Bóng đá thời mạng xã hội lên ngôi

HUY ĐĂNG 07/03/2019 13:03 GMT+7

Cách đây một năm, có ai ngờ được có ngày Juventus đuổi kịp Real Madrid (R.M) về lượng người hâm mộ, còn khán giả Việt Nam rùng rùng chuyển sang xem… Thai League.

Rất nhiều CĐV đã theo chân Ronaldo chuyển từ Madrid sang cổ vũ Juventus. Ảnh: Goal.com
Rất nhiều CĐV đã theo chân Ronaldo chuyển từ Madrid sang cổ vũ Juventus. Ảnh: Goal.com

Ấy vậy mà những chuyện kỳ lạ đó đã diễn ra, theo chân những thương vụ chuyển nhượng cá nhân: Cristiano Ronaldo rời Madrid để sang đất Ý, còn Đặng Văn Lâm và Xuân Trường xuất ngoại đến Thái Lan.

Một mình Ronaldo chấp cả Madrid

Madrid sa sút sau sự ra đi của Ronaldo là chuyện có thể dự đoán trước từ hồi mùa hè - khi tiền đạo người Bồ Đào Nha được bán sang Juventus với giá 117 triệu euro. Thật ra, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha thụt lùi về thành tích hơn nửa năm qua không chỉ vì mỗi Ronaldo. Họ cũng mất cả HLV Zinedine Zidane, và cả những khát khao thi đấu từ các trụ cột khác như Luka Modric, Karim Benzema, Sergio Ramos… vì đã quá no nê danh hiệu 3 năm qua.

Nhưng sự ra đi của Ronaldo lại tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực nặng nề về người hâm mộ, và có thể dẫn đến các hậu quả lớn khác về tài chính cho đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Ở mùa giải năm ngoái, lượng CĐV trung bình trên sân nhà của Madrid là gần 66.000 người/trận. Nhưng đến mùa giải năm nay, con số này chỉ còn hơn 62.000 người/trận. Cuối tuần rồi, Madrid tiếp Barcelona trong trận cầu “siêu kinh điển” với hơn 2.000 ghế trống trên khán đài - chuyện không tưởng ở Santiago Bernabeu.

Nếu xét lượng người hâm mộ qua các phương tiện mạng xã hội, sự thụt lùi của Madrid càng thê thảm. Suốt nhiều năm trước đây, Madrid luôn đi đầu về sức hút trên mạng xã hội. Năm 2016, lượng người theo dõi họ trên Facebook là 93,7 triệu, đến năm 2017 họ cán mốc 100 triệu, và giữa năm 2018 - thời điểm trước khi Ronaldo rời đi - là 107,8 triệu. Tức là khi có Ronaldo, mỗi năm trang Facebook của Madrid đều đặn đón thêm 6-7 triệu người theo dõi. Nhưng đến thời điểm này của năm 2019 - con số tương ứng mới chỉ là 109,4 triệu. Từ khi Ronaldo ra đi, tốc độ gia tăng lượt theo dõi trên mạng xã hội của R.M đã giảm hơn 60%!

Sự đi xuống của Madrid càng nhức nhối hơn nếu đặt cạnh Juventus - đội bóng “đổi đời” trên mạng xã hội sau một đêm. Những CLB Ý chưa bao giờ được đánh giá cao về cách làm tiếp thị, quảng cáo, thu hút người hâm mộ…, nhưng Ronaldo đã thay đổi tất cả. Trước khi tiền đạo người Bồ Đào Nha đặt chân đến Torino, lượng người theo dõi Juventus trên Facebook chỉ là 32 triệu, nhưng con số hiện tại đã là hơn 37 triệu. Tính cả Twitter lẫn Instagram, lượng theo dõi Juventus tăng khoảng 25% nhờ thương vụ Ronaldo.

“Thời đại công nghệ đã thay đổi người hâm mộ bóng đá như thế nào?” - Hãng tin CNN mới đây thực hiện một bài viết dài phân tích về xu hướng của CĐV thời đại mới: họ yêu mến, thần tượng cầu thủ hơn xa CLB. Tức nhiều CĐV ủng hộ Madrid đơn thuần chỉ vì họ yêu thích Ronaldo hoặc Gareth Bale, chứ không hề vì cảm tình với triết lý, truyền thống, lịch sử của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Trên Facebook, lượng người theo dõi Ronaldo là 122 triệu, trong khi Madrid chỉ có 119,4 triệu.

Tom Elsden - chuyên gia tiếp thị ở Trung Quốc - thảng thốt về xu hướng này: “Đây có lẽ là sự thay đổi lớn nhất lịch sử về xu hướng cổ vũ ở Trung Quốc mà tôi từng chứng kiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, Madrid đánh mất rất nhiều CĐV vào tay Juventus”. Có thể hiểu được khi người Trung Quốc thay đổi sở thích, vì Madrid hay Juventus dù gì cũng chẳng phải đội bóng địa phương của họ.

Thai League lấn V-League trên mạng

Ronaldo-Madrid-Juventus không hề là câu chuyện ngoại lệ của thế giới bóng đá. Từ cấp độ siêu sao đứng đầu thế giới cho đến nhóm “vùng trũng” Đông Nam Á, tất cả đều như nhau. V-League 2019 đã khởi tranh và như thường lệ, vẫn lèo tèo khán giả đến sân dù bầu không khí bóng đá VN đang cuồng nhiệt hơn bao giờ hết sau liên tiếp những thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo.

Trớ trêu là trong khi V-League không nhận được cú hích nào, Thai League thì lại có thêm đội ngũ CĐV mới từ VN, nhờ vào hai thương vụ Muangthong mua Đặng Văn Lâm và Buriram mua Lương Xuân Trường.

Thông tin về giải vô địch quốc gia Thái Lan cùng Hàn Quốc (CLB Incheon của K-League cũng đang sở hữu Công Phượng) dày đặc trên mạng xã hội VN. Nhất cử nhất động của bộ ba Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng trong màu áo các CLB nước ngoài đều được báo chí trong nước dõi theo và đưa tin rất kỹ càng.

Đừng trách giới truyền thông “sính ngoại”, bởi một tin bài Công Phượng đá trận giao hữu cho Incheon cũng có lượng “view” cao gấp 10 lần những tin bài về V-League.

Nếu xét về sức hút trên mạng xã hội, các ngôi sao của VN càng bỏ xa những đội bóng cũ của họ. Đặng Văn Lâm có trên 856.000 người theo dõi trên Facebook, trong khi đội bóng số một VN là Hà Nội T&T chỉ có vỏn vẹn khoảng 137.000.

Simon Chadwick - giáo sư ngành kinh tế thể thao của Đại học Salford - tin rằng sự hiện diện của mạng xã hội càng làm tăng xu hướng thần tượng các ngôi sao thay vì yêu thích truyền thống đội bóng. “Đây là điều không hề có trong những thập niên 1960-1990. Nhưng rồi thế kỷ 21 với sự bùng nổ về công nghệ và tiếp thị đã làm thay đổi suy nghĩ của giới trẻ. Bóng đá cũng là một phần cuộc sống, và giới trẻ ngày nay thích chiêm ngưỡng các biểu tượng cá nhân hơn là truyền thống của đội bóng. Điều đó đến từ cách làm quảng cáo, nhắm vào một cá nhân sẽ dễ dàng hơn nhiều. Mạng xã hội càng làm giới trẻ dễ dàng theo dõi thần tượng của họ hơn” - Chadwick phân tích.

Với những người làm bóng đá, đây thực sự là một xu hướng gây đau đầu. La Liga kém hấp dẫn đi hẳn sau sự ra đi của Ronaldo, V-League sẽ ra sao nếu sau vài năm nữa toàn bộ thế hệ ngôi sao Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu… đều xuất ngoại?

Đây là câu hỏi những nền bóng đá của Đức hay Anh đã phải tính đến từ hàng chục năm trước. Nhà báo Vũ Công Lập, người đặc biệt am hiểu bóng đá Đức, kể: “Ở Đức, các CLB luôn suy nghĩ về việc xây dựng sự gắn bó mật thiết giữa CĐV và đội bóng, họ xem CĐV như một phần trong gia đình lớn là đội bóng. Họ tổ chức những cuộc thi hằng tuần, hằng tháng cho CĐV, phần thưởng không phải hiện vật mà là một bữa ăn tối với cầu thủ ngôi sao của đội, hay vinh dự cầm cờ xuống sân… Những đội như Hamburg và Dortmund còn xây dựng nghĩa trang cho người hâm mộ. Cứ như vậy, đội bóng dù có mất ngôi sao, có xuống hạng đi nữa thì CĐV vẫn luôn bên cạnh, vì đội bóng là một phần của gia đình”.

Người Anh cũng có nhiều cách thức “gia đình hóa” đội bóng để tạo ra lượng CĐV trung thành. Ở sân Emirates của Arsenal, phần đất bao quanh sân in chi chít tên người hâm mộ. Bằng cách khắc tên những gia đình lên viên gạch ở Emirates, Arsenal đã khiến các CĐV “Pháo thủ” trung thành với đội bóng qua nhiều thế hệ.

Với những đội giàu truyền thống như Manchester United hay Liverpool, sự gắn bó càng lớn hơn. Người dân thành phố Liverpool có một câu nói thể hiện điều này: “Bạn có thể đổi vợ, đổi tôn giáo, nhưng không thể đổi màu áo”!■

Tất nhiên, với những người hâm mộ nước ngoài thì việc xây dựng lòng trung thành cho CĐV là rất khó. CĐV Trung Quốc - thị trường bóng đá hấp dẫn nhất thế giới - càng đặc biệt dễ dao động. Sự kiện Ronaldo chuyển đến Juventus giúp trang Weibo (mạng xã hội của Trung Quốc) của đội bóng này tăng đến gần 80% lượng người theo dõi. Trong khi đó, trang Weibo của Madrid lại mất hàng chục ngàn người theo dõi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận