Cái đẹp nam tính và quyền lực ngôi sao

MINH THI 11/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - Không chỉ nữ giới mới được coi là “phái đẹp”, mà đàn ông cũng là đối tượng để nhìn ngắm. Yếu tố đặc trưng này của K-drama giúp thỏa mãn khao khát giới tính sâu kín của người xem.

MH
 

 

Trong phim ảnh truyền thống ở phương Đông lẫn phương Tây, cái nhìn (the gaze) thường được xác định với chủ thể là người nam còn “đối tượng” (object) là người nữ. Chính vì thế, phim ảnh truyền thống thường hướng sự chú ý vào cơ thể phụ nữ.

Người xem đã quá quen thuộc với các cảnh quay khoe những cái eo gọn gàng, những bầu ngực nở nang, hay làn mi cong, mái tóc xõa của người phụ nữ. Nếu như trước đây phim ảnh có mô tả ngoại hình của người đàn ông đi nữa, thì phần lớn chúng chỉ khắc họa vẻ ngoài của đàn ông như một cách để tôn lên vai trò và quyền lực của họ (ví dụ như chiều cao và thể lực vượt trội để cho thấy khả năng bảo vệ hoặc áp chế người nữ).

Thời nay, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông quốc tế bắt đầu chuyển hướng “cái nhìn” sang vẻ đẹp của người đàn ông. Và phim truyền hình Hàn Quốc (K-drama) nắm bắt thời cơ này đúng lúc. Trong các K-drama, ta dễ dàng bắt gặp những cảnh quay cận cảnh người đàn ông mang đậm tính “erotic” (gợi tình), như cảnh nam giới ở trần, khoe bờ vai vạm vỡ và cơ bụng sáu múi dưới vòi sen nhà tắm, hay cận cảnh đường nét gương mặt sắc sảo và làn da mịn màng của họ.

Lối khắc họa ấy thể hiện một cái nhìn mới: không chỉ nữ giới mới được coi là “phái đẹp”, mà đàn ông cũng là đối tượng để nhìn ngắm. Yếu tố đặc trưng này của K-drama giúp thỏa mãn khao khát giới tính sâu kín của người xem.

Khao khát ấy không chỉ có ở khán giả nữ, mà còn có ở khán giả nam. Nếu như người nữ ngắm nhìn “trai đẹp” trên phim để tha hồ nuôi mộng về người tình tưởng tượng, thì người nam có cơ hội thử nghiệm, ướm mình vào một bản ngã mới: đây là cách để họ khám phá và nuôi dưỡng nữ tính trong mình nhờ thế giới tưởng tượng (fantasy) mà K-drama đem tới, dù họ có bộc lộ điều đó trong cuộc sống thường ngày hay không.

Quyền lực của ngôi sao

Sức hút của “nam tính mềm” Hàn Quốc mạnh mẽ đến vậy còn là vì nó đến đúng thời điểm. Làn sóng Hàn Quốc thổi vào Việt Nam từ thập niên 1990, nhưng phải đến cuối thập niên 2000, nam tính mềm mới bắt đầu trở thành một trào lưu.

Đây chính là thời điểm kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh và chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ với sự xuất hiện của hàng loạt các tạp chí thời trang khuyến khích tiêu thụ (ban đầu phần lớn dành cho nữ giới, sau đó có thêm những ấn phẩm cho nam giới).

Cùng với đó là những phòng tập gym mọc lên như nấm và trào lưu selfie, khoe cơ thể trên mạng xã hội mười năm trở lại đây. Hiện đại hóa đi cùng với nhu cầu tiêu dùng cá nhân ngày một lớn và sự tò mò đối với các nền văn hóa hiện đại hơn, khiến cho khán giả bị cuốn theo sức hút của “nam tính mềm” Hàn Quốc.

Đương nhiên, trong cùng thời gian, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi hình ảnh nam tính từ phương Tây, với những hình tượng được đông đảo khán giả yêu thích như cầu thủ David Beckham, Cristiano Ronaldo, tay vợt Roger Federer, hay các diễn viên Leonardo DiCaprio, Tom Cruise, Brad Pitt, Hugh Jackman...

Thế nhưng, hình ảnh nam giới Hàn Quốc dù sao vẫn có gì đó gần gũi với người Việt Nam hơn vì cùng thuộc chủng tộc Á châu da vàng, với những đặc thù văn hóa tương đồng rõ rệt, chẳng hạn như những bước chuyển tương đồng trong phong trào bình đẳng giới, quan điểm xã hội về vai trò của nam giới...

“Nam tính mềm” hiện đại gắn liền với những cái tên diễn viên như Song Joong Ki, Lee Jong Suk, Kim So Hyun, Ji Chang Wook, hay Park Bo Geum: đều là những hình ảnh đàn ông cao ráo, cường tráng nhưng đồng thời lại có nét dịu dàng, ngây thơ, đáng yêu của nữ giới. Điều đó tạo nên cảm giác vừa thân quen, vừa mới mẻ với người xem.

Sức hút của “nam tính mềm” đi liền với chủ nghĩa tiêu dùng. Những nhân vật này, ngoài ngoại hình hấp dẫn và cử chỉ tinh tế, ngọt ngào với phái nữ, phần lớn còn được bao phủ bởi hào quang của quyền lực và sự giàu sang.

Trong K-drama, các nhân vật ấy thường có sự nghiệp rạng rỡ, hoặc tài sản kếch xù. Thậm chí nếu chỉ là viên chức bình thường thì họ cũng luôn khoác trên mình những bộ cánh sành điệu và chẳng bao giờ thiếu thốn tiền bạc. Học giả Ellis Cashmore viết “người nổi tiếng tồn tại là để khiến chúng ta không ngừng mua hàng”, và họ chính là những “quảng cáo di động” (2006, trang 13). Nhiều khán giả Việt Nam cũng bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng khi xem những hình ảnh đó.

Đâu là biểu tượng Nam tính việt?

Trong những năm gần đây, văn hóa đô thị Việt Nam đang chứng kiến một cuộc “khủng hoảng nam tính” hiển hiện. Truyền thông Việt Nam không ngừng tung hô hình ảnh các “soái ca” đến từ phim ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, hay Hollywood. Số lượng các cuộc hôn phối giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông ngoại quốc chỉ có tăng chứ không giảm. Cùng với đó là những cuộc tranh luận không có hồi kết về nam tính Việt, mà chủ đề đa số xoay quanh tính gia trưởng của đàn ông Việt hay so sánh đàn ông tây và đàn ông ta.

Ngay cả văn hóa đại chúng nước nhà cũng cho thấy sự thiếu vắng các biểu tượng nam tính (masculinity icon). Theo nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm, nền giải trí Việt thường chứng kiến tình trạng “âm thịnh dương suy”.

Những bộ phim ăn khách trên màn ảnh rộng Việt như Scandal, Cô dâu đại chiến, Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn, Tháng năm rực rỡ là những bộ phim “nữ tính” trong đó nhân vật nữ đóng vai trò áp đảo.

Trong khi đó, các đấng nam nhi trên phim Việt lại thường được mô tả như các anh chàng lăng nhăng, yếu đuối, dễ bị dắt mũi, hoặc đơn giản là thiếu cá tính mạnh để tạo thành trào lưu. Phải chăng vì thế, khán giả Việt trở nên say mê những biểu tượng nam tính ngoại quốc, như một sự thay thế?

Có thể là sự liên hệ cảm tính, nhưng người viết cho rằng sự thiếu vắng nam tính ấy phần nào lý giải “cơn sốt U-23” trong nữ giới Việt thời gian vừa qua. Không bàn đến thể thao, phải chăng sự say mê cuồng nhiệt của khán giả nữ với các cầu thủ trẻ trong giải đấu U-23 châu Á là một biểu hiện của “cơn khát” nam tính đã từ lâu chưa được “giải tỏa”? Vì dường như, đã quá lâu rồi người ta mới thấy những hình ảnh nam tính quyến rũ mãnh liệt đến thế ở đàn ông Việt.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận