh xảo bóng màu thời gian...

Đương nhiên không thể thiếu mấy ngôi đền Hindu cổ chấm phá thêm nét trầm trầm. Xa hơn tí, cuối phố là những ngôi nhà đất đơn sơ được đám rơm vàng, lũ bắp cũng vàng treo tòn ten trang trí.

Nhộn nhịp lũ trẻ con chơi đùa cùng đám gà qué dáo dác, những cụ ông cụ bà gương mặt đầy vết thời gian và những nụ cười thân thiện, rất phù hợp cho các nhiếp ảnh gia muốn kiếm tìm những pô ảnh chân dung dự thi... Và mới hợp làm sao với không khí lãng đãng, trầm mặc của con phố cũ.

Trẻ con sơn cước cũng khá bảnh tỏn với những bộ đồng phục tinh tươm
Trẻ con sơn cước cũng khá bảnh tỏn với những bộ đồng phục tinh tươm

 

Lãng đãng trôi theo mùa đông bay trên trời không

Rất may mắn, Bandipur được thiên nhiên tặng ban nhiều thứ. Cỏ cây bời bời, từ cổ thụ già đến bụi non khi xanh ngăn ngắt, lúc già đủ sắc lá hoa. Kể cả những nương đồng bậc thang cũng đổi sắc như Tú Lệ, Mù Căng Chải quê mình.

Nhưng theo thiển ý của kẻ lang bạt, chính những sương mây lãng đãng đã góp phần tạo nên nét rất độc đáo nơi này.

Cũng không ít lần ghé Sa Pa, Đà Lạt những ngày cũ sương còn nhiều, kể cả những miền Pelling, Dajerling... cũng nổi tiếng với mù sương, nhưng sương mây Bandipur với tôi là số 1. Vì nhiều thứ.

Trắng trong và tinh khôi, không đùng đục, ẩm ướt như Đà Lạt xưa. Nằm ngay dưới chân mình vì cứ chìm trong thung lũng chứ không quấn quýt kề bên như Dajerling. Nhấn nhá bởi những nương đồi bậc thang sắc màu đổi thay theo vụ mùa mà Pelling không có...

Không kể những thung lũng xanh ngăn ngắt bên dưới, một dòng sông bạc lưng chừng treo, chúng càng nổi bật hơn khi được làm duyên bởi những rặng già Himalaya không chỉ đơn điệu màu trắng tuyết băng, mà còn thay sắc khi theo màu nữ thần rạng đông Eos, lúc chiều ý thần mặt trời Helios...

Và chẳng hiểu sao chúng chẳng chịu tan đi là mấy dù ngày lên đã nhiều, mặt trời cao đã lắm, vẫn trắng ngần lửng lơ treo trên mấy thung lũng.

Bà và cháu cùng chào chú khách lạ nhé!
Bà và cháu cùng chào chú khách lạ nhé!

 

Nên bình minh đó trên đồi thấp Tundikhel cuối phố, dựa lưng bên cội già, tựa đầu bên sương, tay quàng trong mây, nhìn xuống thung lũng bồng bềnh sương mây... tôi cứ để hồn lâng lâng theo mùa đông bay trên trời không. Xa lâu lắc rồi vẫn nhớ hoài buổi mai sớm trong trẻo tinh khôi Bandipur.■

Chuyện dọc đường:

Sức hút của sự dân dã

Dù nằm ở giữa giữa, không có xe đò trực tiếp từ các thành phố lớn Kathmandu (cách 143km) hay Pokhara (cách 80km) đi thẳng đến Bandipur, mà bạn phải mua vé nguyên chuyến và phải báo trước để tài xế thả xuống thị trấn Dumre nằm trên quốc lộ Prithvi, nơi có thể đón xe đò, xe jeep để đi tiếp đến đó.

Xe thường kín chỗ và chỗ ngồi trên nóc – rất được các bạn trẻ địa phương và Âu Mỹ ưa thích thay vì lèn chật cứng bên trong xe, là lựa chọn rất mạo hiểm vì con đường dốc cheo leo lên xuống gập ghềnh. Từ Dumre, cũng có thể thuê xe taxi để đi nếu bạn đi nhóm hoặc rủng rỉnh tiền bạc, không muốn chen lấn hay mạo hiểm. 

Địa thế hình yên ngựa vắt nối hai ngọn đồi, dường như không có xe hơi, xe máy trong phố nhỏ chỉ độc nhất con đường chính này. Nên rất yên ắng, thư nhàn. Không cần đặt phòng trước, cũng chẳng phải đi lòng vòng hỏi dò, bạn có thể ghé văn phòng du lịch, rất dễ thấy trong con phố nhỏ xíu, nói các yêu cầu, nhất là về giá cả, sẽ được giới thiệu đến khách sạn, nhà nghỉ phù hợp.

Buổi tối, ở các hàng quán vỉa hè giống như các cuộc hội hè của thanh niên thế giới, rất đông vui. Ẩm thực là một điểm cộng thêm nữa cho Bandipur. Rau cỏ địa phương tươi tốt, nấu ăn đa dạng vì phục vụ du khách nhiều năm nên sẽ tránh vị mùi cà ri quá nồng cho những du khách nhạy cảm.

Ngoài các di tích xưa cổ, nhà cửa đẹp… mà Bandipur được xem như bảo tàng sống về văn hóa, kiến trúc của người Newari, nơi đây còn là điểm xuất phát lý thú cho các cung đường treeking, có thể thuê hướng dẫn viên hoặc tự đi nếu bạn đi theo nhóm.

Rất may là cuộc động đất dữ dội ở Nepal năm 2015 ảnh hưởng không nhiều đến Bandipur, nên nhiều di tích xưa vẫn được giữ gìn, bảo quản tốt. Ở đây còn có các trường học do các sơ nước ngoài phụ trách nên các em bé và cả người dân đều nói tiếng Anh rất tốt, cả những người đang làm dưới nương đồng để bạn hỏi đường khi lang thang sợ lạc.

Miền núi đồi, không xa lắm Hilamlaya nên khí hậu luôn mát mẻ, thích hợp thăm viếng quanh năm.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận