Cách mạng 4.0 và nỗi đau đầu ngành thuế

TRƯỜNG SƠN 09/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - Nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ - sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những thay đổi lớn trong ngành thương mại, và kèm theo đó là cơn đau đầu cho ngành thuế các nước.

moneysense.caCuộc cách mạng 4.0, được cho là sẽ thay đổi mọi thành phần của nền kinh tế, từ người mua kẻ bán đến mô hình kinh doanh. Khách hàng giờ đây chỉ với chiếc smartphone có thể mua xuyên biên giới và thanh toán xuyên biên giới.

Và trên hết là sự xuất hiện của nền kinh tế chia sẻ - bất kỳ ai cũng có thể tham gia vừa với vai trò là người cung cấp dịch vụ vừa là khách hàng, trong khi các công ty công nghệ đứng giữa - với vai trò “cung cấp giải pháp” và “kết nối người mua kẻ bán” - thu lợi lớn chỉ bằng việc thu “phí dịch vụ”.

Ngành thuế bị "qua mặt" ra sao

Trong bài viết “Thuế về nền kinh tế chia sẻ” trên Forbes tháng 7 năm ngoái, tác giả Ryan Ellis mô tả các hình mẫu kinh doanh mới như Uber hay Airbnb thực sự là thách thức với các nhà hoạch định chính sách thuế bởi không dễ xác định chính xác vai trò của những thành phần tham gia trong đó.

Chẳng hạn, nếu ta đặt một cuốc Uber, phần lớn số tiền (80%) mà ta chi cho dịch vụ này sẽ chui vào túi của tài xế. “Ta trả tiền cho bác tài, vậy anh ấy là người làm thuê cho ta?” - tác giả viết và tự trả lời: “Rõ là không phải”.

Nếu vậy người tài xế đó là nhân viên của Hãng Uber? Vẫn không đúng. “Một điều có vẻ chắc chắn là người tài xế này đang tự làm thuê cho chính mình và cung cấp một dịch vụ có tính cá nhân cho đại chúng” - Ellis viết.

Chính sự rối rắm đó khiến các chính sách thuế được xây dựng thời “tiền thương mại điện tử” trở nên lỗi thời, và việc cập nhật các quy định, như thực tế cho thấy hoàn toàn không dễ dàng.

Financial Times ngày 4-1 cũng đặt ra bài toán tương tự, lấy ví dụ từ dịch vụ thuê nhà trọ Airbnb. Tác giả bắt đầu bằng ví dụ: giả sử doanh nghiệp A và B cùng cung cấp một dịch vụ như nhau, nhưng toàn bộ tài sản (công cụ sản xuất) của doanh nghiệp A đều thuộc sở hữu của doanh nghiệp này, trong khi doanh nghiệp B lại thuộc sở hữu của nhân viên.

Sau mỗi giao dịch, nhân viên công ty A và B đều gửi lại một khoản cho hãng, gọi là phí điều hành. Câu hỏi là liệu hai doanh nghiệp trên sẽ được luật thuế điều chỉnh giống nhau hay khác nhau?

Để tìm lời giải, Financial Times nghiên cứu trực tiếp dịch vụ Airbnb ở London, nơi hãng này đạt giá trị giao dịch lên đến 600 triệu USD hồi năm 2016. Theo đó, một giao dịch đặt phòng khách sạn thông thường sẽ phải đóng 20% thuế giá trị gia tăng (VAT).

Song, nếu căn hộ/phòng trống cho thuê qua Airbnb, không phải đóng VAT, miễn là số tiền thu được dưới 83.000 bảng. Với vai trò cung cấp công nghệ trung gian, Airbnb sẽ thu 6-12% trị giá giao dịch từ “người thuê” và 3% từ “người cho thuê”, và sẽ chỉ phải đóng thuế VAT cho phần “phí dịch vụ” này.

Chủ nhà vẫn phải đóng thuế bất động sản, song mức thuế được áp theo dạng cá nhân và thấp hơn nhiều so với thuế dành cho doanh nghiệp (khách sạn).

Dễ thấy khách sạn truyền thống là doanh nghiệp A và Airbnb chính là doanh nghiệp B trong bài toán ban đầu. Rõ ràng, cách tính thuế với hai bên không giống nhau, và bên B có lợi hơn hẳn so với A, tức người tham gia “nền kinh tế chia sẻ” có ưu thế cạnh tranh tốt hơn đối thủ truyền thống.

Financial Times cho rằng Airbnb, Uber hay các ứng dụng tương tự không phải là “nhà cung cấp dịch vụ”, cũng không phải “doanh nghiệp truyền thống với tài sản hữu hình” (Uber không sở hữu chiếc xe nào và Airbnb không có căn hộ nào) mà là “hình thức lai” của hai loại hình nói trên, và vì thế chúng phải được điều chỉnh bởi những quy định, chính sách về thuế khác hẳn với loại hình doanh nghiệp truyền thống.

“Nhà chức trách và cơ quan thuế vụ cứ máy móc áp dụng cách làm cũ với những doanh nghiệp này thì chỉ thu được kết quả tồi tệ mà thôi” - Financial Times kết luận.

Chuyện ở Mỹ và Kenya

Chính phủ không thể ngăn cản sự thay đổi, mà trái lại, phải tìm cách để đối phó với các thực tế kinh tế mới này và tìm cách “gắn” các mô hình kinh doanh mới vào hệ thống pháp luật của mỗi nước

(The Next Web)

Câu chuyện gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Amazon với cơ quan thuế ở từng bang của nước Mỹ có thể là minh họa rõ ràng nhất cho việc các chính sách thuế trở nên lỗi thời thế nào trong thời của thương mại điện tử.

Thu thuế mua hàng (sales tax) trên Amazon đang là câu chuyện nóng hổi ở Mỹ, khi Missouri trở thành bang mới nhất nơi người mua phải trả thêm thuế này khi mua sắm trên Amazon.

Theo danh sách do chính Amazon công bố, đến ngày 24-2, tại Mỹ hãng này đã đồng ý tính thêm thuế mua hàng vào giá sản phẩm cho người mua đến từ 38 bang và thủ đô Washington. Mức thuế tùy từng bang quy định (ví dụ ở Missouri là 4,225%) và sẽ được Amazon nộp vào ngân sách bang. Vì sao lại chỉ có chừng ấy bang, và vì sao mãi đến hôm nay Amazon mới thu thuế này?

Theo CNBC, nguyên nhân là vì Amazon, cũng như nhiều công ty bán lẻ trực tuyến khác, đã khéo vận dụng một điều luật có từ năm 1992 - trước khi thương mại điện tử bùng nổ.

Theo đó, chính quyền các bang không được quyền buộc nhà bán lẻ phải thu thêm thuế bán hàng trừ khi công ty này có “sự hiện diện vật lý” (cửa hàng, nhà kho hoặc trung tâm điều phối) ở cùng địa phương với người mua.

Trong thời công nghệ, các công ty càng dễ lợi dụng điều luật này hơn khi có thể mở nhiều trung tâm dữ liệu, kho hàng ở nhiều nơi khác nhau, đặc biệt ở những nơi không thu hoặc đánh thuế thấp.

Tuy nhiên, việc Amazon đồng ý thu thuế từ người dùng lại là động thái có thể xem là tự nguyện từ phía họ.

Theo AP ngày 29-1, Amazon đã “có thay đổi bất ngờ trong chính sách thuế” khi liên tục mở rộng danh sách các bang đánh thuế người dùng, từ vài bang lên đến gần 40 bang như hiện nay, song lại từ chối bình luận về thay đổi này.

Dẫu sao thì gã khổng lồ bán lẻ cũng làm chính quyền nhiều bang vui mừng vì ngân sách đỡ thêm một phần thiếu hụt. Chỉ riêng ở bang Mississippi, số tiền thất thu thuế năm 2016 đã lên đến 122,7 triệu USD, trong đó khoảng 56,4-67,8 triệu USD là từ giao dịch thực hiện qua Internet, theo nghiên cứu của trung tâm University Research Center.

Còn với các nước đang phát triển thì sao? Ngày 29-1, trang Business Daily Africa dẫn câu chuyện của Kenya, nơi cơ quan thuế hoàn toàn chưa sẵn sàng cho thử thách đánh thuế những “tay chơi công nghệ” trong nền kinh tế số.

Business Daily Africa cho biết cơ quan ngân sách Kenya vốn đang phải chật vật mới thu đủ thuế từ chủ bất động sản - những người có tài sản hữu hình, thành ra dễ hình dung họ còn phải khốn đốn thế nào khi tìm cách đánh thuế từ sản phẩm vô hình trên Internet.

“Những công ty công nghệ (như Uber) đó thậm chí không tồn tại về mặt vật lý ở Kenya, chứ đừng nói đến chuyện có pháp nhân” - tác giả Johnson Mutuku viết.

Thực tế Mutuku từng hỏi một quan chức ngành thuế Kenya làm thế nào để đánh thuế công ty công nghệ. “Vị quan chức này thật thà đến mức trả lời rằng trước mắt họ chỉ tập trung vào những thứ có thể thấy được bằng mắt thường, rồi hẵng kể đến nền kinh tế số” - tác giả kể.

“Ông ấy không thể hiểu rằng chỉ trong hai năm nữa, ngành taxi sẽ được kiểm soát bởi một công ty công nghệ mà ông ta không thể thấy được (bằng mắt) - Mutuku viết - Ông ta chỉ chăm chăm nhắm đến tài xế lái những chiếc taxi màu vàng ngoài kia, những người mà thực ra đang bị quét khỏi cuộc chơi bởi những công ty ứng dụng đặt xe (như Uber)”.

Đúc kết của tác giả về Kenya, nếu vận dụng vào nhiều quốc gia khác vốn cũng đang là thị trường béo bở của những Amazon hay Uber, có vẻ như vẫn giữ nguyên giá trị. Trong khi đó, những quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của việc buộc doanh nghiệp thuộc “ngành kinh tế chia sẻ” phải đóng thuế, như Việt Nam, lại loay hoay chưa tìm thấy lối ra khả dĩ.

Thay đổi từ Na Uy

Trang mạng The Next Web ngày 15-2 nhận định “phần lớn chính phủ các nước vẫn chưa tìm ra cách để quản lý các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế chia sẻ”, song nhấn mạnh Na Uy đang là một ngoại lệ đáng chú ý.

The Next Web khẳng định quốc gia Bắc Âu này đã nhận trách nhiệm tiên phong “tìm ra giải pháp làm sao vẫn tận dụng được sự linh hoạt của mô hình kinh doanh mới này, song vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn truyền thống về lao động và chất lượng”.

Trung tuần tháng 2, Chính phủ Na Uy thành lập một ủy ban nghiên cứu cách để tạo điều kiện cho nền kinh tế chia sẻ phát triển thông qua thuế khóa và bãi bỏ các quy định không còn phù hợp.

Một trong những bước cần làm đầu tiên là thay đổi tư cách pháp nhân của tài xế Uber, để họ cũng được pháp luật nhìn nhận tương tự như tài xế taxi truyền thống, từ đó tiến tới việc đưa khuôn khổ các chính sách thuế, theo tờ báo Aftenposten của Na Uy.

Từ bước đầu tiên này, ủy ban nói trên kỳ vọng có thể “tận dụng tiềm năng của các mô hình kinh doanh mới để tăng sức cạnh tranh của thị trường taxi, bởi điều này rốt cuộc sẽ làm lợi cho người tiêu dùng”.

Tương tự, với Airbnb, ủy ban nhìn nhận cho phép dịch vụ này hoạt động sẽ thúc đẩy thị trường cho thuê phòng phải tự giảm giá để cạnh tranh, và một lần nữa, người dùng lại có lợi.

London và Amsterdam từng đặt ra giới hạn một người không được cho thuê nhà qua Airbnb quá 60 ngày/năm, song Na Uy không chọn lối tiếp cận này mà đề xuất đơn giản hóa thủ tục thuế để người cho thuê nhà cảm thấy thoải mái khi kê khai nguồn thu từ Airbnb và sẵn sàng nộp thuế.

Các đề xuất nói trên nhận được cả ủng hộ lẫn phản đối từ các cơ quan liên quan tại Na Uy, và cũng cần thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả. Song, dù muốn hay không, chính phủ các nước đều phải đối mặt với các thách thức của nền kinh tế chia sẻ. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận