Các "gia trưởng" hãy là bạn hiền

DUYÊN TRƯỜNG 10/03/2012 20:03 GMT+7

TTCT - TTCT trò chuyện cùng TS Trần Thị Giồng về một đề tài liên quan trực tiếp và sâu sắc đến phụ nữ: hình ảnh người cha hiện nay trong mắt con cái!

TS Trần Thị Giồng là chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục. Liên tục từ năm 1994, cô hoạt động tư vấn, viết báo, viết sách, đồng thời giảng dạy tại một số trường đại học và cơ sở giáo dục về tư vấn tâm lý và nhân cách học... 


Tiến sĩ Trần Thị Giồng - Ảnh: Gia Tiến


* Thưa cô, từ đâu mà câu chuyện hình ảnh người cha trong mắt con cái được bộc lộ?

- TS Trần Thị Giồng: Khi giảng dạy bộ môn tư vấn tâm lý, chúng tôi luôn ra bài tập thực hành tại chỗ “Giải quyết xung đột bằng phương pháp nhập vai”. Sinh viên nào tình nguyện thực hành sẽ phải vào vai và thể hiện vừa là chính mình, vừa là người xung đột của mình với một chiếc ghế trống. 

Thực tế, các bạn trẻ hiện nay thường gặp xung đột với bạn bè cùng lớp, cùng phòng (ký túc xá, nhà trọ), với người yêu, nhưng điều đáng nói, đáng suy nghĩ nhất, chiếm tỉ lệ rất cao (đến hơn 2/3 trường hợp) chính là người cha của các em, nhiều hơn cả là với những người cha ở thôn quê, hay thuộc tầng lớp bình dân! Rất nhiều “ca” sau đó tôi phải tư vấn tâm lý trực tiếp và lâu dài cho từng em (dĩ nhiên là ngoài giờ học). 

Số lượng nam và nữ sinh viên tự nguyện tham gia bài tập này gần như tương đương, nhưng các em nữ thường diễn tả cảm xúc tốt hơn, dễ dàng hơn… Qua lời nói và cảm xúc của các em có thể thấy số lượng bạn trẻ thật sự yêu quý cha rất ít, và điều này rất khác xa khi các em nói về mẹ của mình!

“Cha con là vậy đó… “

* Chắc chắn đó là những câu chuyện đầy nước mắt?

- Nhiều em đã ôm lấy tôi, nắm tay tôi và khóc suốt ngay tại lớp, nhiều lúc tôi phải đứng yên rất lâu để không ngăn cản dòng cảm xúc của các em đang tuôn trào, có khi đến cả giờ. Câu chuyện của các em cứ đứt nghẹn trong nước mắt. Các em cứ nức nở: “Cha con vậy đó… Cha con vậy đó…”.

* Thưa cô, cái “vậy đó” cụ thể là cái gì?

- Là tình trạng đứa con phải chứng kiến người cha chà đạp, hành hạ, xúc phạm, gây tổn thương người mẹ (và cả bản thân mình) bằng hành động và lời nói. Các bậc “gia trưởng” quen nếp “chồng chúa vợ tôi” thường xuyên áp đặt, sai khiến, đổ việc, khoán trắng  nhưng lại xử sự nhỏ nhen, chấp nhặt, suốt ngày nhiếc móc, đay nghiến, khinh rẻ và bạo hành vợ con cả thể xác lẫn tinh thần! Cảnh tượng đó diễn ra gần như hằng ngày, kéo dài hết năm này sang năm khác khiến không khí gia đình luôn ngột ngạt, căng thẳng, ức chế… 

Cũng có em diễn tả cha mình là những kẻ ăn nói ba hoa, khoác lác, huênh hoang, thô lỗ, tục tằn nhưng lại không làm tròn bổn phận, không làm được gì nên chuyện cho gia đình. 

Khá phổ biến là chuyện người cha nghiện rượu hoặc thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, không làm chủ được bản thân, dễ bị kích động, quát mắng vô cớ, đập phá đồ đạc, đánh đập vợ con… Các em cũng có kể ra, dù ít hơn và thường đề cập lúc sau cùng, là chuyện ngoại tình của cha! Trong đó có những ông bố gom góp hết tiền của rồi bỏ nhà đi biền biệt với người tình, đến khi tay trắng hoặc bệnh tật lại quay về với vợ con…

* Sự xung đột tâm lý ấy trong bản chất là như thế nào?

- Trong bề sâu của tâm thức, chính là đứa con không chấp nhận tư cách của người cha! Điều ấy thể hiện thành thái độ bất mãn, cảm xúc đau đớn, dằn vặt, sợ hãi và hơn nữa là cảm giác xấu hổ về cha, thậm chí căm thù cha. Có một nữ sinh viên từng tâm sự cùng tôi là em đã nhiều lần (chứ không phải một lần) nằm mơ thấy mình tự tay giết cha. Đáng nói hơn, trong các giấc mơ ấy luôn có chị và em của em giúp em… chôn thi thể cha!  

Những vụ án con giết cha mà báo chí đã nêu thực tế là hành động bột phát nảy sinh từ những dồn nén rất lâu bên trong vô thức của đứa con vốn không chấp nhận đấng sinh thành.

Thật đáng tiếc cho những bạn trẻ ấy phải lớn lên trong hình ảnh méo lệch của người cha, nhưng đến lượt mình nhân cách các bạn ấy sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, sẽ phát triển không quân bình… 

Một khi thường xuyên sống trong sợ hãi và bất mãn, các bạn trẻ ấy khi lớn lên hoặc trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi thói nói dối, làm dối, che giấu hoặc lẩn tránh sự thật, mặt khác sẽ thường xa lánh mọi người, sống khép kín, giao tiếp kém và dễ xung đột với người khác. Lúc nhỏ tuổi trẻ có thể kìm nén, nín nhịn nhưng khi trưởng thành, trong hoàn cảnh nhất định có thể bộc lộ thành những hành động bất ngờ gây hậu quả khôn lường. 

Còn xét về mặt xã hội, lớp người cha mất tư cách trong mắt con cái hôm nay sẽ góp phần tạo ra cho tương lai một lớp đàn ông mới với những giá trị nam tính lệch lạc. Họ sẽ tiếp tục làm như những gì cha họ đã làm dù trước đó từng mong muốn thoát khỏi chúng.


Minh họa: Vũ Đình Giang


Món quà tốt nhất: yêu thương con cái 

* Vậy đâu là nguyên nhân của câu chuyện này? 

- Trước hết, xã hội chúng ta tuy đã có những tiến bộ rất lớn về bình đẳng giới, nhưng gốc vẫn là văn hóa trọng nam khinh nữ. Tư tưởng “quân - sư - phụ” đâu phải đã hết, tập quán nhiều nơi vẫn còn chuyện đàn ông không có con trai không được ngồi mâm trên, con gái không được cầm lư hương đưa tang ông mình, cha mình… Thứ hai, gia đình hiện nay giáo dục con trai không tốt, không kỹ. 

Trẻ trai có vị trí cao hơn trong nhà, được cưng chiều, nhiều đặc quyền đặc lợi nhưng không được học cách biết nhường nhịn, biết quan tâm, chăm sóc người khác… Tất cả đã góp phần tạo nên bên trong mỗi người đàn ông một tâm lý tự tôn: xem mình hẳn nhiên phải hơn, phải trên phụ nữ, hay ít nhất cũng không được thua kém phụ nữ!

* Nhưng không lẽ ngoài nguyên nhân văn hóa và gia đình, xã hội lại vô can trước thực trạng trên?

- Tất nhiên là không. Khung cảnh xã hội hiện nay với tình trạng suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, khi mọi người giành giật nhau trong cuộc đua thu tích về vật chất, sự giả dối và lối sống hai mặt trở nên bình thường, tình trạng ăn chơi bê tha với cờ bạc, rượu chè, trai gái lan tràn… dường như làm con người ngày càng trở nên thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế hơn bao giờ hết. Điều đó tạo thành “tấm gương” thúc đẩy những gì diễn ra trong gia đình càng thêm mạnh, càng thêm rõ nét! 

Rõ ràng giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách của xã hội ta hiện nay đang là vấn đề rất lớn.

* Ngạn ngữ có câu: Món quà tốt nhất, có ý nghĩa nhất mà một người đàn ông có thể dành tặng cho vợ mình chính là yêu thương con cái. Cô nghĩ sao về điều này?

- Đúng thế. Và tôi xin nói thêm là yêu thương con cái, suy đến cùng, chính là làm cho các con hãnh diện, tự hào về cha của chúng! Đó là tài sản lớn nhất người cha để lại cho con. Uy tín của người cha là sức nặng và là hiệu quả của việc giáo dục. 

Hạnh phúc lớn cho những ai có được tình yêu kính dành cho cha mình! Vì một người cha tốt là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, là hình ảnh của con cái sau này. Vì người cha tốt sẽ cùng với người mẹ vun đắp cho những đứa con một tương lai tốt đẹp, không phải bởi của cải, quyền thế hay danh tiếng, trước hết chính là bằng sự phát triển nhân cách hài hòa, quân bình trong yêu thương, tôn trọng và hướng thượng. 

* Nhân dịp này, xin cô có vài lời với các ông?

- Chúng tôi kính mong các bậc “gia trưởng” hãy trở thành bạn hiền. Bạn hiền là biết tôn trọng và chấp nhận trọn vẹn người vợ đầu ấp tay gối. Bạn hiền là biết thừa nhận những nỗ lực, những đóng góp, hi sinh không kể ngày đêm cho mái ấm gia đình của người bạn đời trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Bạn hiền là biết trân quý những gì “một nửa kia” đã dành tặng mình từ bữa cơm, tấm áo, ngôi nhà yên ấm… đến những đứa con như là tặng vật vô giá của tình yêu. 

Bạn hiền là người đồng hành thật sự trong trách nhiệm, trong quyền và bổn phận nuôi dưỡng, dạy dỗ và chăm sóc từng người con và suốt đời!


Tôi yêu bố bằng một tình yêu không trọn vẹn

Có một ông bố say rượu nghĩa là bạn sẽ yêu bố mình bằng một tình yêu không trọn vẹn. Bởi vì khi say, bố của bạn trở thành một con người hoàn toàn khác. Người cha từng dạy bạn những điều tuyệt vời nhất trong đời sẽ quay ngoắt thành một tên bợm đáng ghét. Bạn càng yêu bố mình khi ông tỉnh, lại càng căm ghét những gì ông làm khi say xỉn. 

Tuổi thơ của tôi có thể nói là đủ ăn đủ mặc, tôi chưa từng quên ơn bố vì những điều đó. Nhưng mặt khác, đó cũng là chuỗi ngày dài nghe mẹ than khóc vì những ngày bố về khuya và quát tháo mẹ trong cơn say. 

Đứa trẻ ngày nào khóc vì lo khi bố về trễ giờ đã thành một thanh niên có chút bàng quan trước bố ruột của mình. Nếu có một ngày bố ngã gục vì bia rượu, tôi có lẽ sẽ lo cho bố vì bổn phận làm con nhưng chắc tôi sẽ không quá đau buồn. Vì chính bố đã lựa chọn rượu bia mỗi ngày thay vì tình yêu của vợ con ông, chọn sự căng thẳng thay vì hòa thuận cho gia đình, chọn bệnh tật thay vì sức khỏe.

Tôi cảm thấy tội lỗi vì giữ những suy nghĩ này trong đầu. Tôi đã luôn cầu nguyện rằng bố sẽ từ bỏ bia rượu để tôi có thể nghĩ về bố bằng những ký ức tươi đẹp. Nhưng bố chưa từng một lần thử giải thoát cho tôi khỏi những ám ảnh này...


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận