Cách mạng giao thương mới chỉ bắt đầu

LƯU VĨ LÂN 27/01/2014 21:01 GMT+7

TTCT - Năm rồi tôi đi Úc. Khi đến lãnh sự Úc làm visa, người ta báo: “Ông được cấp visa rồi”, xong trả lại cái passport... trống trơn với lời nhắn: nước Úc bắt đầu áp dụng visa điện tử, cứ thế mà lên đường!

Phóng to
Minh họa: Đức Trí

Đó là chuyện cái visa điện tử. Nhớ thời cấm vận đầu những năm 1990, Việt kiều ở Mỹ phải qua Mexico đến sứ quán Việt Nam lấy visa để về thăm nhà, hay bay qua Bangkok chờ nhận visa để về nước. Trong nước muốn đi ra ngoài phải ra tận Hà Nội chờ được sứ quán các nước dán cái visa rồi mới mua được vé máy bay mà đi, chứ đâu phải như chuyến đi Úc vừa rồi...

Cũng vậy, đi Thái về, ở sân bay Bangkok chờ lên máy bay thấy cuốn sách về Jerusalem hay quá nhưng trong túi thì sạch trơn tiền đành bấm bụng quay đi, lên máy bay rồi mới nhớ là mình có cái thẻ tín dụng visa mà quên khuấy. Thế mới biết mình vẫn là dân dùng tiền mặt, không quen rút thẻ tiêu dùng.

Về nước, quyết tâm dùng công cụ... ảo này cho thành thạo, bắt đầu từ “giao thương” trên sách điện tử Kindle Fire của Amazon. Hôm mua cuốn sách đầu tiên là một trải nghiệm kỳ diệu về giao thương điện tử: mở Kindle ra chọn sách, bấm số thẻ, bấm mua, lập tức sách bắt đầu “loading”, một phút sau cuốn sách mới đã nằm trong máy Kindle, chưa kịp đọc đã thấy điện thoại di động nhắn tin: “Ông vừa thanh toán cho Amazon 20 đôla tiền mua sách”.

Trời đất, chỉ trong vòng vài phút có một vòng giao thương toàn cầu đã hoàn tất: lệnh mua từ mình đến Amazon, báo thanh toán cho visa, từ visa chuyển lệnh trừ qua Ngân hàng ACB (nơi mình có tài khoản) và ACB nhắn tin hoàn tất cho mình...

Cũng thế, nhớ hồi “thế kỷ” trước đến châu Âu được Hãng xe BMW mời đi thử chiếc serie 7 mới toanh lúc ấy, lên xe có màn hình định vị dẫn đường như một thứ đồ chơi xa xỉ chỉ dân thứ thiệt mới dùng. Nay qua Úc, ai cũng phải dùng chiếc máy Tomtom rẻ rề và đơn giản.

Lên xe gắn Tomtom vào, nhập con đường muốn đến, thế là “chàng Tom” này “giao lưu” với mạng định vị toàn cầu và bắt đầu... nói: “Đi thẳng, quẹo phải, đi thêm ba ngã tư, còn cách 50m...”. Thành phố ở đây mênh mông quá, không ai nắm nổi đường phố ngõ ngách, nên thiếu “chàng Tom” là hỏng việc ngay. Và Tom ta không còn là thứ xa xỉ như xưa hay đồ chơi trong App định vị của iPhone 4 nữa, Tom là bạn của anh taxi, người giao hàng, bà nội trợ...

Cuối cùng, dù là “người của muôn năm cũ”, thích offline hơn online, thích cái thật hơn thế giới ảo, tôi cũng phải nhìn nhận rằng chuyện thật - ảo là khó lường. Ngày cuối cùng của năm 2012, tần ngần cầm số báo “goodbye” của tờ Newsweek - một tờ báo không những nổi danh với người đọc mà còn là “thầy” của rất nhiều thế hệ làm báo Việt Nam về phát hiện đề tài, về lay-out, về sáng tạo - đó là số báo chia tay thế giới thật để chỉ tồn tại trong... thế giới ảo.

Dù không thích nhưng vì... thương nên tôi vẫn đeo theo Newsweek bằng cách đặt mua thử phiên bản “ảo” của báo trên Kindle và thế là hằng tuần, cứ đến thứ sáu, mở máy ra đã thấy Newsweek chờ sẵn trên máy, tất cả được lưu trữ trên “đám mây” của Amazon và cứ đầu tháng visa lại báo: “Vừa thanh toán cho ông 2,99 đôla tiền mua Newsweek”! Vâng, chỉ tốn 60.000 đồng để có năm tờ báo, số tiền chỉ đủ mua một phiên bản thật của Newsweek trước kia!

Cũng ở Melbourne được biết thêm về Internet Of Everything (gọi tắt là IoE). Khác với Internet hiện nay chỉ mới là “giao thương về ý tưởng”, còn IoE sắp tới sẽ là “giao thương của mọi việc”, kể cả “sự vật thật”.

Chẳng hạn, anh chàng Amazon vốn bán và giao qua Internet các loại hàng có thể số hóa được như sách, thì nay bắt đầu thử nghiệm giao hàng thật đến tận cửa nhà bạn thông qua các “vật thể bay” (drone-robot) chuyên dụng, nhỏ gọn, được lập trình tự động để giao sản phẩm tận nhà khách hàng.

Thế đấy, năm 2014 sẽ tiếp tục là một năm... “mới” theo nghĩa mọi việc đều đổi mới chuyển hóa khôn lường. May quá, thế thì cuộc sống sẽ tiếp tục cho ta thêm nhiều niềm vui mới, không cũ kỹ, chán chường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận