Bún bò Huế ủy ban

HẢI MINH 13/08/2016 15:08 GMT+7

TTCT- Có gì giống nhau giữa UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Christian Louboutin, hãng giày dép và thời trang xa xỉ hàng đầu ở Pháp?

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Một câu hỏi mà ngay cả việc nêu ra cũng lạ lùng, nhưng sau tuần rồi đã có thể tìm thấy một điểm chung: cả hai đều tìm cách sở hữu độc quyền một thứ không thể thuộc về ai cả! 

Các năm 2011-2012, Hãng Louboutin đã kiện hàng loạt đối thủ trong ngành giày dép và thời trang, đòi độc quyền thiết kế màu đỏ dưới đế những đôi giày của họ. Cả ở Mỹ và châu Âu, đơn kiện của Louboutin đều bị tòa bác bỏ.

Thẩm phán ở Mỹ phán quyết rằng không nhà thiết kế thời trang nào được phép độc quyền một màu sắc cụ thể, vì mọi nghệ sĩ phải được tiếp xúc với bảng màu đầy đủ thì mới giúp sự sáng tạo của họ thăng hoa hết.

Tương tự trong nghệ thuật bún bò, nếu mỗi gánh bún bò Huế là một tác phẩm nghệ thuật thì người nấu đương nhiên là nghệ sĩ, và thật khó cho họ khi bị bó buộc trong “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế” như ý đồ giữ nguyên bản món ăn quốc hồn quốc túy của xứ Huế này nơi ủy ban, với đủ thứ những “cảm quan đối với sản phẩm”, “các yêu cầu của nguyên vật liệu chính”, “bảng tiêu chí chứng nhận”... mà phương pháp đánh giá chủ yếu chỉ là cảm quan!

Trong cuộc đấu trí ở tòa án Mỹ giữa Louboutin với các địch thủ, đủ thứ bằng chứng lịch sử văn hóa đã được trưng ra.

Louboutin nói họ là hãng đầu tiên nghĩ ra việc để màu đỏ dưới đáy chiếc giày, nhưng các hãng đối thủ nói điều đó không đúng: nhà thiết kế đầu tiên được lịch sử ghi nhận làm thế là vua Louix XIV thế kỷ 18.

Thẩm phán đã nói với Louboutin rằng vụ kiện của họ không khác gì việc Picasso kiện Monet ra tòa vì dùng chung một màu xanh lam trong những loạt tranh Blue PeriodWater Lillies.

Tương tự, chừng nào chúng ta chưa thể quyết định được “bún bò Huế nguyên bản” là gì (sẽ khác nhau tùy theo cảm quan, nhận thức và trải nghiệm của mỗi người), thì thật phi lý khi tìm cách “đồng phục hóa” một món ăn phổ biến với đủ biến thể không chỉ từ Nam chí Bắc mà cả ở tận trời Tây như vậy.

(Chẳng hạn, báo mạng Orange County Register trong mục ẩm thực ngày 20-4-2016 có bài giới thiệu nhà hàng Ngu Binh (có lẽ là Ngự Bình) ở Westminster với một tô bún bò Huế hẳn phải làm những nhà quản lý bún bò ủy ban phát điên, nhưng có lẽ khó mà chế tài họ được dù có muốn hay không)!

Phải công nhận rằng tâm hồn, ít ra là tâm hồn ăn uống, phải bay bổng lắm thì mới nghĩ ra được chuyện sở hữu thương hiệu “bún bò Huế”, và còn hơn nữa lập ra một bộ quy chuẩn thành văn gần 6.000 chữ cầm tay chỉ việc chuyện một tô bún bò Huế phải được nấu ra sao, trong khi vẫn không phân biệt được rõ chuyện thế nào là một “nhãn hiệu tập thể”, thế nào là một “nhãn hiệu chứng nhận”!

Mặc dù sau ba lần giải thích đi giải thích lại của các lãnh đạo ở hiệp hội du lịch và ủy ban thì đã rõ là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ chỉ sở hữu cái logo với màu nền nhã nhặn chứ không (và rõ ràng là không thể) sở hữu nhãn/thương hiệu “bún bò Huế”, thì vẫn còn quá nhiều câu hỏi với một văn bản sẽ đi vào lịch sử vì không chỉ là dự thảo mà đã được ký ban hành như thế.

Quá nhiều điều khó hiểu trong 18 trang văn bản, chẳng hạn điều 6: “UBND Thừa Thiên - Huế là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận”. Tại sao ủy ban lại thiết tha với một nhãn hiệu như thế trong khi Thừa Thiên - Huế với hơn 1,1 triệu dân và là một trung tâm du lịch của cả nước, không thể là một tỉnh ít việc với cả hiệp hội lẫn ủy ban?

Việc xin độc quyền một thương hiệu, đi kèm với logo, có tính cách thương mại như bún bò Huế thường là việc của doanh nghiệp hơn là của một cơ quan quản lý nhà nước.

Nhưng chuyện này cũng đặt ra một vấn đề rất nghiêm túc: việc bảo vệ các nhãn hiệu và thương hiệu có thể cụ thể tới mức độ nào?

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thật ra không phải là tổ chức đầu tiên tìm cách “vơ vào” một thương hiệu tầm cỡ (nhưng không thể độc quyền) như bún bò Huế, nhưng với một đất nước mà tỉnh nào cũng có đặc sản, vùng nào cũng có niềm tự hào riêng như Việt Nam thì những tìm hiểu về chỉ dẫn địa lý, quyền bản quyền và tính khả thi của những quyết định hành chính như “bún bò Huế ủy ban” đã gợi ra một cuộc tranh luận có thể lớn và bổ ích hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận