Bê bối tày đình sau những bức tường Vatican

TRƯƠNG ANH NGỌC (TỪ ROME) 24/11/2015 22:11 GMT+7

TTCT - Những khoản chi vô cùng lãng phí và gây sốc, những vụ rửa tiền đáng ngờ, cuộc sống xa hoa của những người luôn kêu gọi đời sống thanh cao và giản dị, những âm mưu tống tiền và triệt hạ đối thủ, những thông tin được tuồn ra ngoài để trả thù một ai đó... Hai cuốn sách của các nhà báo điều tra Ý mới phát hành hôm 5-11 đã một lần nữa làm rung chuyển thế giới Công giáo trong bối cảnh Vatican đang làm tất cả để cải thiện hình ảnh của mình.

Nhà báo Ý Gianluigi Nuzzi trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách Via Crucis (bản tiếng Anh có tiêu đề Merchants in the temple - Những con buôn trong ngôi đền) ở Rome ngày 4-11, mô tả sự quản lý lỏng lẻo, lòng tham, nạn bè phái và tham nhũng bên trong Vatican -Reuters
Nhà báo Ý Gianluigi Nuzzi trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách Via Crucis (bản tiếng Anh có tiêu đề Merchants in the temple - Những con buôn trong ngôi đền) ở Rome ngày 4-11, mô tả sự quản lý lỏng lẻo, lòng tham, nạn bè phái và tham nhũng bên trong Vatican -Reuters

Họ không phải là những người bình thường: đức ông Lucio Angel Vallejo Balda, người Tây Ban Nha, là thư ký của Ủy ban kinh tế và quản lý của Vatican (Cosea), và bà Francesca Immacolata Chaouqui, một người Ý gốc Morocco và từng là chuyên viên PR của Hãng tư vấn tài chính Ernst & Young.

Họ là hai trong số tám thành viên tư vấn của Cosea, ủy ban đặc biệt mà Giáo hoàng Francis thành lập vài tháng sau khi được bầu vào tháng 3-2013, với mục tiêu quản lý, điều tra và xem xét lại hoạt động của tất cả các cơ quan tài chính nhiều bê bối của tòa thánh trong những năm trước đó và tư vấn cho ngài trong việc cải cách hệ thống tài chính Vatican.

Trả thù cá nhân hay đấu đá hậu trường?

Nhưng họ lại chính là những người bị bắt, sau khi bị tố cáo đã để rò rỉ hàng loạt thông tin tuyệt mật liên quan đến tài chính của tòa thánh cho hai nhà báo điều tra nổi tiếng Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi.

Hai cuốn sách ấy (có dịch sang tiếng Anh) phát hành cùng lúc ở hơn 20 quốc gia. Được báo chí gọi là “Vatileaks 2” để phân biệt với vụ “Vatileaks 1” vào năm 2012 (vụ người hầu giáo hoàng tiền nhiệm Benedict XVI là Paolo Gabriele đã chuyển hàng loạt giấy tờ tối mật của Vatican cho nhà báo Nuzzi để ông viết cuốn sách có tựa đề Sua Santita - Đức thánh cha), hai cuốn sách này là những quả bom tấn tiếp tục làm xấu đi hình ảnh của Vatican, trong lúc giáo hoàng đang nỗ lực để cải tổ sau hàng loạt bê bối nghiêm trọng.

Trong cuốn Sự tham lam: Những tài liệu về sự giàu có, xìcăngđan và bí mật của giáo hội của Francis của Fittipaldi, việc quản lý các tài sản của Vatican thông qua Cơ quan quản lý tài sản của tòa thánh (APSA), một bộ phận trực thuộc Bộ Kinh tế của hồng y George Pell, đầy rẫy những nghi vấn.

Vatican có hàng nghìn bất động sản lớn nhỏ ở châu Âu, trong đó chỉ riêng ở Rome đã có hơn 5.000 căn hộ lớn nhỏ. Tuy nhiên, APSA đã thông báo cho giáo hoàng ước tính trị giá tài sản chỉ khoảng 1 tỉ euro. Theo Ủy ban kinh tế, giá trị thị trường của các bất động sản đó cao hơn giá trị APSA đã đưa ra tới 6-7 lần.

Cuốn sách thứ hai có tựa đề Via Crucis (Đường Thánh giá, bản tiếng Anh có tiêu đề Merchants in the temple - Những con buôn trong ngôi đền) của Gianluigi Nuzzi cũng phản ánh sự quản lý tài chính lỏng lẻo của Vatican, những chi tiêu bất thường, các khoản tiền “bốc hơi” không rõ lý do, những tài khoản mờ ám, những chi phí cao đến mức phi lý cho việc phong thánh...

Những tài liệu tài chính của Vatican cho thấy Ngân hàng Vatican (IOR) có vô số tài khoản đáng ngờ có thể dính dáng đến rửa tiền và các hoạt động bất hợp pháp. Chẳng hạn trong IOR vẫn còn tài khoản mang tên các giáo hoàng Paul VI và John Paul I, những người đã chết cách đây gần 40 năm.

Theo Nuzzi, tài chính của Vatican hết sức hỗn loạn và là một trong những nguyên nhân chính khiến giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức vào tháng 2-2013.

Câu hỏi đặt ra là đức ông Balda và bà Chaouqui, những người đã chuyển thông tin này cho báo chí, được lợi gì từ việc này, ngoài việc bị bắt và có khả năng sẽ ngồi tù 3-8 năm theo luật của Vatican? Và tại sao Ủy ban kinh tế, một bộ phận đặc biệt mà giáo hoàng lập ra, lại có thể trở thành bê bối đầu tiên trong triều đại Francis?

Theo báo chí Ý, không loại trừ khả năng đây là những cuộc trả thù cá nhân. Đức ông Balda rất thất vọng vì từng được giáo hoàng hứa sẽ cất nhắc lên vị trí cao hơn trong các cơ quan tài chính của tòa thánh, nhưng rồi giáo hoàng bổ nhiệm một người khác (máy tính của ông này đã bị hack trong thời gian qua và người ta đang điều tra việc ai đã đột nhập máy tính đó để lấy đi các tài liệu tuyệt mật về tài chính của Vatican).

Theo các nhà điều tra, bằng việc đưa các tài liệu trên ra ngoài, ông Balda và bà Chaouqui có mưu đồ tống tiền một số nhân vật cao cấp tòa thánh mà họ không ưa, đồng thời muốn trả thù những ai đã tìm cách ngăn cản Chaouqui trong việc đề nghị xem xét lại những dòng tiền đáng ngờ từ Ý và quốc tế tới những tài khoản bí mật trong IOR.

IOR từng bị Viện công tố Rome điều tra về việc rửa tiền, những người đứng đầu của nó cũng đã bị nhà chức trách Ý truy tố vào năm 2011 về việc thực hiện những giao dịch đáng ngờ.

Đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Ý đã phong tỏa tất cả giao dịch qua thẻ tín dụng và máy rút tiền trong Vatican, buộc các ngân hàng của Ý ngừng giao dịch với IOR để gây áp lực buộc IOR phải tuân thủ các nguyên tắc chống rửa tiền.

Viện công tố Rome thậm chí đã tố cáo IOR giao dịch bất hợp pháp ở Ý trong suốt hơn 40 năm qua, một lời tố cáo nặng nề nhưng không phải không có cơ sở.

Nello Scavo, cây bút của nhật báo Công giáo Avvenire, tác giả quyển Những kẻ thù của Francis, cho rằng có thế lực đã từng muốn biến IOR thành một dạng ngân hàng đầu tư theo mô hình của những ngân hàng ở Lichteinstein hay Luxembourg, những “thiên đường rửa tiền”.

Tuy nhiên, giáo hoàng đã ngăn cản dự án này thành hiện thực, một phần vì những sức ép của Ý, EU và Mỹ trong việc buộc IOR phải minh bạch hóa các giao dịch, phần nữa vì muốn làm trong sạch nhà thờ. Nhưng đấy không phải là một điều đơn giản.

Trong cuốn sách của mình về mafia, một học giả người Anh đã viết một chương nói đến quan hệ mờ ám giữa IOR và mafia trong hoạt động tài chính, đồng thời không quên nhắc đến cái chết bí ẩn của giáo hoàng John Paul I vào năm 1978, chỉ một tháng sau khi được bầu (tác giả cho rằng giáo hoàng John Paul I bị ám hại vì dám động đến mối quan hệ này).

Nhưng xa hơn nữa, vụ “Vatileaks 2” có thể là một cuộc hạ gục George Pell, một nhân vật bảo thủ đầy tranh cãi trong giáo triều. Vị hồng y người Úc là bộ trưởng kinh tế của Vatican, nắm toàn bộ các bí mật tài chính và ngân sách của tòa thánh, hiểu rất rõ IOR và APSA được vận hành như thế nào.

Pell chính là một trong 13 hồng y theo xu hướng bảo thủ đã gửi lá thư ngỏ cho giáo hoàng trước Thượng hội đồng giám mục về gia đình hồi đầu tháng 10, công khai nêu lên quan điểm chống lại mọi cải cách theo hướng cởi mở của giáo hoàng liên quan đến những vấn đề về đồng tính và người Công giáo tái hôn.

Điều này, cùng với việc hồi tháng 10 linh mục Charamsa công khai đồng tính và cho ra mắt bạn tình, cũng như những tin đồn về việc giáo hoàng có u trong não được cho là nhằm hạ thấp uy tín của giáo hoàng và gây áp lực lên ngài, ngăn cản các cải cách.

Theo Scavo, Pell và nhiều hồng y chống đối giáo hoàng khác đều thuộc trường phái Bắc Mỹ bảo thủ. Họ được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của những chính trị gia thuộc phái diều hâu của Mỹ, như cựu phó tổng thống Dick Cheney và những quan chức có quan hệ mật thiết với nhà thầu quân sự Haliburton.

Chỉ cần đưa ra hai cái tên (Cheney và Haliburton) là có thể hiểu được không khí chống giáo hoàng xuất phát từ Mỹ như thế nào. Từ đó xuất phát các cuộc tấn công vào giáo hoàng trên nhiều khía cạnh, từ kinh tế, luận thuyết, môi sinh cho đến tầm nhìn địa chính trị” - Scavo nói trên tờ La Repubblica.

Giáo hoàng đã nhiều lần công kích chủ nghĩa tư bản vì lợi nhuận đã tàn phá môi sinh, hủy hoại quan hệ giữa con người, gia tăng đói nghèo và buôn bán vũ khí.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích Vatican, những gì xảy ra cho thấy trong những bức tường bí ẩn của tòa thánh đang diễn ra cuộc chiến quyết liệt về lợi ích, quyền lực và tư tưởng giữa các phe bảo thủ và cải cách, giữa hồng y Pell và hồng y người Đức Reinhard Marx.

Giáo hoàng Francis phải đối mặt với sức kháng cự từ những người dưới quyền ông trong lịch trình cải cách làm trong sạch Vatican -Reuters
Giáo hoàng Francis phải đối mặt với sức kháng cự từ những người dưới quyền ông trong lịch trình cải cách làm trong sạch Vatican -Reuters

Những ông vua xa hoa trong nhà thờ của người nghèo

Kể từ khi lên ngai vào tháng 3-2013, giáo hoàng luôn nêu cao tấm gương về cuộc sống giản dị. Ngài cất đi chiếc xe sang trọng để lên một chiếc FIAT bình thường. Ngài không sống ở nơi rộng rãi và sang trọng mà người ta vẫn dành cho giáo hoàng, mà ở nhà khách Santa Marta bên trong tòa thánh, nơi các hồng y và quan chức Vatican vẫn tới đây nghỉ trong những dịp công tác.

Thay vì ở trong căn phòng nằm phía trên văn phòng của IOR, ngài sống trong một căn phòng rộng 50m2 của Santa Marta, một hành động mang tính biểu tượng. Ngài cho lắp đặt những nhà tắm và nơi cắt tóc “dã chiến” cho người vô gia cư ở phía bên ngoài quảng trường Saint Peter.

Ngài nói những điều đáng suy nghĩ về sự tham lam của con người. Ngài kêu gọi con người chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng các hồng y của ngài sống ra sao?

Trong cuốn Via Crucis, nhà báo Gianluca Nuzzi cung cấp một danh sách dài những hồng y đang sống trong những căn hộ rộng lớn vô cùng đắt tiền. Chẳng hạn hồng y người Mỹ William Joseph Levada, tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, sống trong một căn nhà rộng 524m2 ở cách Vatican vài bước chân.

Hồng y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, sống cách đó không xa trong diện tích 500m2. Sergio Sebastiani, 84 tuổi, một thành viên cao cấp của Thánh Bộ về giám mục, cũng chỉ kém hai người trên vài chục mét vuông.

Trong khi đó, hồng y Domenico Calcagno, biệt danh là “Quý ông Rambo” vì đam mê súng trường, hiện là chủ tịch APSA, chê căn hộ công vụ là quá nhỏ nên đã cho xây một dinh thự rộng lớn trên khu đất rộng 20ha ở khu Laurentina, gần ngoại ô Rome.

Trong quyển sách của mình, nhà báo Fittipaldi viết rằng nguyên quốc vụ khanh tòa thánh Tarcisio Bertone đã dùng 200.000 euro của Quỹ Bambino Gesu, quản lý bệnh viện nhi cùng tên mà Vatican đang sở hữu, để chi trả cho việc sửa phần áp mái ngôi nhà rộng 700m2.

Dù hồng y này phủ nhận cáo buộc trên nhưng chính cựu giám đốc của quỹ đã thừa nhận điều này. Cũng theo Fittipaldi, có những hồng y khác sống như vua, chẳng hạn hồng y Pell đã chi hơn nửa triệu euro trong vòng nửa năm cho các chuyến bay hạng thương gia, quần áo và tài sản đắt tiền.

Những tiết lộ trong hai cuốn sách liệu có tạo ra cảm giác có hai cuộc sống song song trong tòa thánh: một của một người khiêm tốn và giản dị là giáo hoàng, và phía kia là của các quan chức giáo hội trong giàu sang và đặc quyền đặc lợi; hoặc là những hành động của ngài chỉ mang tính tượng trưng, còn trên thực tế cuộc sống của những người mặc áo chùng phải là như thế kia?

Nếu theo vế thứ hai, phải chăng những gì giáo hoàng nói và làm là không đúng sự thật và hiệu ứng boomerang từ những cuốn sách này có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngài?

Chỉ cần đưa ra hai cái tên (Cheney và Haliburton) là có thể hiểu được không khí chống giáo hoàng xuất phát từ Mỹ như thế nào. Từ đó xuất phát các cuộc tấn công vào giáo hoàng trên nhiều khía cạnh, từ kinh tế, luận thuyết, môi sinh cho đến tầm nhìn địa chính trị.

Cây bút Nello Scavo của nhật báo Công giáo Avvenire, tác giả quyển Những kẻ thù của Francis, nói trên tờ La Repubblica

Điều đó thời gian sẽ trả lời. Nhưng những gì mà Fittipaldi viết có thể khiến không ít người sững sờ. Fittipaldi viết rằng Vatican rất giàu nhờ tiền quyên góp và nhiều hoạt động liên quan đến các tài sản sở hữu. Nhưng chỉ một phần rất nhỏ tiền quyên góp được chi cho các hoạt động từ thiện vì người nghèo, còn phần lớn được giữ lại để phục vụ các hoạt động của tòa thánh và cả các hồng y.

Theo Fittipaldi, chương trình bác ái “Quyên góp đồng xu Thánh Peter” đã thu được tới 400 triệu euro, nhưng chỉ được chi rất ít cho người nghèo. Vì sao điều này xảy ra với Vatican, dường như đang biến thành một tập đoàn tài chính và áp phe hơn là một thể chế đạo đức, trong khi giáo hoàng luôn kêu gọi tiết kiệm, sống giản dị và dành những quyên góp cho người nghèo?

Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là việc APSA sở hữu một danh mục đầu tư có tổng giá trị lên đến 475 triệu euro, một khoản tài chính mà theo các tác giả là không đúng chức năng và nhiệm vụ của cơ quan này.

Fittipaldi cho rằng không giống như IOR, ngân sách của APSA không được coi là tài sản công cộng và do đó rất thiếu minh bạch. Dựa trên các tài liệu tối mật bị rò rỉ, Fittipaldi tố cáo APSA đã hoạt động như một tổ chức tín dụng và nhiều khoản tiền trong số đó đã được chuyển đi một cách mờ ám và chỉ gần đây mới được phát hiện.

Chẳng hạn như một khoản 2 triệu euro đầu tư của APSA được một giám đốc ngân hàng “thân hữu” của cơ quan này chuyển sang Thụy Sĩ trước khi luật chống rửa tiền được Vatican áp dụng. Trong một báo cáo, Cơ quan kiểm soát tài chính (AIF), một tổ chức độc lập hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của giáo hoàng, khẳng định rằng “một ai đó” đã sử dụng APSA cho việc rửa tiền. Và việc này có sự tiếp tay của chính APSA.

Trên thực tế, APSA và IOR từ lâu đã bị tố cáo không minh bạch tài chính trong nhiều thập kỷ. Sự giàu có của Vatican, sự giàu sang và đời sống phú quý của nhiều giáo chức Vatican có liên hệ gì với sự thiếu minh bạch đó là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.

Việc liệu IOR từ một ngân hàng của Vatican đã trở thành một thiên đường trốn thuế, rửa tiền và cất giữ hoặc trung chuyển các khoản tài chính đáng ngờ từ mafia cũng là một câu hỏi mà cơ quan điều tra Ý đã đặt ra từ lâu.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2010 do sức ép của Rome về việc minh bạch hóa các hoạt động tài chính nhằm chống rửa tiền, AIF đã đóng lại gần 5.000 tài khoản “có vấn đề”, trong đó có gần 600 tài khoản thuộc về các doanh nghiệp và chính trị gia Ý, những người đã sử dụng IOR cho các hoạt động làm ăn của mình, hoặc cụ thể hơn, chuyển tiền vào đó để trốn thuế ở Ý.

Theo Fittipaldi, trong IOR vẫn còn hàng chục tài khoản, với những cái tên “có thể gây ra bối rối” cho Vatican nếu bị đưa ra ánh sáng!

Hai cuốn sách mới xuất bản và một số cuốn trước đó cũng của hai tác giả này đã vẽ nên một bức tranh sống động về những gì xảy ra trong lòng Vatican, một quốc gia nhỏ bé đầy quyền lực về tinh thần và giàu có về tài sản, nhưng ẩn chứa bao điều bí ẩn và thiếu minh bạch trong công tác tài chính, với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến quản lý tiền bạc và nhân sự.

Trong bối cảnh ấy, Giáo hoàng Francis tuyên bố sẽ vẫn tiến về phía trước trong những cải cách lớn của mình. Dĩ nhiên ngài muốn thực hiện những điều đó trong im lặng hơn là thấy những bê bối này phơi bày cho công chúng. “Giáo hội của người nghèo cho người nghèo, điều mà Giáo hoàng Francis mong muốn, hiện tại vẫn là điều viễn tưởng” - Fittipaldi nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên nhật báo Corriere della Sera.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận